Đêm Warszawa, trò chuyện cùng Olga

Thứ năm - 02/08/2012 05:34 1.965 0

Dịch giả Thụy Anh giới thiệu cuốn 'Olga Berggoltz của tôi'.

Dịch giả Thụy Anh giới thiệu cuốn 'Olga Berggoltz của tôi'.
Đó là chủ đề đêm thơ Olga Berggoltz tại Warszawa (Ba Lan) hôm 28/7 do TS, nhà thơ, dịch giả Thụy Anh thực hiện dưới sự giúp đỡ của Báo “Quê Việt”, công ty TTH, câu lạc bộ FBBL của cộng đồng người Việt tại Ba Lan.

Tham dự đêm thơ có ông Nguyễn Hoằng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan cùng một số cán bộ sứ quán; bà Ngọc Thạch, chủ tịch Hội phụ nữ cộng đồng; ông Lê Xuân Lâm, Giám đốc Trung tâm văn hóa Văn Lang, Tổng biên tập Báo “Quê Việt”; dịch giả Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Thái Linh; ông Trần Quốc Quân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, ông Trần Trọng Hùng, giám đốc công ty TTH cùng các trí thức Việt kiều và những người yêu mến nữ thi sĩ Nga Olga Berggoltz.

Đêm thơ đã diễn ra ấm cúng tại nhà hàng Quê Hương, một nhà hàng của người Việt ở Warszawa, nơi từng diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa của cộng đồng.

Giới thiệu về Thụy Anh và bản dịch tiếng Việt “Olga Berggoltz của tôi” của chị với cộng đồng người Việt ở Thủ đô Ba Lan, ông Lê Xuân Lâm nói: “Olga của Thụy Anh đến được với người đọc Việt Nam ở Ba Lan - thật là kỳ diệu.”. Ông cũng chia sẻ thêm: “Nếu Olga Berggoltz qua bản dịch thơ Bằng Việt là quá khứ đẹp đẽ của nhiều người trong chúng ta, thì bây giờ, Olga qua phần chuyển ngữ của Thụy Anh sẽ lại là một món quà vô giá tặng cho những người từng gắn bó với văn học Nga từ thuở hoa niên”.

Phát biểu tại đêm thơ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hoằng cho rằng đêm thơ đã thành công tốt đẹp. Ông nói: “Tôi thật sự xúc động khi được tham dự đêm thơ này. Tôi đánh giá cao chất lượng đêm thơ không chỉ ở khâu tổ chức chu đáo, đem lại món ăn tinh thần cho cộng đồng mà còn ở sự lắng đọng của nội dung. Cảm ơn Ban tổ chức và dịch giả Thụy Anh đã dành tặng cho độc giả ở xa Tổ Quốc một đêm đầy cảm xúc. Tôi cảm thấy, về mặt chuyên môn, những bản dịch của Thụy Anh rất dụng công nên để lại ấn tượng mạnh”.

Có gần 20 năm học tập và sinh sống tại Nga, Thụy Anh cũng là người rất tích cực trong các hoạt động văn học. Khi về Việt Nam, chị đã nhanh chóng hòa nhập với đời sống văn học trong nước. Hiện Thụy Anh vẫn tham gia điều hành trang thivien, vốn là một diễn đàn văn học mạng dành cho những người yêu văn học Nga mà chị gắn bó từ khi còn ở xứ sở bạch dương. Việc tổ chức đêm thơ lần này, Thụy Anh muốn người yêu thơ ngoài lãnh thổ Nga biết thêm về tác phẩm và cuộc đời của nữ thi sĩ. Giải thích về cái tên được chọn làm chủ đề cho đêm thơ “Đêm Warszawa, trò chuyện cùng Olga”, dịch giả, nhà thơ Thụy Anh nói: “Cho đến giờ, tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sao mình lại đến Warszawa, đem theo những câu chuyện về nàng thơ nước Nga để tâm sự cùng bạn bè nơi này. Những cơ duyên kỳ lạ đã cho tôi cơ hội được đón nhận như một người thân ở mảnh đất xa lạ. Vì thế, trong đêm hè Warszawa hiền hậu, yên bình, tôi muốn chia sẻ với những người bạn tôi những điều tôi tâm đắc. Olga không xa lạ với bất kỳ ai vì số phận vinh quang và thống khổ của bà gần gũi với tất cả những người đọc Việt Nam, thậm chí, ở xa Tổ quốc, họ cũng nhận được những đồng cảm tuyệt vời qua những vần thơ chân thực của người con gái nước Nga”.

Tại đêm thơ, Thụy Anh cùng với những người yêu thơ đọc lại những bài thơ của nữ thi sĩ nổi tiếng của xứ sở bạch dương. Họ đã cùng nhau hát những bài hát tiếng Nga, cùng nhau đọc thơ Olga trong sự xúc động riêng của từng người, ở những mảng đề tài khác nhau: tình yêu, tình mẫu tử, cảm thức công dân… Cũng trong đêm thơ, tiến sĩ Mai Xuân Lý còn đọc một bài thơ của tác giả Thụy Anh để nhấn mạnh sự đồng cảm mà ông, một người xa quê hương rất lâu rồi, nhận được và trân trọng điều này.

Olga Berggoltz của tôi” gồm 70 bài thơ dịch cùng rất nhiều ảnh tư liệu cũng như những câu chuyện dưới dạng những tiểu luận về cuộc đời thi sĩ được mệnh danh là “cây ngải đắng của nền thi ca Xô Viết”. Tập sách của dịch giả Thụy Anh đã được tặng giải thưởng dành cho văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội 2011 với số phiếu tuyệt đối.

Khi nhận giải thưởng, dịch giả Thụy Anh đã chia sẻ với eVăn: “Tôi thấy Olga được nhiều người yêu mến, nhiều người biết tiếng Nga dịch bà, nhưng cũng thấy không phải tất cả những người yêu thích Olga đều hiểu hết những sâu xa nằm đằng sau những bài thơ, hoặc giữa những dòng thơ. Những điều mà nếu biết, bạn đọc sẽ đọc thơ với sự rung động khác hơn rất nhiều”. Chị cũng tâm sự rằng: “Tôi cảm thấy, hình ảnh một Olga nhạy cảm, tinh tế, yêu thương nồng nàn vẫn choán trọn vẹn trái tim độc giả Việt Nam, còn hình ảnh một Olga rắn rỏi, kiêu hãnh, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ công dân, thực hiện nghĩa vụ của một con người của thời đại… thì vẫn còn mờ nhạt trong suy nghĩ của họ”. Đó chính là lý do thúc giục Thụy Anh thực hiện cuốn sách cũng như nỗ lực các hoạt động quảng bá một hình ảnh khác về Olga.

Cũng trong đêm thơ tại Thủ đô Ba Lan, Thụy Anh đã giới thiệu phiên bản điện tử tập sách “Olga Berggoltz của tôi” trên trang mạng Alezaa.

Trong chuyến công tác Ba Lan kéo dài khoảng một tháng, bên cạnh việc tập huấn chuyên môn cho các giáo viên trong cộng đồng người Việt tại đây, mở trại hè “Vui cùng tiếng Việt” cho các em nhỏ, Thụy Anh còn có những hoạt động văn học giao lưu với cộng đồng mà đêm thơ Olga Berggoltz là một ví dụ.

Tác giả: Thành Sa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây