Từ blog đến văn chương mạng ra… hiệu sách

Thứ hai - 17/08/2009 13:55 4.031 0

Từ blog đến văn chương mạng ra… hiệu sách

Các nhà văn mạng đều khẳng định, Internet đã trở thành phương tiện đắc dụng đưa tác phẩm đến với độc giả và “dọn đường” cho tác phẩm của họ “ra hiệu sách” thành công hơn.

Blog được định nghĩa là nhật ký điện tử và phát triển với cấp số lũy thừa cùng với sức lan toả sâu rộng của Internet. Với lợi thế ngôn ngữ, những trang blog của người viết trẻ luôn thu hút được lượt truy cập lớn cũng như số lượng entry không nhỏ. Từ đây một thể loại văn học mới ra đời: văn học mạng. Vậy văn học mạng có gì khác văn học truyền thống và nó đóng góp được gì cho đời sống văn học hiện nay?

Tìm đường ra hiệu sách

Internet là một kênh thông tin, một phương tiện truyền tải, công bố nên người viết dùng “kênh” này để giới thiệu tác phẩm của mình. Tính phóng khoáng vốn có của mạng khiến tác phẩm không bị cắt xén hoặc không sử dụng. Văn học mạng Việt Nam nếu tính theo số lượng bài viết, entry thì rất nhiều, một khối lượng rất lớn nằm trong các forum tiếng Việt, các box văn học, lịch sử văn học. Chính cư dân mạng đã góp phần sản sinh ra văn học mạng… Tiểu thuyết trinh thám Trại hoa đỏ cũng như nhiều truyện ngắn khác của nữ nhà văn DiLi đều được phổ biến từng phần từng đoạn trên mạng. Theo tác giả, mỗi khi post bài lên, cô thường rất hồi hộp nhận những phản hồi của độc giả có thể là bạn bè, đồng nghiệp và rất nhiều người chỉ biết trên mạng. Họ là những độc giả nhiệt tình, khen, chê rất công tâm. Chính nhờ sự động viên của họ mà cuốn sách ra đời.

Việc phổ biến một phần trên mạng được tiếp nhận như dùng hàng thử miễn phí hoặc gần hơn là phim chiếu thử, nơi mà muốn biết phần kết xin mời mua vé đến rạp theo dõi. Nhiều tác phẩm văn học hiện nay có dạng “đầu mạng, đuôi hiệu sách”. Trang webtretho – một diễn đàn lớn dành cho các bà mẹ trẻ đang “nóng” lên bởi tự truyện của một nick name “mẹ Đậu đỏ” có tựa là “Khi lấy chàng”. Số lượng truy cập lớn, không những vậy còn được share (chia sẻ) ra nhiều trang web khác nhưng “Khi lấy chàng” trên mạng chỉ có 12 chương, muốn đọc đầy đủ, độc giả chỉ có cách duy nhất là ra hiệu sách.

Các nhà văn mạng đều khẳng định, Internet đã trở thành phương tiện đắc dụng đưa tác phẩm đến với độc giả nhưng thực tế cho thấy bất cứ tác phẩm trên mạng nào cũng mong muốn được in thành sách. Văn chương mạng đang trở thành sân trước của các hiệu sách, một khúc dạo đầu để gắng sức vươn lên thành những bestseller. Không ngoa khi nói rằng, đóng góp lớn nhất của văn chương mạng là góp thêm vào một kệ trong hiệu sách với nhãn “tác phẩm mạng”.

Những…  ảo vọng

Tại lễ ra mắt trang web vanhocmang.net, nhà văn Trang Hạ cho rằng: “Tác phẩm được coi là văn học mạng khi được sáng tác từng phần trên mạng, quan trọng hơn là phải được độc giả tham gia vào quá trình sáng tác, thậm chí thay đổi cả kết cấu nội dung, văn phong của tác phẩm. Ở đó tác giả xây dựng được nhóm công chúng cho riêng mình, nhận những lời phẩm bình của độc giả để thay đổi tác phẩm của mình. Chính độc giả mới là người khai sinh tác phẩm văn học mạng chứ không phải nhà văn mạng. Sự đón nhận, truyền bá của bạn đọc mới biến một văn bản mạng thành một tác phẩm văn học mạng”.

Internet đã tạo nên luồng sinh khí mới cho người sáng tác, với mạng họ có thể sáng tác mọi lúc mọi nơi, vượt qua rào cản về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Sáng tác trên mạng giúp họ toàn quyền chủ động trong khâu biên tập, thiết kế bố cục, trang trí họa tiết và hình ảnh, cũng như cách thức đến với độc giả mà không sợ “dao kéo” của nhà xuất bản. Sự tự do thênh thang đó đã chắp cánh cho các tác giả phát huy tối đa sức tưởng tượng, kéo gần đến độc giả vô hình.

Vô số sáng tác trên mạng nhưng số đứng được trong độc giả không nhiều thậm chí trở thành “nhà văn mạng” cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những tác phẩm ăn khách trên Internet sẽ tìm được hiệu ứng khi ra giá sách, đầu tiên có thể kể đến loạt sách dịch từ văn học mạng Trung Quốc của Trang Hạ: Xin lỗi em chỉ là con đĩ, Lỡ tay chạm ngực con gái; Nguyễn Thu Trang với Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu, 99 tuần buôn chuyện; DiLi với tiểu thuyết trinh thám Trại hoa đỏ; Hà Kin với Chuyện tình New York; Keng với Dị bản; Cấn Vân Khánh với Người đàn ông có đôi mắt trong; Giao Chi với Tuyết đen; Đặng Thiều Quang với Chờ tuyết rơi… Phần lớn các tác phẩm thành công đều mang đề tài hiện đại, giàu hơi thở cuộc sống, từ ngữ đặc trưng của net. Họ đã tranh thủ được sự ủng hộ của độc giả trẻ, săn tìm đọc tác phẩm trên mạng và bỏ tiền ra mua khi được in thành sách. Nhờ ưu thế này văn học mạng nhanh chóng hình thành với nhiều sắc thái.

Nhà văn Phong Điệp nhận định: Văn học mạng là một cuộc cách mạng trong cách tiếp cận người sáng tác và độc giả. Sự tương tác nhờ tiện ích từ công nghệ giúp tác giả chia sẻ quan điểm, nhận sự phản hồi, hoàn thiện tác phẩm. Cấn Vân Khánh chia sẻ lý do cô sáng tác trên mạng vì muốn có thêm nhiều độc giả trẻ. Keng lại ra sức tiếp thị và quảng cáo qua những bài báo cắt dán trên blog cá nhân…

Thực tế là do muốn thu hút nhiều người đọc hơn, một vài tác giả đã vận dụng cơ hội để thành công, ngay cả việc tạo ra lượng truy cập ảo. Những nội dung xấu đã có tác động tiêu cực đến loại hình văn học này. “Văn học mạng mang đến sự nổi tiếng cho những người rất bình thường nhưng đề tài khiêu dâm và bạo lực trong văn học làm mất đi sự tươi mới của loại hình này”, một nhà văn tâm sự. Chưa kể nhiều người viết sử dụng Internet chỉ nhằm mục đích cá nhân, phi văn chương.

Văn học mạng Việt Nam đang nằm trong dòng chảy với văn học mạng toàn cầu, nó tự thân phát triển, tự xây dựng các tiêu chí, cuốn hút rất nhiều cư dân mạng trở thành người viết văn học mạng. Văn học mạng có một ưu thế mạnh mẽ trong thế giới của người viết trẻ và độc giả trẻ song nó khó có thể lấn lướt dòng văn học truyền thống.

Tác giả: Ngọc Nữ

Nguồn tin: Bưu điện Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây