Nhà văn Trang Hạ: Chính độc giả khai sinh ra tác phẩm văn học mạng

Chủ nhật - 26/07/2009 11:54 4.725 0

Trang chủ vanhocmang.net

Trang chủ vanhocmang.net
Chọn đúng thời điểm Yahoo! 360 tuyên bố ngừng hoạt động để làm lễ ra mắt; chọn đúng lĩnh vực cực thời thượng là “văn học mạng” làm mục tiêu hướng đến; trang web vanhocmang.net của nhà văn Trang Hạ vừa ra đời đã được giới thiệu trên hàng loạt báo. Thực chất đây là một trang web cá nhân, hoặc như những người sáng lập nó tự nhận là một “blog chung” cho văn chương mạng. Sự ra đời của vanhocmang.net có thể là mốc đánh dấu một bước phát triển mới của văn học mạng Việt Nam, và cũng như các blog hay web cá nhân khác, sự tồn tại và hoạt động của nó đặt ra rất nhiều vấn đề “nhạy cảm” liên quan đến việc “xuất bản tác phẩm” trên internet. TT&VH Cuối tuần đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với nhà văn Trang Hạ, người sở hữu ý tưởng thành lập trang web này.
Văn học mạng đang có ưu thế 

* Vanhocmang.net ra mắt trước hôm Yahoo đóng cửa blog 360 đúng hai ngày. Các bạn cho rằng nó ra đời như một lối thoát cho văn học mạng Việt Nam: đón nhận những sáng tác “100% mạng” từ các blog tác giả Yahoo! 360 chuyển sang. Nhưng tôi cho rằng, các bạn cũng chỉ “nhân” cơ hội này để quảng bá trang web mới của các bạn mà thôi, vì dù blog 360 đóng cửa, nhưng các blogger Việt Nam đã chuyển sang các “con tàu” khác từ lâu rồi cơ mà?

Nhà văn Trang Hạ
- Dự định thành lập vanhocmang.net của tôi có từ đầu năm 2008 và ngay từ giữa năm 2008 tôi đã đưa tiền để các bạn kỹ thuật mua tên miền, viết web và thuê máy chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên vì một vài lý do khách quan, ví dụ như tên miền đã bị đăng ký, tôi không đủ tiền chuyển nhượng v.v... giờ đây trang web này thời gian chuẩn bị đủ chín muồi, trước khi khai sinh tôi đã mời xong những cây viết tôi yêu thích và có cùng chí hướng về văn học mạng.

Nếu nói về cú hích “động cơ” thì có lẽ phải nhắc đến những hội thảo, những bàn tròn về văn học mạng tại Việt Nam trước đây mà trong đó ngay cả văn học mạng là gì, cũng không định nghĩa nổi. Và lịch sử văn học mạng thế nào, cũng không ai nghiên cứu và trình bày. Còn việc Yahoo! 360 đóng cửa, là yếu tố sau cùng, nhưng tôi nghĩ, tôi lựa chọn thời điểm thiên thời - nhân hòa thì đâu có gì sai?

* Theo bạn, số lượng blog Yahoo! 360 đăng tải các tác phẩm văn học mạng lâu nay có nhiều không? Bởi theo tôi biết thì ngoài một số những cái tên quen thuộc như chính bạn (Trang Hạ), rồi Đặng Thiều Quang, Keng, cũng đâu có nhiều “tác giả văn học mạng”?

- Văn học mạng tại Việt Nam nếu tính theo số lượng bài viết, entry, post thì rất nhiều, một khối lượng rất lớn nằm trong các forum tiếng Việt, các box Văn học, Lịch sử Văn hóa, thậm chí du học, du lịch, câu chuyện nhiếp ảnh... Chỉ một bộ phận nằm trên blog và tác giả được “lập danh” như anh kể ở trên là được công chúng chú ý. Còn thực chất, cư dân mạng “tiêu thụ” văn học mạng hàng ngày và cũng sản sinh văn học mạng hàng ngày, trong số đó, cái nào hay mới có thể trở thành tác phẩm và được lưu truyền, thậm chí vượt cả khuôn khổ văn học mạng là xuất bản thành sách. Còn không, sẽ trôi vào quên lãng. Rất nhiều sáng tác của Nguyễn Thế Hoàng Linh nếu không có nỗ lực của chính tác giả thì đã chịu chung số phận đó. Hoặc có một số lượng đồ sộ các tác phẩm fan fiction (fan fiction là những tác phẩm thơ, truyện... được viết bởi các fan của một tác phẩm gốc trước đó, sử dụng những nhân vật của tác phẩm gốc. Tác phẩm gốc có thể là manga, anime, phim, tiểu thuyết, một chương trình tivi, một trò chơi hoặc bất cứ cái gì có nhân vật và được fan yêu thích - PV) của Việt Nam trên các diễn đàn, từ các trò game online, tiểu thuyết kiếm hiệp, truyện tình cảm, phim thần tượng v.v... đang âm thầm được sáng tác mà không hề được báo chí nhắc tới.

Vì thế, giai đoạn đầu tiên tôi mời những người viết là bạn bè quen thân trên blog cùng tham gia vanhocmang.net, chuyển bài sang đây trước khi Yahoo!360 sập cửa, nhưng tôi hy vọng sau đó hàng tháng, vanhocmang.net đều có những tác giả mới gia nhập, và tôi bổ sung thêm vào kho tàng văn học mạng Việt Nam các tác phẩm tới từ diễn đàn, các box chuyên đề, website cá nhân. Ví dụ như hiện nay tôi đang mong ước xây thêm kho kiếm hiệp, truyền kỳ và một mảng fan fiction có quy mô tương xứng với tiềm năng của người viết Việt Nam.

* Bạn đã từng phát biểu đại loại rằng, văn học mạng là dòng văn học thể hiện sự tương tác rất mạnh với bạn đọc, thậm chí bạn đọc là nhân tố quyết định đến diện mạo của tác phẩm. Theo bạn, dòng văn học mạng với tiêu chí như thế đã xuất hiện trên thế giới chưa?

- Tôi xin phép không phát biểu về việc của thế giới, vì các hội thảo văn học mạng tại nước ngoài không còn tự lẩm bẩm rằng: “Có hay không có văn học mạng”, mà đã đi thẳng vào các vấn đề mang tính học thuật như: Lịch sử văn học mạng, các cột mốc tiêu biểu trong sự phát triển của văn học mạng, phân tích tư duy mỹ học trong văn học mạng, xây dựng kết cấu kịch tính trong tiểu thuyết văn học mạng, thậm chí còn có các tác phẩm văn học mạng được ưa chuộng.

Văn học mạng xuất hiện mà không cần ai công nhận. Nó tự xây dựng các tiêu chí cho nó. Nó buộc người đọc phải chấp nhận, thậm chí nó có ma lực hấp dẫn lớn tới mức, cuốn rất nhiều bạn đọc văn học mạng trở thành người viết văn học mạng, trong đó có tôi.


Trang Hạ trong buổi ra mắt vanhocmang.net

Khái niệm văn học mạng tuy còn gây tranh cãi về hình thức sáng tác, tính chất, giá trị văn học của nó, tuy vậy sau các hội thảo văn học mạng tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) - nơi khai sinh ra văn học mạng, và Trung Quốc đại lục - nơi có lực lượng nhà văn mạng lớn nhất thế giới hiện nay, thì người ta đều nhất trí rằng, tác phẩm Lần đầu tiên thân mật của Thái Chí Hằng (sáng tác 1998 tại Đài Loan) hội đủ mọi đặc trưng của một tác phẩm văn học mạng đầu tiên, là tác phẩm đánh dấu sự ra đời chính thức của văn học mạng. Và lịch sử văn học mạng, trải qua các thời kỳ sáng tác trên trang tin điện tử nội bộ, trên mạng Intranet cục bộ, mạng Internet toàn cầu, trên các forum, trên các blog, giờ đây là trên các website, thậm chí trên website riêng của từng tiểu thuyết, đã khẳng định văn học mạng có một ưu thế mạnh mẽ trong thế giới của người viết trẻ và độc giả trẻ hiện nay.

Tác phẩm văn học mạng tiếp tục hoàn thiện cả khi tác giả đã chết!

* Vậy văn học mạng có khác gì so với các tác phẩm văn học được lưu hành trên mạng?

- Trước đây, Trung Quốc cũng từng có thời gian cho rằng văn học mạng là văn học trên mạng, giống như vô số các website về văn học của Việt Nam. Tuy nhiên sau một quá trình khoảng mười năm nghiên cứu, phê bình, lý luận và quan sát hoạt động của văn học, của người viết, người đọc trên mạng, các nhà phê bình Trung Quốc cũng buộc phải thừa nhận khái niệm “văn học mạng” chính là nói về cả một quá trình từ sáng tác trên mạng, được khẳng định, đón đọc, sửa chữa, cho tới xuất bản trên mạng. Và các website in truyện, đăng thơ, đưa tin tức báo chí, đăng tải và công bố tác phẩm cá nhân, ví dụ như evan, phongdiep.net không phải là văn học mạng.

* Với tiêu chí như vậy, những website về văn học Việt Nam như phongdiep.net, evan, lucbat.com... chưa phải là văn học mạng?

- Đúng vậy, đó chỉ là các trang văn học trên mạng mà thôi. Nó không hề sản sinh ra bất kỳ tác phẩm văn học mạng nào. Xin nhấn mạnh rằng, tác phẩm được gọi là văn học mạng khi được sáng tác từng phần trên mạng, quan trọng hơn, phải được độc giả tham gia vào quá trình sáng tác, thậm chí thay đổi cả kết cấu và nội dung, cả văn phong của tác phẩm, ở đó, nhà văn xây dựng được nhóm công chúng của riêng mình, nhận những phản hồi từ độc giả để thay đổi tác phẩm của mình, thậm chí có thể nói, việc chỉnh sửa tác phẩm sẽ diễn ra cho tới ngay cả sau khi tác giả chết. Tác phẩm văn học mạng có thể nói không bao giờ có bản chỉnh sửa (edit) cuối cùng. Và tác phẩm phải được bạn đọc click vào xem nhiều, hay tới mức được lưu truyền và quảng bá qua nhiều phương tiện trên mạng như email, messenger v.v... Có thể nói, nếu quá trình sáng tác chỉ có một mình tác giả, thì xin lỗi, anh tự nhận anh là nhà văn mạng, tác phẩm của anh post liền lên năm mươi website một lúc, anh cũng mãi mãi chỉ là kẻ háo danh. Mà háo cái danh của văn học mạng thì báu gì, không phải những nhà phê bình văn học trên cả thế giới đều nhận định rằng, giá trị văn học của văn học mạng vẫn còn kém xa văn học chính thống hay sao?

* Nếu nói về sự tương tác giữa công chúng với tác phẩm thì không đợi đến văn học mạng mà một số loại hình nghệ thuật đương đại hay phim truyền hình dài tập cũng đã có rồi. Xa hơn nữa, các truyện tranh dài tập (vừa vẽ vừa xuất bản định kỳ), người sáng tác cũng sẵn sàng chiều theo ý độc giả... Như vậy phải chăng lý thuyết của văn học mạng cũng không có gì... văng mạng cả? 

- Ý anh nói rằng, những ví dụ anh kể còn “văng mạng” hơn, đúng không? Chắc anh không nhận ra một yếu tố then chốt rằng: Chính độc giả mới là người khai sinh ra một tác phẩm văn học mạng, chứ không phải nhà văn mạng. Sự đón nhận, tìm đọc, truyền bá của bạn đọc mới biến một văn bản trên mạng thành một tác phẩm văn học mạng. Nếu không có độc giả, đúng hơn là hàng trăm ngàn clickview (số lượng người xem) của độc giả (trở lên), thì tác phẩm của anh sẽ trôi xuống thùng rác của trang văn học mạng.

Độc giả cũng có vai trò quyết định tới mức, “đòi hỏi” người viết kéo một bài tâm sự thành một tiểu thuyết, hoặc một bài viết cho mục “truyện người lớn” của một sinh viên trở thành một tiểu thuyết tình yêu xúc động như Lỡ tay chạm ngực con gái (Trang Hạ dịch, NXB Phụ Nữ, ra mắt trong thời gian tới - PV). Trước khi viết, thậm chí người viết còn chưa rõ mình sẽ sáng tạo ra thứ gì trên mạng.

Còn trong những ví dụ của anh, không có độc giả, thậm chí chưa sáng tạo, tác giả đã biết mình sẽ làm gì. Vị thế và tâm thế của người sáng tạo vẫn nằm hoàn toàn trong giới hạn truyền thống. Tác giả không sử dụng mạng Internet, giữ sở hữu sáng tạo khư khư mang tên mình, cũng càng không “chia sẻ” vinh quang của hai chữ tác giả cho ai. Thậm chí trong đó có một chương trình nghệ thuật trình diễn chỉ có nhõn một “người thường” tham gia tương tác, lại là người được nghệ sĩ đó “xếp đặt” trước, vậy mà báo chí vẫn có bài khen, thì về bản chất sáng tạo của những ví dụ đó đã rất xa lạ với văn học mạng. Nó chỉ có một điểm chung là nó có tính tương tác, nhưng cũng không thể so được với đặc thù tương tác mạnh mẽ của văn học mạng.

Sẽ không còn là “cá nhân”

* Xin trở lại vấn đề khá nhạy cảm là quản lý vanhocmang.net. Tại sao bạn lại chọn một cái đuôi “.net” mà không phải là “.vn” cho đúng với quy định của Bộ Thông tin truyền thông?

Trang Hạ ký tặng sách độc giả trong buổi ra mắt vanhocmang.net
- Tôi không đủ tiền mua tên miền đó. Tôi cũng không đủ tiền mua tên miền vanhocmang.com. Với hơn một trăm “đô” vừa mua tên miền vừa thuê người xây dựng website, dù chỉ là site đơn giản trên nền worldpress miễn phí thì cũng không phải cứ muốn là được.

* Các bạn dự định rằng: “Sẽ không có bất kỳ sự can thiệp nào về mặt biên tập hoặc nội dung, để vanhocmang.net thực sự là website thể hiện được đầy đủ ưu điểm của văn học mạng”. Bạn có thấy rằng việc xuất bản tác phẩm văn học trên internet cần phải tuân thủ các quy định về Luật Xuất bản?

- Tôi tôn trọng sự sáng tạo của các tác giả, và VNcomputing cũng có những phần mềm hỗ trợ tích cực và hiệu quả. Về Luật xuất bản, chưa có quy định bắt buộc khi mở blog hay website cá nhân phải xin giấy phép, cũng không ai có thể ngăn cản người viết văn trở thành nhà văn mạng. Tất nhiên những tác phẩm như truyện khiêu dâm, bạo lực giết chóc, nhất là kỳ thị tôn giáo, kỳ thị dân tộc, gây hằn thù, thiếu nhân tính sẽ được phần mềm chặn trước, sau khi được tôi đọc mới cho phép hiển thị.
 
Và khi vanhocmang.net từ quy mô ban đầu như một “blog chung” gồm chủ nhân và một số bạn bè khách mời này phát triển lên quy mô lớn, mở rộng hoạt động, hoặc có yêu cầu từ cơ quan có chức năng, tôi sẵn sàng đăng ký cho vanhocmang.net trở thành một trang “không còn blog, không còn cá nhân”. Điều đó cũng là vì quyền lợi của người đọc, mục đích đầu tiên khi tôi mở trang.
 
* Liên quan đến những tác phẩm mà bạn đã dịch: Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, Nắm tay và làm tình, Mẹ điên, Trôi dạt về đâu, Lỡ tay chạm ngực con gái... - những cái tít ấy vẻ như phần nào thể hiện tính chất của văn học mạng (thì cũng như báo mạng thôi) là phải có đủ mấy chữ “S” (đại loại là SEX, SHOCK...) để câu view (thu hút người xem) mặc dù nội dung của các tác phẩm ấy là rất nghiêm túc?

- 
Văn học mạng nước ngoài nổi tiếng nhất là kiếm hiệp, đông người đọc nhất là truyện tình, có chút sex hoặc có chút nổi loạn, có những quan điểm mạnh mẽ về cuộc sống, những số phận éo le lấy được nước mắt. Và được phản hồi nhiều nhất là những truyện dài kỳ, bạn đọc ngồi chờ nhà văn post từng câu một.

Vì thế, lựa chọn từ các tác phẩm văn học mạng tiếng Hoa ra các tác phẩm tiêu biểu, có clickview cao, tất nhiên không tránh được các yếu tố trên.

Một so sánh khá hài hước, trong thời gian một năm (2006) cùng post lên một trang giới thiệu tác phẩm đã xuất bản của một nhà xuất bản Trung Quốc, tiểu thuyết văn học mạng Xin lỗi, em chỉ là con đĩ có hơn vạn lời bình, tranh luận của độc giả, còn tác phẩm kế bên là Totem Sói chỉ có 5 lời bình luận ngắn ngủn. Sức nóng tương tác của một tác phẩm văn học mạng rất lớn, tất nhiên, câu view là thử thách bắt buộc một tác phẩm văn học mạng phải vượt qua, nếu không, nó sẽ trôi xuống thùng rác.

Cơ chế này cũng được áp dụng cho vanhocmang.net, không phải để khuyến khích các tác giả viết thiên về sex, câu khách, mà để các tác phẩm cạnh tranh và chịu thử thách trên mạng trước khi thành hình. Những tác phẩm không được bạn đọc đón nhận, không nhiều người click vào xem, sau sáu tháng hoặc một năm sẽ bị xóa khỏi vanhocmang.net.

* Xin cảm ơn bạn.

Tác giả: ĐÔNG KINH

Nguồn tin: Thể thao văn hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây