Người đàn bà "dại yêu" trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến

Chủ nhật - 10/10/2010 01:05 4.289 0

Người đàn bà "dại yêu" trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến

1. Có hẳn một tập thơ của Đoàn Thị Lam Luyến có tên là ... Dại yêu. Có cả một tập hợp chân dung những người đàn bà “dại yêu” trong thơ chị: xưa là  Mỵ Châu, Xúy Vân, Thị Mầu, Thúy Kiều, Hồ Xuân Hương...; nay là người đàn bà “lỡ chồng” vớiđứa con mang họ mẹ, một người bạn thơ “càng say càng gặp tình vờ”, một người em gái với đời riêng lấy “cái thất tình làm vui”...
Và thơ chị nhắc đến rất nhiều những cả tin, dại khờ, nông nổi... của chủ thể trữ tình, một người đàn bà vốn “đa tình liền với đa đoan/ Tơ duyên đã nối lại càng nối thêm”...Thế nên, không hề quá lời khi ta nói rằng người đàn bà dại yêu là một hình tượng rất nổi bật trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Đấy là một cách khái quát mộc mạc, dân giã, pha chút trào lộng nhưng xác đáng về những người phụ nữ có bản năng yêu đương sôi nổi, bất chấp mọi ràng buộc cũng như thói tục thông thường, và như một tất yếu, thường có số phận lỡ làng, bi đát... Vô tình hoặc cố ý, những nét “đặc tả” hình tượng này khiến những ai từng biết Đoàn Thị Lam Luyến không khỏi liên tưởng tới tiểu sử của chính tác giả. Nhưng tôi nghĩ, đấy không đơn thuần chỉ là kết quả của sự “giãy bày”, “bộc bạch” tâm tư nhà thơ, (dù cảm hứng này khá đậm nét trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến và chính nó cũng đã góp phần tạo nên vẻ nồng nhiệt lạ lùng của thơ chị). Có thể nói, hình tượng người đàn bà dại yêu ấycòn là một cách để nhà thơ tự ý thức về chính cuộc đời mình, và rộng ra, là về cuộc đời và số phận của người phụ nữ hiện đại. Đó là một câu chuyện mang sắc thái bi kịch nhưng điều đáng nói hơn, đáng để cho ta suy ngẫm hơn, không chỉ nằm ở cái tình huống bi kịch (cũng khá phổ biến trong đời sống và văn chương) mà chính là ở cái thái độ và cách ứng xử của con người trước bi kịch ấy.  

2. Trong một cái nhìn có tính “tổng kết”, sự “dại yêu” của người đàn bà trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến được định danh qua một loạt tính từ: dại dột, cả tin, ngộ nhận, yếu mềm, say, dại, điên... Tác giả giãi bày rất thực thà về sự cả tin, khờ khạo của người – đàn – bà – dại – yêu này: Ngoài bốn chục chưa khỏi điều non nớt/ cả tin nghe, cả tin nói, cả tin cười (Châm khói); Chị cũng nhận thấy sự mơ mộng, đa cảm, thiếu thực tế  ở người đàn bà này như một điểm yếu khó khắc phục: Quen sống với mộng mơ/ Tim tôi đầy vọng ước/ Chẳng yêu cây trên bờ/ Chỉ say tình dưới nước (Điểm hẹn)... Dĩ nhiên, có lúc chị cũng tự biện luận: Em không là thánh thần/ Mới nhiều phen nông nổi/ Khi đã dấn thân yêu/ Biết đâu mà lọc lõi (Em không là thánh thần); nhưng rốt cục, nhà thơ vẫn thấy sự “dại dột” ấy như là một bản tính ăn vào máu mình, khó lòng cải đổi: Bếp thoắt tro, thoắt lửa/ Biển thoắt đầy thoắt vơi/ Lại dễ dàng thổn thức/ Lại sẵn sàng khơi vơi (Tuổi bốn mươi)...

Khao khát tình yêu, đắm đuối trong những ảo tưởng tự tô vẽ, ở người đàn bà này, hình ảnh người tình luôn được “thiêng hóa”: Anh đến như trời sai đến/ Em không giữ nổi phép màu/ Như có bàn tay định mệnh/ Bàng hoàng ánh mắt giao nhau (Lời anh trên biển)... Nồng nhiệt và tự tin đến ngây thơ, bất chấp những cảnh ngộ thực tế, người đàn bà ấy sẵn sàng cao giọng “thách thức” với mọi thử thách khắc nghiệt nhất của đời sống: Gian khổ hay cách trở/ Thương nhau thêm bội phần/ Và với em khi đó/ Tình yêu là phép nhân (Phép nhân)... Và với tất cả sự đa cảm và vụng dại, chị sẵn sàng “thế chấp” tất cả niềm tin vào tình yêu, cho dù đó chỉ là tình cảm từ một phía và không hề được đáp đền: Dẫu chẳng được hẹn hò/ Em cứ đợi, cứ say/ Ngâu có xa nhau, Ngâu có ngày gặp lại/ Kim – Kiều lỡ duyên nhau/ Chẳng thể là mãi mãi/ Em vẫn đợi/ Vẫn chờ/ Dẫu chỉ là huyền thoại một tình yêu! (Huyền thoại)...

Có thể thấy đây cũng là điểm gần gũi giữa nhiều tâm hồn phụ nữ: sống nghiêng về cảm tính, khi yêu, họ thường hết mình, không chút tính toán, so đo và những ngộ nhận, nhầm lẫn xuất phát từ sự “trái tim nhầm chỗ để trên đầu” ấy là một điều rất dễ xảy ra. Ta có thể bắt gặp tiếng thơ đầy khát khao dâng hiến nhưng cũng đầy những ám ảnh buồn bã trong thơ của nhiều tác giả nữ như Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phạm Thị Ngọc Liên, Lê Thị Mây... Với Đoàn Thị Lam Luyến, thơ cũng là một cách để chị “tự nghiệm” về cuộc đời với không ít xót xa. Có điều, trong cách “tự nghiệm” của người đàn bà “dại yêu” ấy vẫn phảng phất một nụ cười giễu cợt và điều này tạo nên một sắc thái rất riêng trong những câu thơ tình của chị: chính trong cách nói về sự “mù quáng” ấy lại thể hiện rất rõ sự tỉnh táo của con người.

3. Những ảo tưởng có thể đem lại ít nhiều thi vị, ngọt ngào trong cảm xúc, nhưng chính đó lại là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ tất yếu khi con người buộc phải đối diện với thực tế. Và khi đó, thay vào cái nhãn quan lãng mạn hóa ban đầu là một cái nhìn trực diện vào đời sống với một cảm hứng “phản tỉnh” ráo riết. Ta thấy điều này được đánh dấu bằng một loạt động từ: biết, nhận biết, nhận ra, thức tỉnh, ... ; một loạt tính từ: ngậm ngùi, đau khổ, buồn nản, tàn tạ, tan nát, mệt mỏi, cô đơn, dại dột, đơn lẻ, đắng cay, trái ngang, dang dở... Và rất nhiều những câu hỏi, những lời tự vấn hoang mang, mệt mỏi: Sao ta cứ lầm hương/ Với mùi thơm của lá/ Lửa tình ta cố nhen/ Khi tim người lạnh giá? (Trả ta về cô đơn); Em ở hiền/ Em có ác chi đâu/ Mà trời lại xui anh bắt đầu tình yêu với người con gái khác? Có phải rượu đâu mà chờ rượu nhạt/ Có phải miếng trầu/ Đợi trầu dập, mới cay?(Huyền thoại); Ta muốn ôm cả đất/ Ta muốn ôm cả trời/ Mà sao không yêu trọn/ Trái tim một con người!? (Gửi tình yêu)...

 Trong một con mắt tỉnh táo, cái tình yêu được tô vẽ với bao “ảo sắc thiên đường” đã mất đi ánh hào quang giả dối của nó. Người đàn bà phải đối diện với sự thật đổ vỡ, dối lừa như “những nhát roi vào tim/ Cứ bầm bầm máu ứa”. Và cái tình yêu đầy ảo tưởng giờ đây chỉ còn lại những chua chát, bẽ bàng cùng cực: Càng say càng gặp tình vờ/ Non non nước nước lập lờ lứa đôi (Yêu để cho thơ); Đa tình liền với đa đoan/ Tơ duyên cứ nối lại càng nối thêm (Tích tịch tình tang)... Tỉnh mộng, người đàn bà nhận ra cái tình yêu mà mình đắm đuối “cá cược” cả cuộc đời mình vào đó, thực chất chỉ là một hành động mù quáng, không hơn: Em đương lấy sóng làm cầu/ Khơi xa làm bến, đáy sâu làm thuyền (Em gái)...

Dĩ nhiên, trong cái nhãn quan ấy, hình tượng người tình cũng sẽ mất đi vẻ hào nhoáng ban đầu. Giờ đây, người đàn ông hiện lên chân thực hơn, và cũng ...tầm thường hơn. Đấy là một kẻ ham vui, yếu mềm và dễ sa đà: Khi em chờ mỏi mắt rồi/ Anh còn ở mãi phương trời nào đây/ Nơi nào anh cũng dễ say/ Nơi nào cũng sẵn vòng tay đợi chờ (Nhớ Hồ Xuân Hương)...; Đấy cũng là một con người nhạt nhẽo, hèn đớn, ngược hẳn với cái say đắm đến quyết liệt của người đàn bà: Em đam mê đến độ hững hờ/ Anh chầm bập như là yêu thật vậy/ Nhưng em biết em chỉ là trang giấy/ Lúc mềm lòng anh rắp vẽ vu vơ (Khách mời)... Thậm chí, lừa dối và bạc bẽo: Dù hóa trang gương mặt mình khéo đến thế nào chăng nữa/ Anh vẫn là một Thúc Sinh Thôi/ Kỉ niệm Lâm Chuy, Kiều có phải báo ân đền nghĩa/ Anh cũng đã đem em đi bỏ chợ người (Kiều có ở trong em)...

Rõ ràng, trong cái nhìn này, hình tượng người đàn bà mạnh mẽ, chủ động bao nhiêu thì người đàn ông lại bạc nhược, yếu đuối, thiếu bản lĩnh bấy nhiêu. Song thực ra, sự mạnh mẽ này dường như không phải “chủ đích” của người đàn bà, chẳng qua khi rơi vào tình cảnh ấy,  chị buộc lòng phải gồng mình lên để chịu đựng, để gánh vác. Cái chao chát đáo để chỉ là vỏ ngoài, nhằm để che đầy một tâm hồn yếu đuối, đa cảm và dễ thương tổn bên trong. Và điều đó, tôi nghĩ, xét đến cùng, lại là một nỗi đau khác.

4. Nhưng nguyên nhân của những bi kịch ấy là ở đâu? Dù cảm hứng phân tích, lí giải không phải là cảm hứng nổi bật trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến, nhưng rõ ràng chị rất có ý thức “truy tìm” lời giải đáp cho câu hỏi này. Bởi vì, trước hết, đó là câu hỏi của chính đời chị.

Và lí do trước hết, là vì mình, vì sự ảo tưởng, non nớt, cả tin... của mình, tóm lại là vì mình...dại. Nhưng trong một cái nhìn khái quát, nhà thơ còn thấy một nguyên nhân nữa, chi phối những khổ đau trong cuộc đời chị, ấy là... số phận. Trong thơ mình, Đoàn Thị Lam Luyến nhắc nhiều đến số phận, duyên phận, số trời, mệnh trời, phận trời... Ngẫm lại phần đời đã trải với bao cay đắng, tác giả đã phải thốt lên: Cái phận trước, cái duyên sau/ Nào ai tính được dài lâu với trời? (Chồng chị chồng em); Mẹ sinh em đêm hay ngày/ Mà sao như số trời đày thế gian? (Tích tịch tình tang)... Là số phận, cho nên không “có số được vàng”, là số phận cho nên “duyên thiên cách trở muộn màng nhau”, cho nên “tơ duyên đã nối lại càng nối thêm”... Số phận, trong triết lí dân gian, như một sợi dây trói buộc vô hình mà con người khó lòng vượt ra được. Nhưng với Đoàn Thị Lam Luyến, một người đàn bà hiện đại, số phận còn mang ý nghĩa như một thử thách để qua đó con người bộc lộ được bản lĩnh và nhân cách sống của mình. Dẫu không hề muốn, nhưng khi đứng trước những éo le của cảnh ngộ, những éo le mang tên “số phận”, người đàn bà ấy không trốn tránh, hay chỉ biết than thân trách phận, mà còn biết can đảm đối diện và vượt lên bằng một thái độ ứng xử đầy mạnh mẽ và chủ động.

Ta có thể thấy những điều này rất rõ trong bài thơ Chồng chị, chồng em. Bài thơ được cấu tứ trên những tương quan đối lập: xưa/ nay; gần / xa; phận/ duyên; buồn/ vui; chồng chị/ chồng em.... Đấy cũng là cảnh ngộ tình duyên đầy éo le. Người đàn bà luôn khát khao tìm kiếm một tình yêu lí tưởng, “một tình yêu chỉ riêng dành cho tôi” nay lại phải đứng trước tình thế: “Xưa thì chị, nay thì em” và cái sợi dây “tơ hồng” của duyên phận ấy thực ra cũng chỉ là “nối thêm”. Cái sự thật đầy ngậm ngùi ấy được diễn tả ngắn gọn trong một câu lục bát với giọng điệu thật tự nhiên và điềm đạm:

                        Xưa thì chị, nay thì em

Phải duyên chồng vợ nối thêm tơ hồng

 Phải chăng, chìa khóa hóa giải nỗi niềm lỡ dở và dễ gợi sự chạnh lòng ấy nằm trong chữ “duyên” – “phải duyên”? Người đàn bà đã nhìn nhận sự gặp gỡ ấy như là một sự tình cờ tốt đẹp của số phận, dẫu muộn mằn và không đợi mà gặp. Nhưng đấy chỉ là một cách nói. Thực tế, cảnh ngộ vẫn đầy những éo le:Được lúa, lúa đã gặt bông/ Được cải, cải đã chặt ngồng muối dưa;... Vẫn đầy những bất trắc, lo âu: Tình yêu một mất mười ngờ/ Khiến cho biển cứ khuất bờ trong nhau... Điều cơ bản khiến con người ấy có thể vượt lên tất cả những thử thách của hoàn cảnh là “biết” - hiểu theo nghĩa là sự thấu hiểu, cảm thông và chấp nhận. Câu thơ “Biết thì ruộng hóa cũng nên mùa màng” mang ý nghĩa như một triết lí nhân sinh ngắn gọn mà sâu sắc. Không còn những ảo tưởng bồng bột thời trẻ tuổi về một tình yêu duy nhất và tuyệt đối, những dang dở, đắng cay mà người đàn bà đã trải qua suốt quãng đời dài khiến chị biết vượt lên sự ích kỉ, hờn ghen thông thường, cả những miệng tiếng dị nghị của thói đời, để chắt chiu, trân trọng cái hạnh phúc trong hiện tại, trong cả sự không trọn vẹn của nó:

Đã từng hai mảnh tay không

Kể chi mẹ ghẻ, con chung, chồng người

Dở dang suốt nửa cuộc đời

Bỗng dưng hiện một mặt trời trong nhau

Ta thấy người đàn bà trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến là một con người từng trải và thực tế. Cái mà chị khao khát là cái hạnh phúc có thực, cái ái ân có thực của cuộc đời bụi bặm và lắm hệ lụy nhưng gần gũi này chứ không phải ở một thiên đường cao xa và lí tưởng nào. Sự “thản nhiên” trong câu thơ “Thản nhiên em nhận bã trầu về têm”, thực chất là một sự lựa chọn chủ động trong một tình thế bị động. Khi đã trải qua bao thăng trầm, được mất của đời người, người đàn bà ấy nhận ra rằng, tình yêu không chỉ là chuyện của mỗi một cá nhân, mà còn là chuyện của cuộc đời, của tình người. Cho nên, cho đi chính là được nhận lại. Những đau khổ dạy con người biết nhìn rộng hơn, biết độ lượng hơn, biết tha thứ và sẻ chia hơn. Cần thấy rằng sự tỉnh táo ở đây không phải là sự tỉnh táo của một đầu óc ráo riết duy lí là sự tỉnh táo của một tấm lòng trung hậu. Do đó, bài thơ nói về một cảnh ngộ dở dang, ngang trái nhưng người đọc lại nhận thấy sự vững vàng và nhân ái của một tâm hồn; bài thơ nói đến sự chua xót và đau đớn, nhưng người đọc lại nhận ra một sự thấu hiểu và vun đắp đầy trách nhiệm. Nói cách khác, bài thơ nói về một cảnh ngộ bi kịch nhưng cũng ở đó, bi kịch đã được hóa giải bởi bản lĩnh và thái độ ứng xử đầy nhân văn của con người.  

5. Dường như, thơ với Đoàn Thị Lam Luyến là tất cả những trải nghiệm đời sống chân thực nhất của chị. Về điểm này, thơ Đoàn Thị Lam Luyến rất gần với thơ Xuân Quỳnh. Cũng như Xuân Quỳnh, thơ Đoàn Thị Lam Luyến luôn khao khát hướng đến một thứ hạnh phúc của đời thường và có thực chứ không phải trong cõi lí tưởng cao xa nào. Do đó, ta gặp trước hết (và phổ biến) trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến  là giọng giãi bày tâm sự. Nhưng sự giãi bầy này không chỉ dừng lại ở những cung bậc thủ thỉ, nhỏ nhẹ. Nhu cầu được “trút xả” tâm sự khiến nhiều lúc, tác giả dường như không chú ý đến việc “làm thơ”, mà dường như chỉ chú ý đến việc nói cho “bõ hờn”, cho “hết nhẽ” những nỗi niềm nghẹn ứ trong lòng. Thành thử, lời thơ chị có lúc rất mộc mạc, đơn giản, giống như lời nói thường, nhưng vẫn đem lại sự xúc động bởi sự chất chứa, dồn nén trong đó (Thành phố không bao giờ từ biệt là một ví dụ tiêu biểu). Nhưng nếu như thơ Xuân Quỳnh thường nói đến một mái ấm gia đình ấm áp, sum vầy thì thơ Lam Luyến nói nhiều đến sự lỡ dở, đắng cay, ngang trái. Cho nên, song hành cùng với giọng điệu giãi bày tâm sự ấy là giọng tự thán chua xót. Giọng điệu tự thán này trỗi lên trong những bài thơ mang cảm hứng thân phận, số phận đàn bà (Gửi tình yêu, Kiều có ở trong em, Bóng người phía trước, Số được vàng,...) Nhưng cung bậc giọng điệu thể hiện đậm nét cá tính của tác giả này là giọng châm biếm, giễu cợt. Nó thể hiện một cái nhìn đầy tỉnh táo và khá ...đáo để của người đàn bà này về cuộc đời và con người. Trước hết là tự giễu. Việc vẽ chân dung của mình như một kẻ “dại yêu”, một kẻ “không có số được vàng” hay “làm nhà trên lưng cá voi”... là kết quả của một cái nhìn trào lộng mà chua chát ấy.

Chính trong cách nhìn này, chân dung người đàn ông nhiều khi không chỉ tầm thường mà còn khá hài hước. Đây là chân dung của một “chiến binh” tình ái: Anh đã về đấy ư/ Dửng dưng và đói khát/ Khi đã ở bên em/ Sao vẫn còn biếng nhác? Ôi, đúng thực anh rồi/ Đâu có gì đổi khác/ Dẫu chẳng còn thanh gươm/ Và không còn manh giáp! (Chiến binh)... Thậm chí, trong cái nhìn giễu cợt và đáo để của tác giả, người đàn ông, “vốn yếu mềm và biếng nhác”, được ví như một “miếng mồi của chiến tranh man rợ diệu kì” – cuộc “chiến tranh tình ái”: Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia/ Giống như người đàn bà kia/ Đoạt anh từ tay người đàn bà khác.../ Ghen như sôi và giận như điên (Chiến tranh)...

Trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến, sự đan xen giữa các giọng điệu chính là một yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của thơ chị. Đặc biệt, nó góp phần khắc họa nên chân dung của chủ thể trữ tình: một người đàn bà đa đoan, sắc sảo và “đáo để”, nhưngmặt khác, lại đầy đa cảm, yếu đuối, dễ thương tổn...

6. Hình tượng người đàn bà “dại yêu” càng được khắc họa rõ nét qua một lối viết tự nhiên và mộc mạc. Nhà thơ sử dụng chủ yếu các thể thơ truyền thống: lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ... Tuy nhiên, chị thành công nhất ở thể thơ lục bát. Ở thể thơ này, chị có nhiều bài hay, hàm súc và nhuần nhị (Chồng chị, chồng em, Trên lưng cá voi, Bóng người phía trước, Tích tịch tình tang, Em gái...) Tác giả cũng thường sử dụng những cách nói của ca dao, thành ngữ, tục ngữ hoặc những cách nói thông tục trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, gợi nhiều ý vị dân gian, ví dụ:

- Được lúa, lúa đã gặt bông

Được cải, cải đã chặt ngồng muối dưa

- Gần được ấm, xa được êm

Biết thì ruộng hóa cũng nên mùa màng

- Cái giần vục phải cái sàng

Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau

- Chị thản nhiên mối tình đầu

Thản nhiên em nhận bã trầu về têm

v.v.

Đặc biệt, như đã nói trên, trong thơ chị xuất hiện khá nhiều lần hình ảnh những người đàn bà “dại yêu” trong tâm thức truyền thống: Mị Châu, Xúy Vân, Thị Mầu, Thúy Kiều, Hồ Xuân Hương... Được soi chiếu từ lăng kính của một tâm hồn đồng điệu, hình tượng những người phụ nữ này hiện lên như những con người dám sống, dám yêu, dám hết mình vì tình yêu dù chung cục số phận của họ luôn là bi kịch. Đấy là hình tượng những người đàn bà vừa dân giã, nôm na, vừa mạnh mẽ, quyết liệt, vừa bản năng, nồng nàn, vừa ý thức tỉnh táo, vừa nhẫn nại, chịu đựng, vừa táo tợn, đáo để...Dĩ nhiên, những hình ảnh khách thể ấy cũng là sự phản chiếu đậm nét của hình ảnh chủ thể.

7. Tóm lại, người - đàn - bà - dại - yêu là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Đoàn Thị Lam Luyến. Như đã nói trên, nói đến sự “dại yêu” - như một đặc điểm nổi bật của hình tượng người đàn bà này – chính là nói một thứ tình cảm tự nhiên, mang tính bản năng mãnh liệt, không hề tính toán, vụ lợi. Và đó cũng một cách để khái quát hóa về những trái ngang, bi kịch mà người đàn bà “dại yêu” phải nếm trải cùng với thứ tình cảm mê đắm như là “giời đầy” của mình. Tuy nhiên, ta cũng nên nhớ rằng, trước hết, đây là cách mà Đoàn Thị Lam Luyến dùng để nói về chính mình. Cái sắc thái giễu cợt (tuy ẩn chứa không ít xót xa) bộc lộ rất rõ trong cách nói đó của chị. Chính sự tự giễu này cho người đọc nhận ra rằng, dường như sự “dại yêu” ấy ở người đàn bà Đoàn Thị Lam Luyến (và rộng ra, là giới nữ, nói chung), còn là một sự lựa chọn của họ, một sự lựa chọn như là bản năng nhưng xác quyết, bất chấp khổ đau, éo le, ngang trái... Với cách diễn tả giản dị, mộc mạc, đan xen tự nhiên giữa yếu tố trữ tình và tự sự, tác giả còn cho ta thấy ở người phụ nữ này một tấm lòng trung hậu, cởi mở với cuộc đời, dẫu trải qua nhiều đắng cay, đau khổ. Con người này không còn ngây thơ (hoặc cố gắng tỏ ra ngây thơ), ấy là một con người biết nhìn đời một cách thực tế, như nó vốn có, nhưng vẫn không ngừng cái mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn, như lẽ ra nó phải có. Chính vì vậy mà nó dẫn đến một điều tưởng chừng nghịch lí: khi nhận ra những “non dại” của mình ấy là khi con người đã tự biết “rút kinh nghiệm”, đã trở nên khôn ngoan hơn. Do đó, trong con mắt của một người đàn bà từng trải đang kiểm nghiệm lại những được mất đời mình thì cách sống, cách yêu ấy là ngây thơ, là ảo tưởng, tóm lại, là... dại! Nhưng trong con mắt của người - đàn –bà – làm - thơ thì bản thân sự “dại yêu” ấy cũng có một vẻ đẹp và ý nghĩa nào đó, đó là vẻ đẹp của sự chân thành và đa cảm trong một tâm hồn chưa bị cuộc đời làm cho trơ lì, chai sạn. Mặt khác, trong sự “dại yêu” ấy, như đã phân tích ở trên, người ta còn nhận thấy một nhân cách, một bản lĩnh mạnh mẽ, cứng cỏi của một người đàn bà dám yêu hết mình và dám chấp nhận trách nhiệm trước cuộc đời, trước số phận. Tính chất mới mẻ và hiện đại của hình tượng này bộc lộ rõ nét trong thái độ sống và cách ứng xử đó. Và có lẽ, đó cũng chính là điều cơ bản đã hóa giải sắc thái bi kịch trong hình tượng người - đàn - bà - dại - yêu của Đoàn Thị Lam Luyến.

Lê Hồ Quang
Khoa Ngữ văn – Đại học Vinh
Nguồn: phongdiep.net

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây