'Soi' trách nhiệm việc mất điện toàn miền Nam

Thứ năm - 23/05/2013 09:11 738 0
Cơ quan điều tra đã xác định có 3 người liên quan đến sự cố mất điện toàn miền Nam. Còn các chuyên gia pháp lý cho rằng trách nhiệm thuộc về nhiều phía, người tiêu dùng có thể kiện EVN đòi bồi thường thiệt hại.

Chiều 23/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Dương cho biết, đang phối hợp cùng ngành điện để thống kê thiệt hại sau sự cố xe cẩu gây mất điện toàn miền Nam để làm cơ sở khởi tố vụ án. Theo cơ quan điều tra, ngoài lái xe Ngô Tấn Thảo (27 tuổi) trực tiếp điều khiển cần cẩu vận chuyển cây dầu, phụ xe Nguyễn Trung Thành và người trông giữ vườn ươm cây dầu Huỳnh Văn Hiền có liên quan đến vụ việc.

Công an cũng xác định, vụ việc xảy ra ngoài ý muốn nhưng gây thiệt hại cho kinh tế và ảnh hưởng đến công trình lưới điện mang tính an ninh quốc gia nên chắc chắn sẽ khởi tố, xử lý những người liên quan.

Xe cầu chở cây dầu gây ra vụ việc. Ảnh: N.T
Xe cầu chở cây dầu gây ra vụ việc. Ảnh: N.T

Trao đổi với VnExpress, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (công ty luật An Pha Na) cho biết hành vi của tài xế Thảo đã vi phạm các quy tắc an toàn lưới điện. Khoản 4 Điều 51 của Luật Điện lực năm 2004 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 quy định: "Cấm tiến hành mọi công việc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không nếu sử dụng thiết bị, dụng cụ, phương tiện có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Trong trường hợp đặc biệt, do yêu cầu cấp bách của công tác quốc phòng, an ninh, phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết".

"Các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... bị thiệt hại thì có quyền yêu cầu tòa án buộc những người liên quan bồi thường, song phải chứng minh được thiệt hại của mình về vật chất, tinh thần...”, luật sư Trạch nói.

Về trách nhiệm dân sự, theo luật sư Trạch, quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của luật Dân sự cho thấy, người có trách nhiệm trong trường hợp này bao gồm: Chủ sở hữu phương tiện (nếu phương tiện được giao cho tài xế dưới hình thức là hợp đồng lao động, công việc của tài xế là được thuê để chở hàng hóa); Cá nhân tài xế (nếu anh này được chủ sở hữu giao xe thông qua một hợp đồng thuê xe hoặc biết việc chở hàng hóa vi phạm các quy định về an toàn mà vẫn thực hiện thì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại). Riêng đối với người thuê chở cây dầu, nếu đã được thông báo về việc vận chuyển là không đảm bảo an toàn nhưng vẫn thuê chở thì cũng phải chịu một phần trách nhiệm bồi thường.

Tài xế lái xe cẩu. Ảnh: N.T
Tài xế lái xe cẩu. Ảnh: N.T

Còn theo luật sư Ngô Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty Luật VILAF Hồng Đức, sự cố về điện trên có thể trở thành một vụ việc pháp lý nghiêm trọng liên quan đến nhiều bên. Để xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, trước hết, các đương đơn cần phải xét đến yếu tố lỗi, trách nhiệm bồi thường của ai và chứng minh thiệt hại thực tế do sự cố mất điện gây ra.

Người tiêu dùng có thể căn cứ vào hợp đồng với nhà cung cấp điện (EVN) để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được đơn vị này vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng. "Người khiếu kiện cũng có thể nhờ các chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực điện để thẩm định về độ cao an toàn của đường dây 500 KV đã thực sự được lắp đặt đúng tiêu chuẩn chưa. Từ đó, xách định có hay không lỗi của EVN", luật sư Tùng ý kiến.

Phía EVN cũng có thể kiện công ty thuê người lái xe cẩu cụ thể ở đây là Becamex Bình Dương nếu chứng minh được Becamex có lỗi do việc quản lý kém đối với nhân viên hoặc các nhà thầu của mình để xảy ra sự cố. Becamex Bình Dương cũng có thể yêu cầu cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm dân sự đối với người điều khiển phương tiện để liên đới chịu trách nhiệm nếu chứng minh được người này cố ý hoặc vô ý gây ra sự cố.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng có thể xem xét trách nhiệm hình sự của người lái xe cẩu nếu có đầy đủ cơ sở xác định người này có lỗi, đặc biệt là lỗi cố ý vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ. Hành vi này cũng có thể xem xét về các tội Hủy hoại tài sản, Cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc tội Phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, công trình điện.

Tuy nhiên, vị luật sư cho biết thêm, đây là một vấn đề pháp lý khá phức tạp nên khi giải quyết, kết quả còn phụ thuộc vào những tình tiết mới có thể phát sinh và hợp đồng giữa các bên có liên quan. "Việc có hay không vụ kiện liên quan đến sự cố này còn tùy thuộc vào niềm tin của các đương sự vào tòa án và các bên có sẵn sàng tham gia vào quá trình tranh tụng phức tạp hay không", ông Tùng nêu.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây