Ngày 'đền tội' của kẻ giết người

Thứ sáu - 17/05/2013 23:19 1.056 0
Nghe tòa tuyên án tử hình, ông Trịnh không giữ được bình tĩnh, đổ ụp xuống vành móng ngựa, hai bàn tay run rẩy che khuôn mặt nhòe nhoẹt nước.

Hơn 20 năm trước, Phạm Văn Trịnh (62 tuổi, Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ) nổi tiếng khắp vùng chợ Bụa nhờ thành tích bất hảo. Bảo gã là giang hồ số má cũng chả phải, bởi đời gã năm lần bảy lượt “nhập kho” cũng chỉ vì đánh lộn, uống rượu và ăn cắp vặt.

Xen giữa những lần vào tù ra tội, gã cũng kịp lấy hai đời vợ song không tu tỉnh làm ăn, vẫn suốt ngày say xỉn rồi dặt dẹo “xin đểu” khắp quán chợ quê.

Đêm 17/9/1991, Trịnh cùng em trai đến quán thịt chó đầu làng ăn nhậu. Ở đây, gã xô xát với mấy khách hàng bàn bên cạnh. Sẵn tính côn đồ, Trịnh vớ ngay con dao thái thịt của đầu bếp đâm chết anh Quỹ là người cùng xã. Ngay sau đó, gã bắt xe ôm ra ga Hà Nội rồi lên tàu chạy trốn vào Nam…

Trịnh kể, khi đã yên vị trên tàu, gã phỏng đoán, nếu “dông tuốt” Sài Gòn thể nào cũng bị công an “đón lõng”, nên cách tẩu thoát tốt nhất là xuống một ga xép nào đó, càng hiu quạnh thưa người càng tốt. Gã đã chọn ga Phú Vang, Đà Nẵng. Sau mấy ngày lang thang, núp dưới cái tên giả Nguyễn Văn Thành, Trịnh xin vào làm công nhân tại lò gạch ở Quảng Nam.

Kết
Ông Phạm Văn Trịnh. Ảnh: Công lý

Khi người chủ hỏi về giấy tờ tùy thân, Trịnh nói dối đã bị mất cắp trên tàu. Đồng thời, Trịnh cũng kịp dựng lên câu chuyện đầy nước mắt về cuộc đời mình khiến ông chủ lò gạch mủi lòng.

Trong 9 năm lẩn trốn ở Đà Nẵng, Trịnh lấy vợ ba và sinh thêm một người con. Cuối năm 2000, “đánh hơi” thấy “động”, gã lôi tuốt tuột vợ con vào tận Long Thành, Đồng Nai sinh sống.

Đất lạ quê người, vợ chồng gã hai bàn tay trắng lập nghiệp nên cuộc sống khốn khó. Nhiều lúc gã phải nhổ trộm củ khoai, củ sắn của hàng xóm để đắp đậy cơn đói qua ngày. Với nỗi ám ảnh bị săn đuổi, không đêm nào gã có được giấc ngủ trọn vẹn. Chỉ cần tiếng gió đập ngoài phên cửa hay tiếng động cơ xe máy nổ gần cũng khiến gã giật mình.

Thậm chí có thời gian gã vác chăn màn, dao rựa, đèn pin lên rẫy ở riết cả tuần không dám ló mặt ra ngoài. Nhiều lúc định ra đầu thú để thoát khỏi cảnh lo sợ, hoảng hốt mỗi đêm, nhưng chỉ cần nghĩ sẽ phải lần thứ 3 trong đời giam mình sau song sắt, gã lại từ bỏ toan tính đó.

Trước khi “Nam tiến”, gã cũng đã phao tin mình bị chết đuối ở Sơn La khi đang cố gắng vượt biên, nên chắc mẩm, công an sẽ chẳng bao giờ truy nã, săn đuổi kẻ đã “vùi thây trong bụng nước” làm gì.

Ngày gây án, Trịnh mới tròn 40 tuổi, giờ gã vịn vành móng ngựa ở tuổi 63, tóc bạc da mồi, thân hình gầy còm, héo úa. Gã bảo: “Nếu biết pháp luật chưa quên đi tội ác của mình bị cáo đã chẳng trốn chạy làm gì cho khổ. Bố chết không dám về thắp hương, mẹ đau không một giờ nâng giấc, bị cáo ân hận lắm rồi…”.

“Vậy sao trong suốt quãng thời gian ấy, bị cáo không chịu ra đầu thú để được hưởng khoan hồng?”, chủ tọa phiên tòa chất vấn. Trịnh im lặng cúi đầu. Phải mất một hồi lâu, gã mới chịu “giải thích” lý do “lặn” suốt hơn hai thập kỷ kể từ ngày gây án, đó là bởi gã chắc mẩm thời gian sẽ xóa nhòa tội ác.

Thế cho nên mới có chuyện khi bị các trinh sát ập vào nhà bắt giữ lúc rạng sáng 7/9/2012, gã chối đây đẩy: “Chắc cán bộ bắt nhầm người rồi, “em” là Nguyễn Văn Thành chứ có phải Trịnh đâu”. Chỉ đến khi các trinh sát đưa ra chứng cứ, gã ú ớ: “Ơ, thế sao các anh biết “em” ở đây mà tìm?”.

Tại phiên xử, khi được nói lời sau cùng, Trịnh khẽ khàng: “Bị cáo biết tội mình rất nặng, không chỉ tước đi một mạng người vô tội, mà bị cáo còn đẩy cả gia đình anh Quỹ vào thảm cảnh. Chỉ vì lo sợ phải đi tù nên bị cáo mới trốn chạy ngần ấy năm. Giờ chỉ mong tòa xét đến hoàn cảnh của bị cáo tuổi già sức yếu mà khoan hồng cho một con đường sống…”.

Giờ nghị án chầm chậm trôi đi. Dường như quá mỏi mệt, Trịnh vắt thân hình phất phơ như cái dải khoai qua vành móng ngựa. Khuôn mặt gã bợt bạt, môi tím ngắt.

Ngồi khuất ở góc hội trường xét xử, hai người con của gã với người vợ hai cũng không thăm hỏi bố lấy một câu. Giữa những con người vốn bị ràng níu bởi tình máu mủ ruột rà ấy, hình như có một khoảng cách vô hình. Họ lặng lẽ, chờ đợi.

Thỉnh thoảng gã lại ngoái nhìn về phía con, ánh mắt vừa như sợ sệt, vừa như van lơn, mong mỏi một điều gì đó, nhưng đáp lại chỉ là sự lặng im. Sau những lỗi lầm thời trai trẻ, giờ gã đã hoàn toàn tay trắng: không ánh mắt sẻ chia của người thân, không cắc bạc dính túi để đền bù tổn thất cho gia đình bị hại, đời gã có cái kết buồn.

Thời khắc chờ đợi quyết định sinh tử rồi cũng trôi qua, tòa tuyên gã án tử hình. Không còn giữ được bình tĩnh, gã đổ ụp xuống vành móng ngựa, hai bàn tay run rẩy che lấy khuôn mặt nhòe nhoẹt nước.

Khi bị cảnh sát dẫn giải lên xe thùng về trại giam, gã cố ngoái đầu nói lý nhí: “Bố xin lỗi các con!”.

Theo Công lý

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây