Có một Nguyễn Nhật Ánh 'say' viết truyện thiếu nhi

Chủ nhật - 31/10/2010 07:57 2.368 0

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Có lẽ tác giả "Kính vạn hoa" không hề muốn tự dễ dãi với bản thân mình. Anh đang mong sáng tạo những trang văn mới. Và đó cũng là một bí ẩn mà người viết bài này chưa hề biết.

Năm 2002, Nguyễn Nhật Ánh đã dừng bộ sách Kính vạn hoa ở tập 45 với tựa đề Còn chút gì để nhớ… Bẵng đi, những tưởng các nhân vật sẽ… "mãi mãi tuổi mười ba". Nào ngờ, năm 2007, Nguyễn Nhật Ánh viết tiếp tập 46, các nhân vật bỗng lớn bồng lên, bước vào một tuổi đằm thắm hơn. Có lẽ đã có hơn "một chút gì để nhớ" trong tâm hồn nhà văn, khiến anh không thể xa được các nhân vật Kính vạn hoa được nữa.

Tôi gặp Nguyễn Nhật Ánh lần đầu tiên năm 1982, tại trại sáng tác ở thành phố biển Vũng Tàu. Ngày ấy Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Trần Thùy Mai và cả chị Dạ Ngân còn rất trẻ… Khi đó, những biên tập viên từ Hà Nội vào như tôi đều lúng túng ngại ngần khi gặp gỡ các cây bút miền nam. NXB Kim Đồng lúc này đã có chi nhánh ở TP HCM, và nhà văn Thy Ngọc đã dẫn chúng tôi ra Vũng Tàu để làm quen với các bạn viết mới.

Cuộc gặp gỡ ngày ấy thật giản dị. Tôi nhớ Nguyễn Nhật Ánh bảo có đọc cuốn Những tia nắng đầu tiên của tôi (sách tái bản năm 1979) và Ánh cũng thích viết cho tuổi học trò. Ngày ấy, anh mới đi thanh niên xung phong về và được biết đến như một nhà thơ. Sau đó anh bắt đầu xuất hiện nhiều trên trang sách của NXB Trẻ, và cả của NXB Kim Đồng như Bàn có năm chỗ ngồi, Thằng quỷ nhỏ, Chú bé rắc rối… Nhiều anh chị em chuyên về văn học thiếu nhi như anh Định Hải, chị Vân Thanh… và tôi đều tìm đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh. Mọi người có những ý kiến rất khác nhau. Ánh viết chuyện nhà trường, chuyện sinh hoạt thiếu nhi, những đề tài các nhà văn miền Bắc cũng đã viết, nhưng Ánh viết khác, nghịch ngợm, khôi hài, đời thường, ít những cảm xúc thiêng liêng, cao cả nhuốm mầu sắc "sử thi" như các cây bút thời kháng chiến. Điểm khác này khiến cho giới văn học thiếu nhi Hà Nội có nhiều ý kiến khác nhau.

Kính Vạn Hoa là bộ sách "gối đầu giường" của nhiều bạn đọc trẻ.

Năm 1995, Nguyễn Nhật Ánh ra Hà Nội họp hội nghị những người viết văn trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Ông Nguyễn Thắng Vu, giám đốc NXB Kim Đồng lúc đó phân công tôi đi gặp Nguyễn Nhật Ánh trao đổi để đặt anh viết một tập truyện dài kỳ cho NXB Kim Đồng. Ước vọng làm truyện dài kỳ Việt Nam của NXB Kim Đồng bắt nguồn từ thắng lợi của bộ sách Truyện tranh Đôrêmon (Doraemon- Nhật Bản) và bộ truyện trinh thám TKKG (Đức). Đây là thời điểm chuyển biến của NXB Kim Đồng và cũng là sự thay đổi tư duy của văn học thiếu nhi Việt Nam. Trước đây, sách cho thiếu nhi tính giáo dục được đề cao hơn tính giải trí. Giờ đây, nhu cầu giải trí của trẻ em được quan tâm, trẻ em vui vẻ thì mới tiếp thu được những điều bổ ích.

Nguyễn Nhật Ánh tỏ ý muốn viết thử 5 tập truyện sinh hoạt thiếu nhi theo kiểu truyện dài kỳ. Nói là làm, chẳng bao lâu sau NXB Kim Đồng nhận được bản thảo 5 tập đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh từ TP HCM gửi ra Hà Nội. Bản thảo đánh máy rất sạch sẽ. Hiện thực truyện gần gụi với đời sống sinh hoạt ở nhà và ở trường của học sinh. Vẻ chân thực và thiện tâm hiện ra từ những lời nói, cách nghĩ và cả những sai lầm ngốc nghếch vụng về rất trẻ thơ của các nhân vật khiến tôi thấy đồng cảm ngay bởi tôi vốn là người viết cho thiếu nhi và đã từng là cô giáo. Lúc ấy, nếu có ai hỏi tôi tính nhân văn của văn học thiếu nhi là gì? Tôi xin trả lời rằng đó là văn học "Vì quyền trẻ em". Nguyễn Nhật Ánh đã làm được công việc mà rất nhiều nhà văn dù vô cùng tâm huyết nhưng không thể làm được, đó là anh đã diễn tả được đời sống vui buồn, ước mong, khát vọng… hợp với tâm hồn trẻ em.

Khi ông Nguyễn Thắng Vu hỏi tôi về bản thảo, tôi trả lời những suy nghĩ của mình. Giờ đây, nghĩ lại thời điểm 15 năm về trước, tôi càng cảm thấy khâm phục sự quyết đoán của Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng ngày ấy. Văn học thiếu nhi Việt Nam đã mạnh dạn bước vào một cuộc đổi mới, trang sách gần gũi với các em hơn, và chính vì thế sẽ chắc chắn được trẻ em đón nhận. Ông Nguyễn Thắng Vu đã đi đến một quyết định rất táo bạo: Tạm ứng cho Nguyễn Nhật Ánh một khoản tiền là 50 triệu đồng để anh yên tâm sáng tác Kính vạn hoa.

Từ trái qua: Giám đốc NXB Kim Đồng Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc NXB Trẻ Lê Hoàng và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại cuộc giao lưu với độc giả Hà Nội năm 2002 nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ngành xuất bản.

Kính vạn hoa đã được bố trí xuất hiện trong loạt Tủ sách vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng cùng với Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài); Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa); Đất rừng phương nam (Đoàn Giỏi);Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng); Sao khuê lấp lánh(Nguyễn Đức Hiền)... Việc bố trí này cũng gây ra tranh cãi trong ban biên tập, chẳng lẽ một tác phẩm mới tinh lại sánh vai với các tập sách kinh điển đã được thử thách với thời gian ư? Sách cũ thì có sẵn rồi, sách mới liệu viết có kịp không, hay là "nửa đường đứt gánh"? Nhưng rồi có ý kiến nói lại: "Chẳng biết sách mới gánh sách cũ hay sách cũ gánh sách mới?”.

Giờ đây, ông Nguyễn Thắng Vu, vị giám đốc của NXB Kim Đồng ngày ấy đã đi xa mãi mãi. Hình ảnh của người chèo lái con thuyền NXB Kim Đồng ra biển lớn dường như không thể phai nhòa trong trí nhớ của biết bao người. Với Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, NXB Kim Đồng dành sự ưu ái mà không phải là phiêu lưu liều lĩnh. Phiêu lưu sao được trước đồng vốn ban đầu còn mong manh của NXB Kim Đồng vừa mới thoát ra khỏi thời kỳ bao cấp? Có lẽ khát vọng làm một bộ sách văn học thiếu nhi Việt Nam, để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em Việt Nam bằng văn học của chính dân tộc mình đã khiến người đứng đầu NXB Kim Đồng lúc đó quyết định tổ chức sản xuất kinh doanh "sách nội" tung ra thị trường.

Cuối cùng, hơn cả sự tưởng tượng, Kính vạn hoa cùng Tủ sách vàng thắng lợi ròn rã trên thị trường từ cuối năm 1995, rồi 1996, 1997, 1998… Nhớ lại những ngày ấy, là nhớ đến cả họa sĩ Hoàng Tường. "Đến hẹn lại lên" đến kỳ nộp bản thảo là cả nhà văn và họa sĩ đều rất đúng tiến độ, chưa có một lần chậm trễ, chưa một lần nào bị nhà in trách móc. Họa sĩ Hoàng Tường đã thực hiện bìa và minh họa cho bộ Kính vạn hoa rất độc đáo, tạo ra ấn tượng riêng, hiện đại và rất thiếu nhi.

Năm 1997 tôi có dịp đến nhà Nguyễn Nhật Ánh ở đại lộ Trần Hưng Đạo, TP HCM. Ấn tượng đầu tiên với tôi là nhà anh rất nhiều sách để tra cứu, đọc thêm... Vào những năm ấy, anh là một trong những nhà văn tiên phong sáng tác trên máy vi tính. Và, để viết Kính vạn hoa, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ "sống hai lần tuổi thơ" mà anh còn phải nghiêm túc và kỹ càng với những chi tiết trong truyện, như nghề "đóng thế" (cascadeur), việc tìm phương hướng trong rừng, các phản ứng hóa học khi pha trộn các hóa chất…

Đã có những lúc tưởng chừng bộ sách sẽ hết "lửa", NXB Kim Đồng đã tổ chức những cuộc giao lưu tác giả với bạn đọc ở cả hai miền Nam, Bắc. Gặp gỡ với những tình cảm ngây thơ của tuổi học trò, tác giả lại thấy bừng lên niềm vui sáng tạo. Kính vạn hoa đạt 45 tập đúng dịp Nhà xuất bản Kim Đồng kỷ niệm 45 năm (2002). Nguyễn Nhật Ánh đã đi đến một kỷ lục truyện thiếu nhi ở Việt Nam! Đứng trên đỉnh cao đó anh không dừng lại. Anh tiếp tục với Chuyện xứ Lang Biang, rồi Tôi là BêtôCho tôi xin một vé đi tuổi thơ, rồi liên tiếp các giải thưởng đến với anh mà gần đây nhất là Giải thưởng văn học Asean 2010.

Giờ đây, năm tháng đã qua, cây bút trẻ ngày nào đã thành nhà văn ở tuổi ngũ tuần. Ở tuổi 50-60 có những người sẽ sống một cuộc sống đẹp với những dư âm trong trẻo của tuổi thơ, sự đằm thắm của tuổi xuân và những suy nghĩ chiêm nghiệm quý như vàng. Có lẽ tác giả Kính vạn hoa không hề muốn tự dễ dãi với bản thân mình, anh đang mong sáng tạo những trang văn mới. Và, đó cũng là một bí ẩn mà người viết bài này chưa hề biết.

Tác giả: Lê Phương Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây