Văn học trẻ: Đốt đuốc tìm người

Thứ hai - 10/08/2009 17:07 2.232 0

Văn học trẻ: Đốt đuốc tìm người

Cái mà những người viết trẻ còn thiếu, không phải chỉ là vốn sống, mà họ còn thiếu kiên nhẫn để khỏi tỏ ra sốt ruột trước một phong trào. Văn chương trẻ vẫn được viết theo kiểu phong trào, con gà tức nhau tiếng gáy.

Phong trào sáng tác văn học trong giới trẻ năm 2009 có phần sôi động hơn những năm trước. Sự ra đời của một số tiểu thuyết và được Ban công tác Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) chọn để tọa đàm phần nào đánh giá không khí sáng tác đó. Năm 2009 cũng là năm thể loại tiểu thuyết được người viết trẻ lưu tâm hơn. Những tác phẩm dù lần lượt ra đời, vẫn chưa thể làm cho độc giả tin tưởng ở chất lượng trong vài năm tới. Và những tác phẩm được đưa ra tọa đàm cũng chưa phải là những tác phẩm thực sự được yêu thích.

Đốt đuốc tìm lối đi riêng

Tìm một lối đi riêng cho mình trong văn chương không hề đơn giản. Nhất là đối với những nhà văn trẻ, khi các nhà văn đàn anh, các nhà văn thế giới đã động bút tới hết loại đề tài, làm nên nhiều phong cách viết và đóng đinh giá trị của nó vào đời sống văn chương nhân loại. Những người viết trẻ Việt Nam trong hai năm qua đã cố gắng tìm tòi, đặt chân đến những loại đề tài mà họ cho rằng mới mẻ, hấp dẫn. Điều đó chỉ làm cho không khí văn chương phần nào bớt buồn tẻ, chứ chưa phải là những dấu hiệu đáng lạc quan về tương lai mới của văn học trẻ Việt Nam.

Muốn tìm được lối đi riêng, người trẻ trước hết phải có nội lực văn chương dồi dào và sự cần mẫn trong tìm tòi sáng tạo, chứ không phải là những người viết ngộ nhận, nhanh chóng tự bằng lòng với mình. Tôi xin nói về ba nhà văn trẻ, mà sự tìm tòi, đổi mới trong những cuốn tiểu thuyết được dư luận quan tâm.

Năm 2009, sự xuất hiện tiểu thuyết trinh thám - kinh dị “Trại hoa đỏ” dày hơn 500 trang của Di Li được giới văn học chú ý. Rất nhiều ý kiến đánh giá cao khả năng viết nhanh, lao vào một dòng văn học sắp có nguy cơ "tiệt chủng" ở Việt Nam. Di Li được coi là nhà văn Việt Nam đầu tiên đặt bút viết về thể loại tiểu thuyết trinh thám kết hợp kinh dị. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: "Đây là một cuộc làm mới đầy hứng khởi và nhiệt tâm của tác giả, nhất định chọn lối viết "kinh dị", khiến người đọc bị thôi thúc vì tò mò, bị lạc lối vào mê lộ. Độc giả được cuốn vào cuộc thường ngoạn, luôn phải mong ngóng, đón đợi, luôn phải hồi hộp nghiệm sinh hy vọng và tuyệt vọng. Thất bại của độc giả khi không đoán được kết cuộc đã chính là thành công của cuốn tiểu thuyết mang màu hoa đỏ rực này".

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà lại có ý kiến: "Một thể loại phải có sức tưởng tượng phong phú kèm theo óc hài hước của tay hề nhào lộn và trí tuệ của một luật sư. Toàn bộ cốt truyện viết rất hấp dẫn, không hề xa lạ cả về không gian và thời gian; không cố gài ép, giấu giếm nhân vật. Nhưng dường như người đọc đang được tham dự vào một cuộc du ngoạn ảm đạm, thê lương; để liên tục khiếp hãi một cái gì đó, một điều gì đó không sao nắm bắt được về cái nhân tính biến dạng của con người".

Trái hẳn những điều đó, không ít ý kiến cho rằng Di Li chưa thực sự dày vốn sống. Tiểu thuyết của chị khi đọc lên người ta vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Có những đoạn rườm rà, sa đà vào quá nhiều chi tiết đến mức không kiểm soát được nó.

Khác với Di Li, nữ nhà văn Phong Điệp lại có một kiểu viết "blog hóa tiểu thuyết". Đọc cuốn “Blogger”, người đọc có cảm giác đang truy cập một trang blog của ai đó, với những entry, comment đầy màu sắc cá nhân. Trước đây, Phong Điệp thường viết truyện ngắn bằng một lối đi truyền thống, nhưng ở “Blogger”, nhiều người nghĩ rằng, chị đã "lột xác" để hiện đại hơn, dù chị không thừa nhận.

Chắc chắn rằng, với cuốn tiểu thuyết này, Phong Điệp đã khiến những ai cầm lên đều cần một cách đọc khác. Người đọc như bị lạc vào mê cung bởi các tuyến nhân vật, giữa thực và ảo đan xen nhau và nếu người đọc không thực sự "nhập cuộc" với các nhân vật thì sẽ thấy tác phẩm rời rạc, các nhân vật lạc nhau. Đối với người đọc lười nhác, khi đọc nó sẽ thấy mệt mỏi, chán chường, khó mà đi cho đến hết tác phẩm. Chỉ cần sao nhãng một đoạn là không biết mình đang ở phần nào, tầng nào.

Một năm trước đây, năm 2008, sự ra đời tiểu thuyết “Nháp” của Nguyễn Đình Tú cũng khiến văn đàn xôn xao. Nhưng sự xôn xao ấy chủ yếu là bởi những… bài viết giới thiệu. Thực ra, “Nháp” không hề mới, hơn nữa cách kết cấu truyện còn có phần vụng về. Tác giả của nó đã đề cập đến sex, đồng tính, thế giới trên mạng internet… Tác giả Nguyễn Đình Tú khẳng định, đây là một cuốn tiểu thuyết viết về ẩn ức tình dục của những thanh niên trẻ, nói một cách nôm na là những người "có tâm bệnh" về tình dục. Những nhân vật này được xây dựng như những ẩn dụ để nhà tiểu thuyết bàn về một số vấn đề khác của đời sống đương đại. Vì thế, nói một cách chính xác thì “Nháp” có đề cập yếu tố đồng tính nhưng không phải là một cuốn tiểu thuyết viết về đề tài đồng tính.

Nguyễn Đình Tú cũng không ngờ tiểu thuyết của mình lại được chào đón như vậy. Ban đầu, anh nghĩ rằng nó cũng sẽ đi vào quên lãng như những cuốn trước. Sự ồn ào về “Nháp” đã lắng xuống từ lâu. Đã không ít độc giả thất vọng khi mua “Nháp”, bởi vì nó viết bằng một ngòi bút chưa thực sự chắc tay, những cảnh làm tình còn thô thiển. Người viết bài này dám khẳng định rằng, sở dĩ “Nháp” được tái bản đến lần thứ ba (tác giả nói), là vì những bài báo lăng xê. Độc giả cả nước đã không ít lần cảm thấy bị lừa sau khi đi mua sách bởi sự lăng xê quá đáng, xa với giá trị thực của một số nhà làm sách và cơ quan truyền thông.

Nhà văn trẻ đang ở đâu?

Dù đông người viết, không khí sáng tác sôi nổi, nhưng văn chương trẻ Việt Nam vẫn ở dạng "đông tác giả, hiếm nhà văn". Nhiều người viết trẻ đã viết và in tiểu thuyết, nhưng không ai dám chắc anh ta sẽ trung thành với thể loại dài hơi tốn sức này mà tiếp tục tìm tòi sáng tạo.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan có cái nhìn khá bi quan về văn học trẻ, anh cho rằng tương lai văn trẻ sẽ đi vào khủng hoảng. Nguyễn Chí Hoan từng trả lời trên Báo Sức khỏe đời sống: "Trong một tương lai trước mắt, văn trẻ sẽ đi vào cuộc khủng hoảng về mặt nội tại của khu vực văn học đó. Liệu những tác giả tiểu thuyết đầu tay có còn tiếp tục viết tiểu thuyết nữa không? Liệu họ còn tiếp tục là "trẻ" về văn chương nữa hay không? Liệu họ có lựa chọn tiếp tục khám phá nữa không, hay sẽ lựa chọn nghệ thuật giải trí?". Nói như vậy không phải không có lý. Nguyễn Chí Hoan không lạc quan, là vì khi đọc tác phẩm của người viết trẻ, anh chưa thấy ấn tượng. Văn của họ chưa có ngôn ngữ riêng, chưa tạo được giá trị thẩm mỹ cho xã hội.

Cái mà những người viết trẻ còn thiếu, không phải chỉ là vốn sống, mà họ còn thiếu kiên nhẫn để khỏi tỏ ra sốt ruột trước một phong trào. Văn chương trẻ vẫn được viết theo kiểu phong trào, con gà tức nhau tiếng gáy. Họ thấy bạn viết tiểu thuyết, nếu mình không cố "rặn" ra một cái thì bí bức khó chịu mà không biết mình còn thiếu nhiều thứ. Nên khi đã viết ra mấy chục trang là bế tắc, nhưng không thể không viết tiếp. Cuối cùng sinh ra những trang tiểu thuyết hời hợt. Viết hời hợt thì chỉ đón nhận được cái danh hão thôi, nhưng tiếc là những người như thế giờ hơi bị nhiều.

Với thể loại truyện ngắn, năm 2008, tác giả trẻ Cấn Vân Khánh được coi là hot với tập truyện “Khi nào anh thuộc về em” tái bản nhiều lần. Tập truyện chủ yếu khai thác những chuyện tình yêu, những bội phản, lọc lừa, hy vọng, những nỗi ẩn ức của thế hệ trẻ. Tác giả Keng thuộc thế hệ 8X với tập truyện “Dị bản”, với những câu chuyện cũng chỉ xoay quanh những chuyện tình yêu, những sự nghi ngờ, vô cảm, chuyện sex… Thế nhưng, “Dị bản” đã được một số báo ở phía Nam ca ngợi hết lời, rằng đây là tập truyện ngồn ngộn chi tiết, ngập tràn ngôn ngữ @, ngôn ngữ mạng. Thế nhưng, nhiều người khi đọc (trong đó có tôi) “Dị bản” đều muốn thở dài và nghĩ rằng, nếu nó cứ tồn tại ở dạng văn trên mạng thì tốt hơn.

Tháng 8 năm 2009, tập truyện thứ 3 của Keng có tên “Đôi mắt không còn ướt nước” được xuất bản. Tập truyện gồm 11 truyện ngắn riêng lẻ được viết từ câu chuyện, cảm xúc có thật của mối tình đã qua của chính tác giả. Keng cho biết, đây là cuốn sách ít "lẳng lơ" nhất, ít sex nhất và thật hơn cả “Dị bản”.

Mới đây, tiểu thuyết “Thể xác lưu lạc” của Tiến Đạt cũng được phát hành. Cũng được đánh giá là cuốn tiểu thuyết có màu sắc sex, đó là hành trình đi tìm những cảm xúc bất tận của hai nhân vật Trần và Trâm - một hành trình của sự phá bỏ những khuôn phép đạo đức truyền thống để được tự do phóng xả dục năng của mình. Tiến Đạt quá chú trọng việc gợi dục mà chưa tạo được ấn tượng về giá trị nhân văn cũng như hiệu quả thẩm mỹ cho tác phẩm. Tiến Đạt viết chậm, đây là cuốn thứ hai của anh và là tác phẩm đầu tiên ra mắt trong loạt 5 tiểu thuyết được chọn vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết do Công ty Bách Việt tổ chức.

Vậy nhà văn trẻ đang ở đâu, đang đứng ở chỗ nào trên văn đàn và tác phẩm của anh ta nói lên điều gì? Chủ yếu thể hiện hạn chế về vốn sống và tài năng của người viết. Trước đây, thế hệ nhà văn Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng… khiến người đọc sửng sốt khi họ còn quá trẻ, chỉ có thể giải thích rằng, họ có tài thực sự và được "ném" vào đời sớm nên trưởng thành. Còn người viết trẻ ngày nay vì có đầy đủ mọi thứ, nên sự ngây thơ tuổi dại kéo quá dài như một nhà văn trẻ đã nói. Tác phẩm viết ra bằng sự gượng ép hời hợt. Thế nhưng họ lại không nhận ra điều đó. Một số người ngộ nhận và chỉ cần một cuốn sách in ra, đã thích người khác gọi mình là nhà văn.

Trong một vài năm tới, tiểu thuyết sẽ là xu hướng sáng tác mới của người viết trẻ và sẽ không ít người "đua theo mốt", bắt tay vào viết khi cảm xúc vẫn còn non nớt. Viết văn thực sự là một cuộc chạy đường trường, đòi hỏi người chạy phải có sức khỏe, có năng lực. Nhà văn trẻ hãy cầm đuốc và thắp sáng con đường của mình, dù là đi trong đêm tối. Tất nhiên, chỉ có những người thực sự sống chết cho văn chương, mới mong văn chương đáp lại công sức người đó bỏ ra. Và khi đó, nhắc đến văn học trẻ, người ta cũng dễ dàng nhận ra những gương mặt thực sự, đại diện cho tương lai văn học nước nhà.

Tác giả: Hải Miên

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây