Ngàn năm thương nhớ

Thứ hai - 11/10/2010 08:26
Ngàn năm thương nhớ
NXB Hội nhà văn vừa giới thiệu một tác phẩm đồ sộ của soạn giả, nhà thơ Gia Dũng với nhan đề Ngàn năm thương nhớ. Đây là tuyển tập các tác phẩm thơ tuyển chọn từ các bài thơ viết về Thăng Long - Hà Nội suốt hơn 1.000 năm qua. Với quy mô hơn 2.000 trang, nặng trên 3kg, tập hợp gần 1.000 bài thơ của hơn 900 tác giả xưa và nay, trong cũng như ngoài nước, sử dụng cả chữ quốc ngữ, chữ Nôm, chữ Hán, Ngàn năm thương nhớ đến giờ có thể xem là tuyển tập thơ có quy mô lớn nhất nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trên thực tế, đây là lần tái bản thứ 2 của tuyển tập thơ sau lần đầu xuất bản năm 2004. Lần tái bản nhằm chào mừng đại lễ tác phẩm đã có sự bổ sung và sửa chữa khá nhiều như thêm vào phần thơ chữ Hán, thay đổi một số bài ở phần thơ hiện đại, bổ sung một số tác phẩm ra đời trong khoảng thời gian từ 2004 đến đầu 2010.

Tuyển tập thơ chia làm 4 phần. Phần đầu có nhan đề “Thơ Thăng Long – Hà Nội cổ và cận đại” tập hợp các tác phẩm thơ từ giai đoạn 1010 đến 1900. Mở đầu bằng tác phẩm cổ văn Thiên Đô chiếu (Chiếu dời đô) của Vua Lý Công Uẩn và dừng lại ở tác phẩm Cảnh hồ Hoàn Kiếm của Hoàng Ngọc Phách.

Phần thứ hai mang chủ đề “Thơ hiện đại” tập hợp các bài thơ giai đoạn 1901 đến nay. Giống phần trên, phần này cũng bắt đầu không phải bằng một bài thơ mà là Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ chính thức mở đầu là bài Nguyên Tiêu cũng của Hồ Chủ tịch và dừng lại ở tác phẩm Hà Nội và tôi của nhà thơ Phạm Thu Yến. Phần ba của tác phẩm dành cho những tác phẩm khuyết danh tác giả, mở đầu và kết thúc bằng hai bài thơ về Hồ Tây: Hồ Tây giặt lụaChơi Hồ Tây nhớ bạn.

Phần cuối cùng khá đặc biệt, đây là phần dành riêng cho các tác phẩm thơ viết về Hà Nội của các nhà thơ trên khắp thế giới, với nhan đề “Vòng tay bè bạn”. Phần này bắt đầu với bài thơ Đêm Hà Nội của nhà thơ người Anh Danny Badger và kết thúc với bài Lại được ở giữa lòng Hà Nội của thi sĩ Mỹ J.Fosenbell.

Soạn giả, nhà thơ Gia Dũng quê gốc Thái Bình, những năm chiến tranh là bộ đội ở các chiến trường B, C. Nhà thơ nổi tiếng với bài thơ Bài ca Trường Sơn với các câu thơ sống mãi: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác…”, tác phẩm sau được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc và trở thành một trong những tác phẩm hay nhất viết về đường Trường Sơn.

Sau chiến tranh, bên cạnh việc làm thơ, ông còn sưu tầm, biên soạn các tuyển tập thơ và đến nay trong tay ông đã có hơn hai mươi tuyển tập thơ được xuất bản như Nguyễn Trãi - Hợp tuyển thơ (dày 1.600 trang), Văn chương Thái Bình mười thế kỷ (1.800 trang)…

Tác giả: Tân Tường

Nguồn tin: SGGP


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Bản quyền thuộc về @ Thơ Trẻ