Nâng cao chất lượng lý luận phê bình văn chương

Thứ năm - 05/08/2010 23:06 2.772 0

Nhà văn Đinh Quang Tốn

Nhà văn Đinh Quang Tốn
Trong thực tế đời sống văn chương xưa nay, không phải bao giờ lý luận và phê bình cũng hài hòa hoặc đi song song với nhau. Các nhà lý luận phê bình ai mạnh mặt nào thì nên đi sâu vào mặt ấy. Chỉ có khai thác đến tận cùng mặt mạnh của mình thì mới mong có được tác phẩm có giá trị, chứ cứ phải chạy theo lo sao cho cân đối giữa lý luận và phê bình, trong đó có mặt mình không thật mạnh thì tác phẩm viết ra khó có thể hay được.

1.Trong thực tế đời sống văn chương xưa nay, không phải bao giờ lý luận và phê bình cũng hài hòa hoặc đi song song với nhau. Lịch sử văn chương vẫn để lại những tác phẩm và tác giả phê bình và lý luận khá riêng biệt: "Nghệ thuật thơ ca" của Aristôte (Hy Lạp) và "Văn tâm điêu long" của Lưu Hiệp (Trung Quốc) là những tác phẩm lý luận văn chương; còn những tác phẩm của Thánh Thán (Trung Quốc) và Hoài Thanh (Việt Nam) thì nghiêng về phê bình tác phẩm. Riêng "Tùy viên thi thoại" của Viên Mai (Trung Quốc) vừa có tính lý luận vừa có tính phê bình… Vì vậy, tôi cho rằng các nhà lý luận phê bình ai mạnh mặt nào thì nên đi sâu vào mặt ấy. Chỉ có khai thác đến tận cùng mặt mạnh của mình thì mới mong có được tác phẩm có giá trị, chứ cứ phải chạy theo lo sao cho cân đối giữa lý luận và phê bình, trong đó có mặt mình không thật mạnh thì tác phẩm viết ra khó có thể hay được. Còn nếu ai đó mạnh cả lý luận và phê bình thì tốt quá, còn gì phải nói. Nhưng thực tế cho thấy những người mạnh cả hai mặt như thế thật hiếm. Phần nhiều những người có cả hai khả năng ấy thì cả hai phần lý luận và phê bình đều chỉ khá vừa thôi, và chỉ có được những tác phẩm phải chăng. Thế thì chẳng bằng giỏi một lĩnh vực để có những tác phẩm vượt trội, như ông cha ta thường nói: Một nghề chín hơn chín mười nghề.

2. Có hai loại phê bình là phê bình cảm xúc và phê bình lý luận. Trong thực tế không có những loại phê bình thuần riêng biệt như vậy. Phê bình cảm xúc dù có nghiêng về cảm xúc đến đâu nó cũng vẫn có sự dẫn dắt của lý trí, mà lý trí ấy dẫu của ai cũng gồm một loạt những quan niệm về văn học nghệ thuật của riêng họ. Còn phê bình lý luận cố nhiên là tốt. Nhưng nếu không khéo, lý luận lúc nào cũng kè kè, như những phương pháp mổ xẻ có thể lạnh lùng làm rời rạc, làm nát tác phẩm, thì cũng khó mà đạt được mục đích. Vấn đề là ở tài năng của nhà phê bình. Phê bình cảm xúc hay phê bình lý luận cũng đều là những phương pháp tiếp cận tác phẩm bình đẳng nhau. Mỗi đằng đều có mặt mạnh và mặt yếu, đều có thể hiểu đúng và hiểu sâu tác phẩm.

Phê bình cảm xúc là phương pháp phê bình truyền thống của phương Đông. Người xưa có nói về cách thâm nhập tác phẩm: Nếu đọc bằng mắt thì chỉ thấy được hình dáng bề ngoài, nếu đọc bằng tâm thì mới thấy được da thịt, nếu đọc bằng hồn thì sẽ thấy được cốt tủy. Phê bình cảm xúc có thế mạnh giống người con gái đang yêu: linh cảm thấy được những điều cốt yếu nhất của đối tượng mà người ngoài không thấy. Phương pháp phê bình này đã để lại những tên tuổi: Thánh Thán, Viên Mai (Trung Quốc), Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Còn phê bình lý luận tức là những phương pháp phê bình mới của phương Tây những năm gần đây được một số người áp dụng vào Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa có được những thành tựu nổi trội.

Những tác phẩm phê bình gần đây được đánh giá tốt vẫn là những tác phẩm thuộc phê bình cảm xúc. Phải chăng có sự bất cập giữa chìa khóa công nghệ kỹ thuật phương Tây khi đem mở lâu đài nghệ thuật tâm linh của phương Đông? Tôi vẫn mong các nhà lý luận văn chương của ta đến một lúc nào đó sẽ sáng tạo ra những phương pháp phê bình mới mang phong cách Á Đông thật sự có giá trị. Tôi tin phê bình cảm xúc đến độ chín sẽ gặp chân lý và bật ra những vấn đề lý luận và phê bình lý luận đến độ chín cũng sẽ gặp chân lý và làm cho những trang phê bình trở nên cảm xúc. Tiếc rằng, nhiều tác phẩm ở cả hai kiểu phê bình này của ta hiện nay còn đang ương, dang dở.

3. Có người chê rằng những tác phẩm phê bình lý luận của ta hiện nay nhiều, nhưng chủ yếu là những tác phẩm tập hợp những bài đã đăng báo và tạp chí, mà chưa có được những công trình lý luận tầm cỡ. Thôi thì, có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa; chưa có những tác phẩm tầm cỡ thì phải phấn đấu. Nhưng tôi không cho rằng chỉ có những công trình lý luận mới có thể mang tính "tầm cỡ". Phê bình mà hay cũng "tầm cỡ" chứ sao? "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh là một tác phẩm phê bình tầm cỡ. Thế mà trong tác phẩm này, ngoài phần tuyển chọn thơ của các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh và Hoài Chân chỉ viết tổng cộng hơn một trăm trang giới thiệu, trong đó có một bài viết khái quát "Một thời đại mới trong thi ca" dài ba chục trang, còn đều là những bài viết ngắn một vài trang về từng  tác giả, thậm chí một số tác giả chỉ có nửa trang như Thâm Tâm, Đoàn Phú Tứ, Yến Lan, Vân Đài. Vấn đề "tầm cỡ" là ở chất lượng của từng trang viết chứ không ở độ ngắn hay dài, sách dầy hay mỏng. Viết ngắn mà hay mới khó chứ viết dài mà dở thì quá dễ. Có một vài nhà lý luận phê bình, nghiên cứu có cả hàng đống sách dày, nhưng đâu đã được coi là tầm cỡ.

Mỗi nhà lý luận phê bình nên có một cách làm tác phẩm riêng của mình. Hãy sáng tạo ra nhiều cách làm mới. Thế mới là khó, thế mới làm cho đời sống lý luận phê bình thêm phong phú. Chứ nếu tất cả chỉ nhăm nhăm tạo ra những "công trình lý luận tầm cỡ" thì cũng nghèo nàn lắm thay? Có thể như Pauxtốpxky (Nga) viết "Bông hồng vàng", Raxun Gamratốp (Nga) viết "Đaghetxtan của tôi", Hoài Thanh viết "Thi nhân Việt Nam"… Và như cả Vương Trí Nhàn viết "Những kiếp hoa dại", Trần Đăng Khoa viết "Chân dung và đối thoại", nhưng với chất lượng cao hơn.

4. Có nhà lý luận phê bình tỏ ra không mấy coi trọng những tác phẩm phê bình của những người sáng tác. Tôi rất coi trọng những nhà lý luận chuyên nghiệp và những công trình lý luận văn chương. Nhưng ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có những nhà lý luận văn chương với ý nghĩa là những nhà lập thuyết. Ngay cả Hải Triều thì cũng là người ứng dụng chủ nghĩa Mác để nhìn nhận đánh giá những tác phẩm và đời sống văn chương theo cách nhìn khoa học duy vật, chứ nhiệm vụ cách mạng cũng chưa cho ông có thời gian sáng lập một phương pháp lý luận phê bình riêng.

Thực tế phát triển văn chương cho ta thấy, đóng góp phê bình của những nhà văn nhà thơ là rất lớn. Dẫu các nhà lý luận chuyên nghiệp có thế mạnh nắm được sâu những phương pháp phê bình khoa học, nhưng họ lại không phải là những người trực tiếp làm nghề nên vẫn có những hạn chế. Những nhà văn nhà thơ viết phê bình có thế mạnh là không ai hiểu nghề bằng chính họ, mà các nhà phê bình chuyên nghiệp không có.

Theo tôi hai lực lượng lý luận chuyên nghiệp và người sáng tác viết phê bình bổ sung cho nhau để đời sống phê bình thêm phong phú, đều có giá trị ngang nhau chứ không thể cái nào cao hơn cái nào. Viên Mai viết "Tùy viên thi thoại", ông còn là một nhà thơ. M.Gorki bàn về văn học rất nhiều vấn đề nổi tiếng, đứng từ góc độ là một nhà văn. Ở nước ta, trong thời kỳ văn chương hiện đại, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa… là những nhà thơ để lại những tác phẩm phê bình có giá trị mà nhiều nhà lý luận phê bình văn chương chuyên nghiệp cũng không thể vượt qua. Thực ra, các nhà văn, nhà thơ này đâu phải viết phê bình không có lý luận? Họ viết được hay như thế, là trong khi phê bình họ đã có lý luận chìm trong đó rồi. Không nên vì cái phong trào "người người làm phê bình" xô bồ hiện nay đang làm rối tung các giá trị của đời sống văn chương mà có định kiến với những nhà văn nhà thơ viết phê bình thực sự có tài năng.

Đúng là những người làm công tác lý luận phê bình của ta cần phải tìm hiểu sâu nền lý luận phê bình văn chương của các nước trên thế giới để mình biết nó có những cái gì và nó như thế nào, còn áp dụng nó ra sao lại là chuyện khác. Cái gì hay và phù hợp thì chúng ta học. Nhưng toàn cầu hóa không có nghĩa là Mỹ hóa, phương Tây hóa. Phương Tây cũng phải tìm hiểu phải học tập những điều tốt đẹp của phương Đông, đặc biệt là về những giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật.

Cần lưu ý rằng, từ khi chưa biết những phương pháp sáng tác và phê bình của phương Tây, chúng ta đã có "Truyện Kiều", "Chinh phụ ngâm", "Cung oán ngâm khúc", thơ Hồ Xuân Hương… được phương Tây rất khâm phục. Về mặt lý luận phê bình, đúng là chúng ta chưa có được những nhà lập thuyết. Nhưng mục đích của phê bình là gì nếu không phải là để thúc đẩy sáng tác và hướng dẫn người đọc thưởng thức? Dẫu chúng ta chưa có người đứng ra đúc kết một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, nhưng không phải vì thế mà hàng nghìn năm qua, nhân dân ta không hiểu được những tác phẩm văn chương bất hủ của nước mình!

Theo tôi, cùng với việc tìm hiểu phương pháp sáng tác và phê bình văn chương của các nước trên thế giới, một hướng khác các nhà văn nhà thơ, lý luận phê bình nước ta cũng cần phải tìm hiểu nền văn chương nước nhà và phương Đông sâu hơn nữa để tìm ra được những phương pháp sáng tác và phê bình đặc trưng của chúng ta, của phương Đông đang nằm rải rác trong chính những tác phẩm mà ông cha chúng ta đã để lại. Chỉ có tìm ra  được những phương pháp sáng tác đặc trưng của phương Đông mới giúp văn chương phương Đông phát triển thành văn chương phương Đông hiện đại. Trên cơ sở lý luận phê bình văn chương cổ phương Đông nói chung và lý luận phê bình văn chương cổ Việt Nam nói riêng mới giúp cho chúng ta xây dựng được một nền lý luận văn chương Việt Nam hiện đại.

Tác giả: Đinh Quang Tốn

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây