Đổi mới hay chết mòn?

Thứ tư - 04/08/2010 12:40 3.678 0

Các nhà văn kỳ vọng gì ở Đại hội tới.

Các nhà văn kỳ vọng gì ở Đại hội tới.
Danh hiệu nhà văn, trong sâu thẳm đánh giá của mọi người, vẫn là cao quý, sang trọng. Số lượng đơn xin vào Hội mỗi năm luôn ở mức 500, thường chỉ 1/20 số này được kết nạp. Số đơn rớt lại gấp thếp chờ năm sau.

Chiếm tỷ lệ áp đảo trong số này là những người về hưu, có phải vì thế mà Hội NVVN có 70% Hội viên (HV) trên tuổi hưu trí?

Nhìn vào tác phẩm là biết tài năng, độ yêu nghề của tác giả. Sách ra ào ạt, chất lượng không cao, nhiều cuốn lộ rõ sự cẩu thả, lười lao động của tác giả. Có người cố ra hai đầu sách, kiếm một giải nào đó, có 2 nhà văn hội viên viết giới thiệu. Thế là xong. Vào Hội rồi, không thấy tác phẩm đâu. Kệ.

Trách nhiệm này không chỉ ở BCH, mà cả ở những người viết giới thiệu. Khá đông nhà văn cả nể người nhờ, thôi thì mình không mất gì, kí một chữ cho người ta vui. Nhà văn đem uy tín giới thiệu, BCH lại nể nhà văn.

Do sức khỏe nhà văn Nguyễn Quang Lập đã vào sống TPHCM 4 tháng, cho biết: "Đại hội VII họp tại Hội trường Ba Đình, tôi bỏ không phải bận, cố ý. Giờ số HV đông gấp đôi ĐH IV (1990) mà văn chương kém. Ngày xưa, tôi rất phấn khởi, anh em háo hức được gặp nhau. Bây giờ đừng bàn nhiều nữa, vấn đề cốt yếu là tác phẩm. BCH phải đổi mới, phải giúp đỡ động viên anh em, cần những người có tấm lòng. ĐH VIII tôi không ra HN. Chán, không muốn đi. Nhớ bạn bè thì còn nhiều dịp".

Vậy ai háo hức? Những người trẻ không có thần tượng, chỉ ngưỡng mộ. Những người già thích các trại sáng tác như cơ hội an dưỡng và dịp hội hè để hồi ức kỷ niệm, điểm tên người còn - mất.

Lứa trung niên xem ra nhiều cám dỗ hơn cả. Họ là xương sống của nền văn học đương đại, nhưng chưa giữ những vị trí chủ chốt, những vai chính của bộ phim, vì không được trao bánh lái.

PGS, TS nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp nhìn nhận: "BCH khoá tới phải đem đến luồng gió mới. Hội nhà văn định kết nạp "Mạnh Thường Quân" làm HV danh dự, xem ra Hội đang thị trường hoá. Tôi chờ đợi một BCH duy tân, ủng hộ những giá trị nghệ thuật đích thực, quan tâm đến sáng tác của các nhà văn trẻ".

Nhìn vào 2 Hội nghề nghiệp (Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Điện ảnh) đại hội trước Hội nhà văn, họ đã tin cậy giao trách nhiệm cho những người trẻ, lần đầu vào BCH.

Nhà văn Trần Kỳ Trung vừa dự ĐH Điện ảnh về, so sánh: "ĐH Điện ảnh không khí vui, chan hoà, không ai nói xấu ai, lớp trẻ được tạo điều kiện. Tôi ước mơ ĐH nhà văn được như thế, để tôi có thể tôn sùng, kính trọng".

TS Nguyễn Thị Minh Thái, thành viên Hội đồng (HĐ) lý luận phê bình thẳng thắn: "Các HĐ chấm giải hiện nay hoạt động rời rạc, chả liên quan gì đến nhau. Ý kiến của thành viên các HĐ chuyên môn gần như không được tôn trọng.

Tác giả Ký ức vụn, như "vụn" niềm tin: "Tình trạng bát nháo sách dịch, sách văn học, mất uy tín, giả độc giả, do Hội thả nổi".

Hội nhà văn, đâu chỉ 921 tác giả tự chịu trách nhiệm về mình, về tên tuổi mình, mà trọng trách ở những người đại diện họ.

Nhà văn Cao Hành Kiện (Nobel 2000) với tiểu thuyết Linh Sơn từng nói, vì yêu nhớ quê hương, hơn 20 năm tha hương ở Pháp, ông đã coi Vũ Di - ngọn núi quê mình là cao nhất. Nhưng rồi, ông nhận ra ngọn núi cao nhất ở trong lòng mình, vượt được ngọn núi ấy mới khó.

Lẽ ra BCH phải đổi mới ngay từ ĐH VI, nhiệm kì bắt đầu TK 21, chứ không phải tới khi bị hối thúc bức bách của tất cả các cây bút chân chính và công chúng, mới loay hoay bàn đổi mới!

Có phải các vị lãnh đạo Hội chưa vượt và chính mỗi nhà văn không vượt nổi ngọn núi trì trệ, thói quen cố hữu, không vượt nổi những toan tính, quan hệ bè cánh ngoài văn chương, tới khi hoảng hốt nhận ra, thì thời gian không chờ ai nữa? Thời gian là thứ duy nhất không thể vay! Người nghệ sĩ chỉ có thể kéo dài thời gian sống của tên tuổi mình sau khi chết, bằng tác phẩm.

Đặt hy vọng vào ai?

Các bậc cao tuổi nhất Hội: GS Đặng Vũ Khiêu (1916), nhà văn Tô Hoài (1920), nhà thơ Nguyễn Viết Lãm (1919) luôn là những cây cao bóng cả, cùng những nhà văn lão thành khác đầy kinh nghiệm và làm nên truyền thống của Hội nhà văn VN sau 53 năm hoạt động.

Khi sắp tham gia đại cảnh của bộ phim Văn chương VN đương đại, các nhà văn, nhà yêu nghề chân thành, đều quyết liệt muốn đổi mới.

Nhiệm kỳ 7 đã kết nạp 15 nhà phê bình, nhưng lực lượng cây bút phê bình không làm hết chức năng. Người năng nổ, thông hiểu như Phạm Xuân Nguyên lại không vào Hội. Ông nói: "Các hội đoàn là vui vẻ, hợp và thích thì tôi vào. ĐH sắp tới, tôi quan tâm từ góc nhìn của nhà phê bình, ngày vui thì có, ngày hội thì không".

Một lo lắng tưởng vô lý, là nhiều hội viên (HV) không tin những người xuất sắc nhất sẽ trúng cử vì phân tán phiếu, do nhiều lẽ. Nhà văn Trần Thuỳ Linh - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim TH Đài THVN cho biết: "Đi dự Hội nghị những người viết trẻ từ 1985, tôi không viết văn theo việc cầm thẻ, mà là ý thức tự thân. Tôi không hy vọng để không thất vọng".

Tác giả Tàn đen đốm đỏ, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, hướng vào đại cảnh ĐH bằng đòi hỏi: "Những ai là nhà văn, nhà thơ, hãy tự đánh giá lại mình. Hãy nhìn vị thế hiện tại và tác phẩm của những người tiêu biểu thế hệ 50 nổi trội, sòng phẳng với họ. BCH gồm những người có chuyên môn cao, sẽ có kỹ năng điều hành tốt".

Tốc độ, trẻ hóa là xu hướng thời đại toàn cầu. Trong khi đó, Hội lại giữ tình trong lão hóa hơi bất thường. Hội nhà văn đang có nguy cơ thành "Hội bảo thọ" thực sự nếu không quan tâm đến những cây bút trẻ.

Thực sự, trẻ - già không phải ở tuổi tác, mà ở tư duy. Có người trẻ mà chậm, cũ, bướng, ông, bà cụ non và có những người đã già thật trẻ. Sinh thời, nhà văn Kim Lân (1921 - 2007) rất hóm, 84 tuổi ông vẫn đọc thơ tình của tôi và có bài nào tâm đắc lại gọi điện khen. Đâu phải người già nào cũng có "đô" trẻ như "lão Hạc"!

Dù hiện thực ngặt nghèo, về HN họp tại hội trường Học viện hành chính quốc gia HN, các nhà văn vẫn theo niềm tin về ánh sáng mới, sinh lực mới thời đại mới cho văn chương Việt Nam.

Người tạo nên Cơ hội của Chúa, nhà văn Nguyễn Việt Hà quyết liệt: "Cơ hội đầu tiên và cuối cùng là cơ hội của những tài năng mới".

Cơ hội không phải do Chúa định. Cơ hội do chính các nhà văn kiên định và dứt khoát lựa chọn, định đoạt.

Tác giả: Vi Thùy Linh

Nguồn tin: Tiền Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây