Chìa khóa sáng tác và phê bình văn chương?

Thứ sáu - 20/11/2009 15:11 2.348 0

Nhà thơ Phạm Tiến Duật - người rất tâm đắc với cách phê bình văn chương của tác giả Kim Thánh Thán (Trung Quốc)

Nhà thơ Phạm Tiến Duật - người rất tâm đắc với cách phê bình văn chương của tác giả Kim Thánh Thán (Trung Quốc)
Hơn hai chục năm trước tôi có đọc một bài viết của nhà thơ Phạm Tiến Duật kể chuyện nhà thơ Xuân Diệu đưa cho anh tập tiểu thuyết "Mái Tây" ("Tây sương ký" của Vương Thực Phủ có lời bình của Kim Thánh Thán do Nhượng Tống dịch) và nói rằng: Chìa khóa của phê bình văn chương nằm cả ở trong đấy.

 

 

 

Là một người mới viết phê bình ở tỉnh lẻ, tôi thực sự mong muốn được biết chiếc "chìa khóa" ấy, nhưng không làm sao tìm được. Vì vậy, tôi cứ làm phê bình văn chương theo ý mình. Rồi cũng có bạn đọc, cũng được khích lệ. Nhưng khao khát tìm chiếc chìa khóa thần của phê bình thì tôi không hề nguôi ngoai.

1. Chìa khóa phê bình văn chương?

 

 

Chuyển về Hà Nội, khi có điều kiện gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật (năm 2007, trước khi anh mất một thời gian), tôi có hỏi cụ thể về tập sách ấy, sao không thấy tái bản? Anh liền đọc thuộc lòng ký hiệu của tập sách ở Thư viện Quốc gia. Gần đây, tôi đã có trong tay toàn bộ lời bình của Kim Thánh Thán về tập tiểu thuyết "Mái Tây".

Đọc lời dẫn và lời bình mấy chương đầu, tôi đã toan không đọc nữa, bởi chẳng thấy có gì đáng chú ý cả. Tôi nghĩ Xuân Diệu và Phạm Tiến Duật cũng chỉ tán vậy thôi. Nhưng rồi tôi lại nghĩ những vĩ nhân dù nói đùa cũng phải có một điều gì đấy. Và tôi lại đọc tiếp một cách kỹ lưỡng. Khi đọc xong, nghĩ kỹ tôi đã ngộ ra: Phải chăng Xuân Diệu và Phạm Tiến Duật đã tìm ra chìa khóa của phê bình văn chương, đó là phê bình văn chương không có chìa khóa nào cả?

Ngẫm lại lời đại thi hào Nguyễn Du: "Mới hay không chữ chính là chân kinh" (Tài tri vô tự thị chân kinh) và danh nhân Trương Triều (sinh năm 1650, đời Thanh, Trung Quốc): "Có đọc được cuốn sách không chữ mới có những câu nói kinh nhân" (Năng độc vô tự chi thư phương khả đắc kinh nhân diệu cú). Với phê bình văn chương thì không có chìa khóa cụ thể nào cả chính là chiếc khìa khóa vạn năng của phê bình.

Đọc lại Kim Thánh Thán bình thơ Đường và bình các tập tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, thì thấy đúng như vậy. Bình mỗi tác phẩm, Thánh Thán lại có một chìa khóa riêng, một phương pháp riêng. Vì vậy tôi rất nghi ngờ những sách dạy về phương pháp phê bình và phương pháp sáng tác. Đúng rồi, phương pháp là cách thức tiến hành để làm ra kết quả. Vậy lại có một phương pháp để sản xuất ra tác phẩm văn chương và phê bình văn chương ư?

Kim Thánh Thán bình thơ Đường và tiểu thuyết cổ điển, tôi không thấy ông bám vào tác phẩm là mấy. Cứ thấy ông nói đẩu đâu. Nhưng dù nói đẩu đâu nó vẫn có một sợi dây liên hệ và giống như đứng ngắm tác phẩm từ xa, nên có thể thấy đầy đủ, toàn vẹn hơn. Khác với các nhà phê bình của ta lâu nay cứ chăm chắm vào tác phẩm, phân tích mổ xẻ một cách quá kỹ lưỡng làm nát cả tác phẩm mà không rút ra được điều gì thật hữu ích. Phân tích tác phẩm chỉ để phân tích tác phẩm thôi. Thánh Thán phân tích tác phẩm là trong tương quan với cõi đời, phân tích một tác phẩm là để thấy nhiều tác phẩm khác.

Đọc "Tùy Viên thi thoại" của Viên Mai, thì hơi khác một chút. Viên Mai có những nhận xét rất cụ thể về từng nhà thơ và thơ của họ. Những nhận xét xác đáng rất riêng, tức là làm hiện rõ khuôn mặt từng người, đặc điểm thơ của từng người. Nhưng Viên Mai cũng không phân tích, mổ xẻ cụ thể, mà nhận xét bình giá tác phẩm trong một chỉnh thể trọn vẹn.

Đọc những lời bình của Hoài Thanh trong "Thi nhân Việt Nam", thấy hàm súc mang phong cách phương Đông, gần với những lời bình từ trong di sản của ông cha ta. Sau này Hoài Thanh bình thơ cũng không kiệm lời nữa, nên thường loãng hơn.

Không có chìa khóa của phê bình, thì đúng rồi. Nhưng phong cách phê bình thì vẫn có. Nhiều nhà phê bình văn chương của ta, tôi thấy phong cách không thật rõ. Và cả nền phê bình văn chương thì phong cách nghiêng về phương Tây hơn là giữ được cốt cách phương Đông.

Có thể các phương pháp phê bình thì phù hợp với các nền văn chương phương Tây nhưng không phù hợp với các ngôi đền văn chương phương Đông. Phê bình còn lệ vào phương pháp thì không thể cất cánh lên được. Còn một tác phẩm phê bình hay, tự nó đã chứa tất cả các phương pháp ở trong đó rồi. Có phải vậy chăng mà thế kỷ XX, sau "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh, những tác phẩm bình thơ của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, chúng ta không có tác phẩm phê bình của nhà chuyên làm phê bình nào lớn nữa?

2. "Nàng thơ", "chàng văn" lúc ẩn lúc hiện

Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa cả đời chỉ chuyên làm một công việc viết văn. Bởi tôi đã phải sống bằng nghề dạy học, viết báo, làm công việc văn phòng… Viết văn chỉ khi cảm hứng đến. Và khi cảm hứng sáng tác ập đến thì tôi cứ thế viết ra thôi, chả nghĩ ngợi gì về kỹ thuật này nọ. Nhưng trong tôi hình như cũng có một duyên kiếp gì đó với văn chương mà "nàng thơ" và "chàng văn" cứ lẩn quất, lúc ẩn lúc hiện, không rừng rực cháy, nhưng cũng không nguội lạnh hẳn, bất thường như một cô gái đỏng đảnh, đã theo tôi từ trẻ đến giờ.

Tôi làm thơ từ khi là học sinh cấp III, tức là khoảng 15, 16 tuổi. Lúc ấy thơ tôi gửi đi không báo nào đăng. Bài thơ đầu tiên tôi được đăng báo khi tôi đã học năm cuối khoa Văn - Trường đại học Sư phạm Hà Nội I, có số phận rất tình cờ. Ấy là bài thơ tôi đăng báo tường ở trường cấp III Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) khi tôi là giáo sinh thực tập ở trường này cuối năm 1971.

Tôi cũng không biết là một nhà báo hoặc một cán bộ văn hóa nào đó đã về trường và đọc được rồi đem đi đăng ở Tạp chí Văn Nghệ Hải Hưng lúc ấy thuộc phòng sáng tác và xuất bản của Ty Văn hóa Hải Hưng. Bài thơ có tên "Cô đến thăm em" chỉ có bốn câu: Tối nay cô đến thăm em/ Trăng vàng lai láng, hương sen vẫy chào/ ôi lời cô nói ngọt ngào/ Gió ơi, có giọng hát nào hay hơn? Bài thơ ca ngợi những cô giáo trẻ thực tập rất yêu nghề, yêu học trò. Dĩ nhiên là không hay. Nhưng khi được bạn bè báo tin thì tôi sung sướng còn hơn bây giờ được đăng cả chùm thơ trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn. Sự đón nhận và động viên ban đầu của người đọc cực kỳ quan trọng.

Tuổi trẻ, cảm hứng sáng tác đến ào ạt lắm. Có ngày tôi làm được tới mấy bài thơ. Nhưng thơ thẩn thì nhiều mà thơ thực thì ít. Trong khoảng mười năm tôi làm được hơn ba trăm bài, mà sau này tôi tuyển chọn 51 bài in thành tập thơ "Trăng suông" (NXB Hội Nhà văn, 2005)

Thế rồi, không hiểu sao từ đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi bỗng có cảm hứng viết phê bình. Lúc đầu là phê bình thơ, đăng tạp chí văn nghệ địa phương được bạn bè động viên. Từ đây tôi hoạt động văn chương cả hai cánh: thơ và phê bình. Hai cánh của tôi cũng có lúc thăng bằng rồi mạnh yếu khác nhau trong từng thời kỳ, suốt cả thập kỷ tám mươi đến giữa thập kỷ chín mươi của thế kỷ XX.

Năm năm cuối của thế kỷ XX và năm năm đầu thế kỷ XXI, hồn thơ trong tôi hầu như dừng hẳn, tôi không viết được bài nào. Phê bình tiểu luận văn chương thì tôi vẫn viết nhưng cũng không dào dạt lắm. Lạ thế, lúc này tôi chuyển công tác về thủ đô Hà Nội, làm báo thuộc một cơ quan trung ương, luôn được đi khắp trong Nam ngoài Bắc, cảm xúc tâm hồn thì dào dạt phơi phới, công việc thì nhàn nhã thanh thản mà "nàng thơ" thì cứ trốn đâu mất.

Nếu tôi không tự ý thức điều này mà cứ cố làm thơ đều đều, sản xuất thơ ồ ạt để tỏ ra ta đây hồn thơ vẫn dào dạt, thì hàng loạt những bài thơ vô hồn nhạt nhẽo đã hòa vào núi thơ, làm bạn đọc chán ghét. Cảm hứng sáng tác và cảm hứng cuộc sống ở tôi không trùng nhau. Không biết ở các nhà văn nhà thơ khác thì thế nào?

Thế rồi đột nhiên, từ năm 2006, trong lúc công việc làm văn phòng phục vụ cho lãnh đạo Bộ đang rất bận rộn, thì "nàng thơ" lại đến ào ạt. Trong 2 năm 2006-2007, tôi sáng tác được khoảng dăm chục bài, nhiều chùm đã được đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn. Hiện tôi đã tập hợp thành tập "Bay trên mây trắng".

Nhưng từ năm 2008, nàng thơ trong tôi lại biến mất, tôi có cảm hứng viết tản mạn nghiệp văn. Cuối năm 2008 tôi đã in thành tập. Cảm hứng viết tản mạn nghiệp văn kéo dài đến nay là hơn 1 năm thì bắt đầu thấy "chàng văn" có dấu hiệu sắp vỗ cánh bay đi. Rồi cảm hứng gì sẽ đến tôi cũng chưa biết được!

Tôi kể từ thực tế của mình để thấy sáng tác văn chương chả có quy luật nào, hoặc có một quy luật siêu hình mà chưa ai có thể nắm bắt. Vì thế phải chăng sáng tác văn chương không thể phấn đấu được. Điều ấy diễn ra ở mỗi nhà văn và ở cả nền văn chương. Chúng ta cứ nhìn vào lịch sử văn chương nước nhà hơn một thiên niên kỷ sẽ thấy rõ. Cho nên việc đề ra mục tiêu kế hoạch cho văn chương mà mong sớm có kết quả là điều không thể, hỡi các nhà hoạch định! Nhưng việc chăm bón bồi đắp cho nền văn học nghệ thuật thì vẫn phải thường xuyên. Mùa gặt sẽ bất ngờ chứ không bao giờ hẹn trước.

Tác giả: Đinh Quang Tốn

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây