Khán giả, “đừng sợ Bi”

Thứ sáu - 18/03/2011 11:56 3.140 0

Diễn viên Kiều Trinh (mẹ cu Bi) và Hà Phong (bố cu Bi) trong Bi, đừng sợ! - Ảnh: Galaxy cung cấp

Diễn viên Kiều Trinh (mẹ cu Bi) và Hà Phong (bố cu Bi) trong Bi, đừng sợ! - Ảnh: Galaxy cung cấp
Sau những cuộc chu du đến các LHP quốc tế với bảy giải thưởng từ LHP Cannes, Vancouver, Stockholm..., bộ phim Bi, đừng sợ! (*) cuối cùng cũng ra mắt khán giả VN và ngay lập tức đón nhận nhiều cảm nhận khác nhau.

Không phải không có lý do khi Bi, đừng sợ! của Phan Ðăng Di liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh có uy tín của quốc tế, nhưng cũng không phải không có lý do mà nhiều khán giả VN có thể sẽ không tìm thấy sự đồng cảm với bộ phim ngột ngạt này.

Bi, đừng sợ! của Phan Ðăng Di không được kể thành chuyện theo lối truyền thống kiểu phim thương mại Hollywood - dòng phim mà đại đa số khán giả VN vốn quen thuộc và thích thưởng thức. Bi, đừng sợ! như một “nhát cắt cuộc sống” quanh đời sống của một gia đình Hà Nội vào những ngày hè oi bức.

Ở đó những giá trị truyền thống của một gia đình đang trên bờ tan vỡ: một người đàn ông xa lạ với cha, lạnh lùng với vợ, gật gù trên bàn nhậu với đám bạn mặt mày đỏ gay, tìm “lạc thú” ở tiệm hớt tóc thanh nữ; một người phụ nữ khát khao chăn gối nhưng phải chịu đựng sự lạnh nhạt của chồng, vẫn nhẫn nại chăm sóc bố chồng bệnh tật; một cô giáo “ế chồng” bỗng lưu luyến tình cảm với cậu học trò đẹp trai; và cậu bé Bi hồn nhiên trước những rạn nứt trong gia đình mình.

Bằng hình ảnh ẩn dụ mạnh mẽ - những viên đá lạnh, một dạng vật thể được chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác khi không giữ được “nhiệt độ” cần thiết - Bi, đừng sợ! là câu chuyện về tình yêu và tình dục của những nhân vật mà nhìn bề ngoài tưởng chừng như bình an nhưng bên trong xáo trộn.

Không có câu chuyện cụ thể, Phan Ðăng Di kể câu chuyện trong Bi, đừng sợ! bằng một lối trình bày giản dị nhưng táo bạo. Ðề cập đến vấn đề tình dục, về sự bất lực của người đàn ông với người phụ nữ yêu mình nhưng thèm khát được thỏa mãn với người phụ nữ khác, về sự ham muốn tình dục của người phụ nữ trong một xã hội mà chỉ có đàn ông nắm quyền chủ động còn họ chỉ quẩn quanh ở nhà nhẫn nhịn đợi chờ, Phan Ðăng Di chọn lối thể hiện thẳng thắn, trực diện, với những cảnh quay khiến những người không quen nói về “chuyện ấy” dễ bị “khó xử”, thậm chí khó chịu.

Có những khán giả đã dễ dàng phản ứng khi phải đối diện với những bộ phim khác thường, đòi hỏi người xem phải suy ngẫm về những hình ảnh ẩn dụ, mở lòng mình để hiểu. Hơn nữa, công chúng của điện ảnh, cũng như công chúng của những loại hình nghệ thuật khác, cũng phong phú và đa dạng.

Mỗi người xem, ở mỗi thời điểm trong cuộc đời của họ, với mỗi kinh nghiệm sống, mỗi văn hóa mà họ tích lũy sẽ có cảm nhận khác nhau về một tác phẩm điện ảnh. Có những bộ phim dễ dàng tìm thấy sự đồng điệu, nhưng cũng có những bộ phim như Bi, đừng sợ! giống như sầu riêng, có những người rất thích và cũng có những người không thể chịu nổi. Vì lẽ đó, những tranh cãi hôm nay quanh Bi, đừng sợ! là đương nhiên.

Thế nhưng, ngay cả khi tranh cãi về “tính hiện thực” hay “giá trị thuần phong mỹ tục” của Bi, đừng sợ! thì cũng không thể chối cãi rằng Bi, đừng sợ! đã làm được điều mà đạo diễn mong muốn khán giả xem phim cảm nhận sự bức bối, ngột ngạt với những ràng buộc mong manh trong một gia đình.

Các diễn viên trong phim đã thể hiện nhân vật của họ như thể họ đang sống với nhân vật. Những khung hình được trau chuốt để nói lên nhiều điều mà không cần nhiều lời thoại để diễn tả. Nhịp phim đôi lúc lê thê đôi khi rời rạc, nhưng điều đó cũng là một phần của bộ phim - những chuyển biến về trạng thái như những viên đá lạnh tan thành nước. Chấp nhận bộ phim hay không, cảm thấy thích hay không lại tùy thuộc sở thích của mỗi khán giả. 

PHAN XI NÊ
Nguồn: Tuổi Trẻ

Cảm xúc đến từ sự thật thô mộc

Với một giọng kể hết sức bình thản pha chút giễu cợt, Phan Đăng Di mô tả cuộc sống thường ngày của một gia đình bình thường như bao gia đình khác, với những trắc trở trong giao tiếp, sự cô đơn đô thị và mối liên hệ mong manh trong tình cảm gia đình. Tất cả đều trôi đi trong một hiện thực nguyên chất, trong veo, không tô vẽ nhưng đầy kịch tính, đầy ẩn dụ.

Tôi cho rằng để làm được điều này, người làm phim phải nghiên cứu để nắm chắc các bí quyết của thể loại. Cách kể của dòng phim này khác biệt so với dòng phim chính thống, mục đích nhằm để phản chiếu cuộc sống như vốn nó đang xảy ra. Tôi rất thích thú cảnh đôi tình nhân khoảng U40, cũng chơi trò lãng mạn tuổi teen leo qua các khối bêtông trên bãi biển. Một cảnh rất dài và rộng. Vừa cười vừa có thể khóc. Tôi thấy chưa thích lắm việc xây dựng anh chồng trẻ và ông bố như hai đường ray song song giữ mãi khoảng cách. Tôi nghĩ giá mà nó hơi ngoằn ngoèo một tí, có lúc như suýt chạm vào nhau rồi lại tách ra thì thú vị hơn chăng. Vì nghiên cứu con người, ta cần cho họ một cơ hội để cố lên và rồi cùng họ gặm nhấm sự thất bại thì thật là sướng, tâm phục khẩu phục.

Những cảnh quay ăn nhậu bia hơi trên hè phố thật không khác gì một cảnh quay phóng sự tài liệu. Các ông nốc bia, nói chuyện tào lao, hững hờ nhìn những cô gái trẻ. Cảnh đi xe buýt với hàng dãy người chờ xe ở bến. Cảnh sinh hoạt ở bãi sông. Đạo diễn xóa đi khoảng cách giữa hư cấu và tài liệu để cho chúng ta tìm hiểu nhân vật nóng sốt tại trận. Càng giống tài liệu càng thật.

Những người làm phim chúng ta thường mắc bệnh ủy mị (sentimental), có thể bị ảnh hưởng những tình tiết “melo” trong tuồng chèo cải lương. Chúng ta thường thích thú nhấn vào những giọt nước mắt, những cảnh kể lể đầy thổn thức, những cuộc chia tay bịn rịn. Rất mừng là trong Bi, đừng sợ!, đạo diễn đã giữ một giọng kể nhẹ nhàng và khách quan. Dòng phim hiện thực ra đời cũng là để chống lại dòng phim lãng mạn, chống lại sự sáo rỗng, sự minh họa. Cảm xúc đến từ sự thật thô mộc, từ cái đẹp của cuộc sống hằng ngày.

Trường hợp phim Bi, đừng sợ! có hai bản cắt để chiếu trong nước và không cắt để tham dự liên hoan phim, phát hành ở nước ngoài, theo tôi, là một tiền lệ hay. Ít nhất người làm phim có một cửa thoát để chọn lựa. Như điện ảnh Trung Quốc đã từng làm.Nguyễn Vinh Sơn

(*) Bi, đừng sợ! ra mắt báo giới từ ngày 10-3 và ra rạp từ ngày 18-3 tại hai rạp ở TP.HCM là Galaxy Tân Bình, Megastar (Parkson Hùng Vương) và Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây