Xuân Hinh - Chuyện đời kể giữa quán lai rai

Thứ hai - 04/04/2011 02:31 4.434 0

Xuân Hinh - Chuyện đời kể giữa quán lai rai

Nếu vào Sài Gòn diễn, thế nào anh cũng gọi điện thoại cho tôi, rủ ra quán “lai rai” chút chút. Gọi là “lai rai”, chứ thực sự chỉ mình tôi ngồi “độc ẩm” vì anh chẳng biết uống bia, rượu. Thế nhưng vẫn khoái gặp. Vừa có hơi men, vừa nghe anh kể chuyện đời, chuyện nghề thật là thú vị, bởi những câu chuyện ấy thấm đẫm tình nghệ sĩ…

Cuộc đời như một vở tuồng

Nghệ thuật là nghề làm dâu cho trăm họ. Tôi đã đóng cả trăm vai diễn khác nhau, tôi nghĩ muốn có một vai diễn sâu sắc, diễn viên cần có sự đồng cảm với nhân vật. Tôi rất trân trọng, cảm thông với những số phận nghèo khổ vì cuộc sống của tôi đã khổ cực từ nhỏ. Gia đình tôi rất đông anh em, là con trai trong gia đình, từ năm 13-14 tuổi, tôi đã phải tập buôn bán kiếm tiền phụ bố mẹ nuôi anh em: Từ khuya, lui cui đạp xe xa mười mấy cây số, chở thị xuống chợ Gia Lương bán, xong lại mua cá quay về chợ núi Thiên Thai bán tiếp… Lớn lên, tôi tự nhận ra mình có máu nghệ thuật, nộp đơn dự tuyển vào đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh. Sau đó, muốn nghề nghiệp nâng cao, tôi học tiếp hệ đại học, khoa chèo đầu tiên của trường Sân khấu điện ảnh Việt Nam ở Hà Nội.

Suốt bảy năm ròng, tôi phải bôn ba, kiếm tiền ăn học, hoàn toàn không xin phụ cấp của gia đình. Những chiều thứ bảy, trong khi mấy đứa bạn về quê thăm nhà, vui chơi đây đó, tôi leo lên xe đò, ra tận Bảo Liên, Hoàng Liên Sơn mua măng rừng, sắt vụn… nhắm cái gì bán lại có lãi là mua tất. Có giai đoạn tôi buôn cả chó sống. Bao nhiêu cay đắng cuộc đời tôi đều nếm trải. Cái nghèo nó khốn nạn lắm, mình chẳng bao giờ được tôn trọng, dù chẳng làm gì hại hay lợi dụng ai. Tôi cảm nhận được ở cuộc đời những ánh mắt hằn học, khinh khi, cũng như những ánh mắt cảm thông, thương hại. Nhưng tính tôi không thích ai thương hại mình cả. Cuộc đời mà, nó cũng giống như một vở tuồng, mỗi con người sẽ “sắm” một vai, nhưng khắc nghiệt ở chổ, trong tuồng, diễn viên có thể chọn vai diễn phù hợp với mình, còn cuộc đời thì không, mỗi người đều có số phận, phải chấp nhận thôi.

Và số phận đã chọn tôi làm một nghệ sĩ. Tôi là anh hai, gia đình có 7 anh chị, chẳng ai làm nghệ sĩ cả, chỉ duy nhất mình tôi “lọt sổ”. Hồng Vân (NSƯT Hồng Vân - PV), đứa em thân thiết hay nói với tôi: “Anh Hinh nặng nghiệp diễn lắm”.

Nếu nói có vẻ trịnh trọng, thì nghề diễn đối với tôi là cái nghiệp. Đã là nghiệp thì khó mà không hết lòng, hết sức vì nó. Nghệ thuật đã nuôi sống tôi, nuôi sống vợ con, bố mẹ… Tôi nhớ như in, ngày tôi lấy tiền catsê ít ỏi đầu tiên, tôi mua cho mẹ xấp vải, may cái áo, thay cái áo cũ kỹ, chằng chịt mảnh vá. Mẹ tôi đã khóc nức nỡ vì mừng cho tôi, đã có thể  kiếm được tiền bằng nghề diễn.

Nghĩ cũng lạ lùng, hoàn cảnh càng khắc nghiệt, càng làm cho con người ta có ý chí. Ngày xưa, nhiều lúc tôi hay chạnh lòng về sự nghèo khó của mình, của gia đình. Nhưng sau này, cái nghèo đó đã bổ sung “hồn” trong từng vai diễn của mình. Chính vì quá khổ, tôi mới biết hết giá trị của những gì mà  mình đạt được và những ngày tháng khổ cực đó đã theo tôi vào từng số phận nhân vật trên sân khấu.

 Quanh quanh chi cái kiếp hề. Cười cười, cợt cợt tỉnh cơn mê

 Khán giả của tôi, đủ thành phần là trí thức, sinh viên, là nông dân, nhưng o, mệ buôn bán nhỏ lẻ… Tôi biết, để có tiền mua vé, vào xem tôi hát, họ cũng phải lao động bằng mồ hôi, nước mắt. Tôi nghĩ thế, tôi không thể nào cẩu thả với nghề diễn của mình. Tôi thích sự công bằng, nghĩa là tôi cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt trên sân khấu, tương xứng với những gì khán giả đã bỏ ra nuôi mình. Nhiều người thắc mắc, tại sao tôi diễn chèo hay như thế mà lại chuyển sang hài, thế thì phí quá! Cuộc đời cần tiếng cười, thì ta phải mang tiếng cười đến cho nó, thế tôi có phải là nghệ sĩ chạy theo thị hiếu khán giả không? Tôi nghĩ, làm nghệ thuật cũng là một nghề làm thuê, mưu sinh để kiếm tiền. Làm nghệ thuật mà không có hiệu quả về kinh tế, con cái sinh ra cho chúng cạp đất ăn mà lớn à? Tôi không nghĩ là mình diễn chèo hoặc hài kịch, quan trọng là mình đóng góp gì cho đời. Thực tế là trong các vai diễn hài tôi hay “lồng” nét chèo vào đấy, tạo ra sự độc đáo rất riêng. Nếu bạn có xem tôi tung hứng vai anh phu xe khốn khổ trong vở Người ngựa, ngựa người cùng bạn diễn ăn ý - NSƯT Thanh Thanh Hiền, bạn sẽ thấy điều đó. Khán giả có thể cười ngất ngây, rồi oà khóc cho số phận nghèo khổ của nhân vật anh phu xe, ăn mặc rách rưới giữa tiết trời se lạnh của trời Hà Nội, trong giờ phút giao hoà giữa năm mới và năm cũ, khi tôi cất lên câu chèo: “Biết đi đâu về đâu?”. Tôi nghĩ tiếng cười mình mang tới khán giả với quan niệm thế này: Quanh quanh chi cái kiếp hề/ Cười cười cợt cợt tỉnh mê mê/ Hề khóc cho đời, đời đâu biết/ Gọi cho đời tỉnh, đời vẫn mê. Tôi thích mang tiếng cười có tính thâm thuý đến với khán giả, sau khi xem xong, khán giả có thể nhận ra thông điệp mà tôi gửi gắm qua vai diễn, “tỉnh” với đời.

Cứ gọi tôi là Hinh

Sau từng đêm diễn, hạnh phúc nhất của cuộc đời, là tôi được nhận những lời động viên chân thành của khán giả. Có lần diễn Quảng Ninh, một bà mẹ lam lũ, đi chân đất đã mang lên sân khấu tặng cho tôi mấy củ khoai lang luộc, bảo: “Mẹ thấy con diễn cực khổ quá. Lúc nãy mẹ bưng thúng khoai lang đi bán ngang đây, thấy treo tên con, mẹ bỏ bán, vào xem con đấy…”. Tôi chỉ còn biết khóc. Cái vé mẹ mua, tôi biết chắc là tiền lãi cả ngày mẹ lội bộ, bưng thúng khoai nặng trĩu, đi khắp các nẻo đường, rao rát cổ họng….Cái tình người nó lớn thế. Khán giả thương tôi, chẳng tiếc gì, nên mỗi lần bước ra sân khấu khóc, cười cùng vai diễn, tôi đều đến trước bàn thờ tổ, khấn nguyện: “Cho con diễn vừa lòng khán giả”.


Tác giả bài viết và NSƯT Xuân Hinh trong một lần...lai rai ở Sài Gòn

Tôi chỉ nghĩ đến khán giả của mình. Một diễn viên, có thương khán giả, mới có thể có trách nhiệm với vai diễn, sống trọn vẹn tâm hồn cho nghệ thuật được. Chính vì thế, khi đến một điểm diễn nào ở thôn quê, tôi hay nói với mấy anh em treo băng rôn: “Thôi đừng lót thêm NSƯT trước tên tôi làm gì. Cứ gọi tôi là Hinh được rồi…”. Loè loẹt với người dân quê, chân lấm tay bùn làm gì? Bình thường, đối với họ, nghệ sĩ đã là một tầng lớp gì xa vời lắm rồi. Họ muốn xem mình, mình phải làm sao tạo cảm giác gần gũi, thân thiện. Bạn bè tôi hay thắc mắc, tại sao tới bây giờ, tôi vẫn chưa được phong NSND, tôi cười: “Sự cống hiến, khi đến đỉnh điểm, người khác sẽ thấy. Đó là công bằng. Tôi không quen phải làm đơn, rồi đi nộp, xin được phong chức này, chức nọ, hoá ra chính bản thân tôi đi “khoe” sự cống hiến của mình à? Tôi chỉ quan tâm khi tôi lên sân khấu, khán giả có xem tôi hay không?”

Duyên ai, phận nấy mà

Mấy chục năm nay, tôi đã trải qua bao thăng trầm của nghề diễn, cũng như cuộc sống. Khi người ta không còn trẻ, lửa nhiệt tình cũng phần nào mai một. Qua rồi cái thời mưu sinh, chạy show tất bật, tôi không còn muốn bon chen nhiều nữa. Tôi là đại diện cho dân nghèo khổ, từ nghèo khó mà ra nên cuộc sống chẳng có gì gọi là xa hoa. Ăn uống cũng đơn giản. Mọi thứ, tôi chỉ muốn bình bình, không có ham muốn nhiều.Già rồi, thỉnh thoảng tôi hay dở chứng, muốn quay về những sở thích của trẻ con: Thích xem bắn pháo hoa, thả bóng bay…đầu tôi như một ngăn kéo, những gì rác rưởi cứ vứt ra ngoài, chỉ chừa những gì cần thiết ở lại. Tôi luôn muốn tạo cho mình sự thoải mái, thanh thản. Chính vì thế, hơn 50 tuổi rồi, đầu tôi vẫn chưa xuất hiện tóc bạc đấy. Không có tiền cũng khổ, nhiều tiền cũng khổ, phải biết làm sao tạo cuộc sống cân bằng. Tôi không đắm tình, cũng không đắm tiền. Tôi sợ nhất là nợ cái tình của con người.Cứ làm nhởn nhơ mà vơ được tiền, chứ làm vất vả quá để làm gì? Cứ bình tĩnh, cái gì đến sẽ đến, duyên ai phận nấy mà. Cuộc sống bây giờ người ta bảo là: Ghen vợ ghen chồng, không một lòng ghen ăn.Tôi không muốn làm nhiều nữa, mệt mỏi quá, không muốn đi xa. Ở Hà Nội, tôi đã không hết việc rồi. Tôi quan niệm: Làm việc ít thôi, cứ để thiếu thốn cái này, cái kia con cái mới khôn, chứ dư giả quá con nó sẽ ỷ lại, cái đầu nó… không khôn.

Tôi mãn nguyện nhất là “sỡ hữu” một mái ấm gia đình hạnh phúc. Vợ tôi là một kế toán nhà nước bình thường, không cùng nghề của chồng nhưng hiểu và thông cảm. Hai đứa con tôi: Đứa gái 15 tuổi, đứa trai 11 tuổi, đều ngoan ngoãn. Hơn 15 năm rồi, vợ chồng tôi đều canh lành, cơm ngọt, xây dựng hạnh phúc trên quy tắc tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau: Vợ thẳng thì ta chùng/ Cả hai cùng thẳng, ta cùng đứt dây. Gặp lại bạn bè cũ, hay chọc tôi: “Dùng hoài một vợ suốt hơn 15 năm rồi, chẳng chán hả? Sao không thay đổi món đi”. Tôi trêu lại: “Còn dùng được thì cứ dùng…”. Thú thật, tôi thua bạn bè về “khoản” này, có đứa đã “thay” vợ đến ba lần rồi, tôi thì vẫn thế.

Lê Ngọc Dương Cầm
Nguồn: Đời sống & Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây