Tạp chí Tài hoa trẻ tổng kết cuộc thi Truyện Ngắn và Thơ Tứ Tuyệt

Thứ năm - 24/02/2011 11:01 2.810 0

Tạp chí Tài hoa trẻ tổng kết cuộc thi Truyện Ngắn và Thơ Tứ Tuyệt

Cuộc thi truyện ngắn và thơ tứ tuyệt Tài Hoa Trẻ được mở ra từ tháng 2.2009 đến 8.2010, BTC đã nhận được 675 truyện ngắn và 1431 bài thơ tham gia. Trong số này, đã có 80 truyện ngắn và 490 bài thơ qua vòng sơ khảo, lần lượt được đăng trên Trẻ Hoa Trẻ. Từ những tác phẩm kể trên, BGK đã chấm và công bố 7 truyện ngắn và 17 bài thơ vào chung khảo. Hôm nay, Tài Hoa Trẻ vui mừng thông tin về những tài hoa đã được ghi tên trên bảng vàng cuộc thi, qua dấu ấn là các tác phẩm đoạt giải… Điều đáng mừng nhất qua qua cuộc thi này đã xuất hiện nhiều cây bút mới đầy hứa hẹn cho tương lai văn chương nước nhà!
Không cố ý, nhưng truyện ngắn đạt giải Nhì (không có giải Nhất) Trà mật ong của tác giả Huệ Văn là một truyện có chủ đề về cuộc sống, sinh hoạt của nhà giáo – một chủ đề luôn bàng bạc trong mọi đề tài, nội dung của THT trước nay. Điều đó, trước tiên cho thấy hình ảnh nhà giáo luôn gần gũi, thân thuộc, luôn là mối quan tâm của bạn đọc, bạn viết trên THT. Thế thì truyện ngắn ấy có “khen”, có “ca ngợi” nhà giáo hay không? Ở một góc nhìn tinh tế nhưng không kém phần nghiêm khắc, chẳng những không khen, không ca ngợi, Huệ Văn đã dám chỉ ra một vài khuyết điểm của nhà giáo, mà ở đây cụ thể là một cô giáo, lại là cô giáo dạy giỏi. Vì dạy giỏi, cô luôn được mời chào, đón nhận và nhờ thế cuộc sống, sinh hoạt của gia đình cô cũng “thông thoáng” hẳn lên. Trong buổi báo cáo kinh nghiệm về thành quả của mình, cô “gióng giã”: “Học tập đem lại cho tôi nhiều kiến thức: kiến thức, công việc, tiền bạc, nhân cách, sự tôn trọng… Điều đó đủ để ta sống một đời không mang tội với người sinh ra mình và người mình đã sinh ra”. Vâng, trong số 700 học trò ngồi im lắng nghe cô, có cả trò Minh Nghĩa, học sinh lớp 6, là “người mình đã sinh ra” của cô.
  Nhưng chính cu Nghĩa và đứa em của nó đã buộc mẹ phải xem xét lại những thứ gọi là “kiến thức, công việc, tiền bạc, nhân cách, sự tôn trọng…”. Lý do: bận “đi kiếm”  những thứ ấy quá chừng, cô giáo đã không còn đủ thời gian để nhận ra tất cả chúng cũng là nhằm để phục vụ cho hạnh phúc gia đình mà trước tiên là hai đứa con của cô, hai công dân tương lai của xã hội. Đến một ngày, cô giáo thấy “hai đứa con chị đang lăng xăng kiểm tra bình nước, chuẩn bị cho món trà mật ong học được cách pha ở “Sức sống mới”. Thấy chị, hai đứa hớn hở ra mặt…”. Chúng không cần đi du học đâu xa, chúng cần “học” ngay với mẹ ở trong ngôi nhà ấm cúng của mình. “ Chao ôi! Trong khi chị cứ quay quắt với ý nghĩ làm sao có đủ tiền cho con đi du học thì ước mơ của các con chị lại nằm ngay trong hai bàn tay nhỏ bé của chúng”. Hiểu ra điều đó, “từ hai bàn tay đang ấp chặt, trà mật ong len lém thơm”. Mùi thơm của trà hay là của tấm lòng bọn trẻ đã khiến cho người-mẹ-cô-giáo xuyến xao nhiều. Đó cũng là mùi vị của chất nhân văn trong truyện.

  Tình yêu luôn là một đề tài không bao giờ cũ. Có thể nói có bao nhiêu cung bậc tình yêu thì cũng có bấy nhiêu cách biểu hiện. Mảng đề tài này đến với cuộc thi thật phong phú, đa dạng mà đôi truyện được nhắc dưới đây chỉ phần nào là tiêu biểu. Với một cách cấu tứ khá lạ khi đến với đề tài này, tác giả Hồ Thủy Giang đã sáng tạo ra một Khoảng cách (cũng là tên truyện, giải Ba) tưởng mơ hồ mà có thật giữa hai nhân vật của mình. Ồ, truyện cũng chỉ có hai nhân vật mà thôi, nhưng xung quanh họ, phía sau họ dường như là biết bao xôn xao, biến động của cuộc sống, của nhân tình thế thái. Anh yêu chị khi anh đi chiếc xe đạp cà tàng “dưới mười cây số một giờ”. Nhờ cái tốc độ ấy “anh mới nhìn thấy rõ nụ cười lấp lánh ” của chị bên đường. Nhưng rồi thời gian trôi qua, anh đã đổi vận tốc trên chiếc xe Mazda “một trăm ki lô mét một giờ”. Tưởng như thế là không bao giờ còn gặp nhau. Nhưng có đấy. Ấy là lúc chiếc xe cũng cần thay bánh! (Anh có cần thay gì trong con người mình không?). Anh chưa kịp nhận ra chị, nhưng chị đã nhận ra anh. Anh thắc mắc, chị nói “ mười năm nay, em chỉ cách anh có một mét thôi mà”. Anh đâu biết, đó là khoảng cách từ chỗ chị ngồi đến cái tivi trước mặt hằng đêm. Tình yêu là thế, khi phụ nhau rồi thì gần cũng thành xa, hay có khi chưa phụ nhưng vì quá xa mà đâm ra đổi lòng? “Với tốc độ một trăm cây số giờ, chiếc xe có thể đưa anh đến nhiều chân trời. Buồn thay, với cái khoảng cách hơn một mét, dù có bay bằng tốc độ ánh sáng, anh vẫn không tới được”. Kết truyện không nói gì thêm, nhưng là một gợi tưởng cho những ai đang dọ bước đến với tình yêu ban đầu. Thư lạc (đồng giả Ba) của Phạm Thanh Thúy cũng là một câu chuyện của tình yêu. Tình yêu này xôn xao hơn nhiều, có thư từ, có sóng biển, có họp bạn…, thế mà cũng khá ngậm ngùi. Ngậm ngùi lúc này nhưng vẫn sẽ lạc quan một lúc nào đó, giống như mọi diễn tiến không ngờ của tình yêu là vậy. Câu chuyện có đánh động vấn đề có nên tin tình bạn là bất tử? Vì có khi vì bạn mà ta hụt mất tình yêu của mình. Và cái trò chơi tưởng là thơ mộng, lãng mạn – viết thư cho nhau, hai mươi năm sau mới mở ra đọc, không ngờ nó chỉ dễ thương trong nhiều trường hợp khác mà chưa chắc “dễ thương” đối với những kẻ đang yêu. “Ngốc thật. Đã yêu sao không nói? Đã nói sao lại nói cho hai mươi năm sau? Khi ấy, tất cả có thể đã quá muộn rồi”. Thư lạc, có làm gián đoạn tình yêu, nhưng làm hiểu thêm lòng dạ kẻ khác. Và một khi đã quyết tìm đến nhau thì tình yêu sẽ không còn lạc, và “những bức thư sẽ viết bằng loại mực mà chắc chắn sau hai năm sẽ không tự phai phôi như những bức thư trước nữa”. Đó là thứ mực, thứ thư được viết bằng sự đền bồi sâu sắc sau hơn một lần chiêm nghiệm về tình người, tình đời và cả về sự dễ dãi của bản thân mình vốn là người đang yêu và đáng được yêu!

  Những truyện ngắn Như hoa lục bình (Trương Y Định); Món quà vô chủ (Doanh Doanh); Đâu là hạnh phúc? (Nguyễn Hồng Phượng); Có nỗi nhớ ngủ quên (Phạm Quang Rin)… (Giải Khuyến khích) đều toát lên vẻ thắm đượm nhân tình ngay cả câu chuyện diễn ra trong những hoàn cảnh éo le, oan nghiệt và những nhân vật có số phận không may mắn gì. Tình yêu chân chính được tôn vinh một cách nhiều chiều, đa sắc, phức hợp, ngỡ như các tác giả đã nhìn ngắm nó, quan sát nó với đủ mọi góc cạnh, thậm chí ngóc ngách để khi trang trải ra, nó không phẳng lỳ, phong phanh, mà là một thứ viên ngũ sắc lóng lánh có khi làm chói mắt đối với người nhìn nhưng cũng dư vẻ thu hút, quyến rũ, mơn lòng. Ví như chuyện một cô gái bỏ người yêu mình để đi lấy chồng ngoại kiều chỉ vì lo kinh tế cho gia đình. Cô ta nhắn tin cho người yêu biết điều đó như một sự giãi bày. Đó là động thái tốt đẹp cởi bỏ niềm riêng. Nhưng không chỉ vậy. Tin nhắn kia đã bị người bạn của người yêu cô ta xóa đi không cho anh ta đọc chỉ vì muốn “thà cứ để Nam ảo tưởng người mình yêu hạnh phúc bên người ta còn hơn để gã dằn vặt cả đời vì biết nàng đang sống trong đau khổ” (Như hoa lục bình). Đó là sự chập chùng muôn lối của tình yêu mà những kẻ tình nhân vừa đi vừa dọ dẫm, không biết đâu là bến bờ hạnh phúc, song le họ sẽ có hạnh phúc thực sự nếu như biết giữ gìn một trái tim thuần khiết. Vì tình yêu đẹp nhất chính là sự hy sinh chứ không là nhu cầu sở hữu bằng mọi giá.

  Những truyện ngắn đậm chất nhân văn pha lẫn ít nhiều triết lý sống hiện đại này (đã và đang được bạn đọc THT chú ý, thưởng lãm trên những số đã đăng tải), hẳn sẽ còn để lại nhiều dư vị ý nhị, bâng khuâng trong tâm cảm chúng ta. Chắc thế.

THƠ CỦA TÌNH ĐỜI, TÌNH NGƯỜI, TÌNH YÊU

Mảng thơ trên THT được xem là rất “giàu có” bao lâu nay. THT là một trong số ít những tờ báo còn “chung thủy” với thể loại này trong khi hầu hết các báo (ngoại trừ báo văn nghệ) đều gần như khép cửa (thỉnh thoảng chỉ mở ra hờ hờ) với nó. Và đó là điều khiến cho các tài hoa của thơ ca, ngoài việc thích đọc, còn tìm thấy ở THT một lối nhỏ mộng mơ, một mảnh trời xanh đăm chiêu, để gửi gắm hồn mình phiêu linh cùng cảnh sắc, tình đời đồng lúc với tự thoại mình nghe. Nhưng cuộc thi thơ Tứ tuyệt đã “nghe” ra được lắm nỗi niềm của các thi nhân xa gần, có sức đồng vọng đến nhân quần, cuộc sống chứ không chỉ là những lời tự thoại đơn độc, riêng tây.

 Ví như tác giả Vũ Đình Thi (giải Nhì, không có giải Nhất), trước khi “phát âm” bằng thơ cho người khác nghe thì cũng đã tự Ghi âm (tựa bài thơ) vào lòng mình những bài-ca-không-quên: “Bài hát thời khói lửa/ Tôi ghi âm vào lòng/ Tha thiết bao năm hát/ Đĩa không xước một dòng”. Với một cái “đĩa” như thế, tác giả cho ta nghe được nhiều điều sâu sắc, thấm thía – như chính xương thịt, như máu huyết những người đã hy sinh vì đất nước, vì cuộc sống. Nói về sự hy sinh thực đẹp, nhưng nói về cuộc sống, về tình yêu đôi lứa, Vũ Đình Thi cũng có hình tượng mang tính biểu tượng đẹp, rất ý nghĩa – Bút chì xanh đỏ: “Đôi ta chiếc bút chì xanh đỏ/ Ruột liền ruột, vỏ với vỏ liền nhau/ Cùng tô vẽ ngôi nhà đầy nắng/ Mãi say sưa đến lúc cạn màu”. Tác giả Nguyễn Phương Thảo (giải Ba) cũng chọn một hình tượng vốn rất giản dị mà khi đưa vào thơ thì gây sốc lạ lùng -  Cái tăm: “Tôi là người của làng quê/ Tre xanh bao bọc bốn bề yên vui/ Giờ làng tre chặt hết rồi/ Cây tăm sót lại tôi ngồi ngậm tăm”. Cái tăm ban đầu chỉ là một vật nhỏ, một hình ảnh đơn sơ, nhưng nó đã thành hình tượng lớn bao la, diễn tả nỗi trống vắng to lớn của người làng quê, qua thể cách chơi chữ tài hoa của tác giả “ cây tăm sót lại tôi ngồi ngậm tăm”. 
  Có thể nói, trong con mắt những người làm thơ, mọi sự vật, dù nhỏ cách mấy cũng có thể khoác lên một tầm vóc lớn, một ý nghĩa cao vời mà vẫn hợp lý, hợp tình – như tác giả Yến Thạnh (giải Ba) đã nhìn vào cái computer và liên tưởng Trái đất này cũng chỉ có trọng lượng như nó là cùng: “ Tay xách thế giới phẳng/ Đi trong thế giới tròn/ Hành tinh này nhẹ thế/ Toàn email chấm com”. Phát hiện đó giúp cho người đọc dễ sinh lòng lân mẫn, dễ sống hòa thuận với người đời chung quanh. Nhưng sống trong nhân quần, con người nhiều khi cũng phải phân thân để hòa hợp, đó là bi kịch nhưng đó cũng là quy luật để sống, chỉ cần ta không tự phản bội mình: “Đôi khi tôi chợt nhận ra/ Có hai người cứ nhạt nhòa trong tôi/ Một người cười nói với đời/ Một người ngồi với đơn côi phận mình” (Tôi và tôi – Nguyễn Ngọc Chương, giải KK). Đơn côi ư? Chưa đáng kể đâu, cả khi ta về già, đã đi qua hết đời người, ta vẫn nên bao dung, “làm lành” với những gian truân mà cuộc đời ác nghiệt đã đổ trọn vào mình: “Làm lành với những long đong/ Bồ hòn vẫn ngọt, đắng lòng vẫn say/ Một mai liệu có ai hay/ Cung tình còn nặng trắng tay với đời” (Một mai – Đoàn Vy, giải KK). Nói theo ý nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống, ta không chỉ hòa hoãn với người khác mà còn phải biết hòa hoãn với chính mình nữa.

   Có thể nói, tứ tuyệt là thể thơ rất “thuận tay” với những tác giả đến với THT, vì ngay từ khi mới ra đời, THT đã ưu ái chọn thể thơ này như một sân chơi quen thuộc trên báo, và từ đó đến nay (ngót 15 năm) hầu như đều có thơ tứ tuyệt trên mọi số. Như thế, các cây bút đã khá nhuyễn với thể thơ này và khi “đổ bộ” vào cuộc thi - chữ nghĩa, vần điệu, đặc biệt ý tứ trong thơ đều sắc sảo, bất ngờ, mới lạ… Thật tiếc là giải thưởng có hạn, nếu không, còn có không ít những tác giả đã đề tên bảng vàng trong cuộc thi này một cách thuyết phục.
   Thôi thì hẹn vào một dịp khác sắp tới nữa vậy.
       

KẾT QUẢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN VÀ THƠ TỨ TUYỆT TÀI HOA TRẺ 

TRUYỆN NGẮN : 
- Giải Nhất (Không có)

- Giải Nhì (1 giải): 
*Trà mật ong (MS 015) 
Tác giả : Huệ Văn (GV Trường THCS chuyên Lê Quý Đôn. TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương)

- Giải Ba (2 giải): 
* Khoảng cách (MS078)  
Tác giả : Hồ Thuỷ Giang (Hội Văn học- Nghệ thuật Thái Nguyên)
*Thư lạc (MS 029)
Tác giả : Phạm Thanh Thuý (Đài Truyền thanh xã Thuỷ Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội)

- Giải Khuyến khích (4 giải):
* Như hoa lục bình (MS 064) 
Tác giả : Trương Y Định (Thôn 2- Eanam- Eahleo- ĐăkLăk)
*Món quà vô chủ (MS 009) 
Tác giả : Doanh Doanh (Đồng Nai)
*Đâu là hạnh phúc (MS 007)
Tác giả : Nguyễn Hồng Phượng (Trường THCS Thị Trấn, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh).
*Có nỗi nhớ ngủ quên (MS 005)
Tác giả : Phạm Quốc Rin (K51, Văn CLC, ĐHKHXH&NV Hà Nội)

 THƠ 
- Giải Nhất (không có) 

- Giải Nhì (1 giải):
*Chùm thơ : Ghi âm; Bút chì xanh đỏ (MS 182); Rối cỏ gà; Lớp học vùng cao (MS 217)
Tác giả : Vũ Đình Thi (Số 37, ngõ 12, Bà Triệu, Đông Kinh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn)

- Giải Ba (2 giải): 
*Chùm thơ : Cái tăm; Khói (MS 099)
Tác giả : Nguyễn Phương Thảo (Thôn Như Lâm, xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)
 *Chùm thơ : Internet; Chút bâng quơ (MS 080)
Tác giả : Yến Thạnh (7/1 Nguyễn Thị Minh Khai, khối 18, phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An).

- Giải Khuyến khích (4 giải): 
* Chùm thơ : Hát ru; Tôi và tôi (MS 240) 
Tác giả : Nguyễn Ngọc Chương (Trường THCS Chu Văn An, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) 
* Chơi trò bịt mắt; Bóng quê (MS 188) 
Tác giả : Trần Đình Thành (Kiệt 1, Phan Bội Châu, Đông Hà, Quảng Trị)
*Xuân say; Tình xuân (MS 015)
Tác giả : Nguyễn Khắc Vinh (Xóm 7, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội)
*Ninh Kiều (MS 200); Một mai; Hà Nội mái nắng (MS 239)
Tác giả : Đoàn Vy (TP.HCM)

Nguồn tin: lethieunhon.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây