Hoàng đế và giai nhân

Thứ năm - 02/12/2010 03:47 2.315 0

Bìa sách "Hoàng đế và giai nhân".

Bìa sách "Hoàng đế và giai nhân".
Với ‘Alexandre và Alestria’, Sơn Táp (Shan Sa) một lần nữa tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc từ Tây sang Đông. Những bước chinh phạt bạo liệt, những khát vọng yêu đương mê đắm, tất cả hiện lên sống động trong cuộc đời huyền thoại của Alexandre Đại đế, ‘vua của các vị vua’.

Tiểu thuyết: Hoàng đế và giai nhân
Tác giả: Sơn Táp
Người dịch: Nguyễn Vũ Hưng
NXB Lao Động

Câu chuyện kể về Alexandre xứ Macedonie, vua của các vị vua, người chinh phục các thành bang Hy Lạp, và người mẹ Olympias, con gái vua xứ Epire.

Sơn Táp tái tạo hai nhân vật có thật trong lịch sử, gồm Alexander Đại Đế của xứ Macedonia (sống trong khoảng năm 336 đến 323 trước Công nguyên), con của Vua Philip Đệ Nhị và công chúa Olympias (người vợ thứ tư của nhà vua); và nhân vật thứ hai là Alestria, Nữ hoàng xứ Amazons băng tuyết thuộc vùng sâu Siberia, một nhân vật lịch sử ít được nhắc tới.

Nhà văn hư cấu một chuyện tình giữa hai nhân vật oai hùng này để mô tả hai tính cách điển hình của nam và nữ. Tương truyền vì vẻ đẹp và tài năng phi thường phát triển quá sớm, nên Alexander bị vua cha vừa thương yêu vừa hành hạ suốt thời thơ ấu. Alexander cũng bị bà hoàng Olumpias, người mẹ đầy quyền uy, vùi dập, đẩy vào bóng tối.

Mặc dù vậy, khi lớn lên, kế nghiệp vua cha, chàng đã trở thành một Đại Đế oai hùng chinh Đông phạt Tây, dựng nên đế quốc Macedonia rộng lớn nhất trong lịch sử. Thưở nhỏ Alexander theo học người thầy - triết gia lừng danh Aristotle. Aleaxander không những là một nhà quân sự đại tài mà còn là một người tình lãng mạn nồng cháy, đương thời đã cưới hai bà hoàng phi người ngoại quốc. Một trong hai người đó là Alestria.

Alestria vốn là một bé gái bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi còn trứng nước, được Nữ hoàng xứ Amazons đem về nuôi và sau này truyền ngôi báu cho cô. Vương quốc Amazons nằm ở vùng chỏm Bắc cực, một vùng mênh mông hoang dã chỉ có băng tuyết và núi lửa, bao lâu được cai trị bởi những vị nữ vương cương cường nhưng cũng rất thù ghét nam giới. Alestria xinh đẹp, tài giỏi và cực kỳ dũng mãnh. Trong cuộc chinh phạt châu Á, Alexander đã đụng đầu với Alestria trên trận địa. Ngạc nhiên vì đối thủ của mình lại là một phụ nữ tuyệt sắc, Alexander bỗng trở thành một con người khoan hòa dịu dàng. Phần Alestria, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp oai hùng của Alexander, quyết định sẽ bắt cóc vị Đại Đế này về “làm vợ”.

Chuyện tình của hai người được Sơn Táp mô tả sau khi họ gặp gỡ nhau trên cái nền của những cuộc viễn chinh. Alestria đã bỏ bộ lạc Amazons sau lưng, cùng Alexander tung vó dẫn đoàn quân bách chiến bách thắng vượt ngàn trùng để chinh phạt từ cổ Hy Lạp, Ba Tư, Ai Cập qua các xứ Iran, Iraq thời xưa cho đến sát lãnh thổ bán đảo Ấn Độ. Truyện được kể lại qua lời tự sự của Alaxander, Alestria, và một phần ngắn ngủi của Ania, thị nữ tín cẩn của Alestria.

Với cách sử dụng thủ pháp đồng hiện điêu luyện, văn phong giàu hình ảnh và lối kể chuyện thôi miên, Sơn Táp đã tái hiện lại cuộc đời độc nhất vô nhị của Alexandre Đại đế. Từ bi kịch của cha mẹ (vua Philippe và hoàng hậu Olympias) đến những tính cách “bay trên ngọn lửa” của chính mình, là căn cớ hình thành nên một vị vua độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại.

Bút pháp Sơn Táp đặc biệt sâu sắc, mãnh liệt và đẩy sự lãng mạn lên đến cực đỉnh khi làm sống lại thiên tình sử dị thường của hai con người đỉnh cao không cùng nòi giống. Trong quyển tiểu thuyết này, các nhân vật luân phiên cất lên tiếng nói cảm xúc riêng biệt, sâu thẳm của mình như là cách nhìn đa chiều với cùng một sự việc, một vấn đề. Vì thế, cả câu chuyện bạo liệt của chiến tranh lẫn câu chuyện tình mê đắm dị thường đã hiện lên sống động, tinh tế, lung linh từ góc nhìn của Alexandre Đại đế và Nữ hoàng Alestria hay cô thư lại Ania cực đoan, cá tính và rất mực trung thành.

Nhà văn Sơn Táp.

Sơn Táp (Shan Sa) tên thật là Diêm Ni, sinh năm 1972 tại Bắc Kinh. Năm 1990, cô rời Trung Quốc sang Pháp, học ở Paris và làm việc 2 năm cho họa sĩ Balthus. Tác phẩm đầu tay của cô là Thiên An môn đã giành giải Goncourt cho tiểu thuyết đầu tay năm 1998. Cuốn tiếp theo, Bốn cuộc đời của cây liễu, giành giải thưởng Cazes năm 1999. Đặc biệt với Thiếu nữ đánh cờ vây, Sơn Táp được trao giải Goncourt cho giới trẻ năm 2001.

“Nếu chỉ viết những chuyện thời mình sống thì chưa trở thành nhà văn” là điều Sơn Táp tâm niệm. Nhờ vậy, ở tuổi 29, cô đã trở nên nổi tiếng trên văn đàn Pháp và thế giới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây