Hội họa trẻ 2010: Những chuyển biến mới

Thứ năm - 04/11/2010 01:13 4.195 0

Tác phẩm Búp bê, tranh sơn dầu của Nguyễn Đủ.

Tác phẩm Búp bê, tranh sơn dầu của Nguyễn Đủ.
Cùng thời điểm đầu tháng 11, hai cuộc triển lãm tại phòng tranh của Trường Đại học Mỹ thuật và Hội Mỹ thuật TPHCM đang gây được sự chú ý của giới mỹ thuật trẻ thành phố.
  • Bắt đầu từ ý tưởng 

Buổi khai mạc phòng tranh kỷ niệm hai năm thành lập Câu lạc bộ Giảng viên trẻ diễn ra khá sôi động tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM (số 5 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh).

Người xem có thể nhận ra đây là sự cố gắng của 21 giảng viên trẻ, mong muốn trình làng những tác phẩm thể hiện “dấu ấn riêng” của mình. Đó là những bức chân dung được thể hiện khá tinh tế của Phan Vũ Linh; loạt tranh phong cảnh đầy tính chân thực của Lê Hoài Nam; Hành khất của Tiểu Văn Khoa; Mùa xuân của Liêu Nguyễn Hướng Dương; nét cách tân tranh lụa Vũ nữ của Bùi Tiến Tuấn; tính ẩn dụ trong tranh sơn dầu Lòng yêu nước của con cá của Nguyễn Thị Bảo Ngọc; Hiện tại xanh của Nguyễn Minh Quang…

Mang một phong cách mỹ thuật chung đậm tính trường quy, bài bản, nhưng qua một số sáng tác tiêu biểu trong phòng tranh đã cho thấy sự hé lộ những thay đổi về cách đặt vấn đề, sự bắt đầu từ ý tưởng và cách thể hiện ngôn ngữ hội họa tương đối mới của các họa sĩ - giảng viên trẻ.

  • Thế giới không phẳng 

Một triển lãm khác đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TPHCM (218A Pasteur, quận 3) cũng tạo ấn tượng mới mẻ cho người thưởng thức qua 26 tác phẩm giá vẽ, một cụm tác phẩm kỹ thuật số và một tác phẩm sắp đặt của 28 tác giả.

So với cuộc triển lãm còn mang tính “nếp nhà” của CLB giảng viên trẻ, phòng tranh CLB Họa sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật TPHCM) bộc lộ sự đối thoại giữa người sáng tác với cuộc sống đương đại khá mạnh mẽ.

Họ quan tâm đến những vấn đề thời sự tương đối “nóng” đang diễn ra trong xã hội. Môi trường thiên nhiên, không gian sống được bộc bạch qua nhiều góc nhìn của người sáng tác: tranh Lê Huy Cửu đơn giản, mang tính tượng trưng, ít sắc màu, biểu lộ sự phê phán với Nhan sắc và lá phổi thành phố; tác phẩm Bụi trong thành phố của Limkhim Katy được thể hiện bán trừu tượng qua gương mặt cô gái xinh xắn mờ mịt trong bụi của gam màu trắng bạc, tràn qua cả khung tranh!

Đối nghịch sự hòa lẫn cái đẹp và chất mộc thô ráp này, bức Tượng gỗ của Lâm Huỳnh Linh được thể hiện khá đẹp, hài hòa màu sắc, theo phong cách trừu tượng truyền thống hay Đỗ Minh Hiếu với Mặt hồ tĩnh lặng theo phong cách bán trừu tượng.

Mối quan hệ cộng đồng được một số họa sĩ quan tâm và lý giải qua sự cảm nhận riêng của cá nhân. Vẫn trung thành với lối vẽ siêu thực, tranh Nguyễn Sơn chọn vấn đề có vẻ gai góc qua Thế giới không phẳng như sự phản biện của tác giả trước thực trạng cuộc sống: Con người thực sự có quan tâm đến nhau? Trong thế giới phẳng có chăng một sự kết nối theo ý nghĩa đúng đắn nhất? Con người đối xử với môi trường thiên nhiên như thế nào? Thế nào là cái đẹp và tính nhân văn?...

Đi tìm giải pháp cho thực trạng Kẹt xe, Ngô Đình Bảo Châu thể hiện ý tưởng sáng tác một cách thông minh, qua chính hình ảnh ba ô màu đỏ, vàng, xanh, lấp lánh biểu tượng là hình ảnh dành cho lời giải thích: Cuộc sống xã hội đang thay đổi, phát triển nhưng ý thức trật tự giao thông phải bắt đầu từ cái gốc của giáo dục công dân, giáo dục văn hóa.

Tương tự, với cách tự đối thoại với chính bản thân người sáng tác, tranh Nguyễn Đình Hiến mang phong cách siêu thực khá ngộ nghĩnh qua Tôi và thiên nhiên; Nguyễn Phạm Trung Hậu với X-Men; Tiến Trọng Nghĩa thử nghiệm cách vẽ graffity của đường phố lên giá vẽ qua bức Trở về với nghệ thuật; Nguyễn Đủ với Búp bê như mỉa mai sự thổi phồng những ước mơ giả tạo; chàng Siêu nhân của Võ Duy Đôn là một cách tự phô bày, khi bóc hết lớp vỏ bọc bên ngoài, con người mang một cái tôi trần trụi và anh ta không thể che giấu nổi nỗi cô đơn của chính bản thân!

Bên cạnh, những góc nhìn khác: Phương Quốc Trí vẫn kiên trì với lối vẽ mạnh mẽ tạo mảng chân dung về sự suy tư của trí thức thời đại qua bức Ngẫm; Nguyễn Văn Hoạch với bức bà mẹ Việt Nam đầy ấn tượng; Nguyễn Trí Minh Tuyết với Sóng đôi tươi tắn; Nguyễn Đào Trường Nghi với bức Bé con hiền lành

Ngoài ra, còn có sự tham gia của các gương mặt hội họa quen thuộc: Mai Anh Dũng, Lê Kinh Tài, La Như Lân, Lưu Lương Biên, Mạc Hoàng Thượng…

Đi tìm cái mới không có nghĩa là sự gây “sốc”, họa sĩ Nguyễn Sơn thay mặt Ban điều hành CLB Họa sĩ trẻ bày tỏ quan niệm sáng tác. Anh cho rằng bản thân người sáng tác có thể tự dằn vặt, chịu nghiệt ngã trên con đường sáng tạo nhưng tác phẩm của họ phải gắn bó với cuộc sống, thể hiện được tính nhân văn và cái đẹp của con người đương đại.

Nguyễn Sơn cho biết triển lãm của CLB Họa sĩ trẻ lần này là bước khởi động, chuẩn bị cho hoạt động triển lãm trẻ Bienale 2011 do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức sắp tới, trước khi bước vào Festival Trẻ triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2011, ở Hà Nội. 

Tác giả: Kim Ửng

Nguồn tin: SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây