Trần Thanh Phương & hơn 1.000 bút tích nhà văn

Thứ sáu - 05/11/2010 08:06 2.302 0

Kỷ lục gia Trần Thanh Phương

Kỷ lục gia Trần Thanh Phương
Nhà báo-nhà văn Trần Thanh Phương sinh năm 1940 tại Cà Mau, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập 2 kỷ lục: Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất VN; Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất VN. Tất cả các bài báo, tài liệu được Trần Thanh Phương phân loại thành các chủ đề hay theo các sự kiện một cách hệ thống và khoa học. Ông còn là tác giả của hơn 20 đầu sách thuộc các thể loại bút ký, truyện dài, truyện ngắn, sưu khảo, sưu tập và kể cả sách dư địa chí. Ông cũng phối hợp với NXB Giáo dục in 2 tập Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam. Đây là tư liệu quý về các nhà văn VN được thực hiện một cách kiên trì trong hơn 30 năm qua.
* Thưa ông, từ đâu ông có ý nghĩ và kiên trì theo đuổi công việc sưu tập tài liệu kiên trì đến vậy?

- Chuyện là cuối năm 1968, tôi có bài báo đầu tiên trong đời viết về thiếu niên Nguyễn Văn Hòa quê ở Thừa Thiên - Huế mới 15 tuổi đã “hai lần dũng sĩ” in trên báo Nhân Dân. Báo phát hành, tôi vui mừng khôn xiết. Nhưng niềm hạnh phúc chỉ kéo dài được vài tiếng đồng hồ thì nhà báo Trần Kiên - thủ trưởng trực tiếp của tôi lúc đó kêu lên hỏi: “Cậu lấy tài liệu ở đâu để viết bài “15 tuổi hai lần dũng sĩ” đăng số báo hôm nay? Đồng chí Tố Hữu vừa gọi điện cho Tổng Biên tập Hoàng Tùng, cần gặp tác giả bài báo. Cậu gặp anh Hoàng Tùng báo cáo thật kỹ nhé”. Tôi hoảng quá, vì nhà thơ Tố Hữu lúc đó là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, nhà báo Hoàng Tùng là Tổng Biên tập báo Nhân Dân từ năm 1951, còn tôi chỉ vừa tốt nghiệp đại học.

Nhưng nỗi lo bỗng nhẹ nhàng khi nhà báo Hoàng Tùng thông báo: “Đồng chí Tố Hữu muốn gặp nhân vật trong bài viết của Phương vì thấy nhân vật thú vị và là đồng hương của nhà thơ”. Chuyện thú vị là không lâu sau đó, tôi được đọc bài thơ dài 112 câu lục bát của nhà thơ Tố Hữu: “Em tên là Nguyễn Văn Hòa/ Mẹ em thường gọi em là Cu Theo/ Cha đi tập kết, nhà nghèo/ Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con...”. Nếu nhớ không lầm, bài thơ này của Tố Hữu được học thuộc lòng trong sách giáo khoa.

Từ chuyện bài báo đầu đời “bị” các sếp hỏi “lấy tư liệu ở đâu”, nên tôi có ý thức trong việc sưu tầm tài liệu, lâu ngày thành niềm đam mê.

* Thế còn Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam hẳn phải có một câu chuyện khác?

- Cũng như nhiều độc giả yêu quý tác phẩm của các nhà văn, tôi tò mò muốn biết nét chữ của người viết ra hàng ngàn hàng vạn trang sách nó như thế nào, chân dung của các nhà văn mà mình biết tiếng ra sao. Trong Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam, tập một, mỗi nhà văn được tôi chia thành 6 phần: Vài nét tiểu sử văn học; Những tác phẩm đã xuất bản, Đoạn thơ (văn) tâm đắc; Lời nhận xét của đồng nghiệp; Chân dung và bút tích. Nhưng điều khiến tôi tâm đắc nhất vẫn là chân dung và bút tích của các nhà văn. Vì những phần khác có thể tìm được ở những cuốn sách khác, thậm chí có thể tìm dễ dàng trên internet. Riêng bút tích và chân dung phải tìm gặp tác giả mới có được, bởi nhà văn lâu nay thường âm thầm góp mặt với đời bằng tác phẩm chứ có mấy khi lộ diện như ca sĩ, diễn viên... để thiên hạ chụp hình và xin chữ ký.


Tác phẩm của Trần Thanh Phương  

* Với cương vị một nhà báo làm nghề hơn 40 năm, chắc rằng công việc sưu tầm bút tích và chân dung các nhà văn của ông khá thuận lợi?

- Bút tích nhà văn đầu tiên tôi sưu tập là của nhà thơ Phạm Huy Thông - tác giả Tiếng địch sông Ô. Đến nay, nếu in hết phải hơn 1.000 chân dung và bút tích các nhà văn VN có trong sưu tập của tôi. Gọi là sưu tập, nhưng thực chất là tôi đi “xin chữ” và hình ảnh của các nhà văn. Lúc chưa có internet và điện thoại di động như vây giờ, đi xin chữ khá vất vả, tốn kém vì gửi thư hoặc đến tận nơi nhà văn sống. Nhưng không phải xin chữ là nhà văn cho liền. Xin chữ nhà thơ Huy Cận là khó khăn nhất. Lúc đầu Huy Cận nghi ngờ công việc tôi đang làm, nhà thơ bảo: “Muốn hiểu về nhà văn thì đọc tác phẩm chứ xin chữ viết làm gì” và ông kiên quyết từ chối. Sau này, Huy Cận hiểu được ý nghĩa công việc của tôi, ông đã chép 4 câu thơ sáng tác năm 1942 và viết thêm: “chép lại ngày 12.3.1991 để thân tặng anh Trần Thanh Phương, nhà văn có tấm lòng ưu ái với các nhà văn”.

* Ông có thể tự nhận xét về công việc làm tài liệu của mình?

- Có nhiều bài báo viết về bộ sưu tập tài liệu của tôi bảo rằng có khoảng 1 tấn, có lẽ như vậy thật vì tôi chưa đem ra cân (cười). Riêng bút tích các nhà văn được in thành sách tập một, tôi và vợ tôi (nhà báo Phan Thu Hương góp sức cùng chồng trong việc sưu tập- PV) được gần 20 triệu đồng nhuận bút, phân nửa nhuận bút dành mua sách tặng bạn bè. Nói thế để thấy tôi làm việc vì yêu thích. Nhưng đọc báo thấy có bút tích của những nhà văn, người nổi tiếng đã quá cố trên thế giới bán được cả triệu đô la. Nghe tiền triệu đô tôi cũng ham thật, nhưng năm 2010 này tôi tròn 70 “mùa lá rụng” rồi (lại cười) và vợ chồng tôi không có con.

* Xin cảm ơn ông!

 Kỷ lục gia Trần Thanh Phương (đứng) cùng đoàn nhà văn TP.HCM
viếng thăm chùa Long Tường- di tích lịch sử văn hoá ở Phú Yên

“Tôi biết Trần Thanh Phương đã lâu cùng công việc mà anh làm, nhưng tôi vẫn bất ngờ trước những công trình đồ sộ do anh thực hiện. Có thể nói rằng, một nhà văn tự làm tư liệu về mình cũng không thể nào bằng anh Phương làm cho nhà văn đó. Có một câu chuyện hết sức cảm động, cách đây hơn 10 năm, tôi mang hơn 100 bài báo viết về Nguyễn Tuân do anh Phương sưu tập ra Hà Nội đưa cho anh Xuân Đào - con nhà văn. Gia đình đã để những bài báo đó lên bàn thờ Nguyễn Tuân thắp nhang và nói rằng: “Chúng con rất biết ơn anh Trần Thanh Phương. Nhờ vậy mà chúng con mới biết thêm những điều về bố mà chúng con chưa biết được”.(Nhà văn Nguyễn Quang Sáng).

Tác giả: Hoàng Nhân

Nguồn tin: TT&VH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây