Sân thơ Hiện đại 2011: Chuyện bây giờ mới kể

Thứ sáu - 25/02/2011 20:51 2.413 0

Hậu trường sân thơ, chiều ngày 14- 1 (âm lịch). Các tác giả đến chuẩn bị cho buổi tổng duyệt

Hậu trường sân thơ, chiều ngày 14- 1 (âm lịch). Các tác giả đến chuẩn bị cho buổi tổng duyệt
Kinh phí hạn hẹp luôn là “nỗi đau khổ” của BTC. Chưa kể đến sát nút, một nửa số tiền cho sân thơ Hiện đại mới được chuyển đến. Trong khi các hạng mục lo cho sân thơ, đều liên quan đến tiền bạc. Nào tiền in poster, tiền thi công thiết kế sân khấu, tiền thuê dàn âm thanh, tiền thù lao cho các tác giả đọc thơ, tiền thuê bàn ghế…

Những thay đổi vào phút 89

Sau nhiều kì tổ chức, Ngày thơ Việt Nam vẫn được công chúng nhắc nhớ đến với Sân thơ chính (diễn ra tại sân Thái Miếu) và Sân thơ trẻ (diễn ra tại sân nhà Thái Học). Năm nay, vào  những ngày sát tết Tân Mão, BTC quyết định đổi tên  sân thơ trẻ được thành sân thơ Hiện đại. Với sự thay đổi này, “nhân sự” tham gia sân thơ vì thế mà cũng thay đổi. Đối tượng được mở rộng, đa dạng về lứa tuổi, chứ không chỉ là những tác giả trẻ như nhiều năm. Bởi vậy, bên cạnh việc lọc ra những gương mặt tiêu biểu nhất từ hơn 60 tác giả được các nhà thơ có uy tín giới thiệu hoặc trực tiếp gửi tác phẩm về Ban nhà văn trẻ đăng kí tham dự sân thơ, BTC còn tiếp tục lựa chọn và gửi lời mời tới các nhà thơ là hội viên Hội nhà văn Việt nam để cùng xuất hiện trên sân thơ Hiện đại. Kết quả, các nhà thơ Mai Văn Phấn (Hải Phòng), Lò Cao Nhum (Hoà Bình), Nguyễn Thuý Quỳnh (Thái Nguyên) và các nhà thơ hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội là: Bảo Chân, Hữu Việt, Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Phạm Vân Anh đã nhận lời tham dự sân thơ Hiện đại.

Những gương mặt mới.

Tám tác giả trẻ được lựa chọn để xuất hiện trên sân thơ Hiện đại 2011 đều là những gương mặt mới và chỉ có 3 trong số 8 người đã từng xuất hiện, đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8. Đó là Du Nguyên (Nghệ An),  Trịnh Sơn (Vũng Tầu) và Nhã Thuyên (Hà Nội). 5 gương mặt còn lại có thể coi là yếu tố gây bất ngờ cho sân thơ Hiện đại 2011. Hoàng Anh Tuấn, sinh  năm 1984, cử nhân Luật, hiện đang công tác ở cơ quan cảnh sát điều tra tại Lào Cai chia sẻ: đây là lần đầu tiên tôi đọc thơ trước đông người. Để về được đến Hà Nội, Tuấn đã phải bắt xe đến 2 lần mới đi được . Lần bắt xe đầu tiên, vì đường tắc, Tuấn đành ngậm ngùi quay trở về nhà. Sau khi tranh thủ ngủ qua đêm, Tuấn lại ra bến bắt xe sớm. Chiều 14 – 1 âm lịch, chàng sĩ quan điều tra tỉnh Lào Cai đã kịp có mặt ở Hà Nội để tham gia buổi tổng duyệt. Phùng Thị Hương Ly, sinh năm 1991, gương mặt trẻ nhất sân thơ Hiện đại năm nay thì đến tham dự buổi tổng duyệt trong trạng thái hơi … biêng biêng vì vẫn còn say xe sau một chặng đường dài. Phùng Hải Yến - hiện đang làm báo tại Lai Châu đến Hà Nội cũng vào chiều ngày 14 cùng với một “bạn thơ tri kỉ” đặc biệt đó là  mẹ mình. Lương Đình Khoa, chàng trai Hưng Yên, nổi danh từ thời học sinh, đến với sân thơ Hiện đại trong tâm trạng hồi hộp. Tuệ Nguyên – chàng lãng tử đất Ninh Thuận đã có mặt ở Hà Nội từ trước tết, được coi là một phát hiện của sân thơ Hiện đại 2011.

Cuộc điện thoại lúc nửa đêm

Trước khi diễn ra Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 khoảng một tuần, HNV Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo. Một bản thông cáo báo chí về sân thơ Hiện đại 2011 đã được gửi tới các phóng viên. Ngay chiều tối hôm đó, các thông tin về nhân sự đọc thơ tại sân thơ Hiện đại 2011 đã được cập nhật trên báo in và mạng internet. Cũng đồng thời là lúc điện thoại của nhiều thành viên BTC trở nên nóng rẫy. Có những cuộc điện thoại réo vang khi đã 12 giờ đêm. Các cuộc chất vấn “vì sao thơ em không được chọn?” được đưa ra.

Các thành viên BTC lúc này không chỉ đơn thuần là người trả lời thắc mắc mà còn kiêm cả vai trò của một “chuyên gia tư vấn tình cảm”.

Thì họ còn có thể làm sao trước sự thất vọng trầm trọng của nhiều tác giả trẻ? Nhiều tác giả đã tự tin, đã kì vọng rằng mình chắc hẳn phải được lựa chọn. Và khi không thấy có tên mình trong danh sách tác giả tham gia Ngày thơ lần thứ 9, có người đã sốc.

Nhưng đây không phải là một cuộc thi dù có tới trên 60 tác giả với tổng cộng hơn 400 trang bản thảo đã được gửi về BTC. Một ban chọn thơ được thành lập và làm việc nghiêm túc trong nhiều ngày. Họ đã cố gắng đọc kỹ để chọn lựa những tác giả phù hợp nhất cho sân thơ Hiện đại 2011. Vì là sân thơ Hiện đại, nên những bài thơ đậm mầu sắc truyền thống của nhiều tác giả trẻ - dù rất hay nhưng không thể lựa chọn vì không phù hợp. Cũng có nhiều tác giả dù tác phẩm đã được đăng tải trên  nhiều báo chí, nhưng chùm thơ gửi về “ứng cử” chưa thật sự tiêu biểu nên đã không được Ban chọn thơ “chấm điểm”.

Một thành viên BTC kể: “tôi đã phải động viên bạn trẻ ấy rằng: bạn còn trẻ, và còn nhiều cơ hội để bạn xuất hiện, nếu bạn thực sự là người có năng lực. Với thơ nói riêng, và văn học nói chung, đừng quá sốt ruột. Hãy là con ngựa khoẻ, chạy đường xa không biết mỏi. Bạn trẻ kia đã im lặng rất lâu sau lời nói của tôi. Tôi hi vọng bạn ấy sẽ hiểu và tiếp tục con đường mình đã chọn.

Bình minh lúc 10 giờ!

Đó là giờ giấc của “người đa tài” Nguyễn Anh Vũ. Năm 2009, Vũ là một trong 8 tác giả trẻ xuất hiện tại sân thơ trẻ, khi ấy có tên gọi “Thơ trẻ - 360 độ”. Vũ còn là tác giả văn xuôi, đã đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ quân đội năm 2009 và là một trong 10 tác giả lọt vào top ten truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2009. Không chỉ có thế, Nguyễn Anh Vũ còn là hoạ sĩ và một chuyên gia thiết kế sân khấu. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 – Vũ xung phong làm hoạ sĩ thiết kế sân khấu và các poster cho sân thơ Hiện đại, với tinh thần cống hiến. Nguyễn Anh Vũ tâm sự: “ những năm trước các anh chị trong ban nhà văn trẻ đã tạo điều kiện cho những tác giả trẻ như tôi có cơ hội xuất hiện tại sân thơ trẻ thì năm nay tôi cũng muốn đóng góp một chút sức lực nhỏ bé của mình để cùng chung sức với các anh chị”.

Cũng phải nói thêm, một trong những dấu ấn riêng biệt của sân thơ Trẻ trước đây và sân thơ Hiện đại năm nay, chính là các poster tôn vinh các tác giả thiết kế bắt mắt, trẻ trung và ấn tượng. Năm nay, với chủ đề Blog Xuân, sân khấu chính và 10 thi quán được thiết kế cách điệu màn hình và bàn phím mắt tính, thực sự tạo được ấn tượng với bạn yêu thơ. Họ đã được nghe thơ, xem thơ, đắm mình trong một không gian thơ đầy mầu sắc.

Với việc nhận lời thiết kế sân khấu và poster cho sân thơ Hiện đại, hàng ngày Nguyễn Anh Vũ phải thức đến 4- 5 giờ sáng, thiết kế chỉnh sửa rồi gửi mẫu cho bên in ấn. Khi mọi người thức dậy, đi làm, Vũ mới tranh thủ chợp mắt. Và câu mà Vũ thường khẩn thiết nhắn nhủ bạn bè là “làm ơn đừng gọi điện trước 10 giờ nhé”

Sợ quen nếp ngủ mà quên đến Ngày thơ, 7 giờ sáng ngày rằm tháng giêng, nhà văn Võ Thị Xuân Hà phải nhắn tin đánh thức chàng hoạ sĩ đa tài. Nhưng sau đó thì chính nhà văn Võ Thị Xuân Hà ngủ quên đến gần 8 giờ vì quá mệt với bởi trăm thứ phải lo để chuẩn bị cho sân thơ Hiện đại được diễn ra tốt đẹp!

Nói về chuyện ngủ, chắc các thành viên BTC đều mơ một giấc ngủ đã đời sau khi ngày thơ kết thúc. 10 giờ đêm ngày 13- 1 âm lịch, nhà thơ Hữu Việt  còn phải lọ mọ trực chiến ở Văn Miếu để tập kết nguyên vật liệu cho việc thi công sân khấu. Nhà thơ Phan Huyền Thư may không … tẩu hoả nhập ma dù vừa phải lo kịch bản, vừa lo âm thanh, ca sĩ cho các tiết mục văn nghệ xen kẽ trong ngày thơ. Tối muộn ngày 14- 1 âm lịch, sau khi rà soát lại các công việc chuẩn bị tại sân Thái Học, các thành viên BTC mới trở về nhà, trong làn mưa bụi dày đặc.

Đồng hành với thơ

Kinh phí hạn hẹp luôn là “nỗi đau khổ” của BTC. Chưa kể đến sát nút, một nửa số tiền cho sân thơ Hiện đại mới được chuyển đến. Trong khi các hạng mục lo cho sân thơ, đều liên quan đến tiền bạc. Nào tiền in poster, tiền thi công thiết kế sân khấu, tiền thuê dàn âm thanh,  tiền thù lao cho các tác giả đọc thơ, tiền thuê bàn ghế… Năm nay, do điều kiện tài chính khó khăn, nên BTC đành có lời cáo lỗi với các tác giả ở xa về, các tác giả phải tự túc tiền đi lại, ăn ở khi về tham gia ngày thơ. Thôi thì cũng là một sự hy sinh cho thơ. Nhưng có những khoản tiền không thể không chi, vậy là BTC cứ loay xoay tính đi tính lại, cắt khoản nọ, bù khoản kia. Tính đi tính lại, dù cắt giảm chi tiêu đến tối đa, vẫn không thể đủ được. Vậy là trong cuộc họp “tác chiến” sát nút ngày thơ, các thành viên BTC đành rút điện thoại, vận dụng mọi mối quan hệ để “cấp cứu” cho … thơ. Điện thoại đi điện thoại lại, trời mùa đông mà mồ hôi người nào người nấy dấp dính. May sao, Mạnh Thường Quân đã xuất hiện đúng lúc nguy khó. Người nhận in poster, người nhận phần thi công. Cánh cửa đã được mở.

Và ngày thơ diễn ra trong không khí tưng bừng. Các Mạnh Thường Quân thì lặng lặng giấu mặt, chỉ khiêm tốn những logo nằm lại, đó là Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E Ha Noi; Công ty CP Dịch vụ triển lãm Kinh Kỳ CESCO.V; Công ty Life. Productions; Công ty CP đầu tư và phát triển Thống Nhất. Họ còn nhiều việc phải làm. Và nghĩa cử với thơ, cũng là tấm lòng chân thành của họ dành cho thơ. Thơ thì cần lắm những tấm lòng như vậy.

Tác giả: Bảo Anh

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây