Ấm áp chương trình thơ tưởng niệm Tố Hữu

Chủ nhật - 09/12/2012 23:27 1.643 0
Trong cuộc gặp gỡ chỉ gồm bạn bè thân hữu và gia đình, những câu thơ Tố Hữu vang lên, thân thuộc như thể nhà thơ vẫn chưa xa cuộc đời này.
Chiều 8/12, tại Nhà lưu niệm Tố Hữu, Làng Quốc tế Thăng Long, Hà Nội, chương trình thơ kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông diễn ra thân mật, ấm cúng. Những người có mặt được sống trong không khí của những câu thơ viết về cách mạng, về chủ tịch Hồ Chí Minh, về thân phận con người và cả tình yêu của nhà thơ Tố Hữu.

“Khi con tu hú”, được viết khi nhà thơ bị giam cầm trong nhà tù thực dân, cho thấy niềm lạc quan cách mạng của một người chiến sĩ cộng sản. Bài thơ vang lên qua giọng đọc trầm ấm, hào sảng của NSƯT Trọng Thủy trong phần mở màn chương trình. Những tác phẩm tiêu biểu của Tố Hữu như "Việt Bắc", "Kính gửi cụ Nguyễn Du" cũng được các nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu. NSƯT Quang Huy trình bày ca khúc "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" - sáng tác phổ thơ Tố Hữu - cho thấy tinh thần cách mạng luôn là kim chỉ nam trong thơ của ông.

2012-12-08-092-1-jpg-1355094959_500x0.jp
Quan khách dâng hương tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu.

Bên cạnh đó, chương trình cũng tái hiện một Tố Hữu rất lãng mạn, trữ tình khi viết về tình yêu. Ca khúc "Mưa rơi" qua sự thể hiện của nghệ sĩ ưu tú Hồng Hạnh chính là phần con người rất riêng của Tố Hữu mà theo người dẫn chương trình - nhà thơ Hồng Thanh Quang - trong suốt cuộc đời thi ca của mình, ông đã cất phần riêng tư đó lại để viết những áng thơ ca ngợi cách mạng, những vần thơ dành cho dân tộc. Những câu thơ ngọt ngào: "Mưa rơi dầm lá cỏ/ Mái tóc em ướt rồi/ Đôi má em bừng đỏ/ Muốn hôn quá mà thôi" cho thấy, Tố Hữu hoàn toàn có thể lay động người đọc bằng những vần thơ trữ tình.

Giáo sư Hà Minh Đức nhắc lại cảm hứng về đất nước và lịch sử trong thơ Tố Hữu. Theo giáo sư, Tố Hữu là người có những câu thơ hay nhất trong thơ ca hiện đại nói về non sông, đất nước. Ở tuổi hai mươi, khi phải vào tù, Tố Hữu viết những vần thơ thể hiện sự sẵn sàng hy sinh cho đất nước. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông lại có những câu thơ huy hoàng: "Ngực lép 4000 năm trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi bùng lên tim bỗng hóa mặt trời". Hay trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, những vần thơ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” đã vang vọng suốt từ Bắc chí Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước và sẵn sàng lên đường ra trận. Thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tố Hữu cũng có những câu thơ rất đẹp. Theo giáo sư Hà Minh Đức, thời nào Tố Hữu cũng có thơ để khơi dậy tinh thần lạc quan của nhân dân. Những câu thơ của ông đẹp, giản dị nhưng đầy xúc động, sâu sắc.

Ông Hà Minh Đức cũng nhận định, cảm hứng lịch sử xuyên suốt trong các tác phẩm của Tố Hữu. Trước hết là cảm hứng lịch sử gắn với quá khứ. Tố Hữu có những bài thơ viết về Nguyễn Trãi, Quang Trung, Lê Lợi… qua các thời kỳ với tấm lòng cảm phục sâu sắc. Nhưng điều quan trọng nhất đó là Tố Hữu nhận diện lịch sử ở thời kỳ hiện tại, khi lịch sử đang diễn ra. Từ những sự kiện lớn cho tới những con người tiêu biểu của thời đại đều thể hiện những phẩm chất anh hùng mang dấu ấn của lịch sử. Phát hiện phẩm chất lịch sử trong những gì đang diễn ra, đó chính là kỳ tài của Tố Hữu, theo Hà Minh Đức.

2012-12-08-098-1-jpg-1355094959_500x0.jp
Ca sĩ Hồng Hạnh thể hiện "Mưa rơi".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, Tố Hữu là người có biệt tài đưa các địa danh vào trong thơ. Những chặng đường đi của cách mạng, thăng trầm của các chiến dịch cụ thể, con người cụ thể đều có trong thơ ông. Trần Đăng Khoa cũng tán thành với quan điểm của giáo sư Hà Minh Đức. Trần Đăng Khoa còn viện dẫn những câu thơ cho thấy, Tố Hữu là một người chép sử bằng thơ tiêu biểu. Người đọc biết về chiến dịch Điện Biên Phủ qua những câu thơ “56 ngày đêm/ Khoét núi/ Ngủ hầm/ Mưa dầm cơm vắt”. Tố Hữu cũng chép lại 9 phút lịch sử đầy hiên ngang khí phách của Nguyễn Văn Trỗi khi ra trường bắn qua bài thơ "Hãy nhớ lấy lời tôi". Theo Trần Đăng Khoa, Tố Hữu cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm còn sống tới ngày nay và được rộng rãi công chúng thuộc nhất.

2012-12-08-103-1-jpg-1355094960_500x0.jp
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tại buổi tưởng niệm.

Con gái nhà thơ, bà Thanh Hoa, bày tỏ niềm xúc động trước sự có mặt của đông đảo bạn bè, bạn đọc trong chương trình tưởng niệm 10 năm ngày mất của Tố Hữu. Đại diện gia đình cũng trao học bổng Tố Hữu thường niên cho 20 sinh viên xuất sắc vượt khó học tập của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Đây là kết thúc đẹp của một chương trình tưởng niệm mà linh hồn là 4 câu thơ tạm biệt của Tố Hữu trước khi qua đời: “Tạm biệt đời ta yêu quý nhất/ Còn mấy dòng thơ, một nắm tro/ Thơ gửi bạn đường, tro bón đất/ Sống là cho. Chết cũng là cho”.

Tác giả: Hà An

Nguồn tin: VanVN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây