Lý luận phê bình trẻ: còn nhiều thách thức

Thứ năm - 06/08/2009 00:45 2.385 0

Lý luận phê bình trẻ: còn nhiều thách thức

Lý luận phê bình văn học thời gian qua chưa phát huy được thế mạnh tuyệt đối nhưng dẫu vậy vẫn có nhiều cây bút trẻ với niềm đam mê của mình âm thầm theo đuổi con đường đã chọn làm cho bức tranh lý luận phê bình thêm đa dạng. Ngay khi cuộc trao đổi với các nhà lý luận phê bình kết thúc, chúng tôi đã trò chuyện tiếp với một số người tuổi còn trẻ bắt đầu ‘bước chân’ vào lĩnh vực này.
Đoàn Minh Tâm: Tuổi đời trẻ không phải là khó khăn lớn nhất


PV: Cùng thế hệ với anh, đa số tác giả đi theo con đường văn chương bằng sáng tác, còn anh lại chọn lý luận phê bình - một công việc đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có cả tuổi tác mà hiện nay quá ít tác giả mặn mà cũng như theo đuổi. Động lực nào cho sự lựa chọn ấy?

Tôi theo nghiệp phê bình văn học một cách khá tình cờ. Sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn - Khoa sư phạm - Đại học Quốc gia Hà Nội ban đầu tôi định đi dạy học. Sau ngoảnh đi ngoảnh lại thấy trong gia đình đã có tới 4 người làm nghề giáo (bố, mẹ. anh trai, chị dâu) thì thấy... nản quá. Cả nhà làm một nghề thì chán lắm, nghĩ thế nên tôi không đi dạy mà đi tìm cho mình một công việc khác có liên quan đến văn chương. Thế rồi, trong một lần trò chuyện với GS Mã Giang Lân - thầy hướng dẫn tôi làm khóa luận tốt nghiệp - thầy có bảo Ban Lý luận - Phê bình của tạp chí Văn nghệ Quân đội đang cần tuyển người, nếu không thích đi dạy thì đến đó thử sức mình xem thế nào. Bên đó làm việc hay lắm, con người cũng hay lắm... Thầy “thuyết” một hồi nghe “bùi tai” tôi liền đem hồ sơ sang tạp chí nộp đơn “ứng thí”. Thủ trưởng Ngô Vĩnh Bình - lúc đó là trưởng ban lý luận - phê bình - xem hồ sơ rồi bảo tôi cứ thử việc. Trong thời gian thử việc cũng như khi được nhận vào chính thức, càng làm, tôi càng thấy công việc lý luận - phê bình thú vị, hợp với bản thân mình. Thế là gắn bó với nghề, với tạp chí từ đó đến nay, thoáng cái đã được khoảng 4 năm.

PV: Là người làm lý luận phê bình trẻ, anh có gặp khó khăn gì không?

Mỗi nghề đều có những khó khăn riêng, làm phê bình tất nhiên tôi cũng gặp phải những khó khăn mà người trong giới thường gặp. Mặt khác, tôi vào nghề khi tuổi đời còn trẻ, nên cũng gặp một số khó khăn nhất định khác nhưng đó không phải là vấn đề lớn. Tôi luôn tự nhủ rằng bằng lòng yêu nghề và tinh thần cầu thị, thái độ làm nghề nghiêm túc, chịu khó quan sát học hỏi mình sẽ vượt qua được những khó khăn đó.

PV: Khi tiếp cận các tác phẩm văn học của những cây bút trẻ, anh quan tâm đến vấn đề gì?

Khi đọc tác phẩm văn học của các cây bút trẻ và của các nhà văn khác mà mình có ý định nghiên cứu, viết bài thường tôi đọc ít nhất là ba lần. Lần đầu đọc với tư cách một bạn đọc, đọc thưởng thức. Lần thứ hai đọc với tư cách người nghiên cứu. Ở lần đọc này, tôi luôn xác định một hệ thống những mục phải quan tâm như cốt truyện, nhân vật, kết cấu, giọng điệu, bút pháp... Tóm lại là tất cả cái gì nằm hiển hiện trên trang giấy. Vừa đọc, vừa đối chiếu, so sánh, đánh giá. Lần thứ ba thường sau lần đọc thứ nhất một quãng thời gian để xem suy nghĩ của mình có gì khác lần trước không. Nếu có thì điều chỉnh, còn không thì bắt đầu viết. Ngoài ra, tôi cũng lưu ý đến các khía cạnh ngoài văn bản như tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm... những điều đó sẽ hỗ trợ một phần trong việc tìm hiểu và đánh giá tác phẩm. 

PV: Nếu phải đối mặt với tác phẩm của những nhà văn đã và đang nổi tiếng, những tác phẩm đoạt giải thưởng thì anh có chọn cách “an toàn” không? Theo anh căn bệnh “ngại va chạm” có phải là một trong nhiều lý do mà lý luận phê bình hiện nay đang mắc phải không?

Chữ "an toàn" mà chị nói đến có nghĩa là cách viết tránh né, ngại va chạm, ngại chê đúng không? Tôi không ngại việc này. Cái chính là khen và chê cho đúng thôi. Hơn nữa, tôi cũng tin rằng giới sáng tác không chỉ thích nghe những lời “tán tụng” đứa con tinh thần của mình. Nhiều nhà văn tâm sự với tôi rằng họ thích nghe một lời chê đúng hơn là một lời khen dở.

PV: Nếu chỉ đơn thuần làm lý luận phê bình văn học thì anh có sống được với nghề không? Ngoài làm lý luận phê bình văn học ra, anh còn làm công việc gì khác không?

Đoàn Minh Tâm: Cổ nhân đã dạy biết đủ là đủ. Công việc làm lý luận phê bình đem lại cho tôi niềm vui và thu nhập đủ để cho sinh hoạt gia đình một cách bình thường. Liệu như thế có được coi là sống được với nghề không nhỉ? Hiện nay ngoài việc làm lý luận phê bình, tôi còn được thủ trưởng cơ quan phân công làm báo mạng vannghequandoi.com.vn


Trần Thiện Khanh: Chưa thể lạc quan về sự phát triển của lý luận phê bình trẻ

PV: Theo anh thực trạng lý luận phê bình hiện nay với nhiều khoảng trống có phải đang mở ra cơ hội cho những người trẻ theo đuổi và chứng minh năng lực của mình không?

Không biết chị muốn nói đến những khoảng trống nào? Khoảng trống về đội ngũ, đối tượng, hay về lí thuyết phê bình; khoảng trống về công trình học thuật, về tư tưởng, bản lĩnh của người cầm bút hay về sự hình thành khuynh hướng và đặc tính của hoạt động phê bình văn học... Nếu nói về khoảng trống đội ngũ chẳng hạn thì cả từ phía những người làm chuyên môn, lẫn người sáng tác và báo giới trong vài năm nay đã chỉ ra không ít lần thực trạng thiếu vắng những người viết trẻ trong lí luận, phê bình văn chương. Cấp quản lí văn nghệ cũng thấy rõ điều đó, nhưng vẫn chưa có nhiều giải pháp khả dĩ có thể làm cho phê bình văn học của ta đổi gió trong ngày một ngày hai được.

Nhìn rộng ra, có lẽ cũng chẳng phải chỉ riêng văn học mới có nỗi lo ấy đâu. Điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc… đều có khoảng trống về đội ngũ kế cận. Đứng từ góc độ ấy mà nói và xét trong bối cảnh tính dân chủ, tự do đang tiếp tục được khẳng định - tôi chia sẻ với ý kiến cho rằng phê bình văn học đang mở ra nhiều cơ hội cho người trẻ theo đuổi thử sức. Song tôi cũng nghĩ thêm rằng, cơ hội làm lí luận, phê bình văn học được mở ra cho nhiều người, không chỉ đối với người trẻ, và cũng không phải chỉ đến hôm nay cơ hội đó mới bày ra. Chỉ có điều, thực tế đã chứng tỏ không phải ai cũng thành công trong lí luận, phê bình văn học. Cơ hội thì có, nhưng chứng minh được năng lực và bản lĩnh thực sự khi mới cầm bút thì lại không dễ chút nào. Vấn đề không hoàn toàn ở yêu cầu về thời gian, “điều kiện sống” mà ở chỗ mĩ cảm, năng lực, vốn nghề, vốn sống, vốn văn hoá ở người viết cùng với câu chuyện về mảnh đất dung dưỡng, thúc đẩy nó vận động, phát triển.

PV: Được biết một số tác phẩm lý luận phê bình của anh đã được công bố trên báo chí. Báo chí là một kênh để truyền tải hữu hiệu đến độc giả, tuy nhiên mỗi tờ báo lại có những tiêu chí riêng. Vậy anh có cho rằng “báo chí” sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lý luận phê bình của anh không? Vì sao? 

Chất lượng của bài lí luận, phê bình không do yếu tố “báo chí” quyết định. Nó phụ thuộc vào tư duy, trình độ và mĩ cảm… của người viết. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, báo chí với yêu cầu riêng của nó có tác động đến sự viết của từng cá nhân, và sự tác động này dĩ nhiên có nhiều mức độ, tính chất khác nhau. Tôi cũng bị tác động ít nhiều bởi tính thời sự và yêu cầu của một số báo mà tôi cộng tác. Nói chung, tôi nhận thấy, người trẻ viết phê bình, mà lại gắn với báo chí thì dễ rơi vào tình trạng “cái gì cũng biết, nhưng chẳng có cái gì biết đến nơi đến chốn” nếu thiếu một định hướng khoa học cần thiết và rõ ràng.

Phê bình của Đỗ Lai Thuý thiên về phân tâm học và phong cách; phê bình của Trần Đình Sử nghiêng về thi pháp học, văn hoá học; phê bình thơ của Chu Văn Sơn có thiên hướng khám phá cấu trúc, ngôn từ và điệu hồn; phê bình thơ của Đặng Tiến chịu ảnh hưởng thi học của Jakobson, Nguyễn Đăng Mạnh thiên về khám phá tư tưởng và phong cách… Những tác giả phê bình ấy đâu có bị báo chí và xu hướng thị trường “không chế”. Chúng ta đang thiếu những người làm phê bình có lí thuyết riêng, hoặc thạo một lĩnh vực lí thuyết nào đấy. Vậy, khi nói người viết phê bình phải có chủ kiến, phương pháp và thao tác khoa học cụ thể - tôi nghĩ đã bao hàm cả cái nghĩa lí và yêu cầu đó.

PV: Là người làm lý luận, phê bình trẻ thì anh quan tâm nhiều hơn đến sáng tác trẻ - những cây bút cùng thế hệ với mình hay tác phẩm của những nhà văn tên tuổi?

Câu chuyện đối tượng của phê bình văn học mà chị nói đến quả thật khá phức tạp. Có người cho rằng phê bình cần phải chú ý đến cả tác phẩm, nhà văn và công chúng. Có người coi đối tượng của phê bình là toàn bộ các hiện tượng, các sự kiện văn học đương đại; và phê bình có nhiệm vụ tiếp nối văn học sử. Một số người khẳng định phê bình văn học cần nhắm vào các tác phẩm văn học cụ thể, bất kể nó thuộc quá khứ hay hiện tại. Một số khác thì xem phê bình văn học có nhiệm vụ chỉ ra cái hay, cái đẹp, viết phê bình để “làm sang giá, sáng giá” những tác phẩm văn chương mà người viết tâm đắc, cho nên nó chỉ cần quan tâm đến tác phẩm có giá trị. Ngoài ra còn có quan niệm rằng cứ có hoạt động tiếp nhận, thẩm định đánh giá, luận giải đối với một tác phẩm văn học thì có phê bình. Nếu viết phê bình văn học tôi quan tâm đến các hiện tượng văn học, trong đó ưu tiên các tác phẩm văn học cụ thể, bất kể tác phẩm đó do người viết trẻ hay nhà văn đã thành danh viết.

PV: Ngày nay, làm lý luận phê bình xét về khía cạnh nào đó có nhiều thuận lợi hơn so với thế hệ làm lý luận phê bình trước ở chỗ, có thể tiếp cận nhiều hệ thống lý luận trong và ngoài nước. Vậy tại sao chúng ta vẫn rơi vào “khủng hoảng” lý luận, phê bình?

Thực ra chuyện chúng ta “tiếp cận hệ thống lí luận nước ngoài” không phải đến hôm nay mới có điều kiện. Trước năm 1945, phương pháp phê bình tiểu sử học của Sainte - Beuve, phương pháp văn hoá - lịch sử của H. Taine và G. Lanson, kể cả tiến hoá luận văn học của F. Brunetière… đã ít nhiều được nhắc đến hoặc được vận dụng vào phê bình. Hồi 45-75 cũng thế, phê bình văn học ở đô thị miềnNam đã được tiếp nhận các quan điểm quan trọng của Chủ nghĩa hiện sinh, Chủ nghĩa cấu trúc, Phân tâm học… Nếu tính từ năm 1955-2005 có đến trên 200 công trình lý luận văn nghệ của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt (tư liệu do ThS. Cao Kim Lan thống kê). Có lẽ “câu chuyện khủng hoảng” không nên đặt ra từ việc biết nhiều hay ít lý thuyết văn học nước ngoài.

Ngay cả cách nói lí luận, phê bình văn học Việt Nam “hiện nay đang khủng hoảng”, tôi nghĩ vẫn có điểm chưa ổn lắm. Hoạt động lý luận phê bình văn học của ta hơn chục năm qua cũng có một số thành tựu đáng ghi nhận. Chẳng hạn, về mặt khuynh hướng - phương pháp, có thể kể đến sự hình thành của mấy hướng nghiên cứu sau: thi pháp học, kí hiệu học, phân tâm học, văn học so sánh, thi học so sánh… Về mặt dịch thuật và giới thiệu lí luận văn học nước ngoài, lại có thể kể đến bước chuyển của ta khi giới thiệu một số thành tựu có tính chất “phi chính thống”: Phạm Vĩnh Cư dịch Lí luận và thi pháp tiểu thuyết của Bakhtin; Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch Những vấn đề thi pháp Dostoevsky; Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thuỷ dịch Cấu trúc văn bản nghệ thuật của I.U.Lotman; Phương Lựu giới thiệu Tư tưởng văn hoá văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây, Trịnh Bá Đĩnh giới thiệu một cách có hệ thống Chủ nghĩa cấu trúc và văn học; Nguyên Ngọc dịch Độ không của lối viếtcủa R. Barthes, Văn học là gì của J. P. Sartre; Trần Nho Thìn dịch Thi pháp huyền thoại của E. Meletinski; Đỗ Lai Thuý biên soạn công trình Sự đỏng đảnh của phương pháp, Nghệ thuật như là thủ pháp, Phân tâm học và văn hoá nghệ thuật, Phân tâm học và văn hoá tâm linh, Phân tâm học và tính cách dân tộc, Phân tâm học và tình yêu; Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỉ XX; Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch Thi pháp văn xuôi của T. Todorov,Bản mệnh của lí thuyết của Antoine Compagnon; Trần Thiện Đạo giới thiệu Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc, Lộc Phương Thuỷ chủ biên công trình Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX Sinh hoạt lí thuyết văn học của ta rõ ràng đổi mới hơn trước… và rất đáng khích lệ chứ.

Rồi cạnh những công trình giới thiệu thành tựu của lí luận văn học cổ điển Trung Quốc, Ấn Độ và những bộ tuyển soạn di sản lí luận, phê bình văn học của ông cha ta suốt 10 thế kỉ. Thời gian qua các nhà lý luận - phê bình văn học Việt Nam cũng đã phần nào định hướng được dư luận và thị hiếu của công chúng qua việc nhận thức lại nhiều vấn đề, thẩm định lại nhiều giá trị, đánh giá lại nhiều hiện tượng văn học quá khứ, ví dụ: vấn đề quan hệ giữa văn học và chính trị; chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; vấn đề đặc trưng, chức năng và nguyên lí phản ánh hiện thực của văn học; vấn đề văn học ở đô thị miền Nam, hải ngoại, vấn đề Nhân văn Giai phẩm, vị nghệ thuật hay vị nhân sinh… Thỉnh thoảng phê bình văn học cũng “xôm”, nào chuyện hậu hiện đại, tân hình thức, văn chương mạng; nào chuyện tính dục, nữ quyền và vấn đề nông thôn, đô thị trong sáng tác đương đại; nào chuyện sáng tác trẻ và một vài hiện tượng văn trẻ, thơ trẻ; nào chuyện sáng tác ở hải ngoại và ở đô thị miền Nam suốt từ giai đoạn trước đến nay; rồi cả chuyện chính anh phê bình đối thoại với nhau - phê bình sự phê bình…

Nói lý luận, phê bình văn học Việt Nam đang ‘khủng hoảng’ - xét ở cấp độ tổng thể thì có vẻ hơi to tát. Dù rằng lý luận văn học của ta chưa phản ánh kịp thời các thành tựu lí luận văn học của thế giới và “tiếng nói quyền lực” của nó đã giảm sút đi nhiều; và dù rằng phê bình văn học của ta có yếu thật.

PV: Có ý kiến cho rằng: Có thể có nhà văn thần đồng chứ không có nhà phê bình thần đồng. Đó có phải là sự phủ nhận những nhà lý luận phê bình trẻ không? Ý kiến của anh?

Tôi nghĩ ý kiến chị nêu không phủ nhận hoặc hạ thấp người làm lí luận, phê bình trẻ. Có lẽ nên hiểu rằng, quan điểm đó đã nhấn mạnh đến những điều kiện, những tố chất cần thiết để làm công việc lý luận hoặc phê bình. Chẳng hạn, anh phải có một trình độ về nghề, về văn hoá nhất định, hoặc phải có sự lịch lãm và nhạy cảm… thế nào đấy mới làm được công việc này. Nghiên cứu lý luận, phê bình văn học đâu phải “nghề chơi”.

PV: Nhiều người từng làm lý luận phê bình nói với tôi rằng, họ chưa bao giờ sống được một cách đơn thuần bằng công việc lý luận, phê bình, còn anh thì sao?

Tôi bắt đầu viết và có bài đăng bài từ năm 2001; thời gian đầu tôi vẫn viết một cách tự phát, không có định hướng cụ thể nào. Gần đây, tôi mới có dự định hướng đi rõ hơn, nhưng hiện còn đang chập chững. Tôi chưa nghĩ nhiều về việc có sống được bằng công việc lí luận, phê bình không. Giờ tôi đang đọc, đang tích nạp để có thể làm tốt được công việc của mình. Thế thôi.

PV: Anh có tin vào một nền lý luận phê bình phát triển trong tương lai từ chính những người trẻ hôm nay không? Cơ sở nào để “có” hoặc “không”?

Chị thấy đấy, người viết phê bình trẻ còn mỏng lắm. Mà nói chuyện làm lí luận văn học đơn thuần ở độ trẻ vào lúc này thì cũng còn sớm quá. Người trẻ đang đi. Mỗi người một kiểu, với nhiều quan hệ, nhiều mục đích, nhiều dự định… Chuyện đội ngũ chưa hình thành, tính chuyên nghiệp chưa cao; sự tản mạn, manh mún và chưa rõ về khuynh hướng học thuật đã bày ra đấy; lại thêm chuyện có người đã bỏ nghề, có người thiên về truyền thông hoặc nhận thấy mình chưa thể sống được nếu chỉ bằng công việc ngồi viết lí luận, phê bình văn học… thì có lẽ chưa thể lạc quan về sự phát triển của một nền lí luận phê bình do người trẻ hôm nay thực hiện được. Chưa có một cuộc bàn giao thế hệ theo đúng nghĩa của nó, vì những điều kiện cho nó, của nó chưa chín muồi. Đòi hỏi người trẻ nâng cao tính chuyên nghiệp bằng cách thức ôm đồm từ việc điểm sách, giới thiệu sách đến viết các bài dài hơi, và lại còn chạy theo các vấn đề bề nổi của đời sống văn học… tôi nghĩ chưa thể đảm bảo được chất lượng học thuật. Cứ thử làm phép thống kê xem - đến thời điểm hiện tại - ở ta có bao nhiêu người viết lí luận và phê bình trẻ, rồi bài vở, công trình của họ được bao năm, bạn đọc đón nhận ra sao, người cùng chuyên môn và giới sáng tác có đánh giá thế nào, chị sẽ thấy ngay tương lai lí luận, phê bình của nước nhà chưa thể do một vài gương mặt trẻ viết phê bình hôm nay quyết định. Tôi thấy, đến giờ cỗ xe lí luận, phê bình văn học nước nhà vẫn do các nhà lý luận, phê bình xuất hiện từ những năm 80 đến khoảng năm 2002 (mốc thời gian họ in tác phẩm đầu tay) điều khiển. Điều đó cũng tốt. Và nhiều năm tới chắc vẫn thế.

Xin cảm ơn và chúc các anh sẽ có thật nhiều tác phẩm tâm đắc.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây