Mai Văn Phấn trong “vòng xoáy” của thơ hậu-hiện- đại

Thứ tư - 10/11/2010 03:58 2.506 0

Mai Văn Phấn trong “vòng xoáy” của thơ hậu-hiện- đại

Nếu có một nhà thơ nào đó đang lặng lẽ luôn tự đổi mới thơ mình và phá vỡ các nhịp điệu mòn cũ trong các thể nghiệm thơ hôm nay, theo tôi, người đó phải là Mai Văn Phấn. Từ trữ- tình- cổ- điển, anh “bay” thẳng một mạch vào hậu- hiện- đại, rồi từ đó “lao” vào vòng xoáy đầy ấn tượng của thơ-cách-tân.

Thơ hướng đến một trường-thẩm-mỹ mới

Trong mấy ngày Đại hội Nhà văn vừa qua, tôi phát hiên thấy nhà thơ Mai Văn Phấn đang ngồi lặng lẽ ở cuốI hội trường. Hình như anh đang muốn xa lánh cái ồn ào thị phi của mấy ngày này mà không trốn nổi. Tôi đến ngồI cạnh Phấn và nghe anh thì thào đọc những bài thơ tình mới nhất của mình. Tôi nhận ra cái ấn tượng của thơ tình hậu-hiện-đại trong giọng đọc như mê sảng của Phấn bên tai mình. Chợt nhìn ra ghế phía sau, thấy một nàng-thơ khá xinh đẹp, mắt đang mơ màng như ngủ, tôi bảo anh hạ thấp giọng thơ xuống. Phấn cười một cách đầy tự tin: “Kệ nàng ấy anh ạ, thơ tình của anh em mình, người nào không được nghe là thiệt thòi lớn cho người ấy thôi!”. Và Phấn lại tiếp tục thì thào đọc thơ cho tôi nghe, bất chấp hộI trường hôm ấy đang sôi lên sung sục về chuyện nhân sự Ban chấp hành Hội Nhà văn và chuyện bầu bán.

Mới đây, nhà thơ Mai Văn Phấn gửi từ Hải Phòng lên Hà Nội cho tôi 2 tập thơ mới in của anh: “Hôm sau” (NXB Hội Nhà văn), “Và đột nhiên gió thổi” (NXB Văn học). Tôi đọc liền một mạch hết 2 tập và điều cảm nhận đầu tiên là thú vị và ngạc nhiên. Thú vị là bởi cái giọng thơ nửa khôi hài, nửa kể chuyện theo kiểu thế sự hiện đại mà lại xót xa đau đáu trong tập thơ “Hôm sau” với nhiều bài thơ hay tới độ làm tôi phải “giật mình”. Còn ngạc nhiên là bởi khúc tụng ca tình yêu của Mai Văn Phấn trong tập thơ “Và đột nhiên gió thổi” cho thấy khí huyết thơ anh vẫn còn trẻ trung, say đắm và tinh tế lắm. Cái đọng lại sau hai tập thơ mới này là một Mai Văn Phấn với giọng thơ hiện đại sau chặng đường quyết liệt cách tân và đổi mới trong nhiều năm qua.

Thời gian trước đây tôi cho rằng, thơ hay (giống như một tấm gương phản chiếu) là loại thơ soi vào thấy mình, thấy cuộc sống con người hiện lên sinh động với các chiều kích khác nhau ở trong đó, còn thơ dở thì có soi vào mãi cũng không thấy gì. Còn thời gian gần đây tôi lại nhận ra rằng, thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ. Và, bài thơ “Ghi ở Vạn lý trường thành” của Mai Văn Phấn là một trong những bài thơ hay khi nó mang trong mình một dạng thức mới của ngôn ngữ thơ: “Mây xếp trên vai từng tảng đá nặng/nhòe mắt cát/thở đầy ngực cát/Vạn lý trường thành còn xây dở?/Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ/Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ/đánh hộc máu mồm/Khâm thử/Ngước lên gặp một khuôn mặt bì bì/Tay lạnh, mắt chì, giọng mỡ/Mái Phong Hỏa Đài màu huyết dụ/Hình thanh long đao dính máu đang kề cổ/Còng lưng đẩy nắng đi/Chồn chân đẩy gió đi/Miễn sao gần được bông hoa/Đang mởn mơ trong gió lớn/Tâu Hoàng thượng/thưa ngài/báo cáo đồng chí/Bỉ chức/ thảo dân/em…/Sẽ làm tròn bổn phận/Đây là đỉnh trời /hay đáy vực sâu/chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát/Mồ hôi du khách trên đá xám/Nở thành hoa phù dung”. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một trong những bài thơ hay nhất của Mai Văn Phấn từ hai tập thơ vừa xuất bản.

Trong số những nhà thơ sung sức hiện nay đang có những cách tân được dư luận chú ý phải kể tới Mai Văn Phấn. Theo tôi, anh đã biết cách giữ được đặc thù của ngôn- ngữ -thơ trong chuyển động đổi mới của những con chữ. Đây chính là sự khác biệt giữa một số cây bút cách tân đã nhân danh cái mới để “lạ hoá” thơ đến mức phản –thơ với những tác giả có xu hướng tìm tòi nhằm nâng cao vẻ đẹp của ngôn- ngữ- thơ bằng những ý tưởng mới. Trong bài thơ “Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ”, Mai Văn Phấn đã dựng một tứ thơ khá mới lạ theo cách kể chuyện pha chút “liêu trai” khá dí dỏm, khôi hài: “Pha xong ấm trà/quay ra/ông khách không còn ở đó/ Gọi điện thoại/ Người nhà bảo ông mất đã bảy năm/ Nhầm lẫn (!)/Nhà mình/mọi sự đảo lộn/Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ.../Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?/Bộ ấm chén giả cổ ai cho?/Ghé sang hàng xóm/thử hỏi mấy loại thực phẩm/loại tăng giá/loại còn giữ giá/Trong nhà/Trà vẫn nóng/Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi./Luồng tử khí cao chừng một mét sáu mươi dựng đứng trước mặt/chốc lại cúi gập”

Trong đoạn thơ trên, cái hàm ý sâu xa mà nhà thơ muốn khơi gợi nằm chính trong sự xuất hiện “đáng ngờ” của một chân dung, một nhân vật không còn tồn tại trong đời sống nhưng vẫn luôn lảng vảng ở xung quanh chúng ta như một ám ảnh bắt ta phải nghĩ tới. Diện mạo chân dung ấy rất có thể là của một ông khách hàng xóm mà cũng có thể còn là một chân dung ngộ nhận nào khác, tùy theo sự liên tưởng của mỗi người.

Mai Văn Phấn nằm trong số ít các nhà thơ đã thành danh nhưng đang có những tìm tòi, cách tân thơ đầy hào hứng và quả quyết. Anh và một số nhà thơ của thế hệ hậu chiến đã nổi bật lên như những cây bút tiềm tàng sức sáng tạo, hướng về những cách tân thực sự mang lại cho thi ca một hơi thở mới, một sức sống mới và một biến động mới làm lung lay những “nền tảng” cũ trong thơ trước đó. Trong bài thơ “Đúng vậy” của Mai Văn Phấn dưới đây, bạn đọc có thể tìm thấy dưới những câu thơ kể chuyện bình dị như đời sống lại có một thông điệp khác của nhà thơ về thế giới này: “Lúc đi/ông mặc áo len màu cổ vịt, quần rộng đũng/tóc cắt ngắn/ tay cầm sách/ ra gần cửa còn lẩm bẩm: sáng rồi tối..thối rồi thơm..bơm rồi xì..đi rồi ngã..vả rồi thương..ương rồi chín..nín rồi thét..kẹt rồi lơi..xơi rồi hóc..bóc rồi che..đe rồi chừa..đưa rồi quỵt..bịt rồi hở..lỡ rồi toi..moi rồi thấy../chốt cửa gỗ/kéo cửa sắt/ông bấm năm chiếc khóa/rồi ném chìa vào trong nhà/ Lật đống chăn nơi ông vẫn nằm/thấy mẩu giấy với nét chữ nguyệch ngoạc “Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số…Xin cảm ơn và hậu tạ”/sau mẩu giấy vẫn còn văng vẳng: quấy rồi đục..nhục rồi than..tan rồi huề..mê rồi tỉnh..thỉnh rồi buông…”

Phải đổi mới nội dung đời sống trong thơ    

Hôm mới đây, xuống Hải Phòng chơi, tôi được một số bạn văn cho biết, dạo này nhà thơ Mai Văn Phấn đang bị “tẩu hỏa nhập ma” vì thơ ?. Khi tôi đến gặp Mai Văn Phấn, anh cười ý nhị cho rằng, nhận xét trên chỉ là một trò đùa hài hước của một số bạn văn yêu mến mình. Ngồi nói chuyện với Mai Văn Phấn suốt một buổi chiều, tôi mới thấy, dường như anh đang ở trong vòng xoáy “mịt mùng” của cơn say thơ- cách- tân. Mai Văn Phấn hào hứng không biết mệt mỏi khi nói về những chủ thuyết mới của thi ca thế giới, từ hậu hiện đại đến tân hình thức, từ siêu thực hiện đại đến mông lung tân hiện đại…Phấn làm tôi ù tai, chóng mặt bởi các dẫn chứng về nhiều trường phái thơ đương đại ở Âu-Mỹ.

Không ít người  cho rằng giá trị “thật” của thi ca là phải có thơ “hay” chứ không cần thơ phải “mới” (thà “cũ” mà hay còn hơn “mới”mà dở!?). Nhưng một số người lại cho rằng, nếu các nhà thơ hậu bối cứ  học hỏi, “bắt chước” kiểu viết của các đại thi hào ở những thế kỷ trước thì làm sao nền văn học Việt Nam có được những “giá trị mới” của thơ tiền chiến 1930-1945 còn ảnh hưởng đến tận hôm nay. Như vậy, mỗi thời đại đều có diện mạo thơ ca riêng của mình, mang hơi thở và sức sống của thời đại đó. Vì thế, những tài năng thơ ở mỗi một giai đoạn mới, dường như đều nỗ lực kiếm tìm những giá trị mới trong nghệ thuật, để cho thơ hành trình cùng với đời sống tinh thần của con người qua mỗi chặng thời gian.

Theo tôi, bản chất của sự cách tân và đổi mới thơ không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ. Trong rất nhiều thế kỷ qua, các trường phái thơ lớn trên thế giới qua mỗi thời kỳ đều hướng tới sự tìm tòi và cách tân thơ. Điều khác biệt (và khu biệt nhất) để có thể nhận ra được các nhà thơ cách tân của mỗi thời đại có gương- mặt- thơ khác nhau như thế nào chính là ở nội dung đời sống trong thơ họ ở thời đại ấy đã được phản ánh, khắc hoạ trong một trường- thẩm- mỹ nào. Theo tôi, các nhà thơ xuất hiện sau năm 1975 (trong đó có Mai Văn Phấn) đã hướng đến những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại. Thơ của họ đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Và, trong trường- thẩm -mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được khái quát lên từ những cái rất tầm thường, nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt hàng ngày.

“Hình Đám Cỏ” là tập thơ thứ 9 của Mai Văn Phấn. Cấu trúc tập thơ gồm 3 phần. Phần I, bạn đọc sẽ đi qua 9 Cửa Mẫu. Ở đây, Mai Văn Phấn viết về Đạo Mẫu dưới góc nhìn thi sỹ, linh thiêng và dân giã. Tính nữ vốn là khởi nguồn của vũ trụ theo quan niệm phương Đông xa xưa. Mẫu sinh ra muôn loài, ban cho con người niềm vui, hạnh phúc. Phần II có tên Mùa Trăng, viết về những điều bình dị đời thường, như hòn đá trong lòng suối, con Nghé, mảnh vườn, hơi thở dịu dàng… Phần II không nhắc đến Mẫu, nhưng ánh sáng trinh bạch, khôi nguyên phủ lên những câu thơ này: Giữa đất trời ngó sen sau mưa/ Da diết nhớ từng vòng cuộn xiết/ Lá sen xanh ủ cốm em anh/ Chín nẫu chân mây mùa hạ/ Đêm ái ân lặng phắc ngọn đèn/ Trái hồng đượm trong hương cốm nõn (Cốm hương). Hoặc: Anh bước lên vạt nắng/ Một con thuyền ban mai/ Em bảo hãy chờ để khoá chặt cổng (Vườn em). Phần III mang tên Hình Đám Cỏ, là bữa tiệc ái ân, những khúc hát ca ngợi vẻ đẹp bất tận của tình yêu trên thế gian này với những câu thơ như: Bên nhau lặng im nghe bông sen trắng/ đang nhói sáng/ vươn trong huệ tưởng… Đó là ý tưởng yêu nhau để thành Phật.

Hoặc: “ Thân dâng/ Hương thơm ngon ngọt/ Con chào mào em/ Khoét rỗng môi anh/ Và vỗ cánh/ Ngậm anh đi gieo hạt… 

- Gió lay nhẹ hoa vàng, màu hoa anh thích/ Có lúc nhầm lẫn hoa dã quỳ/ Hoa thạch thảo, hoa vông vang, hoa mướp... / Anh vội vã ký hoạ vài bông/ Gió mơn man tóc bay lật phật/ Vẽ thêm đôi trai gái bé tí bằng nửa cuống hoa/ Lồng khuôn mặt, chung nhau đôi dép/ Không rõ gió đẩy họ về bên nào/ Cánh hoa khổng lồ đung đưa trên đầu/ Gió khẽ làm hai người lẫn vào nhau/ Càng bé tí run lên như bão.

- Hôm nay chưa nhận tin em. Anh lạc trong lá cây, tiếng cười, gió mặn... Mở cửa anh nhìn. Không ai níu con đường trôi trong buổi chiều. Không ai giữ lại hồi còi đang lan trên đất. Tiếng còi kia vừa chạm anh, không vượt qua anh. Phía sau im lặng. Mọi vật trôi như nó vẫn trôi. Chỉ khi có tiếng em, hồi còi kia lại tiếp tục lan nhanh, dù con tàu đã rất xa”

Theo tôi, cái mới trong thơ nhiều khi không cần đến sự trình diễn cầu kỳ bằng một hình tượng lạ, một cấu trúc lạ, một biểu đạt lạ mà điều nó hướng tới phải là một phát hiện mới về tính suy tưởng của thơ. Thật ra, thơ hay có những tiêu chí gì, chuẩn mực gì vẫn là chuyện muôn đời xưa nay còn phải bàn cãi, vì cái hay đối với lớp người này (ở thời điểm này) chưa chắc đã là hay đối với lớp người khác (ở thời điểm khác) và ngược lại. Nhưng có một điều dễ nhận ra, thơ hay là thứ thơ còn đọng lại được qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, bởi thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo đích thực của nghệ thuật văn chương. Với Mai Văn Phấn, vẻ đẹp nhân văn của ngôn ngữ thơ vẫn mãi mãi ám ảnh những câu thơ của anh. Và hành trình sáng tạo văn học của Mai Văn Phấn đang hướng đến những giá trị đích thực của đổi mới thơ,trong đó có sự tìm tòi làm giầu cho ngôn ngữ thơ.

Tác giả: Nguyễn Việt Chiến

Nguồn tin: phongdiep.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây