Nhà văn Việt kiều - sự trở về và hội nhập

Thứ sáu - 22/10/2010 11:46 1.621 0
Hiện nay, ước tính có khoảng hơn 3 triệu người Việt đang sinh sống và làm việc tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp cho đất nước. Riêng việc trở về của các nhà văn Việt kiều đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

Một thời bế tắc

“Bế tắc” đó là từ nhận xét chung nhất về sáng tác văn chương của những nhà văn Việt kiều suốt một thời gian từ cuối năm 1990 cho đến tận gần đây. Sự bế tắc tồn tại ở hầu như mọi góc cạnh của quá trình sáng tác, từ nội dung đến điều kiện sống.

Về nội dung, sau phong trào sáng tác theo kiểu “kể lại” của những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, giới sáng tác chuyển qua “tự sự” về những khó khăn của cuộc sống mới nơi đất khách quê người… Thế nhưng, những đề tài kiểu như thế mất dần đi bạn đọc.

Nhà văn Lệ Hằng tại Úc cảm thán: “Số lượng người đọc văn chương tiếng Việt ngày càng ít đi. Các em lớn lên thì đọc tiếng Anh. Còn người lớn tuổi thì đâu có thời giờ đọc nhiều”.

Không những thế, các sáng tác cũng không còn bắt kịp biến đổi của các thế hệ người Việt trẻ ở hải ngoại. Nếu thế hệ trước gặp phải mâu thuẫn nặng nề khi rời xa quê hương, va chạm một nền văn hóa với những phong tục tập quán khác lạ, sự hòa đồng ở vùng đất mới gặp khó khăn, thì nay giới trẻ ngược lại, khi quay về quê hương lại trở thành người khách xa lạ với ngôn ngữ, phong cách giao tiếp nhiều khác biệt.

Về điều kiện sáng tác, nhiều người hay lầm tưởng rằng nhà văn Việt kiều có hoàn cảnh sáng tác hơn các nhà văn trong nước nhất là điều kiện vật chất. Tuy nhiên thực tế ngược lại, một nhà văn hải ngoại cho biết: “Viết lách ở hải ngoại không được xem là một nghề vì nó chẳng mang lại chút lợi tức nào, viết chỉ được xem là một trò giải trí phi lợi nhuận”.

Chính vì thế, để sống, các nhà văn phải làm rất nhiều nghề khác mà phần lớn đều cách xa nghiệp văn như bác sĩ, kỹ sư, kinh doanh, bảo hiểm, du lịch… Và cuối cùng, họ chỉ có thể viết vào những lúc rảnh rỗi nhất, viết để thỏa mãn nhu cầu viết chứ không quan tâm hay không thể quan tâm đến nhu cầu của bạn đọc. Kết quả các sáng tác của các nhà văn này ngày càng xa rời bạn đọc, lặng lẽ chìm trong dòng chảy cuộc sống của kiều bào.

Khơi dòng

Mở cửa hội nhập quốc tế của đất nước đã khơi cho các sáng tác văn học hải ngoại một dòng chảy mới. Các sáng tác bây giờ có đề tài phong phú với lượng bạn đọc lớn và đa dạng trong nước.

Các nhà văn Việt kiều nô nức giới thiệu những tác phẩm của mình đến với bạn đọc quê hương. Có thể kể như: Nguyễn Mộng Giác với Sông Côn mùa lũ, Nguyễn Văn Thọ có Vàng xưa, Quyên, Đào ở xứ người…

Nổi bật nhất hiện nay là nhà văn Việt kiều Pháp Linda Lê với hai tác phẩm mới được xuất bản trong nước là Vu khống Lại chơi với lửa. Linda Lê là một trong những nhà văn gốc Việt nổi tiếng nhất hiện nay tại Pháp với rất nhiều giải thưởng văn chương như giải thưởng Tài năng (năm 1990), giải Văn chương sáng tạo (năm 1993), giải Fénéon (năm 1997).

Năm 2007, tác phẩm Hồi tưởng của chị nhận được giải Prix Femina và cả giải nhất của giải Grand Prix do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng. Không chỉ xuất bản trong nước, Linda Lê còn vừa có chương trình giao lưu với bạn đọc Hà Nội, TPHCM về những vấn đề của sáng tác văn học hiện đại.

Một thời, người ta nhìn văn học hải ngoại với ánh mắt cảnh giác khi ở đó xuất hiện không ít những tác phẩm quái thai mạo nhận văn chương để chống phá Tổ quốc. Nhưng những thứ quái thai đó đã nhanh chóng bị đào thải khỏi đời sống văn hóa hải ngoại. Văn học hải ngoại đang dần hiện ra với những trang văn thơ day dứt nỗi nhớ quê cha đất tổ, nỗi đau xa xứ, ly hương, những vấn đề của cuộc sống người xa xứ…

Thực tế, với việc mở rộng vòng tay đón nhận những đứa con xa quê, văn học trong nước đang trông chờ các nhà văn xa quê hương đóng góp làm giàu thêm cho kho tàng văn học Việt Nam. 

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây