Không thèm biết

Thứ tư - 04/08/2010 11:08 3.681 0

Nhà thơ Lê Anh Hoài

Nhà thơ Lê Anh Hoài
Việc bầu Ban Chấp Hành(BCH) Hội Nhà văn VN luôn ồn ào, trở thành chuyện đàm tiếu không chỉ trong giới.

Mà vì cái gì? Kỳ nào cũng chuyện nhân sự, ai đề cử, ai ứng cử, ngay từ Đại hội cấp khu vực. Tổ chức Đại hội qua nhiều cấp như thế ngỡ là công phu, chặt chẽ, tập trung, nhưng không phải. Trong khoảng 20 năm nay, thành viên BCH Hội Nhà văn chưa khóa nào bầu được quá 9 người, luôn ít hơn số lượng cần thiết.

Ngay khóa trước (Đại hội VII, 4-2005) việc bầu cử cũng hết sức vất vả. Vòng bầu đầu tiên chỉ có 4 nhà văn (có số phiếu tín nhiệm quá bán) được bầu vào BCH. Do quy chế đặt ra phải bầu được 15 ủy viên, nên đại hội bầu thêm vòng hai để chọn thêm 9 người. Nhưng, cũng chỉ chọn thêm được hai nhà văn nữa có số phiếu quá bán.

Chỉ được bầu có hai vòng, nên Ban Chấp hành chỉ vẻn vẹn 6 (đạt 40% chỉ tiêu). Có nhà văn chán nản, oang oang: Có cho bầu thêm mười vòng nữa cũng chẳng được ai! Xem thế mới biết, để được ngồi một ghế trong ban lãnh đạo Hội Nhà văn không hề dễ.

Năm nay, số lượng thành viên BCH lại cần 15, nhưng danh sách đề cử và ứng cử hiện nay đã lên đến hơn 300 người (gấp 20 lần!). Thể hiện tầm nhìn, chương trình đại hội dành thêm một ngày để bỏ phiếu lần hai nếu số lượng ủy viên BCH bầu lần một không đủ. Nhiều người thạo việc nói, chữ nếu ấy có thể bỏ mà không cần phải băn khoăn gì.

Vì sao nhỉ? Văn nhân ít khi phục nhau? Thì đã đành. Nhưng nếu chỉ là vì ít phục, thì danh sách đề cử phải ít ỏi, loe hoe chứ? Đằng này, cứ có ba văn nhân thì lại có một ứng viên (tính gọn: 300/900). Dựa trên con số này, thì lại phải kết luận văn nhân nước nhà khá ư thoải mái dễ dãi trong việc lựa chọn người lãnh đạo mình.

Hóa ra, nguyên nhân thật giản dị: Ít biết đến nhau. Tình trạng này đã được nhiều người nhắc đến. Ít biết vì công tác giới thiệu, phê bình có vấn đề; ít biết vì xuất bản tràn lan, chẳng ai có sức mà đọc hết các sáng tác của đồng nghiệp; ít biết vì… không thèm biết; ít biết vì không có gì để biết.

Lý do không thèm biết khá phổ biến, thậm chí báo chí không ít lần đã ghi nhận các phát biểu của nhiều nhà văn tên tuổi, họ nói đầy tự hào: tôi chỉ đọc các nhà văn nước ngoài. Sách của tác giả trong nước, biếu tận tay cũng không đọc.

Và lý do cuối cùng mới đáng quan ngại, theo một nhà phê bình hay gây sự nhưng khá uy tín, 2/3 Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam lâu nay không viết cái gì ra hồn cả. Thế thì tình trạng bất tri này cũng nan giải lắm thay.

Khẩu hiệu của đại hội nhà văn lần này là “Đoàn kết, dân chủ, xây dựng, sáng tạo”, kêu gọi đoàn kết rất sát thực tế, nếu như nghĩ đến cái sự xa cách, không biết đến nhau ấy.

Không (thể/thèm) biết đến nhau. Thế thì những mục tiêu còn lại mà câu khẩu hiệu đặt ra còn xa vời lắm.

Tác giả: Lê Anh Hoài

Nguồn tin: Tiền Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây