Sự tiếp nối của thế hệ viết văn trẻ Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ năm - 26/05/2011 04:01 3.184 0

Nhà văn trẻ Trần Minh Hợp

Nhà văn trẻ Trần Minh Hợp
(Tham luận tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 3)

Hiện nay, trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì thế hệ 7X, nhất là thế hệ 8X được xem là đội ngũ lao động và sáng tạo chủ đạo, tiên phong nhất. Và đời sống văn học cũng nằm trong bối cảnh chung đó. Thực tế cho thấy, các cây bút 7X, 8X với sự đam mê, nỗ lực của bản thân cùng sự tiếp nối các thế hệ viết văn đi trước đang dần kiến tạo nên một diện mạo mới của nền văn học trẻ nước nhà.

Thành phố Hồ Chí Minh với điều kiện địa lý cũng như điều kiện xã hội là nơi có các hoạt động văn học, đặc biệt là hoạt động của văn học trẻ diễn ra khá sôi động. Bởi ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều yếu tố cần thiết cho sự phát triển của một người sáng tác trẻ như: Sự tập trung của số lượng lớn các tòa soạn báo, các nhà xuất bản, đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp đông đảo, thị trường tiêu thụ văn học rộng lớn, hoạt động giao lưu trao đổi chất lượng, bối cảnh sống phù hợp với xu hướng của các tác giả trẻ… Sự quy tụ nhiều cây bút trẻ từ các tỉnh thành về thành phố học tập, sinh sống cùng với lực lượng của chính thành phố đã tạo ra một đội ngũ sáng tác trẻ khá hùng hậu. Bên cạnh đó, các tác giả trẻ các tỉnh thành khác cũng hướng tới TP. HCM như một địa điểm hoạt động văn chương tiềm năng, đầy hứa hẹn…

Quy luật của sự phát triển là nét tất yếu của xã hội. Chính vì vậy, sự xuất hiện, phát triển của đội ngũ viết văn 8X và quá trình tiếp nối của đội ngũ này đối với các thế hệ trước là một quy luật hợp lý. Hiện thực cuộc sống diễn ra hàng ngày theo nhiều chiều hướng, xuất hiện thêm một thế hệ mới – thế hệ trẻ. Họ say mê sống, nhiệt huyết làm việc và họ cũng dấn thân vào thế giới văn chương như những thế hệ trước đã từng làm để thực hiện những hoài bảo và động cơ cá biệt của mình. Cuộc sống hiện đại, đa chiều, đa phương đã đặt giới trẻ trước những cơ hội nhưng cũng lắm nguy cơ lớn nên người trẻ luôn tìm cách “giải phóng” mình, tìm những niềm vui trong cuộc sống và khẳng định giá trị bản thân… Chính vì thế, họ tìm đến với văn chương như một cách. Văn học các thế hệ trước đã tạo dựng nền tảng cho văn học trẻ như một sự liền mạch của dòng chảy văn học Việt Nam. Những tác phẩm văn học của thế hệ viết 8X đã góp phần xây dựng nên diện mạo của nền văn học mới, phản ảnh một hiện thực xã hội mới nơi mà họ là những người sống thật sự nhất, điều mà các thế hệ viết trước không làm rõ nét được. Là những người trẻ trung, năng động, những cây viết 7X, 8X nắm bắt nhanh nhạy những xu hướng văn chương và đặc biệt là nhu cầu đang cần của thị trường văn chương. Họ phán đoán và sáng tác theo kiểu thích nghi tốt hơn những thế hệ viết trước. Sự thịnh hành và thành công của các tác giả của xu hướng văn học mạng là một ví dụ. Những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện đại, sự đa sắc màu của tình yêu, thậm chí là những vấn đề tế nhị, cấm kỵ như sex, vô đạo đức, lối sống bất cần… thì những cây viết 8X có phần “dạn tay” viết và ít đắn đo hơn các thế hệ trước. Đây là một lợi thế và cũng là bất lợi khi các cây bút trẻ không biết tiết chế làm cho các tác phẩm trở thành những tác phẩm “ăn xổi ở thì”, tác phẩm “thị trường”, ảnh hưởng tiêu cực đến nền văn học chung.

Trong hoạt động sáng tác, các cây bút thế hệ trước cũng như tác phẩm của họ đã tạo nên cảm hứng sáng tạo cho các tác giả 7X, 8X. Đọc các tác phẩm văn học của các thế hệ trước, những cây viết trẻ sẽ cảm thụ được sự phản ánh hiện thực đặc sắc, hình tượng đậm chất nghệ thuật, sự lôi cuốn của ngôn từ… để từ đó tự khuyến khích mình trải nghiệm và sáng tạo được những tác phẩm như vậy. Bên cạnh, là những người khơi nguồn cảm hứng thì các tác giả thế hệ trước còn là động lực để những cây bút trẻ tìm tòi, trải nghiệm và nghiêm túc phấn đấu trong nghiệp viết. Những người viết văn trẻ luôn mang trong mình nhiệt huyết và tâm thế cầu tiến như những bạn trẻ cùng thế hệ, điều này hé mở niềm tin cho xã hội tin vào những bước chuyển của đội ngũ sáng tác trẻ. Với ý thức viết văn nghiêm túc, một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ viết văn trẻ biết định hướng cho mình con đường văn chương đầy trách nhiệm và sẵn sàng dấn thân, trang bị cho mình những điều kiện cần thiết của một đội ngũ viết văn kế thừa. Đâu đó, có những người trẻ cật lực làm việc để có thể thỏa sức đam mê sáng tác, sống hết mình với những tác phẩm của mình. Họ có chỗ dựa của ngày trước chính là những thế hệ đi trước và niềm tin vào con đường văn chương tương lai.

Điều khiến các cây bút trẻ cảm thấy thú vị và an tâm trên con đường văn chương đó là sự gặp nhau của của thế hệ mình với thế hệ viết văn trước. Sự gặp gỡ giao lưu không chỉ dừng lại ở những tác phẩm, những trang viết mà sự gặp gỡ mang tính chất cá nhân giữa những thế hệ viết. Các nhà văn trẻ sẽ như được tiếp theo nhiệt huyết sáng tạo khi được các thế hệ viết trước chia sẻ, giúp đỡ. Một cây bút trẻ không thể trưởng thành khi chỉ biết ngồi vào bàn và gõ những phím chữ theo một lối mòn, thực tế là như vậy. Các nhà văn trẻ cần phải biết mình thiếu xót điều gì và cần làm điều gì sau khi mỗi sáng tác của mình xuất hiện. Từ đó có những tiết chế, chỉnh sửa phù hợp để hoàn thiện và nâng cao tay viết của mình. Không phải ai trong số những người viết trẻ đều được trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết về viết văn và khả năng tự đánh giá được tác phẩm của mình. Như bản thân tôi, không được đào tạo văn chương thuần túy, những kiến thức về nghề viết còn mơ hồ và nếu không có sự chỉ dẫn của những người viết đi trước thì tôi khó lòng mà viết được một truyện ngắn hay thậm chí là một tản văn trọn vẹn. Theo tôi, đam mê là yếu tố cần nhưng chưa đủ đối với một người sáng tác trẻ. Những người đứng ra giúp đỡ những người viết trẻ không ai ngoài những thế hệ viết văn thời trước. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi quy tụ nhiều thế hệ nhà văn nổi tiếng, có văn phong miền Nam đậm nét nên đây cũng là một lợi thế của các cây bút trẻ của thành phố. Các bạn sẽ có nhiều hơn các cơ hội được gặp gỡ và nhận được những đồng cảm, chia sẻ từ những thế hệ viết này.

Chính vì vậy, những thế hệ viết văn đi trước cần có nhiều hơn nữa những sáng tác tạo được cảm hứng, động lực cũng như có sự truyền đạt, phê bình văn chương và giúp đỡ cho đội ngũ viết văn trẻ của thành phố để tạo ra một thế hệ viết văn kế thừa có chất.

Trần Minh Hợp
Theo Website Hội Nhà văn TP.HCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây