'Cởi gió' và khát vọng tự do

Thứ ba - 20/07/2010 01:53 2.576 0

Bìa cuốn thơ của Nguyễn Phan Quế Mai.

Bìa cuốn thơ của Nguyễn Phan Quế Mai.
Lựa chọn 'Cởi gió' là tên gọi cho tập thơ, người viết đã xác định dứt khoát một thái độ sống và thái độ nghệ thuật: Tự do.

(Đọc tập thơ Cởi gió của Nguyễn Phan Quế Mai, NXB Hội nhà văn 2010)

Gió bản thân nó là vô hình, là không thể nhìn ngắm, nắm bắt. Người ta chỉ có thể cảm thấy, hưởng thụ mà không thể sở hữu. Nó là thứ tự nhiên thế, không đầu, không cuối, không hình hài, không có bất kỳ phụ thuộc và sự ràng buộc nào. Vậy mà người viết vẫn khao khát Cởi gió, đủ biết khát vọng về tự do mạnh mẽ và quyết liệt đến chừng nào.

"Cởi gió" không phải là một trạng thái, một tâm trạng mà là một ý chí của sáng tạo. Nhà thơ không muốn mình phải là một cái gì, bắt buộc là cái gì, chỉ thuần túy là một khát vọng trong trẻo và hồn nhiên. Và có lẽ chính vì hồn nhiên nên nhà thơ có thể tiếp cận được với những vẻ đẹp tươi tắn, giản dị thuần khiết.

Tự mình vượt lên những giới hạn, khuôn mẫu để xây dựng một thế giới riêng, thế giới của bản thân nhà thơ. Chọn bài thơ đầu tiên trong tập, bài Cởi gió để đi vào thế giới của nhà thơ. “Một ngày gió nâng tôi lên cao/ Tôi nhìn xuống thấy một con kiến bị cầm tù trong hộp thư điện tử nhiều ngăn…" "Một ngày gió nâng tôi lên cao/ Tôi nhìn xuống thấy một con chim bị cầm tù trong tiếng ngợi ca của bày đàn…" "Một ngày gió nâng tôi lên cao…Và bảo tôi hãy cởi gió ra và bay lên trên ý nghĩ".Gió, con kiến, hộp thư điện tử… tất cả đều là hiện thực, là những thứ có thật, cụ thể hàng ngày ta nhìn thấy, cảm thấy. Nhưng đặt trong hoàn cảnh gió nâng tôi lên rồi gió bảo tôi cởi gió rabay lên trên ý nghĩ thì đã trở thành nghệ thuật, sản phẩm của một trí tưởng tượng vượt lên trên mọi giới hạn và không chịu bất cứ một sức ép hay sự ràng buộc của một trật tự cứng nhắc nào. Tại sao lại là gió nâng tôi lên mà không phải là cái gì đó thực tế hơn, cụ thể hơn? Tại sao gió là một thứ không thể nhìn, không thể nắm bắt, ý nghĩ cũng là một khái niệm tương tự lại bảo nhà thơ cởi ra bay lên trên… phải chăng đó chính là hình ảnh lạ, đột ngột, thăng hoa của trí tưởng tượng nghệ sĩ.

Điều ngạc nhiên của câu thơ là “Gió nâng tôi lên” rồi “bảo tôi hãy cởi gió ra”. Gió, bản thân nó mang một ý niệm tự do tuyệt đối, có lẽ ngay cả động vật hay thực vật cũng không thể tự do hơn. Nhưng với nhà thơ như thế vẫn chưa đủ, hình như nó vẫn còn một cái gì đó bị áp đặt, vì vậy mà phải "cởi gió ra". Còn con người, xét trong tổng thể thì chỉ ý nghĩ là tự do thật sự. Như vậy cả gió và ý nghĩ, đều là tài sản thượng thặng của tự do mà nhà thơ đã có, nhưng vẫn chưa đủ. Vì lẽ đó mà “phải cởi gió ra” và “bay lên trên ý nghĩ”. Đây là hình ảnh thăng hoa của cảm giác, một khát vọng tột cùng về tự do mà bất cứ người nghệ sĩ nào cũng hướng tới. Nhà thơ ý thức rất rõ ràng tự do là tất cả, chỉ tự do mới thực sự là tài sản vô giá mang lại một ý nghĩa sống thật sự có giá trị. Bởi nó chính là kỳ tác của tạo hóa. Và đây cũng là khát vọng muôn thưở của con người. Ở một bài thơ khác, bài Nghe sonata ánh trăng, tác giả tiếp tục khẳng định giá trị của tự do:

"Kìa khoảng trời thơ bé
nốt nhạc diều tung tẩy vút lên
tự do bay tự do kiêu hãnh"

Chỉ tưởng tượng về một khoảng trời thơ bé với nốt nhạc diều tung tẩy vút lên. Khoảng trời thơ bé và nốt nhạc diều là hình ảnh của ký ức, nó không hiện diện cụ thể vậy mà trong khoảnh khắc nó đã hoàn toàn sống động, được giải phóng, nhà thơ tự do bay, tự do kiêu hãnh. Câu thơ cho ta cảm giác bao la phóng khoáng, hình ảnh rộng rãi, mênh mông. Nói cùng con là một bài thơ rất thực với những cảm xúc và hình ảnh chi tiết cụ thể: Mắt con, Tóc con, Tay con, đồng hồ báo thức, đom đóm, châu chấu, cào cào…nhưng sau tất cả những cái đó là một khát vọng tự do mãnh liệt, một thứ tự do vũ trụ “Soi vào mắt con, mẹ thấy cả một trời xanh cứu rỗi” “Tay con be bé/ Mở cửa thiên đàng” “Ta chạy thênh thang đồng lộng gió” “ Ta ôm nhau ngủ cùng trăng sao” “Trái đất thoắt vuông trái đất thoắt tròn”... Nếu chưa bàn vào nội dung của bài thơ do tác giả viết có dụng ý, thì còn thấy, ẩn đằng sau những hình ảnh thông thường giản dị là một bản năng nguyên khởi mạnh mẽ. Bởi vậy mà cách ví von, so sánh, cách nhìn thế giới đã rất mới mẻ, bất ngờ mang một vẻ đẹp say đắm huyền ảo…

Trong thế giới nhiều khát vọng về tự do, cái nhìn của nhà thơ hướng về mọi phía “Linh hồn em bay lên. Bầu trời khóc xuống” “Nơi hạt cát linh hồn con người sải cánh/ Bay lên bay lên ước nguyện một đời người” “4000 mét/ Ta định nghĩa mình bằng một chấm xanh” “Nghe thời gian lao về ánh sáng? Bỏ sau lưng những ga đỗ cuộc đời” “Chuyến tàu chở ta đi trên ánh sáng? Phía sau một vầng trăng mười tám” và “ Một hạt mầm bé bỏng/ Nâng mùa xuân lên”… Đó là những cảm giác tinh tế, một khả năng tưởng tượng và sáng tạo xác định thế giới nội tâm mang bản sắc riêng của nhà thơ.

Nhưng nếu chỉ có vậy, thì mọi khát vọng về tự do của nhà thơ dễ trượt sang một phía khác phù phiếm viển vông, nếu không nói là nó lạc lõng vô ích. Nhà thơ trong trường hợp này chọn chính kinh nghiệm sống của bản thân mình làm nền tảng cho ước mơ cất cánh; câu thơ, bài thơ tựa vững chãi vào cuộc đời, một cuộc đời được sống kỹ càng, nhiều trải nghiệm, giản dị và chân thành. “Ta mê mải phiêu diêu/ Ngước lên/ gặp/ tuổi/ mình/ đang/ rụng” “Con đếm bước chân thời gian trên tường gạch cũ/ Những bước chân xô đổ phận người” “ Sấp mặt vào ngày/ Ngày cuốn em đi bằng email, điện thoại/ Những con chữ chạy/ Đuổi theo em” “Hổn hển việc không tên, không hình thù/ Em không kịp ngước nhìn mùa thu đang duỗi vàng qua cửa”.

Nhà thơ là người ý thức rõ rệt hiện thực xô bồ, sấp ngửa ngổn ngang của thực tại. Muốn đổ tung tóe như cơn mưa rào mùa hạ để bay lên, bay lên nhưng ngay lập tức “Em chấm nhỏ giữa cuộc đời/ Đã thầm lặng là một nốt xanh” “Ta vô danh mà rừng thì ngàn tuổi/ Ta khô cằn mà rừng ăm ắp suối” “Phía sau tôi cánh đồng cằn khô lô xô nắng hạn/ Bàn tay cha chai sạn” “Dưới tấm lưng người là chuyện kể của những mùa thóc” “Tiếng chim gù buổi sáng vuột khỏi tay xa vời, xa mãi” “…vị cay của cuộc sống đời thường tấp nập chảy quanh tôi như chỉ biết vươn mình về phía trước” “Tôi mua được mùa ổi, mùa sen bằng đồng bạc lẻ/ Đồng bạc lặng lẽ/ Thấm đẫm sương đêm thấm đẫm mồ hôi/ Sau lưng họ đồng làng mồ côi hun hút gió”…

Nhà thơ ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trước cuộc đời, đằm trong hơi thở với cuộc sống nhiều lo âu, bầm dập của kiếp nhân sinh. Những câu thơ như vậy chỉ có thể được sáng tạo ra khi những va đập cuộc đời trở thành một phần máu thịt của nghệ sĩ. Ở đây, những câu thơ còn như ngầm ẩn một thông điệp rằng cuộc sống là khát vọng, là những ước mơ và tự do là sự kỳ diệu của con người, nhưng tất cả hãy bắt đầu từ mặt đất. Con người luôn có khát vọng phá vỡ để bay, nhưng không thể xa rời cuộc sống hiện thực. Bởi chính cuộc sống hiện thực mới là nơi bảo đảm cho hạnh phúc, bảo đảm cho trái tim và tình yêu. Nó là giá trị bất di bất dịch, nó là cuộc sống, là tài sản quí giá trong sự sinh tồn. Không một con người nào lại không có khát vọng bay. Bởi chỉ có khát vọng bay mới có thể giúp con người phát triển và hoàn thiện.

Nhưng nhà thơ cũng cảnh báo “Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận/ Vô danh giữa đời thường” “Tiếng khóc của sự khổ đau vẫn nằm ngoài trang giấy/ Sự bất công thản nhiên tung tẩy” “Lời nhọc nhằn thánh thót mồ hôi”… dằn vặt, trăn trở về cuộc sống như thế nhưng cuộc sống vẫn là cuộc sống, cho dù cuộc sống có như thế nào thì nó vẫn mang cả niềm vui và nỗi buồn chảy trong dòng máu của nhà thơ. Và không có cách nào khác là chấp nhận “Những nụ hoa run rẩy nụ hôn về… Tan tác rơi/ Tôi nhặt mang về ủ cho mình giấc mơ nhuốm lửa… Lá mạ sắc lẹm cứa tay tôi rỉ máu/ Tôi gói mùi thơm dịu dàng vào áo/ Ủ làm giấc mơ… Lệ tháng Tư khóc vào mắt tôi bằng giọt mưa mùa đông để quên… Tôi gói vào tóc ướt/ Ủ giấc mơ phiêu bạt về phía trời xa”.

Và đây là hình ảnh không biết thực hay trong giấc mơ: “Chạm tóc ban mai/ trên môi mình tiếng sơn ca buổi sáng”. Đó là vẻ đẹp của tồn tại, vẻ đẹp của linh hồn giúp nhà thơ cất cánh bay.

Tác giả: Trần Anh Thái

Nguồn tin: Quân đội nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây