2 tác giả cùng từ chối bằng khen của Hội Nhà văn

Chủ nhật - 20/01/2013 00:56 1.789 0
Được Hội Nhà văn VN tặng bằng khen trong khuôn khổ Giải thưởng của Hội năm 2012, 2 tác giả Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam nhất loạt gửi thư ngỏ từ chối vinh dự này.

>> Kết quả Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012

Chiều 16/1, Hội đồng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam chọn ra những tác phẩm để trao thưởng năm 2012. Ở lĩnh vực văn xuôi, tập truyện ngắn "Thành phố đi vắng" của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhận giải thưởng. Ngoài ra, Hội trao bằng khen cho tiểu thuyết "Trò chơi hủy diệt cảm xúc" của nhà văn Y Ban và "Thế kỷ bị mất" của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam.

Ngày 18/1, trên mạng xuất hiện thư ngỏ của nhà văn Y Ban gửi tới "Ông chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam và 14 vị ủy viên ban chấp hành" của Hội, tuyên bố rút tên khỏi ghế ủy viên BCH văn xuôi và từ chối nhận bằng khen, dự kiến được trao vào 29/1 tới. Lá thư giải thích lý do rút tên khỏi giải thưởng vì ban giám khảo không đủ tâm và tài xét giải.

"Trò chơi hủy diệt cảm xúc được 4 phiếu giải thưởng, 3 phiếu bằng khen và 2 phiếu trắng. Đây chính là mấu chốt của vấn để. "Nếu tôi sáng suốt, nếu tôi không đi trên con đường dại thì ngay từ đầu tôi phải từ chối BGK này. Họ không đủ Tâm, đủ Tầm để bỏ phiếu cho tác phẩm. Họ chỉ đủ Tâm, đủ Tầm để bỏ phiếu cho tên tác giả. Hai phiếu trắng ở đây nói lên điều gì? Làm giám khảo mà không dám đối mặt với chỉ một cái tên trên một tờ giấy?", lá thư ngỏ viết.

Bức thư cũng bày tỏ sự bức xúc trước cách làm việc của Hội Nhà văn Việt Nam mà điển hình là chủ tịch Hội, thể hiện qua nhiều cuộc bầu bán khác. Theo đó, trong một số giải thưởng, chủ tịch Hội thường chỉ đạo "bỏ phiếu nhiều lần" cho đến khi kết quả hợp với ý chủ tịch mới thôi. Thư ngỏ chỉ nêu chức danh, không nêu tên chủ tịch Hội. Hiện, nhà thơ Hữu Thỉnh là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

y-ban-jpg-1358606759_500x0.jpg

Nhà văn Y Ban.

Trao đổi với VnExpress, nhà văn Y Ban khẳng định chị chính là tác giả bức thư ngỏ và xác nhận lại toàn bộ nội dung trên. Chị cho biết, sáng 18/1, chị đã in lá thư và gửi tới hòm thư của chủ tịch Hội nhà văn VN cũng như trao tận tay những người trong ban chấp hành mà chị gặp mặt, một số người ở xa không nhận được thì chị gửi email.

Nhà văn Y Ban chia sẻ thêm: “Bản thân giải thưởng không có lỗi. Trong thâm tâm của mỗi nhà văn, giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam là giải thưởng của hội nghề nghiệp, điều mà nhiều người mong muốn có được bên cạnh sự đánh giá của công chúng, không ngoại trừ tôi. Tuy nhiên, người ta càng khao khát bao nhiêu thì lại càng thất vọng bấy nhiêu khi phát hiện ra sự thật. Đây không phải lần đầu tiên có người từ chối giải thưởng. Nhiều người đã từ chối rồi nhưng họ chọn cách im lặng, còn tôi thì không. Những năm trước tôi không tham gia hội đồng nên không biết và không thể nào nói được. Với việc tham gia hoạt động hai năm qua, tôi tận mắt chứng kiến nên tôi không thể làm ngơ”.

tk-jpg-1358594376_500x0.jpg
Bìa cuốn "Thế kỷ bị mất" của Phạm Ngọc Cảnh Nam.

Khi bức thư ngỏ của Y Ban chưa hết xôn xao, trên Internet lại xuất hiện một bức thư ngỏ khác, được cho là của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam, từ chối bằng khen của Hội cho cuốn "Thế kỷ bị mất". Nhà văn người Đà Nẵng Phạm Ngọc Cảnh Nam cũng xác nhận lá thư đó là của ông. Ông Cảnh Nam cho biết, ngày 18/1, ông nhận được điện thoại của bà Hoàng Tuyên - từ Hội nhà văn Việt Nam - thông báo ông được trao bằng khen của Hội ở lĩnh vực văn xuôi năm nay. Qua điện thoại, nhà văn thẳng thừng từ chối giải thưởng. Cùng ngày, qua bạn bè và Internet, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam gửi thư ngỏ về sự việc.

Trong lá thư, ông viết ngắn gọn: “Tôi xin giành quyền được từ chối bằng khen này của Hội nhà văn. Lý do đơn giản, mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là Văn Học”. 

Ông Phạm Ngọc Cảnh Nam cho biết, theo nguồn tin trong ban chấp hành Hội, tác phẩm "Thế kỷ bị mất" của ông được cho là có tên gọi nhạy cảm nên khó lòng trao giải thưởng cao nhất dù đạt số phiếu rất cao. Cuối cùng, cuốn sách được trao bằng khen. Đó là một trong những lý do được ông đưa ra để giải thích cho nhận định "giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương".

VnExpress đã cố gắng liên lạc với chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhưng điện thoại của ông luôn trong tình trạng không liên lạc được. Phó chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều giới thiệu người phát ngôn của Hội là nhà văn Đình Kính. Ông Đình Kính cũng là một thành viên ban chung khảo, ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam.

Người phát ngôn của Hội cho biết Hội mới chỉ đọc được thư ngỏ trên mạng chứ chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào có chữ ký của những người xin rút bằng khen. Theo ông Đình Kính, bất cứ văn bản nào muốn hợp thức hóa cũng phải có chữ ký và gửi trực tiếp lên ban chấp hành. Hội chỉ ghi nhận những lá thư như vậy chứ không dựa trên căn cứ là một văn bản đang lưu hành trên mạng.

Trình bày quan điểm về vụ việc, theo ông Đình Kính: “Quyền rút khỏi giải thưởng là quyền của mỗi người. Việc trao giải thưởng là quyền của Hội và ban chấp hành. Việc từ chối nhận giải thưởng không có gì đáng ngạc nhiên, đó là hiện tượng bình thường, bởi đến giải Nobel còn có người từ chối”.

dinh-kinh-jpg-1358603299-500x0-jpg-13586
Nhà văn Đình Kính - người phát ngôn của Hội nhà văn Việt Nam.

Về những nghi vấn liên quan đến tính khuất tất trong việc xét giải của Hội, ông Đình Kính khẳng định "chưa thấy vấn đề đó". Ông cũng phủ nhận cáo buộc "bỏ phiếu thử nhiều lần" mà nhà văn Y Ban nêu ra. “Không có việc đó vì tất cả cuộc họp đều có biên  bản và tất cả hội viên trong ban chấp hành chứng kiến”, ông Kính nói.

Về giải thưởng năm nay, ông Kính cho biết ban chấp hành sẽ có thông báo cụ thể về chất lượng của các tác phẩm đoạt giải trước lễ trao giải và đó sẽ là phát ngôn chính thức của Hội. Khi được đề nghị bình luận về những nội dung liên quan đến chủ tịch Hội trong bức thư ngỏ, ông Kính cho biết: "một ủy viên BCH không có quyền nhận xét chủ tịch Hội trên báo chí". Nhưng ông Kính khẳng định chủ tịch Hội Hữu Thỉnh là người nhiệt tình, trách nhiệm và công tâm.

Người phát ngôn của Hội khẳng định, Hội nhà văn Việt Nam sẽ có văn bản thông báo rộng rãi về những lùm xùm liên quan đến giải thưởng. Hội cũng sẽ rút kinh nghiệm để những lần trao giải sau tốt hơn.

Đây không phải lần đầu tiên giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam bị từ chối. Năm 2003, tập truyện ngắn "Tự sự 265 ngày" của Hồ Anh Thái được Hội Nhà văn VN trao "tặng thưởng", nhưng anh từ chối nhận. Năm 2006, tác giả trẻ Ly Hoàng Ly cũng gửi thư đến Hội xin từ chối tặng thưởng dành cho tập thơ "Lô Lô" vì chị “không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà Hội đồng đưa ra để bình bầu”. Cũng trong năm này, giải thưởng ở hạng mục thơ được trao cho “Thương lượng với thời gian” của chủ tịch hội Hữu Thỉnh gây nhiều xôn xao vì được cho là không minh bạch. Nhà thơ Hữu Thỉnh sau đó từ chối nhận giải thưởng tại lễ trao giải.

Ngoài ra, năm 2011 nhà văn Sơn Tùng và gia đình nhà văn Sơn Nam (ông đã qua đời năm 2008) xin rút khỏi đề cử Giải thưởng Nhà nước; nhà văn Nguyên Ngọc cũng từ chối cơ hội được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh do bất bình với cách hành xử mà theo họ là thiếu minh bạch của Hội Nhà văn.

Tác giả: Hoàng Anh

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây