Vài ghi nhận văn trẻ phía Bắc

Thứ ba - 19/07/2011 23:48 2.541 0

Vài ghi nhận văn trẻ phía Bắc

Chia tách văn học theo đề tài hay khu vực chỉ mang tính tương đối vì mọi chuẩn mực tác phẩm là nghệ thuật. Tuy nhiên, không thể phủ nhận yếu tố khu vực không ảnh hưởng đến sáng tác văn chương. Nhân sự kiện Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc sắp diễn ra, xin đưa ra vài ghi nhận chủ quan về văn trẻ phía Bắc.

Khu vực phía Bắc, trong đó tiêu biểu là Hà Nội (nơi có trụ sở Hội Nhà văn ViệtNam và Hội Nhà văn Hà Nội) được coi là trung tâm văn học của cả nước với nhiều hoạt động mang tính thường kỳ. Đây cũng là một trong những lý do khiến Văn học trẻ nhộn nhịp và dễ nhận ra bề nổi hơn so với các khu vực khác. Điều dễ nhận ra từ các hoạt động văn học như toạ đàm, hội thảo, giới thiệu sách… luôn nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của giới quan tâm và báo chí. Đây cũng là một trong điểm khác biệt để có thể nhìn nhận và đánh giá vị thế của văn học ở miền Bắc được đánh giá cao hơn các khu vực khác. Sự ảnh hưởng này cũng có tác động đến các cây bút trẻ phía Bắc, khiến họ có ý thức cao hơn. Thế nhưng, hầu hết các cơ quan tổ chức ở khu vực phía Bắc khi định giá bằng cách chi trả nhuận bút cho các tác phẩm văn chương lại rất thấp, thậm chí chênh lệch một cách khó tưởng tượng. Đây là điều khá nghịch lý đã và đang diễn ra trong văn học. Có chăng, chỉ giải thích là, hình như, với các cây bút trẻ phía Bắc họ sống chết với văn chương hơn hay nói cách khác là văn chương còn “thiêng” hơn!. Tuy nhiên, ở khía cạnh những người viết trẻ mới bước vào con đường văn chương thì họ có nét chung về sự tiếp cận văn học với nhu cầu thị trường, văn học truyền thống và sự pha trộn giữa truyền thống - hiện đại, hàn lâm - thị trường…

Với nhiều nhà văn thành danh thì khái niệm “Văn học thị trường” của các cây bút trẻ không và chưa bao giờ được đánh giá cao. Bởi khi đã coi là “văn học” thì không thể đứng cạnh chữ “thị trường”. Còn nếu nói “giải trí” thì cũng chưa thật chính xác, bởi không thể quy kết tất cả những ấn phẩm, những sản phẩm giải trí lại không chứa giá trị nghệ thuật. Đó chỉ đơn giản là một ấn phẩm được ra đời từ hệ quả của việc ra sách quá dễ dàng cùng với nhu cầu giải trí của độc giả, nhu cầu lợi nhuận của đơn vị làm sách và tác giả. Hoặc sang trọng hơn một chút là do “nhu cầu tự thân” của tác giả. Có ý kiến cho rằng nên gọi đó là ấn phẩm đại chúng.

Độc giả dễ dàng nhận ra những tác phẩm dạng này ở ngay tên sách của các tác giả như: Phải lấy người như anh, Thoát y dưới trăng… Dường như có một công thức chung ở dạng 3S cho dòng văn học theo nhu cầu thị trường là Sốc, Sến và Sex.

Trước nay, đầu “vào” cũng như đầu “ra” của văn học đáng kể nhất là ở đô thị. Văn học thị trường ra đời phần nào phản ánh một thực tế hai chiều, đó là nhu cầu của độc giả và cuộc sống đương đại. Văn chương không chỉ đơn thuần dừng lại ở khía cạnh nghệ thuật mà còn lấn sân sang cả giải trí. Không thể phủ nhận tất cả những cuốn sách được ra đời do nhu cầu thị trường hoàn toàn mang tính giải trí mà không có nghệ thuật, nhưng cái được công nhận là nghệ thuật còn quá ít, hoặc là sự ngắt quãng chỉ như vài đốm sáng trong một chỉnh thể. Và cái đốm sáng kia có thể toả sáng cho toàn bộ tác phẩm hay không thì phụ thuộc vào thời gian và tài năng của tác giả. Họ viết một cách thoải mái và đầy bản năng. Viết bản năng cộng với niềm hứng khởi đôi khi là chất xúc tác khiến tác phẩm hay một cách bất ngờ mà ngay chính tác giả cũng không nhận ra. Đến lúc ý thức được việc viết lách thì lại trầy trật, hoang mang, không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Đây là điều xảy ra khá nhiều với những cây bút trẻ và trở thành thử thách đầu tiên của họ. Nếu họ biết mình đang ở đâu và phải làm gì thì sẽ tiếp tục, còn không, sự hoang mang sẽ đẩy họ sang lĩnh vực khác nhanh chóng. Thế nên, quy kết nhiều tác giả trẻ coi văn chương là thứ trang sức để làm sang hơi khiên cưỡng nhưng không phải không có lý.

Vì sao các tác giả trẻ lại viết sách theo nhu cầu thị trường? Bởi nó dễ viết, dễ in, dễ kiếm tiền, dễ nổi tiếng, và dễ ảo tưởng. Sự hào nhoáng có nguy cơ làm thay đổi các giá trị là đề tài sinh động và hấp dẫn khiến các cây bút trẻ khai thác. Cũng cần phải nói thêm rằng, có những vấn đề được nảy sinh từ cuộc sống đương đại ở bộ phận những người trẻ tuổi là lợi thế, gần như là đề tài đặc quyền của các cây bút trẻ dù sến và sốc. Không biết giữa hai thế hệ có sự “thoả thuận ngầm” nào không mà các nhà văn trẻ, vốn được coi là ít vốn sống vẫn cứ viết dù tác phẩm bị chỉ trích nhiều còn các nhà văn lớn tuổi - nhiều vốn sống, nhiều kinh nghiệm, dù có phê phán cũng không “lấn sân”. Đã có tác giả trẻ đặt câu hỏi với các nhà văn lớn tuổi rằng, sao họ biết những điểm yếu của chúng tôi mà họ không viết để có kiệt tác cho văn học đương đại nhỉ? Thật khó tìm những kịch tính hiện đại của giới trẻ trong những tác phẩm của các nhà văn lớn tuổi, các nhà văn đã trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, mà nói như nhà văn Trần Văn Tuấn là vì họ sống bằng kí ức, viết bằng kí ức nhiều hơn, dù tất cả những gì đương đại không phải họ không thể tiếp cận và viết. Tất nhiên, không thể cho rằng: nói dễ hơn làm nhưng đó là một thực tế và mong muốn các nhà văn thành danh viết một tác phẩm vừa dung hoà yếu tố thị trường vừa có tính nghệ thuật liệu có là ảo tưởng của độc giả không nhỉ?

Có thể chưa thừa nhận và đánh giá cao văn học theo nhu cầu thị trường của giới chuyên môn, nhưng chúng ta vẫn phải sòng phẳng mà nói, sự ra đời của nó là tất yếu, có cơ sở và được một bộ phận chấp nhận. Đây cũng là điểm khác biệt so với thế hệ các nhà văn trẻ trước kia. Khi nói về văn học trẻ đương đại dù ở khu vực nào, dù còn nhiều tranh cãi thì không thể không nhắc tới văn học theo nhu cầu thị trường

Bên cạnh văn học theo nhu cầu thị trường, các cây bút trẻ ở khu vực phía Bắc vẫn còn thiên về chuẩn mực, truyền thống. Trong nhận xét ở hai khu vực văn lớn của cả nước, nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang và nhà thơ Trần Quang Quý khá đồng nhất ở nhận định là văn học phía bắc truyền thống hơn, ít phá cách, hàn lâm hơn so với các khu vực khác. Các nhóm văn chương trẻ, phá cách, được chú ý thường không thuộc phía Bắc. Các cây bút trẻ phía Bắc ít hoạt động theo nhóm, chủ yếu tự thân vận động. Quan sát ở lĩnh vực thơ thì thấy, nhiều cây bút phía bắc khi viết vẫn mặn mà với thơ lục bát, với những hình ảnh thân thuộc của làng quê, với hoài niệm, dù bên cạnh vẫn có tiếng nói của cái tôi cất lên đầy sốt sắng, mới mẻ. 

Tác phẩm ít phá cách và truyền thống thể hiện sự dè dặt của các cây bút phía Bắc. Vì dù ít nhiều họ cần một độ “an toàn” nhất định cho chặng đường đầu. Xuất phát từ sự coi trọng văn chương, sống chết với văn chương còn tồn tại trong quan niệm các cây bút phía Bắc nên họ biết tiết chế hơn. Các tác phẩm vì thế ít tạo thành hiện tượng nổi trội mà sàn sàn, đều đều.

Văn học trẻ khu vực phía Bắc nói riêng và văn học trẻ nói chung còn có đặc điểm là “không ổn định”. Không ổn định cách viết, cách thể hiện, đề tài, thể loại… điều này khác với ngộ nhận “đa tài”. Có thể cùng một tác giả nhưng thời điểm này viết rất có ý thức tìm tòi cái mới, và nếu cứ đà này tương lai không xa văn học có quyền hi vọng. Thế nhưng chỉ thời gian ngắn sau lại quay ra viết theo cách truyền thống, chỉn chu, sạch sẽ. Độc giả còn chưa tìm được lý giải thoả đáng thì đã lại thấy tác phẩm dạng sốc, sến, sex ra mắt. Thậm chí đang chuyên về sáng tác lại quay ra viết “lý luận phê bình”. Chúng ta không nên trách sự “không ổn định” của các cây bút trẻ. Bởi vì họ là người viết trẻ, họ chưa ổn định phong cách, cách viết, lại muốn thử sức. Và nó tạo ra sự hấp dẫn riêng của sáng tác trẻ mà độc giả tìm kiếm, nhiều nhà văn còn cho đó là sự đáng yêu của văn học, sự hồn nhiên của văn học. Và đằng sau sự không ổn định đó là bức tranh chứng minh những bươn chải, mưu sinh của các cây bút trẻ hiện nay. Họ có thể vì cơm áo gạo tiền, vì sự thử sức nghệ thuật, vì những cám dỗ mà thay đổi, mà tự nguyện đến với văn chương và tự nguyện rút lui. Sự “đi” và “đến” với chương là một chặng đường dài, đầy khổ ải mà không phải những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, nhiều thời gian… có thể dễ dàng vượt qua. Cái gì còn lại sẽ được trân trọng và ghi nhận.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây