Con Vọp - món ngon vùng nước mặn

Thứ năm - 28/10/2010 09:42 2.147 0

Con Vọp - món ngon vùng nước mặn

Ngày còn bé, mỗi khi rảnh rỗi tôi thường đạp xe về quê nội ở xã Thành Công (huyện Gò Công Tây-Tiền Giang). Ngoài thú vui cùng đám bạn nhỏ chống xuồng lần theo mé rạch để hái bần, bắt còng, móc cua…, không lần nào chúng tôi quên rủ nhau đi bắt vọp.
Con vọp Gò Công sống nhiều các xã nơi bãi bờ cặp nhánh sông Soài Rạp. Vọp to gấp hai, ba lần nghêu, vỏ cứng dày, ngoài là lớp da sần màu rêu, thịt dai và đầy đặn. Ở quê, người ta hay thả vào mỗi lu, mái chứa nước độ chục con vọp để chúng thổi lóng nước trong, khỏi dùng phèn. Nhà có khách bất chợt thì vớt ra nấu nồi canh chua nhắm rượu đế, ngon chẳng kém thịt cá. Là loại có hình thể tương tự nhau và cùng sống môi trường nước mặn, nhưng xin đừng nhầm với con xìa ở vùng Cần Giờ. Tại thị xã Gò Công, có những điểm bán hải sản quảng cáo con vọp to cỡ con nghêu mánh với giá từ 10 đến 12 ngàn/1kg. Nhưng nhìn lớp vỏ ngoài màu vàng nghệ, nếm nước vọp khá mặn, nên đoán chừng đây có thể là con xìa hoặc vọp nuôi. Vào tháng mưa nhiều nước lợ, ăn con vọp thiên nhiên hơi lạt. Khi nước trở mặn, thịt vọp săn chắc, ngon ngọt, mùi vị đậm đà hơn.

Người bắt vọp giỏi, cho dù nước còn xăm xắp họ vẫn tìm được vị trí vọp nhờ nhìn bọt sôi trên mặt nước. Nhưng phải kinh nghiệm, tinh tế mới phân biệt được bọt vọp khác với của tôm, còng. Chúng tôi, bọn trẻ non nớt đợi lúc nước cạn ròng, bãi bùn xa tắp mới ra quân. Mấy đứa thích bắt vọp “mánh” thì quan sát thấy lưỡi vọp trăng trắng lè lên trên là móc ngay, bắt cách ấy thường được vọp to. Kém cỏi thì cứ trườn trên bùn nhằm những gốc bần, mắm, lùm bụi mái dầm… xăm bằng mười đầu ngón tay, tuy nhọc công nhưng cầm chắc có ăn!

Ăn vọp đơn giản nhất là luộc, rửa sạch cho vào nồi ít nước, đun sôi, vọp vừa hé miệng thì bắc xuống bởi để lâu trên bếp thịt sẽ teo lại. Nước từ vọp lắng lại, rất ngọt. Gỡ thịt từng con còn nóng, chấm muối tiêu chanh. Hoặc dùng vọp nấu canh chua lá me non, nêm hành lá, rau quế, chấm nước mắm ớt hay mắm ruốc; ngon phải biết. Cầu kỳ hơn thì tách sống vọp lấy thịt bằm sơ, trộn lòng trứng, nấm mèo, củ hành… đem chưng, chiên, ăn thơm và dai. Bọn trẻ chúng tôi ở ngoài đồng lấy bập dừa nước (lá lợp nhà) chẻ thành từng miếng dọc dài, nhét vọp vào rồi dùng rơm đốt. Vọp chín mà không xì nước, thịt càng thơm ngọt.

Nghe kể ở Cà Mau con vọp sinh sản và phát triển rất nhiều. Vọp mánh sống quần tụ, có khi chỉ bắt quẩn quanh mà được tới hàng trăm con. Dân đi rừng hay đem theo muối tiêu, chanh để ăn vọp. Họ cắm miệng vọp xuống đất san sát nhau rồi chất chà khô bên trên đốt một lúc. Vọp bị nén trong đất nên không hé miệng được, người ăn thưởng thức thêm phần nước vọp rất ngon. Cách ăn này gọi bình dân là “vọp chông” vì cắm vọp xuống đất giống như… cắm chông. Rồi còn món vọp nướng mỡ hành. Nướng vọp vừa chín, cho hành phi mỡ vào, thêm chút đậu phộng rang, ăn cùng rau răm, húng cây, húng lủi. Còn nhiều cách chế biến như vọp nấu chua cơm mẻ, vọp kho sả, vọp luộc gừng, gỏi vọp bắp chuối, rau thơm…

Bây giờ, có lẽ do nhu cầu đời sống nên người ta bắt vọp rất bừa bãi, riết rồi con vọp nhỉnh hơn ngón tay cái cũng chẳng bỏ lại như ngày trước. Năm này sang năm khác, tìm con vọp lớn thật hiếm hoi. Những người lớn tuổi ở Gò Công cho rằng chẳng bao lâu nữa chắc rằng con vọp đặc sản này sẽ có nguy cơ tuyệt giống…

Tác giả: Nguyễn Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây