Văn học đồng tính Việt Nam hiện hữu như một nhu cầu tự thân

Thứ tư - 20/07/2011 06:53 3.023 0

Văn học đồng tính Việt Nam hiện hữu như một nhu cầu tự thân

Người ta phải xuất phát từ chân đế hiện tại để nhìn nhận hiện tượng sáng tác văn học đồng tính tại Việt Nam. Với tình thế là một quốc gia thuộc thế giới thứ ba đang phát triển, Việt Nam là một thực thể tồn tại trong nó hỗn độn các yếu tố hiện đại và hậu hiện đại trên cái nền căn bản là tiền hiện đại trong nhận thức. Vì thế, từ nhiều phía, trong nền văn học dân tộc đã có những kẻ sáng tạo vận động cái viết của mình hướng vào các chủ đề đồng tính.

Có chấp nhận hay không một dòng văn học đồng tính tại Việt Nam hiện nay còn tùy thuộc thái độ tiếp nhận. Thời đại này, mỗi người tự đã là khuôn vàng thước ngọc cho chính mình (!) Một thế giới phi trung tâm nghĩa là một thế giới rã nát của những mảnh vỡ, cô đơn phi lý liền nổi lên làm âm chủ. Nếu phát triển đến một tâm trạng bất an thường trực thì liệu có phải là “tinh hoa” của văn minh hay không?! Hậu hiện đại vừa mở ra vừa khép lại một chân trời.

Vấn đề đồng tính nghiễm nhiên đã có vết tích trong văn chương Việt. Nhưng phải đến thời gian gần đây, văn học đồng tính mới nổi lên như một hiện tượng đặc thù: Bùi Anh Tấn (Một thế giới không có đàn bà, Les - Vòng tay không đàn ông, Không và Sắc, Phương pháp của A.C Kinsey…); Keng (Dị bản); Vũ Đình Giang (Song song, Ngôi nhà Mondrian, Cây rắn lục); Trần Thùy Mai (Bầy thú bông của Quỳnh); Nguyễn Thơ Sinh (Chuyện tình Lesbian và Gay);Nguyễn Quỳnh Trang với (1981); Nguyễn Đình Tú (Nháp); Trang Hạ (Những đốm lửa trên Vịnh Tử Tây); tự truyện Nguyễn Văn Dũng (Bóng); Phạm Thành Trung (Thành phố không lạc loài)…

Để lý giải hiện tượng “bùng nổ” trong văn học đồng tính đương đại Việt Nam, theo chúng tôi, về bản chất nằm ở những điều kiện về một thế giới phẳng dần của mạng toàn cầu. (Có thể nói về sáng tạo văn học đồng tính hiện nay như một sự kiện “bùng nổ’ được không? Theo chúng tôi, nếu so với thế giới thì đây là một lối ngoa ngôn quá quắt. Nhưng so với chính truyền thống (gần như “trắng”) của sáng tạo văn học đồng tính Việt Nam, nhất là trước thế kỷ XX thì nói như vậy cũng không quá lắm). Những thuận lợi của mạng toàn cầu, và mở rộng ra là việc giao lưu văn hóa một cách dễ dàng như trong thời đại số hiện nay đã cho phép các khu vực chậm tiến một thân phận khác. Nếu như hoàn cảnh xã hội của các nước đang phát triển không cho phép một điều kiện (condition) hậu hiện đại đồng bộ, thì thế giới số và sự giao lưu văn hóa trong thời Internet tốc độ cao hiện nay mở ra sự cộng thông dễ dàng với các nước bên ngoài. Chính điều này, rất quan trọng, đã cho phép tồn tại một tâm thức (mentalité) hậu hiện đại ngay cả đối với các quốc gia “vùng sâu vùng xa”.

Khi một thế giới không còn khép kín, nghĩa là không gian viết được nới rộng, điều này hậu thuẫn nhà văn đi tìm những miền đất mới. Bản chất của nghệ thuật là cách tân. Cho nên, kể từ mở cửa, việc cập nhật với cái mới - hiểu như là cái chưa từng tồn tại trong nền văn học dân tộc đã kích thích các nhà văn Việt Nam tìm kiếm bút pháp mới và chủ đề mới. Từ đó, kiểu sáng tạo huyền ảo, hậu hiện đại, phi lý, nhục cảm, chấn thương… xuất hiện trong sáng tạo văn học dân tộc. Trong nguồn mạch chung ấy của khát vọng đổi với sáng tạo thì văn học đồng tính xuất hiện như một nhu cầu tự thân.

Khi bản chất sáng tạo là đi vào chiều sâu những sự thực, cái yếu tính (essence) của vấn đề. Đồng tính với tư cách một hiện tượng bản chất của con người thuộc giới thứ ba, vì thế, dễ dàng đi vào sự viết của nhà văn. Với sự đảo lộn ý nghĩa các hệ giá trị, đặt định lại các giá trị vào đúng vị trí tự nhiên của nó trong thế giới, văn học đồng tính là một nỗ lực khẳng định giá trị ngoại biên đồng tính bị chấn áp trong nếp hằn tư duy nhân loại bị hấp dẫn bởi giới tính khác.

Tính dân chủ hiện đại với tính chất tôn trọng mọi giá trị, không nghi ngờ gì, tương lai thế giới là sự hậu thuẫn cho phát triển sáng tạo (và đồng sáng tạo) trong văn học đồng tính Việt Nam nói riêng và các dòng văn học ngoại biên nói chung. Các diễn ngôn đã được xác lập.

Quá trình san phẳng thế giới vẫn đang tiếp diễn không ngừng, bánh xe lịch sử đã quay thì không dễ đảo ngược. Sáng tạo văn học đồng tính Việt Nam xuất hiện như một hiện tượng văn học dân tộc hiện đại là một tình thế hiển nhiên, còn chất lượng đỉnh cao của những sáng tạo ấy thì còn đang vẫy gọi. Ngoài ra, khi còn chưa xác lập được một hệ mỹ học trong sáng tạo văn học đồng tính tại Việt Nam, thì khái niệm dòng văn học đồng tính chỉ là một khái niệm còn đang trên đường hình thành.

Tác giả: Huyền Minh

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây