Thất vọng Bi, đừng sợ!

Thứ hai - 14/03/2011 05:31 3.005 0

Bi - diễn viên nhí Phan Thành Minh (phải)  - nhân vật được xem là “điểm sáng” duy nhất cho phim (ảnh do đoàn phim cung cấp)

Bi - diễn viên nhí Phan Thành Minh (phải) - nhân vật được xem là “điểm sáng” duy nhất cho phim (ảnh do đoàn phim cung cấp)
Đa số nhà chuyên môn đều chê Bi, đừng sợ!, thậm chí có người còn cho rằng nó như một “cú tát vào mặt khán giả”.

Phim Bi, đừng sợ! (kịch bản và đạo diễn Phan Đăng Di, sẽ công chiếu từ ngày 18-3) đã gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông suốt một thời gian dài khi gặt hái được một số giải thưởng tại vài liên hoan phim quốc tế. Vì thế, khán giả trong nước chờ đợi ngày phim ra rạp. Nhưng sau vài buổi chiếu ra mắt, người xem, cả khán giả bình thường lẫn giới chuyên môn, hoàn toàn thất vọng trước những gì thể hiện trên phim. 

Hiện thực xa lạ, đen tối

Bi, đừng sợ! mang tư tưởng lớn: Thế giới xung quanh dù có ngả nghiêng, xô lệch, con người có rệu rã, mục nát như thế nào thì với trẻ thơ, mọi thứ đều trong veo, cuộc sống vẫn đầy những khát vọng khám phá và tràn đầy tình yêu thương. Nhưng các nhà chuyên môn cho rằng những gì thể hiện trên phim hoàn toàn ngược lại với điều họ kỳ vọng trước đó.

Mỗi nhân vật trên phim đều ẩn giấu bi kịch mà cội nguồn là những ẩn uất khao khát về tình dục. Một người vợ (mẹ Bi, diễn viên Kiều Trinh) luôn thèm khát vì bị chồng (bố Bi, diễn viên Hà Phong) bỏ quên trong khi người chồng thì đi tìm sự thỏa mãn ở bên ngoài; một cô giáo (cô Bi, diễn viên Hoa Thúy) khi lạc tình với người thanh niên trẻ, lúc si mê cuồng dại với một người đàn ông khác... Tất cả họ đều có những cách riêng để giải tỏa trong lặng lẽ những kìm nén của chính mình. Trái tim họ bị tàn phá bởi những khao khát thẳm sâu, sự bức bối, ngột ngạt và đau đớn. Con người bế tắc trước những ngõ cụt nội tâm, cả một vòm trời đen tối như bao bọc cả 3 thế hệ trong một gia đình vì những dục vọng tầm thường. Mọi mối quan hệ đều rệu rã.

Điểm sáng duy nhất cho bộ phim chỉ có thể là nhân vật Bi (diễn viên nhí Phan Thành Minh) với gương mặt thơ ngây, trong trẻo trước tất cả mọi thay đổi của cuộc sống.

Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, Ban Lý luận phê bình - Hội Điện ảnh Việt Nam, dù có lời khen Phan Đăng Di “đã làm phim rất công phu, những lát cắt từ những ngôi nhà, bãi sông được chăm chút bằng những góc máy rất ấn tượng”, cũng không ngần ngại nói: “Xem phim chẳng thấy giống con người Việt Nam gì cả. Những con người như thế không tiêu biểu ở miền đất vốn dĩ rất luôn coi trọng nề nếp, nền tảng gia đình như Hà Nội”.

Nhà phê bình Đoàn Minh Tuấn nhận xét nặng nề hơn: “Bi, đừng sợ! đã bóp méo sự thật, không coi trọng con người. Phản ánh hiện thực cuộc sống phải làm sao để khán giả có thể nhìn thấy họ trong đó nhưng xem phim, khán giả không chia sẻ được với đạo diễn mà chỉ cảm thấy con người đang bị xúc phạm đến tận cùng. Không ai phản ứng chuyện điện ảnh nêu lên những vấn đề về tình yêu, tình dục và phản ánh nó bằng ngôn ngữ điện ảnh mượt mà, bằng những tư tưởng lớn lao nhưng ở phim này, tôi chẳng thấy được ở chỗ nào cả”.

Nhà báo – nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long thẳng thắn: “Phim phản ánh một đời sống quá đen tối và bức bối của tầng lớp thị dân, xoay tròn trong một gia đình mà tất cả các giá trị truyền thống đang bị phá vỡ. Những con người bình thường tự đi vào ngõ cụt cảm xúc của họ và không có lối ra”.

Nhà phê bình Thanh Lộc cho rằng: “Bi, đừng sợ! đã rơi vào chủ nghĩa tự nhiên, theo góc nhìn phiến diện của đạo diễn về cuộc sống, hoàn toàn xa lạ với nghệ thuật. Điện ảnh có quyền chọn thể hiện cái cá biệt nhưng nó phải phản ánh được cái chung”.

Bức bình phong “giải thưởng quốc tế”

Lâu nay, nhiều phim nghệ thuật thường đi theo đường vòng: Ra mắt khán giả khi đã chu du qua nhiều liên hoan phim quốc tế và đã có một vài giải thưởng mang về từ các liên hoan phim này, như là yếu tố gây thu hút khán giả trong nước. Nhưng theo nhà báo Cát Vũ, cũng phải xem đó là giải thưởng gì. Bởi một khi phim bị công chúng quay lưng thì giải thưởng cũng trở thành vô nghĩa.

Nhà phê bình Đoàn Minh Tuấn bày tỏ quan điểm: “Các phim tố cáo hiện thực nêu lên những mặt trái của xã hội, những nghiệt ngã của con người rất thường được phương Tây trao giải. Các phim dạng này cũng không hiếm ở nhiều nước: Nga, Ba Lan, Cộng hòa Czech... Nhưng sẽ khó mà thấy được tương lai của đạo diễn nếu như mải theo đuổi dạng phim kiểu này”.

Một bộ phim khi đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế thì nghiễm nhiên chiếm một “vị thế” nhất định, ngay cả khi nó khó hiểu cũng không nhiều người dám “nói thẳng, nói thật”. Tâm lý chung này đã vô tình mặc định cho những bộ phim “xem không hiểu được, không cảm được” trở thành tác phẩm “có tư tưởng lớn”.

Dù Bi, đừng sợ! được Công ty Galaxy nhận phát hành nhưng các nhà chuyên môn khẳng định sẽ khó có khán giả vì bộ phim không thỏa mãn yếu tố giải trí và cũng không chạm được đến cảm xúc của người xem. Có nhà chuyên môn còn cho rằng Bi, đừng sợ! giống như một “cú tát vào mặt khán giả” khi ra rạp.

Góc nhìn khác

Ở góc nhìn tinh tế, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã tìm kiếm “điểm cộng” cho Bi, đừng sợ! bằng những phân tích: “Có thể thấy Phan Đăng Di nhập vào dòng phim hiện thực với những chuẩn mực của nó. Phim mô tả cuộc sống của một gia đình bình thường với những trắc trở của cuộc sống.

Những hình ảnh trên phim trong veo, như một dòng chảy chậm, phản ánh cuộc sống như chính nó đang diễn ra. Diễn viên cũng sống thật, thoải mái trong không gian thật của cuộc sống.

Phan Đăng Di đã chuyển tải hình ảnh bằng một góc máy dài để người xem có thể tự do đảo mắt nhìn xung quanh, quan sát và cảm nhận cuộc sống của các nhân vật; mọi góc cạnh của cuộc sống khách quan và thật nhẹ nhàng như những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, lặng lẽ như mọi việc, mọi vật vốn vậy”.

Thế nhưng, ý kiến của đạo diễn phim Trăng nơi đáy giếng không được nhiều người trong giới đồng tình, họ cho rằng tác phẩm điện ảnh chinh phục công chúng bằng sức hút toàn diện chứ không thể là những lát cắt, những tiểu tiết rất nhỏ

Tác giả: Tiểu Quyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây