Nhạc kịch: cuộc chơi hồn nhiên

Thứ hai - 04/04/2011 02:50 3.389 0

Ngọc Tuyền, Đức Tuấn và Genevieve Charest (từ trái qua) trong đêm nhạc Music of the night - Ảnh: T.T.D.

Ngọc Tuyền, Đức Tuấn và Genevieve Charest (từ trái qua) trong đêm nhạc Music of the night - Ảnh: T.T.D.
Sáu ca sĩ tên tuổi đang cùng nhau luyện tập để chuẩn bị ra mắt đêm diễn đặc biệt gồm 20 ca khúc trong vở nhạc kịch Thằng gù nhà thờ Ðức Bà (Notre Dame de Paris) tại phòng trà WE, TP.HCM tối 22 và 23-4.

Cùng với những dự án âm nhạc có hơi hướng nhạc kịch phương Tây đã được ra mắt trước đây, dự án mới nhất này cho thấy thể loại nhạc kịch đang bắt đầu được chú ý.

Các "bước đệm"

Có thể nói ca sĩ Ðức Tuấn là người đầu tiên khai thác khá thành công thể loại nhạc kịch phương Tây tại thị trường VN. Tất cả đều xuất phát từ sở thích cá nhân của anh với những tác phẩm nhạc kịch đương đại đặc sắc của thế giới. Từ việc thể hiện riêng lẻ các ca khúc nhạc kịch được nhiều người yêu thích trong những sô diễn ở phòng trà (năm 2005), năm 2008 Ðức Tuấn tung ra album theo phong cách nhạc kịch đầu tiên trong sự nghiệp (và cũng có lẽ là đầu tiên tại VN).

Không dừng lại ở đó, anh còn mời giọng nữ opera nổi tiếng của Canada là Genevieve Charest và nhạc trưởng người Anh danh tiếng Paul Bateman sang VN thực hiện đêm nhạc Music of the night của mình tại Nhà hát TP.HCM vào cuối năm 2009. Dẫu cả album lẫn live show đều "chưa tới", nhưng không ai có thể phủ nhận sự can đảm và những nỗ lực của Ðức Tuấn trong việc giới thiệu thể loại nhạc kịch rất thú vị này tại VN.

Nếu dựa vào định nghĩa của nhạc kịch (một thể loại trình diễn trên sân khấu kết hợp giữa âm nhạc, ca khúc, kịch và vũ đạo) thì chèo, tuồng, cải lương của VN cũng được coi là nhạc kịch. Vậy nên không quá ngạc nhiên khi các nghệ sĩ của ta cũng đã kết hợp các thể loại nhạc kịch VN này với nhạc kịch phương Tây trong các dự án ca kịch cải lương Lan và Ðiệp (năm 2008) hay vở ca kịch Ngàn năm tình sử (năm 2009).

Tuy nhiên, tất cả các kết hợp này đều mang tính thử nghiệm và được đánh giá là những cuộc chơi hồn nhiên, vì vẫn chưa thật sự hiệu quả hay nhận được sự đánh giá cao và thu hút sự quan tâm của nhiều bạn yêu nghệ thuật.

Ðầu năm 2011, phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết, theo đơn đặt hàng của gia đình nhạc sĩ Tạ Ðắc (giảng viên dạy guitar, nguyên phó giám đốc Trường Âm nhạc quần chúng Hà Nội, thành viên của dàn nhạc điện tử đầu tiên ở Hà Nội với tên gọi Nắng Mới, hiện đang định cư tại Canada), đã thực hiện hai đêm Ca kịch Kiều, giới thiệu 16 ca khúc do nhạc sĩ Tạ Ðắc viết theo phong cách nhạc kịch phương Tây.

Tuy không được ngợi ca ở phần "diễn" (vì nhiều ca sĩ vốn không có kỹ năng diễn kịch) và dàn dựng nhưng các ca khúc trong Ca kịch Kiều như: Bạc mệnh, Chớ hỏi vì sao, Sóng khuynh thành, Mầu tình, Vầng trăng ai xẻ làm đôi... lại khiến nhiều khán giả xúc động. Không chỉ viết Ca kịch Kiều, nhạc sĩ Tạ Ðắc còn viết cả Hồn bướm mơ tiên, Mỵ Châu - Trọng Thủy Huyền Trân công chúa.

"Tôi viết những ca kịch này một phần vì yêu thích nhạc kịch phương Tây, phần khác tôi cho rằng hình thức này giúp các bạn trẻ "tiêu hóa" những tác phẩm văn học, tiểu thuyết xưa, có giá trị dễ dàng hơn" - nhạc sĩ Tạ Ðắc (80 tuổi) tâm sự. Tuy nhiên, công sức của ông hiện vẫn chỉ "để đó".

Đường còn dài

Nhạc kịch được chú ý hơn, nhưng tất cả chương trình lâu nay đều chỉ mới dừng ở mức thử nghiệm, kết hợp giữa Ðông và Tây và vẫn chưa có chương trình nào mang dáng dấp một buổi nhạc kịch hiện đại. Nhạc sĩ Hà Quang Minh, người đang thực hiện dự án Thằng gù nhà thờ Ðức Bà, cho biết: "VN hiện có những nhạc sĩ đủ khả năng viết hoàn chỉnh phần nhạc cho một vở nhạc kịch. Nhưng phần lời hát thì cần có sự cộng hưởng thêm.

Quan trọng hơn là rất khó để quy tụ một đội ngũ nghệ sĩ vừa có khả năng ca hát, diễn và vũ đạo. Kinh phí cho một chương trình như thế cũng là chuyện đáng bàn. Vậy nên chúng ta vẫn chưa có được những vở nhạc kịch đúng nghĩa". Nhưng anh cũng tiết lộ về việc Ðức Trí, Huy Tuấn, Dũng Dalat... đang suy nghĩ nghiêm túc về việc thực hiện một vở nhạc kịch đương đại trong tương lai.

Ngay cả đạo diễn Dũng "khùng" cũng nuôi ý định dựng Những nụ hôn rực rỡ thành một vở nhạc kịch, hay ít nhất là ca cảnh trên sân khấu. Và trong lúc đợi những dự án nhạc kịch thuần Việt đương đại ra đời, những người yêu thích thể loại này tại VN vẫn có thể thưởng thức các "bước đệm" mà Thằng gù nhà thờ Ðức Bà sắp ra mắt là một ví dụ.

Bên cạnh đó, Ðức Tuấn sẽ tiếp tục ra mắt một album theo hướng nhạc kịch hợp tác cùng nhà sản xuất - nhạc sĩ người Philippines Gerard Salonga (anh trai của Lea Salonga - nữ ca sĩ thủ vai cô Kim trong vở nhạc kịch Miss Sài Gòn).

Hẳn nhiên, con đường đưa và chuyển hóa nhạc kịch phương Tây trở thành một món ăn tinh thần mới, được yêu thích tại VN vẫn còn dài và đầy chông gai. Nhưng trên con đường đó đã bắt đầu có dấu chân của nhiều ước vọng...

Khoảng 20 ca khúc nổi tiếng nhất của Notre Dame de Paris - vở nhạc kịch được yêu thích tại khắp các sân khấu nhạc kịch trên toàn thế giới 10 năm qua - như: Belle, Les temps des cathédrales, Ma maison c’est ta maison, Bohémienne, La cours des miracles, Libérés... sẽ được nhạc sĩ Hà Quang Minh chuyển ngữ sang tiếng Việt, giúp khán giả cảm nhận dễ dàng hơn nội dung cũng như tinh thần của ca khúc lẫn tác phẩm.

Ca sĩ Đoan Trang (vai cô gái cá tính Esmeralda), Y Garia (thằng gù Quasimodo), Trung Dũng (cảnh sát Foebus), Nguyên Thảo (tình nhân của anh cảnh sát), Lê Hiếu (nhà thơ) và Trọng Bắc (cha xứ) sẽ không chỉ hát lại các ca khúc bằng tiếng Việt mà còn ăn mặc, trang điểm cho “ra” nhân vật của vở nhạc kịch danh tiếng này.

Tác giả: Quỳnh Nguyễn

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây