Dấu ấn thơ Trúc Thông

Thứ bảy - 21/08/2010 22:46 2.995 0

Nhà thơ Trúc Thông

Nhà thơ Trúc Thông
Thi ca cùng được hiện ra với ánh sáng của sự ngạc nhiên và bí ẩn trong tiếng gọi trẻ con - đó có lẽ là một vẻ đẹp đặc trưng của thơ Trúc Thông. Một vẻ đẹp mà đối với một đời làm thơ, thật không dễ gì có được, nếu trong hành trang không luôn mang theo lòng tin, sự đam mê, cái thuần khiết trong trẻo cùng đồng hành theo hành trình vô tận nơi "Hy Vọng vẫn đang đi".

Mùa thu mây se se
mùa thu mưa rào trắng
đàn trẻ thu đi học
quả tim thu bồn chồn"
                      (Hy vọng phố mình)

Cái cảm xúc thuần khiết về thiên nhiên, về mùa thu và về cuộc đời trong suốt đến độ ta có thể nhìn xuyên thấu như qua làn nước biếc xanh. Ở những ngày tháng này thật khó bắt gặp cái cảm xúc thuần khiết đến vậy, trong những sáng tác thơ và trong những điệu thức âm vang nơi hồn người, trước thiên nhiên tạo hóa và trước nhân sinh lầm lụi xiết chảy.

"Khúc trẻ thơ" và "Hy vọng phố mình" là hai trong những thi phẩm toàn mỹ, trong niềm hứng khởi đột xuất được nhà thơ Trúc Thông sáng tác trong giai đoạn sung mãn ở những năm bảy, tám mươi của thế kỷ trước.

Các em trang trí gì cho mặt đất
phấn cầm tay di di
phấn trắng quá
ngây thơ tự hát 

trái đất cười thích thú được bôi lem
bằng phấn trắng
gạch đỏ
than…
trái đất mỉm cười mặt mình ngũ sắc
cười rung…gió cây

                       (Khúc trẻ thơ)

Với quan niệm của một tâm hồn hài đồng thì trái đất được hiện lên thật gần gũi, thân thiện như một người bạn lớn, dưới bàn tay của các em "trái đất cười thích thú được bôi lem", và "trái đất mỉm cười mặt mình ngũ sắc" trong niềm hoan hỉ thành thực "cười rung… gió cây".

Tôi cho rằng, nếu không có sự thành thật cởi mở, rũ bỏ những rào chắn ngăn cách của con người với trẻ thơ và với thế giới tự nhiên, thì nhân loại sẽ trở nên khô cằn trống rỗng và cô độc đến chừng nào. Trái đất cũng như trẻ thơ vậy, vốn hồn hậu an nhiên với những động thái, những trò chơi, và với những biểu hiện thành thực nhất, sống động nhất về sự hiện sinh của mình mang cái đạo vũ trụ vận hành theo quy luật của tự nhiên.

Cái nhìn thế giới trong niềm thiên khải theo kiến quan của trẻ thơ được nhà thơ Trúc Thông tụ kết và nâng lên thành một chân lý:

Cứ lần theo giấy kẹo trẻ con
sẽ gặp thiên đường

Nhà bác học E.B. TyLor, qua công trình khảo sát nghiên cứu nhiều năm về các tộc người và văn hóa nguyên thủy, đã cho rằng thước đo độ cao trí tuệ và đạo đức của con người, trên thực tế chưa có một nhà bác học nào học được cách nắm công cụ ấy một cách chắc chắn cả. Phải vậy, thế giới trẻ thơ là chính thiên đường theo đúng nghĩa mà con người với ước vọng của mình đã dựng lên một thế giới trừu tượng mang ảo tượng của người lớn. Còn thế giới trẻ con là thiên đường đích thực, thật quá cách biệt với cái thế giới của người lớn luôn chất chứa những âm mưu tham vọng:

Trọng Thủy chồm theo vết lông ngỗng
Chỉ thấy gào biển thẳm.

Nhà thơ nhắc lại câu chuyện truyền thuyết như muốn nhắc nhở cảnh báo con người về lòng tham danh lợi quyền lực sẽ là con đường dẫn đến nơi "Chỉ thấy gào biển thẳm". Khi con người vô tư lự, vô ưu thì chính là lúc thượng lộ "lần theo giấy kẹo trẻ con sẽ gặp thiên đường" vậy.

Trong ánh sáng thiên đường của trẻ thơ, nhà thơ đã vén mở bức rèm hiện lên chân trời của thi ca với sự lung linh ảo huyền của cõi người hắt bóng lên trái đất. Ở những sáng tác thơ sau này, trong một lần đứng trước Paris nhớ về con, một vài tia sáng mỏng manh của thời kỳ "Khúc trẻ thơ" lại hiện lên trong thơ Trúc Thông:

 Căn nhà Việt xa xa
 trên hành trình vô tận

 (…)

Cha vẫn là đứa trẻ trong gió bơ vơ

(…)

Các con ơi
vũ trụ của con. Trứng khổng lồ".

                         (Những thoáng Paris)

"Trên hành trình vô tận" hiện lên trong mờ ảo của ký ức rất gần "căn nhà Việt xa xa", và nhà thơ thấy mình "vẫn là đứa trẻ trong gió bơ vơ" giữa "vũ trụ của con. Trứng khổng lồ".

Bằng cái nhìn huyền đồng của trẻ thơ đã cho nhà thơ tiếp cận với thế giới một cách gần gũi thân thiện và bao quát trong một cảm quan rộng lớn có tính quán thế. Bởi vậy, nhà thơ ở giữa lòng Paris vẫn thấy sau những đám mây xốp bồng bềnh là "căn nhà Việt xa xa/ trên hành trình vô tận" và "vũ trụ của con. Trứng khổng lồ".

Tôi đang hiện hữu trong cái thế giới thi ca của nhà thơ Trúc Thông những năm 70-80 thế kỷ trước. So với một đời người thì ba bốn chục năm kể cũng thật dài, biết bao điều đến rồi đi, nổi lên rồi lại xóa nhòa. Rõ ràng thi ca là một sản phẩm tinh diệu của loài người, nó lưu giữ nguyên vẹn và sống động cái thế giới tâm cảnh mà nhà thơ đã thấu hội với đầy đủ cái không gian thời gian và khí vị từng được ngẫm trải tích tụ và tỏa ra trong cái hứng khởi kỳ diệu của thi sĩ.

Đây là hình ảnh thành phố Hải Phòng thập niên 70 của thế kỷ XX, hiện lên sự trẻ trung phóng túng dào dạt độ tuổi đang xoan. Tôi nghĩ rằng, thành phố sau những bước nhảy dài qua bốn mươi năm, cũng sẽ vẫn cần phải hồi vọng về cái biểu tượng của thành phố thanh xuân tràn đầy hy vọng mộng mơ và lãng mạn trong thơ Trúc Thông thuở ấy. Đó là Hải Phòng "thành phố/ chữ tên dài như một con tàu/ (…)/ Những đám mây màu đất sét của tôi/ chớp lửa hàn xanh biếc của tôi/ của tôi nhịp búa gõ lan lan/ tiếng hát tự hào về cuộc sống sạch trong thành phố". Thực ra, so với địa danh của các địa phương ở nước ta trong thời điểm nhà thơ Trúc Thông viết bài thơ này, Hải Phòng chưa phải là một địa danh dài nhất và có số chữ cái nhiều nhất. Nhưng, trong cái cảm nhận dưới ánh sáng thi ca của nhà thơ về thành phố Cảng, thì hình ảnh của thành phố hiện ra tượng trưng cho một con tàu, biểu tượng của một sức sống đang lao tới tương lai. Trong "Khoảnh khắc Hải Phòng', nhà thơ đi tìm tín hiệu cho mình "tôi muốn tìm một tín hiệu cho tôi":

các bạn kéo tôi đi như một cơn gió thốc
qua thành phố quê hương
tôi sống một buổi chiều căng cảm xúc

(…)

những kíp thợ quay chung quanh mặt trời
đêm Hải Phòng sáng giọt mồ hôi…

(…)

mà tôi phải ra đi
với nỗi tiếc con tàu
đang đầm mình trong dòng Cửa Cấm
tôi sẽ về đầm lại tâm hồn tôi
trong dòng sông cần lao vô tận
của Hải Phòng vĩnh viễn
trong tôi".

                      (Khoảnh khắc Hải Phòng)

Cái tín hiệu mà nhà thơ Trúc Thông muốn tìm cho mình ở thành phố Cảng, chật "căng cảm xúc" trong niềm hứng khởi trào dâng đột xuất "như một cơn gió thốc", và có lẽ là sự "chân thật" mà nhà thơ cảm nhận được toát ra từ những "bàn chân/ tấm lưng trần". Trong khoảnh khắc, với sự nhạy cảm của tâm hồn thi sĩ, nhà thơ đã nhận thấy thành phố Cảng là nơi đã vượt qua những ngăn cách, những rào cản, những đón đưa che chắn. Ở đấy, đã mở toang những cánh cửa lớn chào đón những giá trị mới của lao động và sáng tạo. Ở đấy, đang hiện diện "những cửa bể, dòng sông/ và lòng người/ mở cảng". Cái tín hiệu nhà thơ Trúc Thông đã tìm thấy cho mình trong "Khoảnh khắc Hải Phòng", có lẽ mãi mãi nằm trong hoài bão của nhà thơ đó là "Tôi sẽ về đầm lại tâm hồn tôi/ trong dòng sông cần lao vô tận".

Dường như có một hiện tượng không thể không đề cập trong bài viết này, đó là nhiều năm nay những người trong giới, khi nhắc đến thơ Trúc Thông thì hầu như theo thói quen hoặc theo một sự đánh giá nào đó, chỉ nhắc tới bài thơ lục bát "Bờ sông vẫn gió". "Bờ sông vẫn gió" là một bài thơ lục bát hay, nhuần nhị và cảm động về người mẹ. Một nhà cách tân thơ như nhà thơ Trúc Thông, trong sáng tạo thi ca của anh, dĩ nhiên những bài thơ tiêu biểu không chỉ là "Bờ sông vẫn gió", mà phải kể đến một loạt những bài thơ tự do Trúc Thông sáng tác vào những năm 70-80 của thế kỷ trước. Đó là những bài thơ khoáng đạt và thuần khiết, với kết cấu thơ vừa chặt chẽ vừa mở, thể hiện sự lao động nghệ thuật công phu. Theo tôi, dấu ấn của thơ Trúc Thông được tạo lập đậm nét có lẽ bắt đầu ở thời kỳ này. Đó là thời kỳ mà thế giới thơ Trúc Thông mở về phía Hy vọng, về sự hồn nhiên trinh tuyền trong cảm nhận của nhà thơ về thế giới và thiên nhiên và về cuộc đời.

Nhà thơ Trúc Thông là một nhà thơ có cá tính mạnh. Bằng sáng tác và bằng những trao đổi, bình luận về thi ca, anh đã cho ta thấy đó là một nhà thơ không bao giờ thiếu sự tự tin ở sáng tạo thi ca của bản thân mình, như nhà thơ đã tự viết "anh đã là người tình của thơ/ nàng hôn anh đắm đuối trong mơ". Nhưng tôi chợt bắt gặp ở đâu đó nhói lên một cảm giác mong manh "chìm, chìm dần/ con tàu thơ bé tẹo/ (…)/ những nàng Si-ren biển xưa Hy Lạp/ vẫn thâm thù giết những nhà thơ" (Ghi chép về thơ). Hoặc một nhận cảm về sự khắc nghiệt trước bức tường dựng đứng của sự tìm đến thành công trong nghệ thuật: "Những chân trời xếp hàng chật chội/ danh nhân/ một tên mới nhô lên khó lắm" (Những thoáng Paris)

Trong sự cứng rắn và quyết liệt bảo vệ những luận điểm về thi ca cũng như sự trong sạch, ngay thẳng trong đời sống thế tục, tôi bắt gặp cái se sắt của nhà cách tân thơ Trúc Thông trong sự phóng vượt cái nhìn về thế hệ tương lai "Các con tôi chợt giữa sàn vũ trụ/ rơi ngoái về ta đôi giọt lệ dài…" (Những thoáng Paris)

Với nửa thế kỷ dành trọn cho nghệ thuật thi ca, nhà thơ Trúc Thông với cái nhìn của Hy vọng, anh đã tìm thấy thiên đường ở chân trời trẻ thơ, với cảm xúc trong sáng nhất, thuần khiết nhất, và nhà thơ đã hơn một lần mở thông với thế giới:

quá nửa cầu rồi
các trẻ con ơi

   (Khúc trẻ thơ)

Hà Đông, ngày 15/7/2010

Tác giả: Dương Kiều Minh

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây