Săn châu chấu

Thứ năm - 09/05/2013 20:29 956 0
Khi phong trào nuôi chim ở Đà Nẵng nở rộ, những người bắt châu chấu có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày. Công việc tưởng chừng đơn giản này lại đòi hỏi sự kiên nhẫn cùng "khiếu" nhận biết nơi nào nhiều châu chấu…
Vợ chồng ông Cương phải thức dậy từ 3h sáng để đi các tỉnh ven Đà Nẵng bắt châu chấu. Ảnh: Nguyễn Đông
Vợ chồng ông Cương phải thức dậy từ 3h sáng để đi các tỉnh ven Đà Nẵng bắt châu chấu. Ảnh: Nguyễn Đông

3h sáng, khi con đường dẫn lên đèo Hải Vân còn mù sương, ông Trương Ngọc Cương cùng vợ Nguyễn Thị Khanh đã lỉnh kỉnh dắt vợt bên hông chiếc Honda 82 ra Huế. Đến cánh đồng thôn Phú Gia (xã Lộc Tiến, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) khi trời vừa hửng sáng, vợ chồng già sửa soạn lại cây vợt nặng chừng 3 kg, cán dài 1,2 m, được buộc chặt vào vòng sắt đường kính 50 cm bện lưới nhỏ li ti. Đưa mắt nhìn xung quanh, họ chia nhau tìm dấu châu chấu.

Nhìn đám cỏ còn hằn nguyên vết cắn của loài vật này, ông Cương gật gù: "Vết cắn mới đích thị là đang có đàn châu chấu". 10 năm trong nghề, ông Cương bật mí châu chấu không nằm ở những đám cỏ xanh ngắt mà thường trú ở nơi cỏ già xơ xác, và phải đi từ đêm vì sáng sớm khi sương còn dày đặc, châu chấu nặng cánh không thể bay nhanh, việc dùng vợt bắt dễ dàng hơn.

Giắt chiếc túi lưới ngang hông, ông Cương nhẹ nhàng cầm vợt đưa qua đưa lại, chân đạp nhẹ xuống cỏ đánh động. Trong chốc lát, hàng chục con châu chấu nằm gọn trong lưới. "Khi đưa ngang cây vợt thì nó sẽ tự động bay vào trong. Nếu không biết mà úp lại, nó sẽ văng ra ngoài", ông Cương giải thích.

Nghề săn châu chấu cả phụ nữ và đàn ông đều có thể làm được. Ngoài các kỹ nghệ của nghề, họ phải kiên nhẫn và đối mặt với hiểm nguy. Ảnh: Nguyễn Đông
Nghề săn châu chấu cả phụ nữ và đàn ông đều có thể làm được. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo ông Cương, ngày trước châu chấu nhiều vô kể. Khi những thửa ruộng dần nhường chỗ cho công trình xây dựng, loài côn trùng ăn lá này ít dần, muốn bắt nhiều phải đi xa. Hiện Đà Nẵng có khoảng 30 người chuyên săn châu chấu.

Thành quả trong buổi sáng của vợ chồng ông Cương là hai túi đựng đầy châu chấu. Cẩn thận ngồi phân loại, chia thành các túi nhỏ (mỗi túi 20 con), bà Khanh bảo chưa khi nào đi bắt về mà bị ế cả, bởi trước khi đi đều có các mối quen là những người chơi chim, quán cà phê chim "đặt hàng". "Có người mua châu chấu lớn, song cũng có chỗ nuôi chim nhỏ thì phải dùng loại nhỏ", bà nói thêm.

Giá châu chấu cũng theo thời giá. Khi phong trào chơi chim ở Đà Nẵng nở rộ, mỗi túi 20 con được bán với giá 4.000 đồng. "Trung bình mỗi ngày vợ chồng bắt được khoảng 80 túi, thu nhập ngót nghét 300.000 đồng. Khi vào mùa gặt, châu chấu nhiều, thu nhập có thể tính bằng tiền triệu mỗi ngày", bà Khanh thật thà và cho biết làm ăn luôn phải giữ chữ tín, nhiều hôm bắt không đủ lượng châu chấu đành mua lại của những thợ săn khác về bán cho khách.

Thành quả mỗi ngày là những túi đựng đầy châu chấu. Ngày nào bắt được nhiều, tiền công của những người bắt châu chấu hàng triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Đông
Thành quả mỗi ngày là những túi đựng đầy châu chấu. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Chúc, một thợ săn ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) nói, dù nghề săn châu chấu không quá cực nhọc nhưng nếu không nhẫn lại sẽ khó theo được. "Khi vào mùa, có thể chỉ bắt mỗi buổi vài giờ là lưới đã nặng trịch, nhưng khi châu chấu di cư tìm mồi cũng không tránh được những buổi đi cả ngày đành quay về tay không", ông nói.

Chính vì lý do này mà địa bàn của thợ săn châu chấu ở Đà Nẵng liên tục được mở rộng. Như vợ chồng ông Cương, dù nhà ở quận Hải Châu, nhưng khắp cánh đồng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế… đều có dấu chân họ.

Gắn bó với nghề, vợ chồng ông Cương có nhiều kỷ niệm vui buồn. "Ngày trước nghèo khó đi bắt châu chấu về còn đi làm thêm để nuôi con ăn học. Giờ già rồi đi bắt cũng như đi tập thể dục mỗi ngày cho vui để rèn luyện sức khỏe thôi", ông Cương tâm sự và cho biết dù tuổi cao nhưng ngày nào ông không đi bắt châu chấu là thấy nhớ.

Chủ một quán cà phê nuôi hàng trăm chim cảnh nói chính nhờ người chuyên bắt châu chấu về bán mà quán không lo thiếu nguồn thức ăn cho chim. Mỗi người nuôi chim đều có danh bạ của nhiều thợ săn để liên hệ khi cần. "Châu chấu xưa nay phá hoại mùa màng, việc diệt chúng sẽ có lợi. Nhưng nhiều người đôi khi ham quá mà dẫm phải lúa của dân. Chúng tôi thường dặn họ nên có ý thức bảo vệ tài sản của người khác", người này nói.

Tác giả: Nguyễn Đông

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây