Mark Twain: ‘Tôi không phải người Mỹ, tôi là nước Mỹ’

Thứ sáu - 05/11/2010 07:29 2.097 0

Nhà văn Mark Twain. Ảnh: Brady-Handy.

Nhà văn Mark Twain. Ảnh: Brady-Handy.
Nhà văn từng nổi tiếng đến mức thư người hâm mộ gửi không ghi địa chỉ vẫn có thể đến tay ông. Mark Twain tự yêu mình, như một chàng Narcis của thế kỷ 19, từng tuyên bố ‘Tôi không phải người Mỹ, tôi là nước Mỹ’. Ông kiêu ngạo, nhưng ông nói không sai.

“Toàn bộ nền văn học Mỹ hiện đại bắt nguồn từ một cuốn sách có tên Huckleberry Finn”, Hemingway từng nói. Cuốn tiểu thuyết hiện vẫn có tên trong hai danh sách đối lập, một là những tác phẩm được yêu thích nhất, một là những tác phẩm bị cấm nhiều nhất trên toàn nước Mỹ. Cây bút Sarah Churchwell của tờ Guardian có bài viết về Mark Twain nhân hồi ký của ông sắp phát hành đúng dịp 100 năm ngày mất của nhà văn.

Ở Mỹ, Mark Twain nổi tiếng đến mức những bức thư từ người hâm mộ ghi địa chỉ “trên trời” như “Mark Twain, có Chúa biết là ở đâu” hay “Mark Twain, tìm ở chỗ Quỷ Sa Tăng xem sao” vẫn đến được tay nhà văn. Nhà Trắng từng nhận được bức thư đề “Mark Twain, nhờ Tổng thống Roosevelt chuyển giúp” và người quản lý thư từ ở Nhà Trắng cũng vui lòng chuyển thư đến tận tay Mark Twain.

Tương tự Charles Dickens ở Anh, Mark Twain là nhà văn nổi tiếng và được yêu thích nhất nước Mỹ, là một tượng đài sừng sững không thể thay thế của văn đàn Mỹ. Ông là nhà văn Mỹ kiểu mẫu từ ngoại hình đến phong cách văn học. Ông có mái tóc trắng, thường mặc vest trắng, cách cư xử bình dân, tính tình hay gắt gỏng, với giọng văn riêng biệt dễ nhận. Ông qua đời ngày 21/4/1910. Đến nay, các tác phẩm của Mark Twain đã được dịch ra 72 thứ tiếng, vẫn thu hút giới phê bình hơn bất cứ nhà văn Mỹ nào. Ông vẫn nổi tiếng như ngày xưa, vẫn hiện hữu trong đời sống văn học. Khi người ta tuyên bố sẽ phát hành hồi ký Mark Twain, có người bình luận: “Cuối cùng Mark Twain cũng được công nhận là đã chết”.

Hơi cường điệu khi người ta nói rằng ra tự truyện của Mark Twain sau một thế kỷ để thực hiện đúng “lệnh cấm vận” trong di chúc của nhà văn. Thực chất, một số cuốn sách kể về cuộc đời Mark Twain đã được phát hành, đều do những tác giả có uy tín biên soạn, chẳng hạn con gái ông Clara; Albert Bigelow Paine, người ghi chép tiểu sử đầu tiên của nhà văn và một số biên tập viên khác. Tất cả đều loại bỏ những chi tiết xúc phạm hoặc mơ hồ.

Bản nháp một bức thư tay của Mark Twain sẽ được in trong cuốn tự truyện đầu tiên. Đó là bức thư nhà văn gửi cho một biên tập viên trách móc việc người này chỉnh sửa cách diễn đạt của ông trong bài luận về Joan of Arc. Nhà văn gửi kèm cách diễn đạt ban đầu của ông trong và lời giải thích cho cách diễn đạt đó, ông thắc mắc: “Biên tập viên không có ý niệm gì về nghĩa bóng của từ ngữ sao?”.

Cấu trúc luôn là một vấn đề nan giải đối với nhà văn. Lần đầu tiên xuất bản, cốt truyện của Huckleberry Finn bị đuối rõ rệt ở phần kết. “Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có nhược điểm. Tôi thích dùng những từ chính xác, những tuyên ngôn rõ ràng, một chút phá cách về ngữ pháp để tăng tính sinh động”, Mark Twain từng nói.

Mark Twain lần đầu nghĩ việc xuất bản tự truyện vào năm 1876. Đến năm 1906, 4 năm trước khi qua đời, ông vẫn rất nổi tiếng, được xem như một bộ truyện tranh sống của nước Mỹ. Nhà văn đã tìm ra cách làm phù hợp, thuê một nhà viết tiểu sử đi theo ông mọi lúc mọi nơi và ghi chép lại những diễn biến trong cuộc đời ông, nhất là những câu nói. Mark Twain tuyên bố chỉ được công bố những tư liệu này sau khi ông chết, để có thể phát ngôn một cách tự do, vô lo vô nghĩ về tác động của những lời mình nói.

Bìa cuốn Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn phát hành tại Mỹ. Ảnh: cnepub.

Có nhiều nhà phê bình và độc giả ca ngợi các tác phẩm của Mark Twain là “tinh hoa nước Mỹ”. Trong bài cáo phó nhà văn năm 1910, tờ San Francisco Examiner viết: “Ông là một người Mỹ hiếu kỳ và sâu sắc. Ông là của riêng chúng ta”. Mark Twain thậm chí còn đi xa hơn, ông viết trong sổ tay khi sống ở châu Âu trong những năm 1890: “Ông là người Mỹ à? Không, tôi không người Mỹ. Tôi là nước Mỹ”. Nhà văn kiêu ngạo, nhưng ông không sai. Ông là một Narcis hiện đại, có lòng tự tôn, khát vọng nổi tiếng và giàu có, một con người đậm chất Mỹ. Con gái ông Susy từng lý giải vì sao cha cô không bao giờ đi nhà thờ: “Ông không thể chịu nổi việc ngồi nghe người khác diễn thuyết. Cha tôi từng nói đùa rằng ông có thể tự nói tự nghe hàng giờ liền không biết mệt, nhưng với tôi điều đó hoàn toàn là sự thật, không phải đùa”.

Mark Twain là sự pha trộn giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa hoài nghi, tính đa cảm và tính hoài nghi. Những năm 1930, Hemingway từng nói: “Toàn bộ nền văn học Mỹ hiện đại bắt nguồn từ một cuốn sách có tên Huckleberry Finn”. Bản thân Mark Twain cho rằng, ông không chỉ sáng lập nền văn học Mỹ hiện đại mà còn phát minh ra một thể loại tự truyện mới, đề cao tính cá thể và sáng tạo. Ông từng nói: “Đây là một trong những phát minh đáng nhớ nhất trong nền văn học thế giới mọi thời đại, có thể xếp ngang hàng với động cơ hơi nước, báo in và điện báo trong khoa học kỹ thuật. Tôi là người duy nhất tìm ra đúng cách để viết tự truyện”.

Mark Twain xem những tác phẩm của ông như những công trình xây dựng, ông là nhà văn đi đầu trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Hơn cả doanh nhân, nhà sáng chế, nghệ sĩ biểu diễn hay ngay cả nhà văn, trong sâu thẳm con người, Mark Twain là một nhà đầu cơ tài giỏi. Ông đi trước thời đại, nắm bắt được thương hiệu và mức độ nổi tiếng của mình, biết cách mở rộng phạm vi phủ sóng của bản thân mặc dù sống trong môi trường truyền thông thế kỷ 19.

Ngày nay nếu Mark Twain còn sống, có lẽ ông sẽ đi tiên phong trong việc sử dụng các trang blog và Twitter, miễn là ông có thể kiếm tiền từ đó.

Tác giả: Pham Mi Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây