Văn Giá mong đào tạo những người ‘đi câu chuyên nghiệp'

Thứ năm - 02/08/2012 05:05 1.851 0

Tiến sĩ Văn Giá - chủ nhiệm khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội.

Tiến sĩ Văn Giá - chủ nhiệm khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội.
Với việc mở lớp sáng tác, thẩm bình truyện ngắn, Khoa Viết văn - Báo chí, thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội (Trường viết văn Nguyễn Du trước đây) muốn mở ra một hướng đi mới trong đào tạo các lớp viết văn ngắn hạn theo kiểu chuyên biệt.

Nhà văn, PGS.TS Văn Giá - chủ nhiệm khoa - hy vọng rằng lớp học sẽ giúp cho những người tham dự từ chỗ “đi câu một cách ăn may” sang “đi câu một cách chuyên nghiệp”.

Sáng tạo văn chương không chỉ là năng khiếu

- Trong khi các hội đoàn liên tục mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về sáng tác, lý luận phê bình với kinh phí bao cấp, người học không mất tiền thì Khoa Viết văn - Báo chí lại mở hẳn lớp sáng tác và thẩm bình truyện ngắn thu học phí. Điều gì khiến các anh đi đến quyết định có vẻ “ngược” như vậy?

- Chúng tôi có ý tưởng và làm theo hướng chuyên nghiệp. Thứ nhất, chúng tôi chỉ đi sâu vào một thể loại là truyện ngắn. Thứ hai, chúng tôi công khai minh bạch hóa thông tin nội dung chương trình học cũng như những nhà văn giảng dạy, những nhà văn được tiếp xúc, nội dung các buổi ngoại khóa chứ không giới thiệu chung chung. Thứ ba, chúng tôi thể hiện rõ thông điệp: học viên đến để học nghề và làm nghề. Như vậy học viên đăng ký hoàn toàn tự nguyện, những người nào thực sự tha thiết, thực sự tâm huyết với nghề, nếu họ cảm thấy họ sẽ thu nạp được gì đó, có được cái gì đó thực sự sau khóa học thì họ tự nguyện đăng ký tham gia.

- Việc công khai đội ngũ giảng viên và chương trình học nhằm hướng tới điều gì thưa anh?

- Việc công khai minh bạch thông tin như vậy ở Việt Nam còn rất ít. Nó mang lại một điều rất quan trọng, có thông tin học viên sẽ tham gia vào lớp học một cách chủ động. Họ được quyền lựa chọn, không a dua cảm tính. Nếu ai đó cảm thấy không ưng đội ngũ giảng viên, không phù hợp với giáo án giáo trình ấy họ từ chối không tham gia. Tôi đánh giá rất cao sự chủ động của học viên.

- Tiêu chí nào để Khoa mời giáo viên giảng dạy tại lớp?

- Là những nhà văn có uy tín đáng kể trong đời sống văn xuôi đương đại, đặc biệt là truyện ngắn. Chị Lê Minh Khuê không những được giải thưởng trong nước mà còn được giải thưởng quốc tế, trưởng thành từ truyện ngắn và thủy chung với thể loại truyện ngắn. Anh Sương Nguyệt Minh cũng là một nhà văn viết truyện ngắn, đạt nhiều thành tựu sáng giá về thể loại truyện ngắn. Anh Khuất Quang Thụy, chị Võ Thị Hảo bắt đầu với truyện ngắn, sau này dù nổi danh với tiểu thuyết thì vẫn dành thời gian cho truyện ngắn. Bên cạnh đó là những người làm công tác lý luận phê bình, những chuyên gia có năng lực thẩm định truyện ngắn như Chu Văn Sơn, Bùi Việt Thắng, là những người có tâm huyết với truyện ngắn, dành thời gian thích đáng nghiên cứu truyện ngắn. Đây cũng là những người thường xuyên giảng dạy tại các khóa đào tạo viết văn của chúng tôi.

- Có thể nói việc mở lớp sáng tác và thẩm bình truyện ngắn là một hướng đi mới. Điều gì khiến anh tự tin rằng, lớp học mở ra sẽ không bị… ế?

- Tôi quan sát đời sống văn học thấy chưa có cơ quan, đơn vị nào tổ chức các lớp bồi dưỡng theo thể loại chuyên biệt, tôi thấy đó là một khoảng trống. Tôi muốn làm một cách chuyên sâu và chúng tôi là cơ sở đào tạo đủ uy tín và điều kiện để làm chuyên sâu. Đây là bước khởi đầu, sang năm chúng tôi có thể mở cùng lúc hai lớp thơ và truyện ngắn chẳng hạn, hoặc là năm tới nữa sẽ mở các lớp chuyên về ký; năm tới nữa, chuyên về hồi ký, năm tới nữa chuyên về phê bình... Đấy là hướng đào tạo có tính chuyên nghiệp của trường chúng tôi. Tôi tự tin bởi điều ấy. Và vì thế nó cũng rất kén người học, tôi tin những người tham dự, họ phải thực sự tâm huyết; còn người ham vui chơi, ham giao lưu chắc chắn sẽ không đến.

- Về lớp sáng tác và thẩm bình truyện ngắn của Khoa Viết văn - Báo chí so với các lớp khác anh từng nói “tiền nào của nấy”, vậy khi bỏ ra 2,5 triệu học phí để tham gia lớp học mỗi học viên sẽ có cơ hội mang về được những gì?

- Tôi hy vọng với tất cả sự lương thiện, tử tế của chúng tôi, học viên sẽ mang về được mấy thứ: thứ nhất là ý thức chuyên nghiệp của người cầm bút; thứ hai là kỹ thuật cần có của người viết truyện ngắn; thứ ba là được tiếp cận với những tên tuổi nổi tiếng của văn xuôi đương đại; thứ tư là họ được gặp nhau; thứ năm, chúng tôi tạo cho họ một cơ hội, một diễn đàn để họ xuất hiện. Bởi tham dự lớp học có những người đã đăng tải trên một số phương tiện truyền thông đại chúng của trung ương, nhưng một số người mới chỉ đăng ở địa phương hoặc chưa, chúng tôi sẽ giúp họ bước vào đời sống văn học, vào đời sống truyện ngắn. Nếu thuận lợi và chất lượng tác phẩm tốt chúng tôi sẽ ra một tuyển tập truyện ngắn sau lớp học này. Cuối cùng, nếu trong mỗi người học hình thành được xác tín này nữa thì quá hay: sáng tạo văn chương không chỉ là năng khiếu mà sáng tạo văn chương còn cần tính chuyên nghiệp. Với những ngón nghề, những công việc bếp núc mà họ được trang bị, trước đây là họ là người đi câu ăn may, sau lớp học họ sẽ là người đi câu chuyên nghiệp. Tôi hy vọng như vậy…

Đào tạo những gì xã hội cần

- Một lần nữa địa chỉ viết văn có tên gốc là Trường viết văn Nguyễn Du đổi từ Khoa Lý luận - Sáng tác – Phê bình thành Khoa Viết văn - Báo chí. Lý do của sự thay đổi ấy là gì?

- Nếu nhìn rộng ra thế giới thì xu hướng đa dạng hóa đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề là phổ biến. Trong bối cảnh chung như vậy nếu chỉ đào tạo viết văn không thôi rất có thể sẽ tụt hậu, nếu không mở rộng giao lưu, thậm chí rơi vào tình trạng bế quan tỏa cảng. Một lý do nữa, tôi thấy có một khoảng trống trong các cơ sở đào tạo sinh viên báo chí, đó là chưa có nơi nào đào tạo chuyên biệt vào một lĩnh vực nào đó của đời sống xã hội. Vì thế chúng tôi đã đề xuất mở thêm lớp đào tạo sinh viên viết báo văn hóa văn nghệ. Bên cạnh lớp viết văn 3 năm mới tuyển một lần là các lớp báo chí mở thường xuyên hàng năm. Từ đó tên Khoa cũng cần có sự thay đổi. Đây không phải là chuyện chạy theo thời thượng mà chúng tôi nghĩ chúng tôi đang đi đúng hướng. Đào tạo theo nhu cầu xã hội chứ không phải đào tạo từ trên trời. Hiện nay nền giáo dục Việt Nam rất nhiều nơi đào tạo từ trên trời, chúng tôi không muốn như vậy. Trong tương lai gần, khi đủ nội lực, chúng tôi sẽ đề nghị tách ra thành Khoa Viết văn và Khoa Báo chí.

- Sự xuống cấp của các môn xã hội nói chung khiến đầu vào cho ngành văn học gặp nhiều khó khăn, đầu vào để học viết văn còn khó khăn hơn, các anh có giải pháp gì để nâng cao chất lượng tuyển sinh ngoài việc giãn cách 3 năm mới mở một khóa thay vì mở hàng năm như trước đây?

- Chúng tôi đã có đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở các lớp viết văn văn bằng hai. Những người có một bằng đại học rồi, có năng khiếu và yêu văn chương sẽ học tiếp 2 năm để lấy văn bằng hai. Nếu chương trình này thành công, tôi sẽ xem đây là nội dung chính trong đào tạo viết văn thay vì lớp đào tạo 4 năm. Vừa rồi tôi đã ghi danh được 31 người dạng này, tôi đã đưa lên Bộ đề nghị nhưng Bộ chưa đồng ý, vì thế nên chưa tổ chức được. Với các lớp viết báo, trong quá trình học, nếu em nào giỏi viết văn chúng tôi sẵn sàng chuyển sang lớp viết văn. Phải có một cơ chế linh hoạt thì đào tạo viết văn mới hiệu quả.

- Với các lớp báo chí văn hóa văn nghệ , đâu là sự khác biệt trong chương trình đào tạo của Khoa so với cách đào tạo sinh viên báo chí thông thường ở các cơ sở khác?

- Chương trình đào tạo của chúng tôi tập trung vào 3 mảng: Tri thức nền; Tri thức về các ngành văn hoá - nghệ thuật; Tri thức về nghiệp vụ báo chí. Mỗi sinh viên ra trường sẽ được trang bị 3 loại tri thức ấy để hành nghề. Đội ngũ giảng dạy 50% là giảng viên đến từ các khoa Báo chí, 50% là các nhà báo đang tác nghiệp trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Giảng dạy và thực hành cũng tập trung vào lĩnh vực báo chí văn hóa văn nghệ.

Tác giả: Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây