Du khách bị 'chặt chém' dịp 30/4

Thứ ba - 30/04/2013 05:59 780 0
Giá trông xe tăng gấp 5-10 lần ngày thường, phòng khách sạn tăng giá 2-3 lần, du khách phải xô đẩy, chen lấn nhau để được lên xe, tàu thủy...

Dịp 30/4, lượng du khách đổ về thành phố biển Hạ Long không tăng so với các năm trước. Do người xem lễ hội Canaval Hạ Long đa phần là dân địa phương nên các điểm vui chơi giải trí khá vắng lặng. Tuy nhiên, phần lớn nhà nghỉ, khách sạn 1-2 sao tăng giá 1,5 - 2 lần, và không ít khách sạn còn lừa gạt du khách.

Anh Xuân (Hà Nội) đặt phòng tại một khách sạn 2 sao ở trung tâm Bãi Cháy, giá 650.000 đồng. Tới nơi, gia đình anh thất vọng khi thấy phòng khách sạn rộng 10 m2, nội thất cũ kỹ, nhà vệ sinh bẩn thỉu. Khi anh yêu cầu trả lại tiền đặt cọc, đại diện khách sạn này lại bắt anh trả phí giữ phòng.

Lý giải về chất lượng dịch vụ thấp, nhân viên khách sạn cho hay, phòng ở này ngày thường là nơi ở cho nhân viên nhưng ngày lễ được tận dụng cho du khách thuê.

Du khách đổ về các bãi biển dịp 30/4. Ảnh: Nguyễn Đông.

Do đang diễn ra cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế nên kỳ nghỉ lễ 30/4 này Đà Nẵng đón khoảng 500.000 lượt khách. Các khách sạn, bãi biển đều chật kín người. Dù các dịch vụ từ khách sạn đến ăn uống, trông giữ xe đều được yêu cầu niêm yết giá nhưng tại một số điểm giữ xe vẫn xảy ra tình trạng chặt chém.

Tối 29/4, một điểm giữ xe nằm ở bùng dinh Ngô Quyền - Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà) thu của khách 20.000 đồng một xe máy, tăng gấp 4 lần quy định. Du khách đi ôtô vào xem pháo hoa cũng bị ép giá 100.000 - 200.000 đồng mỗi lượt trông, dù ngay cạnh đó là lực lượng công an, dân phòng ứng trực.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Lữ Bằng, Phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, đêm 29/3 có một số người gọi đến đường dây nóng của Sở nhưng thông tin không xác thực. Chi cục Quản lý thị trường thành phố chưa nhận được thông tin nào của du khách về việc bị chặt chém ở khách sạn, nhà hàng hay điểm giữ xe.

Theo ông Bằng, nếu du khách phát hiện bị “chặt chém” phải gọi điện ngay đến đường dây nóng 0913414909. "5 phút sau chúng tôi sẽ có lực lượng đến xử lý. Nếu hét giá cao sẽ tước giấy phép giữ xe của điểm đó", ông Bằng khẳng định. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở cũng thừa nhận do có hàng trăm điểm giữ xe, nhiều điểm tự phát tại quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, trong khi lực lượng quản lý thị trường chỉ có 109 người nên việc quản lý cũng gặp khó khăn.

Một số điểm giữ xe niêm yết giá song vẫn thu quá giá. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) là nơi diễn ra Lễ khao lề thế lính quy mô lớn nhất, lượng khách đổ đến huyện đảo nhỏ bé này tăng nhiều lần so với ngày thường. Trong khi đó, cả đảo Lý Sơn chỉ có 2 khách sạn và vài nhà nghỉ, công suất phòng chứa được khoảng 400 khách. Do khan hiếm phòng nghỉ nên giá phòng cũng bị đẩy lên gấp rưỡi ngày thường. Phần lớn du khách phải lưu trú ở nhà dân, số khác lại ra đảo rồi vào đất liền luôn trong ngày.

Hôm 29/4 diễn ra lễ hội, tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí nhiều tàu đưa đón khách song tình trạng vận chuyển quá tải vẫn diễn ra. Tàu vừa cập bến, hàng chục khách ào ào chen xuống tàu. Nhiều người đã mua vé nhưng lại bị nhà tàu đuổi xuống vì quá tải.

"Chuyến đi hãi hùng, mạnh ai người đấy chen lên tàu như một cuộc tháo chạy mà không có sự sắp xếp. Chúng tôi vạ vật trên đảo nhiều giờ, bị nhỡ 3 chuyến tàu, vạ vật trên boong tàu để về đất liền. Đi du lịch mà như bị hành xác", chị Thu Hương, một du khách Hà Nội bức xúc.

Trên một số diễn đàn du lịch, các thành viên bày tỏ việc thuê tàu thủy, dịch vụ ăn uống, phòng nghỉ tại các khu vui chơi giải trí như Nha Trang, Cát Bà, Cửa Lò... cũng tăng giá gấp 1,5 đến 2 lần so với ngày thường hoặc nhà hàng bớt xén khẩu phần ăn của khách...

Tác giả: H. Hà - N. Đông - Đ.Loan

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây