Chàng trai cắt tóc miễn phí cho người tâm thần

Thứ năm - 02/05/2013 05:17 833 0
Đang cắt tóc, thấy có người hỏi mượn kéo, Huân đưa luôn như một phản xạ. Cầm kéo, bệnh nhân tâm thần đứng dậy tụt quần định... cắt cho "đỡ vướng". Sau lần ấy, Huân dặn mình phải cẩn trọng khi tiếp xúc với người bệnh.
Vượt qua cảm giác sợ hãi sau chuyến đi cắt tóc cho bệnh nhân tâm thần đầu tiên ở Hà Nam, Huân hăng hái và mong chờ những chuyến thiện nguyện tiếp theo.

Đang học năm cuối cao đẳng, Bùi Ngọc Huân (Hoàng Mai, Hà Nội) bỏ ngang xin đi học cắt tóc. Học được gần một năm, thấy mông lung về nghề nghiệp, cậu đòi bố mẹ cho sang Nga bán quần áo với cậu. Sống bên đó một năm, Huân "Chích" (tên thân mật ở nhà của Huân) lại trở về vì không chịu nổi cái lạnh, sự cô đơn và công việc tẻ nhạt.

Không tiền, thất nghiệp lại xấu hổ, Huân xin đi làm thợ phụ cho các cửa hàng tóc ở Hà Nội để không phải xin tiền bố mẹ. Vừa làm thuê, cậu vừa tranh thủ tham gia các khóa training của hãng mỹ phẩm danh tiếng nước ngoài. Chính những buổi học ở đây cho Huân định hướng rõ ràng về nghề nghiệp và nuôi tình yêu với nghề tóc.

Sau vài khóa học, Huân tự tin hơn với tay nghề của mình và nhờ gia đình vay tiền để mở tiệm chung với chú vào cuối năm 2011. Huân chịu trách nhiệm uốn, ép, nhuộm còn công đoạn cắt do chú cậu đảm nhiệm. Thời gian này, Huân "Chích" vẫn chịu khó tham gia khóa training của hãng mỹ phẩm vào cuối tuần. Hiện Huân đã nghỉ việc ở salon tóc và trở thành nhân viên kỹ thuật của hãng mỹ phẩm.

Ngoài công việc hướng dẫn kỹ thuật pha màu cho nhân viên tóc ở các salon tại Hà Nội, Huân còn bận rộn với những chuyến từ thiện đến với bệnh nhân tâm thần và người nghèo. Cậu tâm sự, lúc đầu nghe tới người tâm thần đã thấy sợ. Bình thường gặp người tâm thần ăn mặc rách rưới, đầu tóc bù xù đi lang thang ngoài đường cậu đã tránh xa. Biết đội tình nguyện đến trại tâm thần, Huân xin rút lui, nhưng thấy bạn nhiệt tình thuyết phục, cậu đành nhận lời.

"Đoàn của em vừa tới cổng, một nhóm người mặc quần áo giống nhau chạy ùa ra với ánh mắt tò mò. Đang xách túi đồ nghề, em hoảng sợ lùi lại và quay lên xe. Mãi sau những cán bộ quán lý ở đó trấn an, mọi người mới mạnh dạn tiếp xúc với bệnh nhân", Huân nhớ lại.

Hiện tại, Huân là nhân viên của một hãng mỹ phẩm danh tiếng nước ngoài.

Lần đó, đoàn của Huân có 7-8 thợ cắt chính phải làm việc liên tục cả ngày. Các bệnh nhân được cắt theo một kiểu nhất định, nam giới cua còn nữ cắt ngắn. Với mỗi người bệnh, thợ cắt tóc như Huân chỉ có khoảng một phút để hoàn thành. Không chỉ cắt tóc, các tình nguyện viên còn tắm rửa, thay quần áo và dọn vệ sinh phòng cho bệnh nhân.

Sau vài phút rụt rè, Huân bắt nhịp công việc. Đang cắt tóc, thấy có người hỏi mượn kéo, Huân đưa luôn như một phản xạ. Cầm lấy kéo, người đàn ông ấy đứng dậy tụt quần định... cắt cho "đỡ vướng". Hoảng sợ, Huân đòi lại kéo nhưng anh ta chạy mất. Nhờ tài xế dọa "cắt đi sẽ không lấy được vợ", người bệnh ấy mới trả lại kéo.

Sau lần ấy, Huân "Chích" tự dặn mình rút kinh nghiệm và để những vật sắc nhọn xa tầm với của bệnh nhân. Huân kể, nhiều người lúc tỉnh táo còn hay tâm sự chuyện gia đình. Một số muốn về nhà, số khác muốn ở lại trại vì sợ về bị người thân đánh chửi, xa lánh.

Trong những lần từ thiện đến các tỉnh, Huân ấn tượng nhất là vùng quê nghèo ở Quảng Trị. Hình ảnh chiếc xe đạp có lốp buộc dây chun hay những đứa trẻ đầu to, chân tay bé do ảnh hưởng chất độc da cam đọng lại mãi trong tâm trí cậu. Huân ám ảnh mãi ánh mắt của một cậu bé ngoái lại nhìn khi bị từ chối cắt tóc trong lần đến đây năm 2010.

Chuyến đi đó, đoàn của Huân kết hợp khám chữa bệnh, phát thuốc, tặng quà và cắt tóc miễn phí cho khoảng 5.000 người trong 2 ngày. Mỗi ngày, hơn 20 thợ cắt phải phục vụ khoảng 2.500 người lớn và trẻ nhỏ. Cuối buổi đầu tiên, sau khi đứng cắt cả ngày, đôi tay phồng rộp, toàn thân mỏi nhừ, Huân chuẩn bị thu dọn đồ thì có hai mẹ con đến xin cắt tóc.

"Ánh mắt người mẹ buồn rầu còn đứa con trai nhỏ ngoái lại nhìn tiếc nuối khi được mẹ dắt đi. Áy náy, em chạy theo đưa cho cậu bé đồ chơi. Thấy nhóc mừng rỡ, em mới bớt đi phần nào", Huân nhớ lại. Buổi tối ra phố chơi, thấy các quán cắt tóc treo biển "người lớn 5.000 đồng", "trẻ con 2.000 đồng", Huân cảm thấy ân hận. Hóa ra, người mẹ nghèo không có đủ 2.000 đồng để cắt tóc cho con.

Mệt nhoài sau buổi cắt tóc cho người bệnh tâm thần, Huân dành thời gian chuyện trò với họ.

Huân chia sẻ, trước đây cậu luôn nghĩ mình khổ vì nhà nghèo, không bằng bạn bè nhưng từ khi chứng kiến hoàn cảnh bất hạnh, những đứa trẻ dị dạng do di chứng chất độc da cam, cậu thấy mình quá may mắn.

Trở về từ những chuyến đi, Huân huy động bạn bè đóng góp để có thêm nhiều sự hỗ trợ cho bệnh nhân và người nghèo. Khi đã có cửa hàng riêng, Huân bàn với chú đặt một hòm từ thiện ở đó và kêu gọi các bạn trong đội tình nguyện đến cắt tóc ủng hộ. Cậu cũng thuyết phục bạn bè ở các salon tóc cho đặt hòm từ thiện.

Suốt từ năm 2010 đến nay, Hà Nam, Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Trị, Đà Lạt, Vĩnh Long... Huân đều đặt chân đến phục vụ miễn phí. Mới đây nhất, Huân cùng đoàn trở về sau chuyến cắt tóc cho người nghèo ở Thanh Hóa. Hài lòng với công việc, mức thu nhập hiện giờ, chàng trai 26 tuổi này ấp ủ dự định học thêm tiếng Anh để phát triển hơn trong nghề nghiệp và dành thời gian đi cắt tóc từ thiện. Huân khoe đang thu xếp để kịp tham gia với đoàn vào Bến Tre.

Theo anh Trần Ngọc Hưng, phụ trách đội thiện nguyện viên trẻ khu vực phía Bắc, Huân dễ gần, tốt bụng và có tâm. "Trước đây khi còn là thợ cắt, Huân nhiệt tình trong các chuyến thiện nguyện. Giờ đã là thầy đào tạo cắt tóc, cậu ấy vẫn nhiệt huyết và còn kêu gọi nhiều bạn bè làm tóc tham gia. Ngoài đi cắt miễn phí, Huân còn có ý tưởng hòm từ thiện đặt tại một số cửa hàng tóc để gây quỹ cho những lần đến với đồng bào nghèo và bệnh nhân", anh Hưng nói.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây