Lê Anh Hoài: “Tôi làm nghệ thuật không phải để gây sốc”

Thứ hai - 11/10/2010 10:50 1.701 0

Nghệ sĩ Lê Anh Hoài (phải) trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Quỳnh Anh

Nghệ sĩ Lê Anh Hoài (phải) trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhà văn, nghệ sĩ thị giác Lê Anh Hoài đã bộc bạch như vậy với Bee.net.vn sau màn biểu diễn “cởi quần, đọc sách kinh điển trong toilet” tại triển lãm sắp đặt RESTART tối 5/10.

Tác phẩm sắp đặt của Lê Anh Hoài có tên WC.doc với hình ảnh những cuốn sách trong nhà vệ sinh. Anh nói: “Đọc sách trong toilet có khi còn thú vị hơn trong phòng đốt hương trầm…”.

Câu chuyện mới về nhà vệ sinh

Anh có thể “bật mí” cho độc giả xuất phát ý tưởng tác phẩm WC.doc?
 
Từ thói quen mà mình rất hay làm. Có nhiều quyển sách mình đặt sẵn trong WC để khi nào đi vệ sinh lại lấy ra đọc. Thường vào các buổi sáng, mình quen rất đúng giờ. Có những sách mình đọc hết cả quyển trong đó luôn. Quyển nào hấp dẫn hơn thì buổi tối về mình lại chạy vào trong WC lấy ra đọc, nhưng buổi sáng hôm sau lại mang vào trong đó đọc tiếp. Mình biết nhiều người có thói quen vậy, nhưng chuyện này dường như vẫn là điều cấm kỵ ít được nói đến.

Thế còn ý tưởng, có một người bạn, không phải là nghệ sĩ, nói rằng “anh thích những cái về văn hóa đọc, sao anh lại không khai thác một cái gì đó về văn hoá đọc…”. Vậy là tôi phát triển ý tưởng đó, đến khi nghĩ được cái tên WC.doc là tôi yên tâm, vì cái tên này ẩn chứa cả chuyện WC, cả chuyện đọc, lại ngầm định rằng có một file tài liệu Microsoft Word mang tên WC, như một câu chuyện mới về nhà vệ sinh.

Buổi sáng anh đọc sách trong toilet có lâu không?

Buổi sáng thì … thật ra, mỗi lần vào đấy thì chỉ độ mươi mười lăm phút thôi. Mà cũng chỉ đọc được khoảng độ 4 đến 5 trang là cùng. Nhưng mà đúng thật là có những cuốn sách tôi chỉ đọc ở trong đấy. Bởi vì mình đi làm cũng rất bận, hầu như không có lúc nào đọc được cả.

Thường thì trong “thư viện” WC ở nhà, anh để những loại sách báo gì?
 
Sách tướng số, sách tử vi, sách văn học nước ngoài, tôi còn đọc những quyển về tâm thần học, logic học, tâm lý học… Rồi sách của mấy người trẻ trẻ, mới mới. Tôi có thói quen đọc một lúc mấy quyển, không đọc hết quyển này qua quyển khác.

Rồi cả báo nữa chứ. Báo thì có Tiền phong, Tuổi trẻ, Thanh niên, An ninh thế giới… Nhiều tin tức mình đọc ban ngày rồi, nhưng có những bài sâu thì mang về đọc.

Hỏi khí không phải, trong cái lúc chăm chú đọc sách báo thì có ảnh hưởng đến cái việc kia không? Với thói quen như thế, hệ thống tiêu hóa có vấn đề gì không?

Việc kia thì chả ảnh hưởng gì… Nhiều khi mình nhậu nhiều quá thì cũng đau bụng, chứ không có chuyện do ngồi lâu đọc nhiều đâu.
 
Tạo “xì căng đan” mà làm gì? Mệt lắm!

Nhiều người thực sự sốc với màn trình diễn WC.doc của anh, dù chỉ xem hình ảnh trên mạng. Có phải anh muốn tạo “xì căng đan” để được nổi tiếng?

Điều tôi muốn nói và ngôn ngữ nghệ thuật mà tôi chọn nó thế thì tôi phải chấp nhận thôi. Tạo “xì căng đan” mà làm gì? Mệt lắm! Nổi tiếng ư? Cũng mệt lắm!

Khi tôi làm cái tác phẩm WC.doc này, tôi biết chắc nó sẽ gây sốc. Vì tôi đưa ra một hình ảnh bị chối bỏ, một hình ảnh bình thường của đời sống nhưng lại bị gán cho những ý nghĩa xấu. Nhưng ý của tôi không phải để gây sốc, mà là đưa ra một phản đề, bên trong đó là cả chứa đựng một câu chuyện lớn về văn hóa.

 

Sách… vệ sinh

"Trước khi thực hiện tác phẩm WC.doc, tôi có hỏi một vài anh em viết văn là “ông hoặc bà có cái thói quen đó không và nếu có thì cho tôi mượn một quyển sách”. Có người tưởng tôi xin sách của ông bà ấy, cho vào trong toilet, họ rất bực, nghĩ “ông này định chơi xỏ hay sao, đem sách của mình vào cái nơi khai thối ấy”. Tôi lại phải giải thích là “không, đấy không phải sách của ông, mà sách ông có đọc trong toalet thì cho tôi mượn, tờ báo hay quyển gì cũng được”. Lằng nhằng khó khăn quá, cuối cùng tôi bỏ ý định đó đi.

Đấy cũng là trắc nghiệm bất đắc dĩ để thấy người ta vẫn còn nghĩ nặng nề lắm. Tôi nghĩ có cái gì đâu. Ông viết sách ra thì phải để cho người ta đọc chứ! Đọc ở đâu là quyền của người ta! Làm gì cứ phải tắm gội, đốt hương trầm mới được đọc sách của ông. Người ta đọc cho là quý rồi! Ở nước Nhật, họ có sách in trên giấy toalet, đi vệ sinh cứ rút dần ra đọc, xong rồi… sử dụng luôn (cười…)"

Vậy anh muốn gửi thông điệp gì qua tác phẩm của mình tới công chúng?

Tác phẩm Nghệ thuật sắp đặt và trình diễn bên trong luôn ẩn chứa một ý niệm, gọi một cách nôm na là thông điệp cũng tạm được. Thật ra nó càng tạo ra nhiều chiều phản ứng thì tác phẩm đó càng thành công. Kể cả phản ứng ngược, tất cả các chiều, tất cả các mức độ…

Để nói với công chúng, tôi chỉ cô đọng lại như thế này. Thứ nhất, có việc đọc sách trong toilet lúc đi vệ sinh. Tức là tiếp nhận văn hóa, kiến thức, nghệ thuật có thể ở bất kỳ mọi nơi, mọi lúc, đừng có coi chỗ nào oách hơn chỗ nào. Mở rộng vấn đề ra, có ông vào trường học hành đàng hoàng nhưng có ông tự học nhau, học qua tài liệu. Ông nào có lòng say mê, lại có năng khiếu nữa thì sẽ thành công chứ không phải cứ đến trường ngồi chăm chú là sẽ oách hơn. Một ông đọc sách ngồi bàn chưa chắc đã hiểu đúng, hiểu sâu bằng cái ông đọc sách trong toilet…

Rõ ràng ở đây không có ranh giới. Nếu mà say mê thì kể cả trong lúc đi WC ông vẫn có lòng say mê. Còn nếu ông không say mê thì có bắt ông vào trong thư viện quốc gia, trong một căn phòng sang trọng ánh sáng rực rỡ thì ông cũng chẳng tiếp nhận được cái gì cả.

Để chuyển tải thông điệp bằng một tác phẩm như vậy, anh có nghĩ rằng mình đã phải “hi sinh” quá nhiều?

Hy sinh ư? To tát quá. Làm nghệ thuật vui lắm chứ. Nhưng cũng phải trả giá. Tôi cho đó là bình thường.

Tôi là người viết sách, tôi rất muốn mọi người đọc ở mọi chỗ, thậm chí là xé nhỏ ra từng mảnh một mà đọc, miễn là đọc thật. Dù đọc ở trong toalet hay ở đâu, miễn đọc là tốt rồi.

Tôi không cần người ta phải nâng niu quyển sách của tôi, cất vào trong giá sách để ngắm, chẳng để làm gì cả. Ví dụ, tôi đến nhà ông, thấy quyển sách của tôi nhàu nát lại còn sướng hơn nó còn mới nguyên, thậm chí ông có để trong toilet cũng không sao cả.

Trong giới nhà văn lâu nay nhiều người vẫn nghĩ anh khá kín tiếng, phải chăng với tác phẩm lần này anh muốn bộc lộ và khẳng định cái tôi trong tính cách của mình?

Làm nghệ thuật, cái gì của mình, từ trong mình mà ra thì nó mới là thật. Tác phẩm phải là những cái gì mình trăn trở nhất, thực sự yêu quý nó, vui buồn với nó. Thích và cảm thấy cần làm thì làm thôi. Công chúng ai thích và đồng cảm với mình thì mình vui. Không thì mình phải chịu. Cái tôi của tôi thì tôi quý chứ tôi hoàn toàn ý thức được rằng mình chỉ là một trong hàng tỷ người trên thế giới này.

Bi kịch của nghệ thuật đương đại

Xin trở lại với tác phẩm WC.doc tại triển lãm RESTART. Khi trình diễn tác phẩm đó,  anh có để ý xem mọi người nhìn anh bằng con mắt như thế nào?

Lúc đó tôi không hề quan tâm. Tôi làm một cách hết sức nghiêm túc, như là hàng ngày mình làm thế nào thì làm như thế.

Tác phẩm của tôi đã được hội đồng nghệ thuật thông qua. Tất cả 6 tác phẩm đều phải làm xong trước tại nhà triển lãm, trước khi khai mạc. Cụ thể là lúc 4h chiều mùng 5/10 thì 4 vị trong hội đồng nghệ thuật xuống triển lãm RESTART, trong đó có anh Bằng Lâm – UV BCH Hội Mỹ thuật VN, anh Thành Chương - Trưởng ban kiểm tra TƯ Hội Mỹ thuật VN, kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Đồ họa, anh Lê Trí Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội họa, chị Mai Ngọc Oanh – Chánh Văn phòng Hội Mỹ thuật VN. Các anh chị lần lượt hỏi, tại sao lại làm tác phẩm này, ý niệm thế nào, góp ý về hình thức, cách thể hiện…, Xong xuôi, thông qua hết phần sắp đặt của tất cả các nghệ sĩ, tôi mới trình bày ý tưởng trình diễn của mình ra.

Lê Anh Hoài Anh và tác phẩm của mình tại triển lãm sắp đặt tối 5/10. Ảnh: Đất Việt.
Lê Anh Hoài và tác phẩm của mình. Ảnh: Đất Việt.

Các ông bà ấy rất chăm chú lắng nghe và có hỏi “thứ nhất, em có lộ cái gì ra không?” Tôi cam đoan là không lộ cái gì cả. Nhưng tôi có tụt quần ra đến quá đầu gối và ngồi thì có nghĩa là cái phần đùi chắc chắn người ta sẽ nhìn thấy. Các vị ấy cười và bảo, “oke, không sao, đừng có “lộ hàng”, khiêu dâm là được.

Cái thứ hai Hội đồng nghệ thuật yêu cầu là không ngồi đọc những quyển sách liên quan đến chính trị. Tôi hoàn toàn nhất trí. Hôm đó lúc đầu tôi có lấy quyển Kinh Dịch ra đọc, sau tôi lấy một tờ báo ra đọc. Ở đó tôi để nhiều loại báo như Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ, Lao động phát hành chính ngày hôm khai mạc triển lãm… Lúc đó mình làm như thật, cũng quờ ra đằng sau lấy một tờ báo. Và đọc rất thật.

Xin hỏi câu hơi tế nhị, lúc ấy anh chỉ làm minh họa thôi hay...?

Khoảng cách giữa cái nghệ thuật với cái trần trụi nó phải có chứ. Nghệ thuật và đời thường vẫn phải khác nhau. Tôi có thể khẳng định một điều rằng, tôi làm thực sự rất có ý thức, kiểm soát chuyện đó chứ ở đây mình không khiêu dâm hay “khoe hàng”.
 
Gia đình, người thân có phản ứng gì về tác phẩm của anh không?

Chả thấy ai nói gì. Duy chỉ có em ruột tôi làm giảng viên của một trường đại học nói thẳng, “em không thích cái loại hình nghệ thuật đó”, mời nó đi xem nó bảo “chả đi đâu”. Không thích nhưng nó vẫn tôn trọng.
 
Là nghệ sĩ của nghệ thuật đương đại, anh có thể nói cho công chúng biết về ý nghĩa sâu xa của loại hình này?

Nghệ thuật đương đại rất rộng lớn và đa dạng, đa sắc thái. Tôi nghĩ khó có thể nói kỹ trong một cuộc trò chuyện thế này. Về phía tôi, tôi làm nghệ thuật đương đại với tinh thần hậu hiện đại. Tạm thời có thể diễn giải suy nghĩ của tôi thế này:

Trong xã hội và trong nghệ thuật luôn có các nhóm thiểu số ở ngoại biên, phi chính thống. Cái được coi là chính thống luôn có xu hướng “đàn áp” cái phi chính thống, bằng dư luận, bằng nhiều sức ép có vẻ bề ngoài hòa bình. Sự dân chủ ở đây chính là chính thống và phi chính thống phải tồn tại như nhau, đều phải có đất sống. Tinh thần nghệ thuật đương đại mà tôi làm, sâu xa bên trong là như vậy.

Nói cách khác, tôi làm nghệ thuật đương đại với niềm tin rằng, cái thiểu số, cái phi chính thống rồi sẽ được thừa nhận. Một xã hội văn minh là không có sự kỳ thị.

Nghệ thuật đương đại được quan tâm bởi vì nó lạ, nhưng nhiều khi người xem không biết nội dung bên trong là gì. Tôi tạm gọi là bi kịch của nó. Người ta chỉ nhìn về cái hình thức của nó thôi và chỉ dừng lại ở đó là chấm hết. Thực ra tất cả các nghệ sĩ làm nghệ thuật đương đại đều có ý thức, vượt qua rất nhiều điều tiếng để thể hiện tác phẩm của mình chứ không phải là “vớ vỉn”. Nếu anh có một tinh thần mở thì sẽ hiểu và thông cảm được.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Văn Tiến - Quỳnh Anh (thực hiện)
Nguồn: Bee

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây