"Xin chào" chưa thuyết phục

Thứ hai - 13/12/2010 09:29 2.807 0

Lạc Long Quân và Âu Cơ nằm ngủ trong vở Xin chào - Ảnh: ban tổ chức cung cấp

Lạc Long Quân và Âu Cơ nằm ngủ trong vở Xin chào - Ảnh: ban tổ chức cung cấp
Rạp xiếc TP.HCM (tọa lạc tại công viên 23-9) tối 11-12 gần như không còn chỗ trống - điều rất hiếm gặp ở những chương trình biểu diễn xiếc thông thường, bởi đây là đêm ra mắt suất đầu tiên của vở diễn nghệ thuật, lịch sử "Xin chào" (*).

Tuy nhiên, Xin chào với sự khó hiểu của mình đã không đáp lại được sự kỳ vọng và háo hức của nhiều người vào một vở diễn hay theo đúng tiêu chí “quảng bá cho du lịch Việt tại TP.HCM”, thông qua nghệ thuật xiếc, múa, võ thuật và âm nhạc. Không thể phủ nhận êkip thực hiện với hơn 50 nghệ sĩ đã bỏ nhiều công sức đầu tư từ trang phục, dàn dựng, đạo cụ sân khấu, âm thanh, ánh sáng... rất bắt mắt, nhưng sự choáng ngợp phút đầu không đủ lấp đi những hụt hẫng trong lòng khán giả về sau. Một khán giả bày tỏ nuối tiếc: “Đến mình là người Việt xem còn không hiểu gì thì làm sao khách nước ngoài có thể hiểu”.

Những điều để nuối tiếc đầu tiên phải kể đến là tạo hình của các nhân vật không hề liên quan và phù hợp với thời điểm ra đời. Một lúc lâu sau khi nhân vật mẹ Âu Cơ xuất hiện trên sân khấu, người xem vẫn không thể nhận ra đây là ai (mặc dù trước khi vào rạp mỗi người đều được phát tờ nội dung chương trình) chỉ bởi mẹ Âu Cơ trông giống... công chúa xứ hoa hơn! Trong phần hai, khi tái hiện cảnh Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán, khán giả lại tiếp tục thắc mắc khi quân Hán trông không khác gì người ngoài hành tinh với tạo hình kỳ dị.

Mặc dù thời gian diễn khá dài (90 phút) nhưng một số tình tiết quan trọng lại bị giản lược quá mức. Xem đoạn tái hiện truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, có những du khách không hiểu vì sao Lạc Long Quân, Âu Cơ chia tay, không rõ sự tích bọc trứng thần kỳ đã nở ra người con Việt... khi chỉ thấy Âu Cơ và Lạc Long Quân mỗi người gánh hai thúng “gì đó” quay đi?! Trong khi đó, nhiều chi tiết rườm rà như khi Âu Cơ và Lạc Long Quân ngủ trong tổ (?!), cảnh cỏ cây hoa lá múa hát... lại không được cắt hợp lý.

Mặt khác, nhiều ý kiến thắc mắc vì sao lịch sử chống giặc giữ nước của Việt Nam hào hùng, rạng rỡ là thế mà vở chỉ chọn tái hiện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng với cảnh cuối khá bi thảm: dân thường bị chém giết dã man, hai nữ tướng bất lực trước sự bạo tàn của giặc ngoại xâm đã phải quyên sinh với dải lụa trắng.

Lý giải cho những “hạt sạn” trong chương trình, bà Laura Bruke (quốc tịch Mỹ) - người trực tiếp xây dựng và viết kịch bản cho Xin chào sau bảy năm nghiên cứu, làm việc tại Việt Nam - chia sẻ: sử dụng những hình ảnh mang tính chất ước lệ là chủ ý nghệ thuật của bà, có thể vì vậy mà Xin chào có vẻ khó hiểu. Theo bà, các du khách tìm đến Việt Nam đều đã ít nhiều tìm hiểu về văn hóa bản địa, nhưng để du khách tiện theo dõi hơn ở những suất diễn sau, Xin chào sẽ viết lại tờ nội dung một cách chi tiết đính kèm vé bán.

Chọn tái hiện trích đoạn khởi nghĩa Hai Bà Trưng cũng xuất phát từ ý thích của bà Laura, bởi theo bà, hình ảnh những người phụ nữ Việt luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho bất kỳ ai - nhất là du khách quốc tế - vì tinh thần yêu nước không thua kém gì các trang nam nhi... Chính điều đó đã thôi thúc bà Laura mạnh dạn chọn Hai Bà Trưng làm trích đoạn dàn dựng trong Xin chào. Dù phần kết thúc có hơi bi thảm nhưng đó sẽ là phút lắng lòng cần thiết so với tiết tấu khá vui nhộn, mang nặng tính giải trí mà Xin chào hướng đến trong suốt vở kịch.

Được xây dựng theo mô hình của những vở kịch nghệ thuật đương đại đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Cirque du Soleil ở Canada, Voyage de la Vie ở Singapore, Siam Niramit ở Thái Lan..., dự án Xin chào ngay từ khi công bố đã gây sự háo hức cho rất nhiều người. Khán giả hi vọng Xin chào sẽ giúp không khí rạp xiếc TP bớt ảm đạm khi nhiều năm liền không thể cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác, cũng như hi vọng vở sẽ mang văn hóa, lịch sử Việt đến gần hơn với các du khách trong và ngoài nước... Thế nhưng để làm được điều đó, thiết nghĩ Xin chào cần có những hiệu chỉnh phù hợp để chinh phục khán giả.

Ông Joe Michael (56 tuổi, quốc tịnh Ireland), một trong những du khách xem vở Xin chào, hóm hỉnh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam nên tôi chưa biết nhiều về lịch sử của các bạn. Tôi muốn đi xem vở diễn này, dù không đọc sách vẫn có thể hiểu được chút gì đó về lịch sử Việt. Nhưng có lẽ tôi phải đi mua sách, sau đó sẽ quay trở lại đây xem lại một lần nữa. Lúc đó có thể vở diễn sẽ có ý nghĩa với tôi hơn”.

MINH TRANG
Nguồn: Tuổi Trẻ

(*) Vở sẽ được biểu diễn vào các ngày trong tuần tại công viên 23-9.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây