Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Có thể mắt tôi kém, không nhìn ra thiên tài nữa?…”

Thứ sáu - 14/08/2009 23:24 2.417 0

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thuỳ Linh, Văn Cầm Hải

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thuỳ Linh, Văn Cầm Hải
Nguyễn Trọng Tạo được coi là một trong số ít những nhà thơ có công đem đến cho văn chương Việt Nam những “Thương hiệu thơ trẻ” cách đây hơn chục năm về trước. Nhìn lại chặng đường thơ trẻ đã qua, với nhiều đổi khác hôm nay khiến không ít người tự hỏi "Họ đang ở đâu?”. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo để tìm câu trả lời.

PV: Là một trong những nhà thơ có công phát hiện các cây bút thơ trẻ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 như Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thuỳ Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư… vậy lý do nào khiến Nguyễn Trọng Tạo cầm bút “lăng-xê” họ?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Phải nói là những cây bút thơ ấy xuất hiện trong một thời đoạn rất nhiều tác giả trẻ xuất hiện. Giai đoạn đó xuất bản, in ấn thoải mái dễ dàng hơn thời trước đó. Họ xuất hiện trong một rừng tên tuổi, nhưng vì sao họ lại thành những cái tên độc đáo và được người ta chú ý hơn? là do phong cách thơ của họ có những nét riêng, sự độc đáo và chính những nội dung họ đề cập là nội dung của thời hiện đại, đặc biệt là của thời trẻ. Họ gây được ấn tượng vì độc đáo và cá tính mạnh. Những người ấy nói chung họ có học.

PV: Khi “lăng-xê” họ tại thời điểm đó nhà thơ có gặp khó khăn gì không?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Có những khó khăn. Vì họ độc đáo quá, cá tính quá, mà thơ ca của ta thì những tìm tòi, phá mở độc đáo ấy thường không dễ dàng được chấp nhận, thậm chí gây ra khó chịu cho một số người đọc đã quá quen với tư duy cũ. Tư duy của họ không phải là tư duy thơ ca thông thường trước đó vì ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ lập trình. Ngay cái chữ lập trình cũng mới được chú ý tới từ thời công nghệ thông tin phát triển. Nó có bộ nhớ nối với nhau rất ghê gớm, chính vì thế mà thơ họ có những nhảy cóc về ngôn ngữ, những ý tưởng chắp nối rất nhanh làm cho người đọc khó chịu vì đang đọc thơ theo thói quen khác.

Hai nữa là vấn đề họ đặt ra thường “nhạy cảm” ví dụ như sex, hay là quan niệm về truyền thống, hiện đại của họ cũng khác nên thậm chí có những tác giả bị mổ xẻ, bị “đánh”. Nhiều nhà thơ, nhà phê bình không chịu nổi và búa rìu của sự phê phán giáng xuống đầu họ dữ dội. Nhưng bao giờ cũng thế, vẫn có những người đặc biệt quan tâm về sự phát triển của dòng thơ hiện đại. Hơn nữa những người trẻ họ tiếp cận nhanh vì tư duy đang mới nên những cái mới vào họ dễ lắm - khác hẳn những người có “tư duy đổ móng”.

PV: Vậy khi mới giới thiệu họ, nhà thơ có nghĩ rằng những cây bút đó sẽ đi lâu dài trên con đường văn chương?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Với những cá tính nghệ thuật ấy, tôi nghĩ rằng, số phận các nhà thơ không đơn giản. Có người khi mới xuất hiện họ sáng loé lên rồi tắt như sao băng. Nhưng có những ngôi sao sáng từ từ rồi sáng mãi, mà càng về khuya càng sáng, thì đó là số phận thơ ca mỗi người. Vì thế có lâu dài hay không tôi không thể biết trước được.

PV: Theo nhà thơ những cây bút thơ này đã thực sự tạo được cái gọi là “thương hiệu văn học trẻ”, “hiện tượng văn học” chưa hay chỉ là sự ồn ào mang tính bề nổi?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Có thể nói rằng họ cũng đã bắt đầu tạo ra một hệ thống mới về tư duy thơ mà như tôi nói là tư duy lập trình, nhất là trong thơ ca hiện đại thì nó gần gũi với thế giới. Các dòng thơ ca hiện đại của thế giới họ cũng mở ra nhiều hướng và không phải hướng nào cũng tốt nhưng nó có không khí của thời đại thi ca ấy. Một nhà thơ Mỹ, là người gần như đứng đầu một nhóm thơ hậu hiện đại mà tôi có dịp gặp vừa rồi ở Mỹ, ông nói rằng: “Thơ truyền thống có thể chung sống với thơ hiện đại”, nhưng những người đi về thơ hiện đại thì cái truyền thống nó thường chạy theo mạch ngầm khác. Ở trong tất cả sự phá mở ấy thì vẫn có cái mạch của sự nối tiếp chứ không phải sự cắt đứt”. Nhận định này đúng với trường hợp Văn Cầm Hải, nhiều câu thơ đọc lên thấy rời rạc nhưng trong đấy có cả một quan điểm, nó vẫn dính và kết nối với nhau, vẫn vọng về quê, về tổ tiên, vẫn nói về Âu Cơ, về mộ tổ, nhà thờ họ nhưng ở góc nhìn thế giới lại rất mới như: “Người dương cầm lên cơn tổng phổ” hay “Chùm hoa ti-gôn cũng đỏ màu tập thể”.

PV: Hiện nay, ông có theo dõi công việc sáng tác của những cây bút này nữa không và đánh giá của ông về họ hôm nay?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Hiện nay tôi ít được đọc sáng tác của họ nữa. Tôi thấy một vài cây bút này hình như khựng lại, không thật sự gây được chú ý cho độc giả như lúc ban đầu.

PV: Phải chăng các cây bút được ông giới thiệu đã chạm tới “đỉnh” văn chương của chính bản thân mình và giờ có phần im lặng vì không vượt qua chính mình nữa?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Họ nên tự hỏi họ đã hết chưa? Tôi nghĩ có có người hết rồi nhưng cũng có người chưa hết. Cái sự chưa hết này nếu có đủ một sự điềm tĩnh để đừng có quá ảo tưởng về mình thì cứ hãy bồi đắp văn hoá và sự trầm tĩnh mà đi. Ví dụ như Văn Cầm Hải, sau khi tập thơ thứ 2 không được chấp nhận xuất bản thì anh lại xuất hiện bằng hai cuốn sách văn xuôi rất hay, mang đậm tính văn hóa của dân tộc và sự hội nhập thế giới. Chính vì thế mà 2 cuốn sách văn xuôi này lại gây được ấn tượng khác, vì lúc đầu anh xuất hiện bằng thơ đã gây được ấn tượng rồi và anh trở thành Hội viên Hội Nhà văn bằng hai cuốn sách văn xuôi ấy. Nhưng hiện tượng tập thơ đầu tiên làm người ta chú ý đến anh ấy từ rất sớm, như vậy, đấy là một tài năng có sự thẩm thấu sâu xa của văn hoá.

Vi Thuỳ Linh cũng có một giai đoạn in tập thơ thứ 3 không qua được nhà xuất bản thì sau đó một thời gian dài thấy xuất bản tập thơ thứ 3 nhưng có quá nhiều thay đổi so với tập định in. Và tập thơ thứ 3 đó có vẻ bình lặng như người mệt mỏi. Gần đây Vi Thuỳ Linh cho ra mắt tập thứ 4 với tuyên bố không làm thơ nữa nhưng cũng không gây được ấn tượng mạnh. Nếu mình hài lòng với bản thân thì mình sẽ không vượt qua chính mình và khi không vượt qua chính mình là mình dừng lại. Thậm chí có người tụt hẳn so với sự mở ra bởi có sự nôn nóng, thiếu sự tích luỹ về văn hoá và những trải nghiệm về cuộc sống chưa thật đủ.

PV: Thưa nhà thơ, hiện nay những cái tên như Vi Thuỳ Linh ngay sau khi vừa ra mắt tập thơ mới nhất của mình tuyên bố không làm thơ, Phan Huyền Thư thì bận rộn và được biết đến nhiều hơn với những tập phim tài liệu, một vài cây bút khác thì quay ra làm báo… thì ngoài những dấu hiệu như ở trên được nhắc tới là họ “im lặng vì không vượt qua chính mình” nhưng cũng có thể đó là một độ lùi cần thiết để họ nạp thêm những thứ bản thân mình còn thiếu?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Cũng có thể trong số họ có người như thế. Nhưng theo tôi cái sự tích lũy của tác giả không được đầy đủ và có những tác giả chủ quan. Ngày trước khi tôi “đề-pa” những tên tuổi này với một sự trân trọng cá tính nghệ thuật. Mà cái cá tính nghệ thuật lại mới mẻ nên nếu không có sự ủng hộ họ dễ bị thui chột hoặc không có người giới thiệu thì độc giả có khi không biết trong biển thơ ca mênh mông ấy có những tên tuổi này. Tôi phải căn cứ vào cá tính sáng tạo, cá tính nghệ thuật mạnh.

Khi tôi “lăng-xê” họ, để làm gì, để cho dân trí thơ có một sự thay đổi về quan niệm đọc thơ. Nói cho hình tượng thì bức tường của người đọc đã dựng lên quá vững thì đây là một cách đục thủng bức tường để mở ra một cánh cửa khác trong thời mới, trong tư duy mới, quan niệm mới để dẫn tới một chấp nhận mới. Cho đến khi họ trưởng thành, khẳng định được mình thì việc đấy đối với tôi là đã xong. Còn khi mở cánh cửa ấy ra rồi, có người bị loá mắt thì họ sẽ gục ngã, có người bình tĩnh thì họ sẽ đi tiếp.

PV: Cho đến bây giờ nhà thơ có thấy tiếc hay cảm thấy công sức của mình bỏ ra để lăng-xê những tên tuổi ấy chưa như kỳ vọng của mình không?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi không thấy tiếc mà còn cảm thấy vui. Vì bây giờ họ trưởng thành rồi, tôi cũng không quan tâm nhiều nữa. Họ đi được như thế là tôi đã biết rồi, giờ tôi có thể nhìn rõ ai đi được và ai không đi được. Hơn nữa trong cuộc sống, những mối quan hệ ngoài thơ ca, tôi thường không quan tâm. Ngày trước tôi nói là; những cái gì tôi khen ngợi, tôi ủng hộ cho thơ là tôi chịu trách nhiệm những thứ khen chê ấy. Nhưng cái đích cuối cùng của nghệ thuật bao giờ cũng là “tự nhiên như nhiên”.

Bây giờ những người ấy họ đã đi được một chặng cũng khá dài, hầu hết họ đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là ít ra họ đã có tên tuổi trên văn đàn sau khi trải qua nhiều sóng gió.

PV: Kể cả những tên tuổi một thời đã được nhà thơ giới thiệu, nếu giờ đoạn tuyệt hẳn với thơ?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Thì cũng chả sao. Đó là số phận thơ ca của mỗi người.

PV: Nếu trước đây Nguyễn Trọng Tạo đầy hào hứng, nhiệt huyết trong việc giới thiệu thơ của các cây bút trẻ thì đầu thế kỷ 21 này, liệu có tên tuổi nào để Nguyễn Trọng Tạo “lăng-xê”? Đó có phải là sự nghi ngờ hay thận trọng của ông không? Hay vì hiện nay không có ai xứng đáng để ông giới thiệu?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi không nghi ngờ. Tôi thấy những người yêu thơ và làm thơ đều đáng trân trọng. Nhưng trong xu hướng của thời đại này những người trẻ có tâm hồn, có tài năng, và có ý thức về thơ ca thì họ sẽ sẽ xuất hiện thôi. Tôi tin rồi sẽ có người xuất hiện một cách ấn tượng. Nhưng xã hội kinh tế thị trường hiện nay thì họ đang phải nghĩ đến việc mình sống bằng cái gì. Và thế là đời sống mưu sinh đã lấn át đam mê thơ ca của họ. Điều này xảy ra với rất nhiều người, thậm chí có người ý thức được rằng, làm thơ chỉ được cái danh chứ không thể nuôi nổi mình.

Tuy vậy vẫn có nhiều cây bút trẻ đang vật lộn với thơ. Những Huỳnh Thúy Kiều, Nguyễn Phan Quế Mai, Lệ Bình Quan… đang quen dần với thi đàn. Trường hơp Trương Quế Chi xuất hiện bằng một tập thơ rất mới và thông minh khi chưa 20 tuổi là đáng ghi nhận. Tác giả quan tâm đến những vấn đề đời sống xung quanh, đời sống tình cảm gia đình, riêng tư… đã có sức khái quát cho cả những vấn đề thực tại. Tôi cũng đã giới thiệu cô này trên Báo Thơ, tôi cho rằng đây là kiểu của nhà thơ thế kỷ 21. Nhưng Trương Quế Chi đang đi học ở nước ngoài và những công việc của học hành cũng lôi cuốn và không biết dạo này có làm thơ không?

Còn bảo tôi giờ thận trọng cũng đúng, khi giới thiệu ai cũng phải thận trọng chứ, đâu phải bây giờ tôi mới thận trọng. Nguyên nhân chính là giờ tôi chưa thấy có sự bùng nổ tạo được ấn tượng mạnh để mình có thể hô lên “Ơ-rê-ka” - đây rồi! Hay là bây giờ mắt tôi kém, không nhìn ra thiên tài trước mắt mình?

PV: Phải chăng cái gọi là sự 'bùng nổ' của thơ ca chỉ xuất hiện ở những người tuổi trên dưới đôi mươi?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Cái tươi mới của thơ ca rất quan trọng, ở tuổi hai mươi tâm hồn người ta trong và mới. Họ có những bột phát nên đưa ra nhiều cái rất lạ. Chứ còn đọc thơ của những cây bút đã ngốn thiên kinh vạn quyển rồi thì thướng thấy họ khôn quá, làm thơ mà khôn quá cũng là một cái dại.

PV: Nhưng những tên tuổi được ông lăng-xê khi tuổi đời còn quá trẻ. Là một nhà thơ trưởng thành, ông cũng từng chứng kiến những căn bệnh mà tuổi trẻ hay mắc phải, trong đó có căn bệnh ảo tưởng, lúc ấy ông có lường trước được điều đó không?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Ảo tưởng không phải là xấu của người trẻ, nhưng khi đã trưởng thành rồi, mỗi người phải tự biết mình đang ở đâu. Tôi đã từng viết lời tựa cho tập thơ Vỉa từ của Nguyễn Hữu Hồng Minh thế này: “Một dân tộc mà người trẻ không biết đến ảo tưởng và người già không biết đến sám hối thì đó là một dân tộc đáng buồn”.

PV: Giá như không có Nguyễn Trọng Tạo “lăng-xê” thì giờ đây những tên tuổi như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh đã khác, ông nghĩ sao về giả thiết này?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Giá như không có Nguyễn Trọng Tạo, có thể họ làm thơ được một đoạn rồi cất bút vì sợ ăn đòn quá.

PV: Với những cây bút mà mình đã từng lăng-xê, giờ ông có muốn khuyên họ điều gì không?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi sẽ nói với họ điều mà họ đã biết: Đừng bao giờ đánh mất niềm đam mê thơ ca.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây