Đồng silinh và Chuyện tình thành cổ

Thứ sáu - 26/11/2010 03:33 2.497 0

Cảnh nhà vua dắt công chúa Mỵ Châu chạy trốn trong Chuyện tình thành cổ - Ảnh: Thương Huyền

Cảnh nhà vua dắt công chúa Mỵ Châu chạy trốn trong Chuyện tình thành cổ - Ảnh: Thương Huyền
Nếu khác biệt về văn hóa và giá trị đã khiến đồng silinh bạc của nhà văn Anderson bị rủa xả đau đớn là thứ tiền giả, thì cũng chính những khác biệt ấy của văn hóa Việt lại được biên đạo Pháp chắt lọc và đối xử thật tử tế trong vở ballet "Chuyện tình thành cổ".

“Tôi đã quá may mắn khi gặp được những nét nhạc của C. Debussy. Sáng tác đó không mới nhưng thật sự giống hệt những gì tôi đã cảm nhận về Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong lần đầu “va chạm”. Và tôi đã tìm âm nhạc của Chuyện tình thành cổ dọc theo bộ sưu tập nhạc C. Debussy mà mình có”, biên đạo Bertrand d’At (Pháp) tiết lộ.

Nói vậy, nhưng với vở ballet trên nền một câu chuyện đã hình thành, ăn sâu vào máu thịt của một dân tộc như Mỵ Châu - Trọng Thủy, may mắn không thể tình cờ đến. Ông Bertrand đã phải “chiến đấu” với khác biệt văn hóa để tìm ra không chỉ âm nhạc mà còn trang phục, thiết kế sân khấu khi bản thân nhận thức rất rõ: “không hiểu biết như những nhà khảo cổ, vẫn phải dựng lại nét văn hóa của cả một thời kỳ”.

Thành thử trong tái hiện văn hóa, ông nhấn rất rõ vào những điều chân xác mà mình chắc chắn, và chọn cách chỉ tạo âm hưởng ở những chi tiết khó mà âm nhạc là một ví dụ. Hoặc giả chiếc mai rùa, vòng thành xoắn ốc mà ông chọn làm phông nền ngay lập tức “chạm” đến sự ngưỡng mộ sức mạnh phòng thủ Loa thành trong lòng người xem.

Một biểu hiện khác, phục trang của vở chủ yếu nhấn vào thang bảng màu trang phục Việt chứ không đi sâu vào chi tiết thế nào cũng gây tranh cãi. Trầm đủ mức với sắc nâu, nồng nàn đủ mức với sắc hồng điều, hùng hồn đủ mức với những trang phục chiến trận, chúng là đối trọng của muôn hồng, nghìn tía - căn bệnh khoa trương mà sân khấu cổ trang dễ mắc phải.

Một điều ông Bertrand biết rõ khác cũng trở thành điểm nhấn của vở - những nét văn hóa cổ truyền còn giữ lại ngày nay. Vì thế, ngay tại vị trí hố nhạc là một “mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời”, nơi dân chúng có thể nhớ về một ngụ ngôn thần thoại, được dựng lên bằng mô hình cộng hiệu ứng ánh sáng. Quanh hồ còn là lao xao bước chân hàng rong kĩu kịt, tiếng loa thông báo bán hàng đại hạ giá của thời đại ngày nay. Cảnh sân khấu này đã được sử dụng tới hai lần: một để mở và một để đóng vở diễn.

Cũng như thế, những điệu múa dân gian Bắc bộ đã được giản lược để đưa vào Chuyện tình thành cổ. “Tôi yêu cầu diễn viên múa lại một số điệu múa dân gian, sau đó chọn một số động tác để đưa vào cảnh mở hội”, ông Bertrand cho biết. Sự tiết chế này đã cho ra đời một màn “mix loại hình múa” khá uyển chuyển giữa múa dân gian và múa “bưng bê” (theo cách gọi của GS Tô Ngọc Thanh).

Những chắt lọc dễ chịu của ông Bertrand nói theo cách hóm hỉnh của người Việt là “cái khó ló cái khôn”. Tuy nhiên đằng sau là câu chuyện lớn hơn. Rằng không như một đồng silinh, vốn văn hóa có thể “tiêu” được ở nhiều quốc gia khác nhau, với những văn cảnh khác nhau. Và cũng không giống tiền, tiêu dùng văn hóa có những đòi hỏi ngược rất ngặt nghèo cho chính chủ sở hữu.

LINH ĐAN
Theo Tuổi Trẻ

Vở ballet Chuyện tình thành cổ vừa được công diễn tại Nhà hát lớn (Hà Nội) tối 24 và 25-11 trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Nhà hát Nhạc vũ kịch VN và Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace. Đây là vở ballet được sáng tác trên nền kịch bản văn học là câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Điểm đặc biệt của vở diễn là người xem thưởng thức ballet qua một tấm màn chiếu video art buông xuống ngay sát vị trí tấm màn nhung đỏ. Việc cố định tấm màn lúc đầu bắt nguồn từ việc không thể có thêm sào để kéo màn lên xuống, song biên đạo người Pháp Bertrand đã biến “bất khả kháng” kỹ thuật này thành một phần ý tưởng vở diễn.

“Khi chiếu những cảnh chiến tranh, lửa khói sẽ lồng vào diễn xuất của diễn viên thay cho phông màn và ánh sáng rất đơn giản của vở. Còn khi không có video art, đó chính là tấm màn quá khứ, và người xem sẽ xem vở diễn như nhìn về quá khứ vậy”, ông giải thích.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây