Sưu tập Văn nghệ 1948-1954

Thứ bảy - 24/07/2010 22:28 1.833 0

Bìa cuốn Sưu tập Văn nghệ (1948-1954)

Bìa cuốn Sưu tập Văn nghệ (1948-1954)
Cách đây 62 năm, tại Hội nghị Văn nghệ toàn quốc họp từ ngày 23-25/7/1948 tại Việt Bắc, Hội Văn nghệ Việt Nam đã chính thức được thành lập. Nhưng trước đó vài tháng, vào tháng 3/1948, để chuẩn bị đón chào ngày chính thức thành lập Hội, số đầu tiên của tạp chí Văn nghệ ra đời. Đây là một tin vui, một sự kiện giàu ý nghĩa.
Tạp chí Văn nghệ là sự tiếp nối tạp chí Tiên phong (1945 -1946) - cơ quan vận động văn hóa mới của Hội Văn hóa cứu quốc trước đây.

Trên trang bìa số 1 tạp chí Văn nghệ do các họa sĩ Văn Cao và Trần Văn Cẩn chăm sóc măng sét tên báo và vignette (hai chữ V và N lồng vào nhau bên khung cửa mở ra là bầu trời thoáng đãng điểm ngôi sao sáng - đã in sâu vào tâm khảm các thế hệ văn nghệ sĩ hơn nửa thế kỉ qua và được bảo lưu đến ngày nay) ghi rõ thể tài của tạp chí và cơ quan chủ quản: Tạp chí nghị luận và sáng tác của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Nhà thơ Tố Hữu là Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ 3 số đầu. Tiếp đó, các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi... đảm nhiệm cương vị này.

Tham gia tòa soạn qua các thời kỳ, người ta thấy sự hiện diện của các văn nghệ sĩ đàn anh tên tuổi: Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng, Hoài Thanh, Đoàn Phú Tứ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Ngọc Vân, Xuân Diệu...

Từ số đầu tiên đến số cuối, liên tục qua 7 năm, tạp chí Văn nghệ ra được 56 số. Trong từng năm, trình tự các số (độc lập hoặc số ghép) được xuất bản theo khuôn khổ như sau:

Năm 1948: từ số 1 đến số 7, khổ 16 x 24 cm

Năm 1949: từ số 8 đến số 17, khổ 16 x 24 cm

Năm 1950: từ số 19 đến số 28, khổ 16 x 24 cm

Năm 1951: từ số 29 đến số 31, khổ 24 x 32 cm, từ số 32 đến số 34, khổ 18 x 24 cm.

Năm 1952: từ số 35 đến số 38, khổ 18 x 24 cm

Năm 1953: số 39 khổ 18 x 24 cm, từ số 40 đến số 46 khổ 14 x 20,5 cm

Năm 1954: từ số 47 đến số 51, khổ 14 x 20,5 cm.

Với sự nỗ lực của tập thể tòa soạn do các nhà văn có uy tín hàng đầu, với các thư ký tòa soạn là những cây bút dày dạn kinh nghiệm làm báo cùng sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cộng tác viên là các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp thuộc các ngành nghề, những cây bút mới xuất hiện từ các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong quân đội... Tạp chí đã duy trì giới thiệu một tập hợp bài vở, tin tức mới mẻ, phong phú và sinh động. Bằng các chuyên mục phù hợp và qua việc sắp xếp bài vở có trọng tâm cho từng số, Tạp chí đã bám sát định hướng tư tưởng và nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, đi sâu vào những vấn đề thiết thực của sáng tác văn nghệ, khuyến khích nhà văn gắn bó với đời sống kháng chiến muôn mặt, tạo dựng những hình tượng nghệ thuật cao đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng để tác phẩm trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho quần chúng.

Mảng bài về các văn kiện chỉ đạo có ý nghĩa lý luận sâu sắc như Thư Hồ Chí Minh gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (1951); bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948); thuyết trình của đồng chí Tố Hữu Xây dựng văn nghệ nhân dân trong Hội nghị tranh luận văn nghệ (1949)... đã phục vụ kịp thời yêu cầu tìm hiểu, học tập của người đọc. Các bài nghiên cứu, phê bình, tham gia thảo luận, tranh luận học thuật tại các Hội nghị tranh luận của giới văn nghệ mà tạp chí kịp thời phản ánh như: tranh luận về thơ, về họa, về nhạc, về kịch, về văn nghệ bộ đội, về học hay không học để phê bình mỹ thuật... đã góp phần làm sáng tỏ một số khía canh xunh quanh mối quan hệ giữa văn nghệ và đời sống; về nghệ thuật và tuyên truyền, về giá trị lâu dài và phục vụ kịp thời của tác phẩm văn nghệ, về nâng cao tính dân tộc trong sáng tác với các đặc thù loại hình khác nhau.

Về sáng tác, trong điều kiện tuy đã có nhà xuất bản Văn nghệ, những việc in và phát hành sách còn khó khăn, hạn chế và chậm trễ, tạp chí đã kịp thời giới thiệu với công chúng rộng rãi những sáng tác mới của các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, phát hiện, giới thiệu, phê bình những sáng tác đầu tay của những tài năng trẻ xuất hiện từ các cơ sở khắp các vùng miền trên cả nước.

Các cây bút viết văn, làm thơ cố gắng thoát bỏ nhãn quan tiểu tư sản, thực hiện “cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”, đi sâu vào đời sống của nông  dân, công nhân, trí thức, đầu quân vào các đơn vị bộ đội... kịp nắm bắt và phản ánh những điển hình con người mới lao động hăng say, chiến đấu dũng cảm, miệt mài trong tìm tòi, sáng chế, phát minh. Các sáng tác của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài, Huy Cận, Xuân Diệu, Trần Đăng, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Hồ Phương, Siêu Hải, Trần Hữu Thung... đã thổi luồng sinh khí mới vào đời sống văn học. Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Phú Tứ phát huy sở trường kịch nói, nhạc có Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát. Văn dịch có  Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Như Phong, Tố Hữu. Ngành kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp anh cũng góp tiếng nói của mình qua tranh bìa, tranh minh họa, và các bài viết trao đổi ý kiến về nghề nghiệp của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Hồng Tranh...

Trên thực tế, Tạp chí đã trở thành một diễn đàn tiêu biểu, có sức thu hút cao để văn nghệ sĩ tâm huyết trao đổi, luận bàn về những vấn đề thiết cốt sáng tạo, lý luận, phê bình, đào tạo nghệ thuật: làm sao để xây dựng thành công những điển hình nghệ thuật về con người mới tiêu biểu cho đời sống kháng chiến, tìm tòi về nội dung và hình thức nghệ thuật như thế nào để tác phẩm đến được với quần chúng lao động và chiến sĩ, được họ hiểu và yêu thích, rèn luyện tay nghề cầm bút, ống kính, cây cọ, tiếng đàn, bản thiết kế, nét chạm khắc.... như thế nào để đi sâu vào bản chất, sự kiện đời sống và con người mà vươn tới những sáng tạo khái quát, ở tầm cao, tồn tại lâu dài với thời gian?

Trong điều kiện giao lưu quốc tế bị hạn chế, Tạp chí vẫn chú ý giới thiệu những công trình lý luận, tác phẩm tiêu biểu của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh hiện thời của chúng ta... để anh chị em văn nghệ sĩ và công chúng văn nghệ mở rộng kiến văn, tham khảo những kinh nghiệm quý báu về nghề nghiệp, những tìm tòi trong tư duy nghệ thuật bạn bè.

Ngày nay, sau hơn nửa thế kỉ, đọc lại từng trang của tờ tạp chí Văn nghệ, diễn đàn thân thiết của văn nghệ sĩ Việt Nam một thời kháng chiến chống Pháp, chúng ta không thể không xúc động ghi nhận: trong hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, quyết liệt, điều kiện sáng tác in ấn không thuận lợi, thời gian dành cho các biên tập bài vở không nhiều, lại bị chia cắt tản mạn bởi các công việc sự vụ, đời thường... nhưng qua từng số từng năm, Tạp chí ngày càng trưởng thành, trở thành người bạn đồng hành của giới văn nghệ và được độc giả mến mộ. Có thể nói, Tạp chí là hình ảnh thu nhỏ, tiêu biểu của thành tựu văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp, ghi dấu những nỗ lực trong lao động nghệ thuật của bao thế hệ văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành khác nhau. Khá nhiều tác phẩm ra mắt trên tạp chí Văn nghệ đã chứng tỏ giá trị tư tưởng - nghệ thuật sâu sắc, lâu bền, chẳng những đương thời được hoan nghênh mà còn chịu sự thử thách của thời gian, vẫn giữ nguyên vẹn giá trị đến tận bây giờ. Trong số đó, có thể tạm kể tên những danh phẩm như: Cá nước, Lên Tây Bắc, Sáng tháng Năm, Ta đi tới, Tây tiến, Ngày về, Thăm lúa, Dọn về làng... (thơ); Voi đi, Vùng mỏ, Đánh trận giặc lúa... (văn); Những người ở lại... (kịch); Đợi anh về (dịch thơ Ximônốp), Nhận đường, Tiếng thơ, Nói chuyện thơ kháng chiến, Tìm nghĩa hiện thực mới, Nam Cao (lý luận phê bình); Sông Lô... (nhạc).

Đọc sưu tập Tạp chí Văn nghệ (1948-1954), chúng ta thêm tự hào về tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ đi kháng chiến, thông cảm chia sẻ những ưu tư về chỗ đứng, về nghề nghiệp cũng như hình dung được một phần nào hứng khởi sáng tạo cùng là bao nỗi gian nan, vất vả trong tìm tòi để văn nghệ đến được cái đích mong muốn hòa nhập với đời sống cách mạng bình thường mà vĩ đại.

Tạp chí Văn nghệ 1948-1954 ghi dấu thành công vẻ vang phương diện hoạt động năng động của báo chí cách mạng, trong đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và đáp ứng mong mỏi của người đọc, của công chúng, những văn nghệ sĩ tha thiết với với nền văn nghệ mới, bằng tác phẩm của mình, đã góp phần thiết thực vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, thực hiện “văn hóa kháng chiến, kháng chiến văn hóa”. Họ đã thực thi xuất sắc vai trò chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, góp công sức xây đắp nền văn nghệ dân chủ mới trưởng thành ngày một vững chắc.

Để hôm nay có trên tay ngót 4000 trang in trọn vẹn của bộ sưu tập Tạp chíVăn nghệ (1948-1954) mà nâng niu những thành quả của chín năm văn nghệ kháng chiến chống Pháp, người đọc không thể không ghi nhận và cảm ơn công sưu tầm của nhà nghiên cứu Hữu Nhuận (với sự cộng tác của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh), cùng là sáng kiến xuất bản thành sách bộ sưu tập Tạp chí quý giá này của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Sau 9 năm bền bỉ đeo đuổi việc xuất bản từ 1998 đến 2006, đến nay công việc đã hoàn tất, Sưu tập Tạp chí Văn nghệ (1948-1954) đã ra mắt trọn bộ.

Ngày nay, Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) cùng các tạp chí của các Hội chuyên ngành ở Trung ương... đã và đang là người kế tục phát huy truyền thống báo chí văn nghệ cách mạng mà tiền thân là tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam đã khai mở một cách tốt đẹp.

Tác giả: Thiên Năng

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây