Văn học mạng và cơ hội cho nhà văn Trung Quốc

Thứ sáu - 10/09/2010 23:52 1.541 0

Internet mở ra cơ hội tiền tài, danh vọng cho nhiều nhà văn Trung Quốc.

Internet mở ra cơ hội tiền tài, danh vọng cho nhiều nhà văn Trung Quốc.
Cô sinh viên luật Wang Chen đến nay đã có hơn 20 cuốn tiểu thuyết lận lưng, tất cả đều xuất bản trên mạng. Để thưởng thức mỗi 1.000 chữ của cô trên trang web 17k, độc giả sẽ phải chi ra 0,03 tệ.

Tổng số tiền kiếm được từ tác phẩm của Wang Chen sẽ được chia theo tỷ lệ nào đó giữa tác giả và ban quản trị trang web.

Những người trẻ muốn trở thành nhà văn ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, công bố tác phẩm trên mạng là cách tốt nhất giúp họ cạnh tranh với các tạp chí văn học và các nhà xuất bản truyền thống. Vì vậy, văn học mạng đang trở thành đối tượng kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn tại Trung Quốc. Theo tạp chí Time, Shanda Literature, mạng văn học chiếm hơn 90% thị phần sách online, thu về khoảng 100 triệu tệ mỗi năm (hơn 280 tỷ đồng) từ người sử dụng Internet.

Một báo cáo do Trung tâm Thông tin mạng Internet của Trung Quốc cho thấy, năm 2009, nước này có khoảng 162 triệu độc giả online. Văn học mạng là hình thức giải trí phổ biến thứ tư tại Trung Quốc, sau âm nhạc, video và trò chơi điện tử. Điều duy nhất các nhà văn phải lo lắng là làm sao khiến độc giả click vào trang viết của mình càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, đó cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Wang chia sẻ, ban đầu cô công bố tác phẩm của mình trên mạng như một cách giải trí, nhằm giết thời gian rỗi. Wang chủ yếu viết truyện kỳ ảo hoặc các tác phẩm khai thác đề tài lịch sử, các triều đại xưa - thể loại độc giả hiện nay rất ưa chuộng. Theo Wang Xiaoquan, biên tập viên trang 17k, độc giả nam thường thích truyện kỳ ảo, trong khi nữ giới thích truyện lãng mạn hơn. Nhưng với cả hai giới, dù thể loại gì thì các tác phẩm hấp dẫn trước hết phải mới, kịch tính và biết cách khéo léo thu hút độc giả bằng nhiều chiêu thức khác nhau.

"Phần lớn văn học mạng là các tác phẩm dài kỳ. Nhưng nếu không hấp dẫn ngay từ đầu, độc giả sẽ ngay lập tức chuyển sang các sáng tác khác xuất hiện nhan nhản trên Internet. Tất nhiên, những tác giả chăm chỉ cập nhật tác phẩm của mình cũng thu hút được nhiều độc giả hơn", Biluohuangquan, biên tập viên trang mạng Qidian, nói.

Tiềm năng và sự hứa hẹn của văn học mạng khiến cho nhiều tác giả quyết định chuyển sang viết văn chuyên nghiệp.

Futian, 29 tuổi, từng là dịch giả trước khi nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết về lịch sử đăng tải trên Qidian vào năm 2005. Sau đó, một biên tập viên nhà xuất bản phát hiện ra cô và muốn ký hợp đồng ấn hành tác phẩm dưới dạng sách in. Futian rất tự hào tuyên bố: "Chỉ những cây bút xuất sắc mới được mời ký hợp đồng".

Đến năm 2006, Futian kiếm được trung bình 7.000 tệ một tháng (hơn 20 triệu đồng). Futian lập tức bỏ công việc của một dịch giả, ở nhà để chuyên tâm vào viết văn. Hiện tại, mỗi ngày, cô viết được khoảng 6.000 chữ. Nhờ vào lượng độc giả trung thành, thu nhập của Futina tăng từ 7.000 tệ lên 10.000 tệ mỗi tháng (hơn 28 triệu đồng).

"Điều tuyệt vời nhất là bạn kiếm được tiền từ công việc mà bạn yêu thích", Futina nói. Cô viết khoảng 8 tiếng mỗi ngày. Thời gian rỗi còn lại Futina làm thêm hoặc nghiên cứu tư liệu cho các tác phẩm mới.

"Ở nhiều công ty, nếu làm việc ngoài giờ, có thể bạn không được trả thêm tiền. Nhưng trên môi trường Internet, viết nhiều bạn sẽ có nhiều tiền", cô nói.

Tuy nhiên, Futian cũng thừa nhận, công việc viết lách khiến cô kiệt sức. "Nhiều người phải nỗ lực viết cho đúng hẹn với độc giả. Một số khác viết chỉ vì tiền. Nhưng về lâu về dài, chất lượng vẫn là yếu tố quyết định. Nếu viết quá nhiều mà không hay, bạn sẽ mất dần độc giả".

Đến nay, Futina đã có 16 tác phẩm được xuất bản dưới dạng sách in. Nhiều nhà văn mạng khác cũng có sách xuất bản hoặc được chuyển thể thành phim.

He Wei, biên tập viên NXB Văn học và Nghệ thuật Tứ Xuyên, cho biết, một phần ba các tác phẩm cô biên tập trong năm 2009 có nguồn gốc từ văn học mạng, hầu hết là những câu chuyện lãng mạn về tình yêu nơi đô thị.

Bên cạnh đó, dòng văn học mạng cũng vấp phải nhiều chỉ trích như nông cạn, thiếu tầng sâu văn hóa và ít giá trị nghệ thuật. Biên tập viên Biluohuangquan tin rằng, trước thực tế đó, thị trường sẽ là thước đo tốt nhất cho chất lượng của tác phẩm.

"Hãy để thị trường quyết định. Những tác phẩm ít giá trị sẽ bị đào thải theo quy luật tự nhiên", Biluohuangquan nói.

Nhằm công nhận giá trị của dòng văn học mạng, hồi tháng 3, Ban tổ chức giải thưởng Lỗ Tấn - giải thưởng văn học uy tín nhất của nước này - thông báo, kể từ năm nay, giải sẽ trao thưởng cho các tác phẩm xuất bản trên mạng.

Tác giả: Hà Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây