Gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau

Thứ năm - 04/11/2010 01:06 2.261 0

Gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau

Tôi đã được “gặp”nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (ảnh) trong các tác phẩm của chị và đã “nhìn” thấy chị nhiều lần trên các bìa sách, các trang báo… Nhưng hôm nay gặp chị ở ngoài vẫn không khỏi ngạc nhiên: Sao một người phụ nữ chân chất, hồn nhiên thế này lại có thể viết nhiều, viết hay và viết lạ đến thế.

Có thể nói, đã sau cả chục năm thành danh, Nguyễn Ngọc Tư vẫn nhỏ thế, ngây thơ và trong trẻo thế. Nhưng bên ngoài Tư xinh hơn, duyên hơn. Tư nói: Em không ăn ảnh.

Đúng là cái nước da ngăm ngăm mặn mòi, cái nụ cười rất duyên và nhất là cặp mắt biết nói của Tư rất khó vào ảnh. Tôi gặp được Tư ở Cà Mau là nhờ một cô học trò của tôi có bà con với Tư. Tôi gọi điện tỏ ý muốn gặp và em đến ngay khách sạn nơi tôi ở.

Tôi không có cảm tưởng trước mặt mình là một nhà văn tài năng - dù em thực sự là một nhà văn tài năng - mà như những sinh viên của tôi mà tôi vẫn gặp hàng ngày. Và vì vậy, cho tôi được gọi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là em như em đã xưng hô với tôi trong cuộc trò chuyện.

Biết Tư vừa đi dự Đại hội Nhà văn lần thứ 8 ở Hà Nội về, tôi dè dặt ướm hỏi: - Tư này, nếu tất cả các nhà văn trẻ tài năng đều được quyền từ chối rút khỏi danh sách đề cử vào Ban chấp hành thì chả lẽ lãnh đạo hội cứ dần bị già hóa hay sao?

- Em thấy Ban chấp hành già hay trẻ không ảnh hưởng gì đến chất lượng sáng tác của nhà văn cả. Sáng tác là chuyện cá nhân. Em được rút tên. Mừng quá!

Em trả lời đúng suy nghĩ của tôi. Chí lý! Tôi chuyển đề tài: - Tôi thấy trong các sáng tác của em, nhân vật đàn ông thường tốt và đáng thương hơn đàn bà.

- Đúng. Em thân với đàn ông hơn. Đàn bà thường phức tạp, rắc rối. Em không gần và thân với họ.

Chuyện này em làm tôi hơi bị bất ngờ. Và trong non một tiếng chuyện trò, em đã luôn làm tôi bị bất ngờ như vậy.

- Tôi muốn biết ý kiến của em về vở kịch “Cánh đồng bất tận” trên sàn diễn 5B Võ Văn Tần, cả cuốn phim “Cánh đồng bất tận” sắp được đưa lên màn ảnh.

- Em chưa xem và cũng không có ý định xem. Viết xong là xong còn đưa lên sân khấu hay phim ảnh là chuyện người khác. Em không muốn xen vô lĩnh vực mà em không hiểu biết mấy.

- Thế nhỡ họ làm lệch đi cái linh hồn của tác phẩm em viết, em không buồn sao?

- Không. Đó là quyền hạn và trách nhiệm của họ. Em có bạn đọc của riêng mình.

Quả là đằng sau cái hồn nhiên đến trẻ thơ của Nguyễn Ngọc Tư là một bản lĩnh không phải người cầm bút nào cũng có.

Tôi hơi bị “méo mó” nghề nghiệp nên rất tò mò muốn biết, hồi đi học, môn văn trong nhà trường có vai trò gì trong việc hình thành nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hôm nay. Tôi gợi chuyện và Tư đã kể cho tôi nghe vài mẩu hồi ức về cái thời cắp sách đến trường (chưa xa) của mình.

Tư nói: Nói chung, môn văn ở nhà trường chả ra làm sao. Nhưng cũng có những giờ văn nhớ đời. Cô giáo dạy bọn em bài “Trong lòng mẹ” (trích “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng) hay lắm, cả lớp đều khóc. Có thể em đã mê viết văn từ đó.

Tôi thầm nghĩ: Công này có lẽ từ ma lực của ngòi bút và trái tim của nhà văn Nguyên Hồng, và em làm tôi liên tưởng đến ông. Có gì na ná giữa Nguyễn Ngọc Tư và Nguyên Hồng. Đó đều là những nhà văn đi theo những vết chân trần, để viết về những nỗi trần ai của những người khốn khổ, một ngòi bút không tô vẽ, không làm dáng, đã đi thẳng từ trái tim đến trái tim.

- Hiện nay điều kiện làm việc của em thế nào?

- Em làm việc cho một tờ báo trên thành phố (Sài Gòn tiếp thị). Đúng hơn tờ báo này đã “nuôi” em, để em có điều kiện làm việc tại đây (Cà Mau). Hiện con em còn nhỏ quá (một tuổi rưỡi), em không làm được nhiều việc cho họ, em áy náy lắm. Em vẫn muốn tự nuôi sống bằng sức lao động của mình. Chắc khi cháu lớn hơn, em mới thực hiện được điều mình mong muốn.

- Hiện em vẫn viết đều chứ?

- Em đã gửi bản thảo cho một nhà xuất bản mấy truyện ngắn. Em đang viết thêm vài truyện nữa cho tập truyện thêm dày dặn một tí. Ít nhất cũng phải dày bằng “Cánh đồng bất tận”. Có thể tập truyện sẽ được xuất bản vào cuối năm này.

- Đứa con sắp ra đời đã có tên chưa?

- “Khói trời lồng lộng”. Em lấy tên truyện ngắn dài nhất trong tập truyện như em đã làm với “Cánh đồng bất tận”.

- Tôi rất mong chờ tác phẩm mới của em. Cám ơn em. Chúc thành công nhé!

Tạm biệt em, tạm biệt đất Mũi, tôi trở về thành phố qua nhiều vùng kênh rạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhìn thấy những chiếc thuyền lênh đênh xuôi ngược và những con người chân chất nơi đây, để càng hiểu hơn những trang văn em viết, để thêm ngưỡng mộ và yêu quý tài năng Nguyễn Ngọc Tư. 

Tác giả: Nguyễn Thị Dư Khánh

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây