Nhà văn phía Nam viết truyện thiếu nhi khởi sắc hơn phía Bắc?

Thứ hai - 31/05/2010 15:54 1.718 0

Nhà văn phía Nam viết truyện thiếu nhi khởi sắc hơn phía Bắc?

Kết quả thu được từ Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi giữa Việt Nam và Đan Mạch thể hiện qua những giải thưởng thu được trong ba năm gần đây khiến độc giả không khỏi ngỡ ngàng khi thấy các nhà văn phía Nam viết khởi sắc, có nhiều tác phẩm đạt giải cao cho các em thiếu nhi hơn các nhà văn phía Bắc.
Ở lĩnh vực văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung không nên có sự phân định địa danh. Mọi giá trị văn học nghệ thuật đều được nhìn nhận trên văn bản tác phẩm chứ không mang yếu tố vùng miền.

Ba năm trở lại đây, một giải thưởng có tính chất “thường niên” của văn học thiếu nhi phải kể đến Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi giữa Việt Nam và Đan Mạch. Với kết quả thu được độc giả không khỏi ngỡ ngàng nhận ra các nhà văn phía Nam viết khởi sắc, có nhiều tác phẩm đạt giải cao cho các em thiếu nhi hơn các nhà văn phía Bắc. Lần trao giải đầu tiên với chủ đề “Tình bạn tuổi thơ” giải thưởng cao nhất đã thuộc về một cô gái trẻ - Phương Trinh của TP. Hồ Chí Minh cùng các tác giả phía Nam như Nguyễn Thái Hải, Duy Quế, Nguyễn Thị Bích Nga, Dương Ngọc Tú Quỳnh và Trần Quốc Toàn. Hai lần trao giải tiếp theo, ngoài một vài tác giả được giải của năm trước còn có sự xuất hiện của Lục Mạnh Cường, Thu Trân, Phạm Hoàng Giang, Trần Đức Tiến… Điều này đặt ra câu hỏi, có hay không sự tác động của môi trường sống cũng như giới hạn địa lý ảnh hưởng đến sáng tác văn học thiếu nhi?

Không kể đến các tác giả đạt giải thưởng của dự án văn học thiếu nhi ở trên, khi nhắc đến tên tuổi các nhà văn phía Nam độc giả sẽ kể đến: Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài Dương, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Quốc Toàn, Trần Mạnh Hảo…

Trừ nhà văn Tô Hoài với tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” được tái bản, dịch ra nhiều thứ tiếng vẫn sức hấp dẫn lôi cuốn đến ngày hôm nay, nhà văn còn dành nhiều tâm huyết viết cho thiếu nhi. Còn lại phần nhiều các nhà văn miền Bắc hiện nay chưa thật sự tạo được sự chú ý, họ coi văn học thiếu nhi chỉ là tay trái. Những tên tuổi như Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Định Hải, Phan Thị Thanh Nhàn… là âm vang thành công của thế hệ trước mà chưa có sự nối tiếp tương xứng. Hiện nay, nhà văn phía Bắc viết cho thiếu nhi phần lớn là tuổi đã cao, trong khi các cây bút trẻ lại không mặn mà với sáng tác thiếu nhi.

Việc một giải thưởng thiếu nhi với yêu cầu truyện ngắn và truyện tranh (Truyện ngắn không quá 5000 chữ) có giải thưởng cao nhất là 20 triệu đồng và thấp nhất là 7 triệu đồng có thể coi là khá hấp dẫn nếu so với nhiều cuộc thi văn học khác hiện nay. Thế nhưng ngay cả đơn vị tổ chức cuộc thi phải kêu gọi bản thảo tham dự, tác giả trúng giải thì phần nhiều là những gương mặt quen - hai, ba lần tham dự đều đạt giải. Phải chăng vì cuộc thi chưa thực sự hấp dẫn nhiều người cầm bút tham gia, nhất là các nhà văn phía Bắc? hoặc những tên tuổi được phát hiện trong cuộc thi chưa có “đối thủ” cạnh tranh?

Nguyên nhân của sự khác biệt

Trong cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Phương Liên về dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi đã và đang được triển khai, tôi đã đặt câu hỏi là vì sao các nhà văn phía Nam lại giành nhiều giải thưởng như vậy và ở đây có hay không sự tác động của yếu tố vùng miền?

Nhà văn Lê Phương Liên cho rằng: “Sở dĩ các nhà văn phía Nam mấy năm gần đây viết khởi sắc, đồng thời được giải cao ở các cuộc thi của NXB Kim Đồng là do phong trào sáng tác cho thiếu nhi khu vực phía Nam sôi động hơn ở phía Bắc. Ngoài Chi nhánh NXB Kim Đồng, còn có NXB Trẻ, các báo Mực Tím, Áo Trắng, Khăn quàng đỏ… các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương như Đồng Nai, An Giang, Bến Tre… đều có những hoạt động dành cho văn học thiếu nhi. Tất cả đó là một trong những điều kiện, nền tảng để có lực lượng sáng tác mạnh mẽ.

Một nguyên nhân nữa là, nhiều tác giả trong Nam có vốn ngoại ngữ tốt nên tiếp cận những tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài nhiều hơn tác giả phía Bắc và bắt nhịp với văn học thiếu nhi thế giới tốt hơn. Đó cũng là cơ sở để họ thay đổi cách nhìn nhận về văn học thiếu nhi hiện nay.

Theo tôi yếu tố địa lý cũng là một trong những lý do để các cây bút phía Nam toả sáng hơn. Bởi vì phong cách sống của người miền Nam phóng khoáng hơn, tươi vui hơn. Nhiều tác giả ở đồng bằng sông Cửu Long có cuộc sống gắn bó với thiên nhiên nên có những trang viết cho thiếu nhi miêu tả cuộc sống sông nước rất sống động, thú vị. Ở phía Bắc mấy năm qua có tác giả Phạm Hoàng Giang. Tác giả ở miền núi nên tâm hồn cũng như cách nhìn nhận cuộc sống hồn nhiên, trong sáng phù hợp với thiếu nhi.”

Có thể còn do quan niệm sáng tác của các nhà văn phía Bắc đã cũ và không theo kịp sự thay đổi của thiếu nhi hiện nay. Nhà văn Trần Kỳ Trung từng nhận xét về cách viết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là có nhiều đối thoại, và đây là điểm khác so với nhiều tác phẩm thiếu thi thời trước và của các nhà văn khác. Nếu cứ giữ quan điểm văn học dành cho thiếu nhi phải là những bài học đạo đức thì tác phẩm khó gần gũi với các em. Thực ra, một tác phẩm văn học thiếu nhi hay, trong sáng, có ý nghĩa thì tự bản thân nó đã hàm chứa những thông điệp, bài học cuộc sống mà tất cả chúng ta, kể cả người lớn, trẻ em vẫn tìm thấy.

Từ một dự án văn học thiếu nhi, khó có thể kết luận một cách chính xác rằng các cây bút phía Nam viết truyện thiếu nhi khởi sắc hơn phía Bắc, nhất là cuộc thi chỉ giới hạn ở phạm vi truyện ngắn và truyện tranh. Trong khi đó văn học thiếu nhi còn có cả thể loại thơ, tiểu thuyết. Nhưng cộng với hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh trong nhiều năm qua không khỏi khiến độc giả đặt câu hỏi.

“Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi sắp kết thúc giai đoạn 1 (2006-2010) và sẽ tiếp tục giai đoạn 2. Cùng với đó, NXB Kim Đồng sẽ phối hợp nhiều cơ quan khác để khai thác vốn bản thảo văn học thiếu nhi dưới nhiều hình thức tổ chức, không chỉ dừng lại ở cá cuộc thi. Và tôi luôn hy vọng các tác giả phía Bắc sẽ có bước đột phá, nhất là những cây bút Hà Nội” - đó là lời tâm sự cũng như mong muốn của nhà văn Lê Phương Liên.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây