'Phiên bản' hay tính thiện và tính ác của con người

Thứ hai - 26/10/2009 15:22 2.326 0

'Phiên bản' hay tính thiện và tính ác của con người

"Phiên bản" là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Nguyễn Đình Tú. Cuốn sách có 31 khúc được sử dụng với 3 ngôi kể khác nhau, giống như một bản nhạc nhiều bè, khai mở nhiều lối đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật.

Diệu, cô nữ sinh ngây thơ trong sáng, sinh ra trong một gia đình có người anh trai phạm tội, phải đi tù. Bí bức, gia đình cô, trừ bà nội, còn bố, mẹ và cô liều lĩnh thuê tầu vượt biển đi nước ngoài. Cuộc vượt biên trốn chạy và giải thoát không thành. Hơn một trăm con người trên chuyến tầu bị bọn cướp biển giết chết hết. May mắn, cô cùng một người đàn ông theo đạo và đứa cháu trai mới chín tháng tuổi của ông - sau này nó sẽ là một nhà nghiên cứu tội phạm học - thoát chết, sống sót trở về được đất liền.

Trở lại cuộc sống bên người bà, Diệu gặp Hưng, một gã lưu manh, bạn tù của anh trai Diệu, rồi từng bước một, như một định mệnh, một tất yếu không sao cởi thoát được, cô dấn thân dần dần vào cuộc đời gió bụi giang hồ. Giang hồ gió bụi ngẫm ra vậy mà có nhiều cung bậc! Hạ đẳng nhất phải kể là loại đao búa côn đồ, gặp người là đánh, thấy của là cướp. Kế đó là lớp bất tri lý, coi thường công an, chính quyền, cả gan chống lại cả người thi hành công vụ, được đồng loài mệnh danh là những kẻ thích tự sát. Loại ba là loại ma xui quỷ khiến, chuyên dùng thuốc kích thích để gia cường “bản lĩnh” chém giết, hiếp đáp, cướp giật. Đại để là vậy! Chứ còn chi ly ra thì có thể phân thành nhiều loại nữa; chẳng hạn, loại chỉ chuyên kiếm tiền, loại chỉ thích ra oai, loại trộm cắp vặt, loại đi ăn cướp chỉ vì phẫn chí, loại bần cùng mà sinh đạo tặc, loại làm ẩu vì chứng rối loạn tâm thần, loại vì tình ái mà gây thù chuốc oán, loại manh động vì ăn phải bùa mê thuốc lú...

Diệu lưu manh hoá theo quy luật nội tại, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, trong khi lương tâm vẫn le lói chút tiếc nuối và vài tia ánh sáng nhân phẩm. Vì thực tình là sau cuộc vượt biển không thành trở về, thoạt kỳ thuỷ cô mới chỉ là một cô bé bán thuốc lá lẻ ở bến xe bến tầu, rồi tiến thêm một bước nữa, thấy thiên hạ bao nhiêu đứa sống được bằng ăn cắp, trong khimình cũng có đủ hai con mắt, hai bàn tay và cái đầu được học đến tận lớp chín mà chỉ trông chờ vào lờ lãi mấy điếu thuốc thì làm sao sống nổi, nhưng cũng mới chỉ là sa chân vào tội tiếp tay cho kẻ gian, nghĩa là mang hộ đồ ăn cắp của bọn chôm chỉa đi bán để ăn hoa hồng thôi. Bước đường tha hóa tiếp diễn ngay sau đó chẳng lâu la gì đối với một kẻ tay đã nhúng chàm, ngày đêm phiêu diêu trong những dục vọng tăm tối, trên mảnh đất nhan nhản những tay anh chị khét tiếng ranh ma quỷ quái hung ác bạo tàn. Rất nhanh thôi Diệu đã lênngôi nữ chúa, một siêu sao trong giới giang hồ, lập nên một đế chế dọc ngang không còn biết sợ ai!

Tập hợp xung quanh và có quan hệ dây mơ rễ má với nữ quái này là một lũ lĩ, những là Lân "Sói", Cộc "Ba Tai", Hưng "Mã", Tùng "Hê rô", Châu "Điên", Tuấn "Chợ"… tàn ác, bạo ngược có thừa, những thành tố bất hảo của một xã hội đen, một thế giới tội phạm!

Thế giới tội phạm, một lát cắt của đời sống hiện thực! Của đời sống hiện thực! Xa lạ chăng chỉ là, ở nơi đây không có cái thường quy, cái phổ biến. Thống trị ở nơi đây là cái hỗn mang chi sơ, là những bản năng kinh thiên động địa, là cái ác độc, là thói tàn bạo thâm căn. Thế giới tội phạm! Một bước lùi của lịch sử nhân loại!

Nhà văn không viết chỉ bằng cảm hứng. Ortega Y Gasset, tiểu thuyết gia Tây Ban Nha nói đại ý: Chiếc rìu của một tiều phu giỏi chẳng có nghĩa lý gì trên một sa mạc không cây cối. Muốn viết được một cái gì đó cho ra hồn, nhà văn phải có chất liệu và đừng tưởng chất liệu là cái vốn tự có, là nước ở cái giếng sâu không đáy, là vỉa quặng vô tận, thả sức đào bới.

Tôi đã hơn một lần rất có cảm tình và thật sự là khâm phục năng lực hiểu biết thấu đáo cái lĩnh vực đời sống, cái đối tượng nghệ thuật mà cây bút Nguyễn Đình Tú, một triển vọng đầy hứa hẹn của văn xuôi hôm nay, đã cầy xới trong tiểu thuyết Hồ sơ mộttử tù và mới đây, trong cuốn sách có cái tên rất lạ tai là Nháp của anh. Tất nhiên là chàng sĩ quan - cử nhân Luật này có sẵn cái vốn liếng cơ bản về học thuật đã được trang bị của mình. Nhưng dẫu thế nào thì cái sự sống trực tiếp nhằm khám phá kỹ lưỡng vào chiều sâu bên trong cái thế giới kỳ quái này của nhà văn, vẫn là một nét nổi trội, nó khiến người đọc rơi vào trạng thái say mê với một niềm tin cậy chắc chắn là đã không bị lừa!

Một cốt truyên hay! Trước nay tôi vẫn là kẻ bảo thủ, khi cho rằng, cốt truyện, với tổng số các tình tiết éo le, giàu kịch tính cùng các nhân vật có số phận độc đáo của nó, chính là cái khung thép cần có để làm chỗ dựa cho tất cả, là một nhu cầu, là cái khôn ngoan đặc biệt của tiểu thuyết, của truyện dài; vậy thì tội gì mà không tận dụng; huống hồ đây là một tiểu thuyết thuộc dòng hành động và tâm lý.

Tất nhiên, cốt truyện hay của Phiên bản chỉ là một mặt mạnh và như một lẽ phải thông thường, đó cũng không phải là mặt chủ yếu nhất của cuốn tiểu thuyết này. Bởi vì, điều đáng kể hơn, sâu sắc hơn còn là, sau cái nhu cầu được nhìn thấy, được hình dung ra nhân vật trong diễn tiến của các sự kiện nối tiếp, người đọc tiểu thuyết còn cái khát khao là được lặn ngụp trong cái vùng còn đang vô cùng mung lung, bí ẩn, mơ hồ của suy tưởng.

Tội phạm là vấn đề toàn cầu! Cái ác sinh ra từ khi có loài người, nhưng liệu có phải là nhân chi sơ tính bản ác và con người thì hoàn toàn bất lực, không thể triệt tiêu, không bao giờ chế ngự nổi cái ác, cái ác sẽ tồn tại mãi mãi, nó song hành cùng cái thiện? Tư duy truyền thống trước nay vẫn thường quy tội cho xã hội khi lý giải số phận của các tội phạm. Tám Bính trong Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng cũng không ở ngoại lệ. Nhưng còn những trường hợp khác? Chi tiết nhà văn Nguyễn viết chuyện một nữ tặc sinh ra và hoành hành ở chính mảnh đất quê hương, vùng không gian sinh tỏa của nhân vật Diệu trong Phiên bản là một ẩn dụ nghệ thuật, một điểm nhấn có dụng ý của nhà văn. “Đất này dữ, trai gái đều thành nghịch tặc cả”. Cùng với câu nói đã hơn một lần bà nội Diệu đay đi đay lại với Diệu, công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Chín Tháng có nhan đề Tội phạm học dưới giác độ địa văn hoá, phải chăng chính là chủ đích của nhà văn, anh muốn dùng pháp lý đồng thời với Kinh thánh - con người là phiên bản của Chúa - để giải minh vấn đề? Và nếu đúng là vậy thì sự kiện Diệu bắn chết Hưng ngay trên giường ngủ của mình ở đoạn kết của cuốn tiểu thuyết có thể coi là một cuộc tự chối bỏ của cái ác từ trong tiềm thức, cái ác tự huỷ hoại cái ác, một mệnh đề mang tính tường luận khá lý thú?

Phiên bản là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Nguyễn Đình Tú. Cuốn sách có 31 khúc được sử dụng với 3 ngôi kể khác nhau, giống như một bản nhạc nhiều bè, khai mở nhiều lối đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật. Khúc được kể bằng ngôi Thị nhằm trần thuật những diễn biến sự kiện của nhân vật chính. Khúc được kể bằng ngôi Em là dòng chảy nội tâm của nhân vật chính. Và các khúc người kể đứng ở ngôi Ta có dáng dấp một cuộc hỏi cung, một cuộc vượt thoát để tìm về bản ngã. Chắc đó cũng sẽ là những thủ pháp tạo thêm hứng thú cho bạn đọc cuốn sách này.

Tác giả: Ma Văn Kháng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây