Mùa xuân với "Lời ru ngọn cỏ"

Thứ hai - 18/01/2010 20:41 3.530 0

Mùa xuân với "Lời ru ngọn cỏ"

(Đọc tập thơ “Lời ru ngọn cỏ” của Bùi Văn Bồng, NXB Hội Nhà văn - Tháng 11/2009)
Tập thơ Lời ru ngọn cỏ của tác giả Bùi Văn Bồng là một tập thơ viết về người lính, thương binh, liệt sĩ, tình đồng đội và hậu phương, về chiến tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Như tác giả tâm sự, đây là tập thơ được chon lọc khá kỹ, chào mừng kỷ niệm truyền thống 65 năm của quân đội ta, mừng xuân Canh Dần 2010 và kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối năm 1971, nhà thơ, nhà báo, Đại tá Bùi Văn Bồng là một trong những sinh viên đang học ở trường Đại học, xếp bút nghiên, tạm biệt giảng đường, tình nguyên đi bộ đội tham gia chống Mỹ cứu nước. Vì thế, trong quân ngũ, anh đã trải qua một thời đạn bom, một thời hòa bình. Thơ anh luôn song hành cùng người lính với bao nỗi gian truân, vui buồn, hy vọng.

Vẫn mạch thơ trong trẻo theo “khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn” từ tập Gửi gió trời Nam, tập thơ mới này- Lời ru ngon cỏ, đem đến cho bạn đọc một sắc diện tỏa sáng hơn về truyền thống anh dũng, vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ. Tập thơ là sự tri ân đối với những người con của dân tộc đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và với những người lính đang hiến dâng phần đời còn lại của mình để dựng xây đất nước mạnh giàu thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Bản thân là người lính và do công việc đã gắn bó với người lính trên mọi miền Tổ quốc, anh đã có hàng trăm bài thơ viết về Bộ đội Cụ Hồ, về truyền thống hào hùng của quân đội ta, nhân dân ta. Găp các cựu chiến binh, nghe kể về những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tác giả đã có bài thơ Nhìn lại dấu xưa, tỏ lòng khâm phục thế hệ cha anh trong kháng chiến vô cùng gian khổ, thiếu thốn vẫn làm nên chiến thắng:

                  Đoàn quân lớn lên từ không đến có 
                 Từ nhỏ nhoi thành cao lớn phi thường 
                 Cũng nhờ mỗi củ khoai hạt lúa 
                 Nhờ hòn than giấu lửa suốt mùa mưa.

Bàn chân anh hầu như đã đặt lên khắp mọi miền đất nước trong những ngày tháng tham gia chiến đấu và cầm bút tác nghiệp trên mặt trận báo chí khi đất nước hòa bình. Vì thế mỗi bài thơ đều toát lên chất lính rất đậm qua cách nhìn, cách cảm chân thành mà sâu lắng. Đằm thắm và da diết nhất vẫn là những ký ức về bóng hình đồng đội nơi chiến trường khói lửa năm xưa:

                                              Nhớ rừng năm ấy bom rung 
                                      Chao nghiêng cánh võng buộc chung cây sồi

                                                                          (Cánh rừng năm ấy)

Và hôm nay  “Dấu chân thời gian” đã hằn in lên mái tóc xanh của người vợ trẻ:

                                      Sông vẫn chảy và đôi bờ xanh mướt 
                                     
Tóc người đàn bà pha sương. 

Các anh ra đi chỉ mới đôi mươi và không ít người nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Những người mẹ, người vợ chỉ còn biết:

                                      Trước bàn thờ hương hoa sớm tối 
                                      Giọt lệ buồn khóe mắt long lanh.

Nhìn lại những kỷ vật của đồng đội còn sót lại, như: một chiếc bi đông, một chiếc ba lô, một cái mũ cối hay một lá thư tình… lòng anh rưng rưng:

                                             Tôi cầm kỷ vật ngẩn ngơ 
                                    U Minh đầu tháng bất ngờ trăng lên

                                                                               (Lá thư kỷ vật)

Sự hy sinh của các anh là để cho “Đất nước ta nở hoa Độc lập, kết trái Tự do” (Bác Hồ). Đó là một sự bất tử muôn đời:

                                            Người hy sinh đất hồi sinh 
                                     Trái tim hóa ngọc lung linh giữa đời...

 

Biết bao địa danh làng quê, sông núi như ùa vào thơ anh ở nhiều góc độ khác nhau, được chiếu rọi bởi cái nhìn của người lính. Những miền quê ấy, cánh rừng ấy ghi dấu chiến công hiển hách của Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước. Đó là Tầm Vu, Vòng Cung, Côn Đảo, Trường Sa, Lộc Ninh, Phước Long, Củ Chi, Vàm Cỏ Đông, Trà Vinh, Cần Thơ, Cà Mau, Mường Lèo, Tà-vát, … Chỉ nhìn những chiếc lá bàng màu đỏ sậm ở Côn Đảo mà trước mắt anh hiện lên:

                                 Khi gió cát chuyển mùa trên Côn Đảo 
                                 Những cây bàng cuối vụ đỏ lá bay 
                                Cái màu đỏ trên sắc cờ năm ấy 
                                Máu đào rơi còn nhuộm những áng mây

                                          (Lá bàng Côn Đảo)

Làm dịu đi nỗi cháy bỏng đớn đau của chiến tranh, anh có những vần thơ tươi mới về tình yêu của người lính với nhiều cung bậc ở các bài: Bến trăng, Tình yêu nửa đời, Phù sa và nắng, Chiều mưa Giai Xuân, Tình yêu lính đảo, Đổi gió, Khoảng trời thông xanh, Cánh ô đợi chờ, Chiều xa, Con sóng…Ta hãy cùng vui và sẻ chia với những anh lính đảo ở Trường Sa, ai dám bảo trái tim người lính khô khan:

                                      Lính đảo nói rằng lính đảo thương 
                                      Một cô bạn học buổi tan trường 
                                      Mắt như tiên nữ sa trần thế 
                                      Mái tóc đen mềm ai ướp hương.

                                                                      (Tình yêu lính đảo)

Hoặc, nếu có chia ly, hối tiếc thì vẫn là một tình yêu đẹp:

       Em chưa kịp nói lời yêu 
 Mắt ai đã cháy rực nhiều ánh sao 
      Tay mềm nhẫn cưới chưa trao
Trăng rơi đáy nước làm chao mạn thuyền.

                                    (Bến trăng)

Có lẽ cái chất lính dí dỏm và lãng mạn trong anh không bao giờ cạn nên ở nhiều bài thơ về quê hương, đất nước, lễ hội, gia đình, tình bạn, tình yêu của anh luôn tươi mới, mang đậm sắc màu cuộc sống, làm vợi đi nỗi đau chiến tranh, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Ta hãy cùng anh vào “Lễ hội mùa xuân” để được chiêm nghiệm:

                                      Lúng liếng mắt ai mở gió vin cành 
                                      Mùa trái chín ngọt lành quê ngoại 
                                      Những chân trần dính phù sa dầu dãi 
                                     
Tụ về đây lễ hội mùa xuân.

Viết về đề tài chiến tranh không phải tác giả nào cũng thành công. Nếu không có cái nhìn khách quan, sự rung động sâu sắc, không có vốn sống, vốn ngôn từ phong phú thì người viết rất dễ rơi vào than phiền, lên án, kể lể, sa vào bi lụy hay sự lên gân, hô hào, bài thơ sẽ thiếu tính tư tưởng và thẩm mỹ. Thơ Bùi Văn Bồng không như vậy, anh biết chắt lọc những chi tiết đặc sắc nhất, độc đáo nhất của cuộc sống để đưa vào từng câu thơ làm cho bài thơ “nổi gió”. Cùng một đề tài nhưng anh khéo đan xen nhiều chủ đề về chiến tranh, tình yêu, quê hương, gia đình, bè bạn, hiện tại, quá khứ…với cái nhìn đa chiều, đa cảm, sự nghĩ suy tinh tế làm cho hình tượng thơ trở nên lung linh, đa nghĩa, vừa mang  tính truyền thống vừa hiện đại.

Tập Lời ru ngọn cỏ của nhà thơ - đại tá Bùi Văn Bồng góp một tiếng ca vui vào kho tàng thơ ca cách mạng Việt Nam viết về Bộ đội Cụ Hồ với tất cả niềm kính yêu, trân trọng, tự hào. Mừng quân đội ta đã 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, mừng kỷ niệm 20 năm ngày hội quốc phòng toàn dân, đọc tập thơ Lời ru ngọn cỏ, hơn bao giờ hết ta thấy gần gũi, yêu thuơng người lính Bộ đội Cụ Hồ, cảm nhận niềm vui chiến thắng cùng những nỗi đau mất mát, hy sinh để có cuộc sống đổi mới hôm nay. Như dưới chân tượng đài chiến thắng vươn trời mây ở bìa 4, tác giả đã đề thơ: Sừng sững trời mây đài chiến thắng / Rạng đến mai sau thuở hào hùng. Đó là một truyền thống cực kỳ quý báu, làm hành trang cho biết bao thế hệ tiếp bước cha anh để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tác giả: Lê Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây